Cỗ máy Sarri-ball có trục trặc ngay trước đại chiến

Thứ Ba, 25/09/2018, 21:20
Trận hòa không bàn thắng trên sân "người hàng xóm" WestHam không chỉ khiến Chelsea đứt mạch thắng và bị đẩy xuống vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng mà nó còn khiến nhiều nghi vấn về triết lý bóng đá mang tên Sarri-ball ngay trước khi họ có cuộc đại chiến với Liverpool.

Bổ nhiệm Maurizio Sarri vốn được coi là "canh bạc" của tỷ phú người Nga Abramovich để xây dựng lại Chelsea  thành một đế chế bóng đá trong bối cảnh CLB thành London không còn là "gã nhà giàu" duy nhất của giải Ngoại hạng cũng như sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại làng bóng đá lục địa già.

Trước Sarri, 10 đời thuyền trưởng trước đó của Chelsea đều có "lai lịch đầy mình". Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, Andre Villas-Boas, Rafael Benitez tới sân Stamford Bridge với hành trang là Cup vô địch châu Âu. Luiz Felipe Scolari thậm chí còn có cả chức vô địch thế giới. Ngay cả Avram Grant cũng đã thắng cả tá cúp bạc ở quê nhà Israel...

Với tất cả những điều trên, áp lực lên vị chiến lược gia 59 tuổi này không phải là ít. Thành công thôi chưa đủ, ông còn cần phải xây dựng một lối đá có thể trở thành bản sắc của CLB giống như những gì Pep Guardiola đã làm được tại Barcelona trong thời kỳ đỉnh cao của mình. Có điều so với Pep, Sarri khó khăn hơn nhiều.

Cựu nhân viên ngân hàng  với triết lý bóng đá gần như tương tự tqui- taca nhưng lại phải thực hiện trên cơ sở một CLB có lối đá vốn trái ngược. Conte cũng như Mourinho vốn nổi tiếng với triết lý bóng đá phòng ngự thực dụng không quá coi trọng thời lượng kiểm soát bóng và ban bật đã nhào lặn Chelsea theo chiều hướng đó.

Maurizio Sarri còn rất nhiều việc để làm nếu không muốn lâm vào cảnh ngộ phải "cuốn gói" rời Chelsea như các đồng nghiệp trước đó.

Ngược về quá khứ cũng có thể thấy The Blue cũng nổi tiếng với lối chơi phòng ngự phản công chứ không không phải tấn công. Những Carlo Ancelotti hay André Villas-Boas và thậm chí cả người đã giúp CLB thành London vô địch Champion League Roberto Di Matteo cũng có triết lý bóng đá gần tương tự.

Nói thế để thấy vì sao Sarri “nằng nặc” đòi đem về sân Stamford Bridge tân binh Jorginho với giá tới 50 triệu bảng. Sarri cần những người làm bộ khung mới cho cỗ máy Chelsea vận hành trơn tru theo phong cách của mình như ông đã làm được trong ba mùa bóng với Napoli. Và quả thực cỗ máy màu xanh ấy đã hoạt động trơn tru trong 5 vòng đấu trước đó.

Đội bóng thành London thường xuyên có tỷ lệ cầm bóng lên tới 81% và tỷ lệ chuyền chính xác lên tới 92% trong đó có chiến thắng quan trọng trước Arsenal vốn cũng đang chuyển mình dưới thời tân HLV Unai Emery. Các vị trí trong sơ đồ của Sarri đã hoạt động gần như hoàn hảo. Một Jorginho trở thành máy chuyền đúng nghĩa với tầm nhìn tuyệt vời và các đường chuyền thông minh. Mateo Kovacic trở thành đồng sự đáng tin cây của Hazard trên hàng công. Cặp đôi hậu vệ cánh là Marcos Alonso và César Azpilicueta chơi công thủ toàn diện với những pha leo biên liên tục.

Ngay cả David Luiz cũng đang gây ấn tượng mạnh từ khi có Sarri. Luiz giúp Chelsea có thêm giải pháp chuyền bóng cho tiền đạo từ sâu bên phần sân nhà và giúp thủ thành Kepa có thêm địa chỉ tin tưởng để chuyền bóng khi bị đối phương pressing.

Ấy thế nhưng đêm chủ nhật vừa qua cỗ máy đó bỗng dưng "khựng lại". Chơi trên sân của WestHam, Chelsea vẫn có tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội, trong hiệp 1 họ cầm bóng tới 72% và có tới 8 cú sút với 3 quả trúng đích. Sau giờ nghỉ đội khách vẫn có tỷ lệ cầm bóng tới bóng 63% tuy nhiên những con số ấy lại không đem về hiệu quả về mặt điểm số. Thậm chí West Ham còn có phần nuối tiếc khi họ sở hữu ít nhất 3 cơ hội để làm tung lưới đội khách.

Sarri đã sử dụng hết các quân bài mà ông có để mang về 3 điểm từ trận derby London tuy nhiên không thành công. Mũi nhọn được tin tưởng nhất trên hàng công Alvaro Morata được tung vào sân trong hiệp 2 cũng chỉ để tạo ra sự tiếc nuối khi không thể tận dụng được cơ hội trước khung thành WestHam.

Sarri-ball không phải là chiếc chìa khóa "vạn năng" giúp Chelsea trong mọi trận đấu.

Điều gì khiến đội bóng như WestHam có thể cắt đứt được mạch thắng của Chelsea. Ngoài sự  xuất sắc của thủ môn Lukasz Fabianski thì  “Búa tạ” cũng đang trải qua sự thăng hoa cùng với HLV Manuel Pellegrini.  Cựu thuyền trưởng của Man City đã cắt nghĩa thành công trong trận đấu vừa qua bằng phát biểu sau trận đấu: "Chúng tôi đã chủ động nhường thế trận cho họ, tôi biết rằng rất khó để chơi đôi công với Chelsea. Diễn biến trên sân nằm trong tính toán của tôi, Chelsea cầm bóng vượt trội nhưng West Ham đã chơi phòng ngự xuất sắc".

Rõ ràng Chelsea có vấn đề, triết lý Sarri-ball về cơ bản là lấy công làm thủ. Tỷ lệ kiểm soát bóng để phát triển theo  chiều ngang (như tiqui-taca) hay chiều dọc như Sarri-ball đều có tác dụng như nhau trong việc gây áp lực lên đối phương cũng như hạn chế các đường lên bóng của đối thủ.

Song cũng như Barca từng khó khăn trước các đội bóng chơi toan tính, hay Liverpool trước đây cùng từng "sấp mặt" trong không ít lần khi giáp mặt với các đối thủ chơi phòng ngự triệt để thì Chelsea cũng có thể nhận kết quả tương tự.

Chelsea đứt mạch thắng ngay trước khi họ có cuộc đại chiến cùng Liverpool. Một loạt trận đấu then chốt khác của mùa giải cùng đang đợi họ ở phía trước.

Mạch thắng của Chelsea đã bị chặn đứng bởi chính lối đá mà họ từng thi đấu rất thành công. Mất đi 2 điểm và bị đẩy xuống thứ 3 cũng không phải là điều gì đó thảm họa. Tuy nhiên điều đó có thể là hòn đá đầu tiên đưa Chelsea và Sarri đi đến bờ vực thảm họa khi đội bóng thành London sắp có hai trận đấu với Liverpool ở cả Cup Liên đoàn và giải Ngoại hạng, xa hơn nữa là cuộc chạm trán với Man Utd.

Với The Kop hàng công có sức mạnh đáng sợ nhất tại giải Ngoại hạng Anh hiện nay thì liệu cỗ máy đang trục trặc kia nếu có đủ sức mạnh để ngăn cản cơn thủy triều đỏ khủng khiếp của thầy trò Klopp hay không. Có lẽ phải chờ đến khi kết thúc trận đấu vào rạng sáng ngày 27-9 tới mới biết được.

Tuy nhiên có thể khẳng định, nếu không thể đem về nổi cho Chelsea tấm vé dự Champions League mùa sau thì chắc chắn kỷ nguyên của Sarri tại Stamford Bridge cũng sẽ kết thúc chóng vánh như bao người tiền nhiệm tài năng khác. Ngài tỷ phú Roman Abramovich vốn không nổi tiếng về khả năng kiên nhẫn.


Cao Nhuận
.
.
.