Hai người "cùng hội, cùng thuyền"

Thứ Ba, 08/12/2015, 08:25
Trước khi khoá VII VFF thành hình, họ là hai người "cùng hội cùng thuyền", nhưng đến lúc này thì rất nhiều người đang đặt dấu hỏi vào cái "thuyền" mà họ đang đi.

Thời điểm ấy, ông Lê Hùng Dũng đang là Phó Chủ tịch (PCT) tài chính VFF, còn ông Đoàn Nguyên Đức đang là PCT VPF, và cả hai đã chung tay trong phi vụ mang CLB Arsenal danh tiếng sang Việt Nam. Đấy được cho là một cú "ép phe" khiến thương hiệu của cả hai đều được tăng lên rất nhiều, và chính nhờ bàn đạp thương hiệu ấy mà ông Dũng sau này đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với tư cách doanh nhân đầu tiên ngồi lên ghế Chủ tịch VFF.

Vẫn thời điểm ấy, ông Đức được xem như ứng cử viên sáng giá cho vị trí PCT tài chính, nhưng ông Đức thòng theo một mệnh đề: "Tôi chỉ vào Liên đoàn làm phó nếu anh Lê Hùng Dũng trúng cử chức chủ tịch".

Hai ông Đoàn Nguyên Đức - Lê Hùng Dũng từng có lúc “cùng hội cùng thuyền”. Ảnh: H.M.

Đến khi cả ông Dũng lẫn ông Đức "cầu được ước thấy" thì cả hai vẫn tiếp tục nhìn chung hướng trong việc sử dụng và tận dụng lứa cầu thủ U.19 Hoàng Anh Gia Lai JMG được đánh giá là tài năng, giàu triển vọng. Hồi ấy trong khi ông Đức bày tỏ tin tưởng với lứa cầu thủ này, bóng đá Việt Nam có thể hướng đến chiếc HCV SEA Games thì ông Dũng thậm chí còn dặn dò các cầu thủ: "Hãy cố gắng thi đấu để giúp bóng đá Việt Nam có mặt ở VCK World Cup 2018". Với sự ủng hộ của ông Dũng, ông Đức, thường trực VFF thậm chí đã quyết định để lứa cầu thủ này tham dự SEA Games 28 thay ĐT U.23 Quốc gia vào năm ngoái.

Nhưng vấn đề là ông Toshiya Miura - một sản phẩm của ông Lê Hùng Dũng xuất hiện, và với quan điểm bóng đá thực dụng của mình, ông Miura lại không chuộng các cầu thủ HA.GL. SEA Games 28 có vài cầu thủ HA.GL góp mặt nhưng chỉ một mình Công Phượng được trọng dụng, còn đâu là những cầu thủ giàu sức mạnh, giàu sức chiến đấu đến từ những trung tâm đào tạo trẻ khác. Trong khi ông Lê Hùng Dũng tin tưởng tuyệt đối vào Miura và không muốn "bẻ" Miura thì ông Đức lại rất nóng mặt với hiện tượng này.

Cách đây ít lâu, khi Đội tuyển Việt Nam "thắng rùa" Đài Loan (Trung Quốc) rồi thua tan nát Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018 thì ông Đức nói thẳng: "Còn Miura, bóng đá Việt Nam không phát triển". Đến lúc này, trên những phương tiện thông tin đại chúng, ông Dũng tuyệt nhiên không "phê" ông Đức, nhưng trong một cuộc họp của thường trực Liên đoàn thì cách nói được cho là "quá tự do" của ông Đức đã bị nhắc nhở. Tuy nhiên, đến cuộc họp ban chấp hành VFF mới đây thì ông Đức một lần nữa lại nói đến chủ đề Miura. Ông nói vào đúng thời điểm mà ông Lê Hùng Dũng phát biểu trên một tờ báo: "Đây là lúc ông Miura đang cùng ĐT U.23 tập luyện, chuẩn bị cho vòng chung kết U.23 châu Á, nên bàn về tương lai của ông ấy là điều tế nhị".

Nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra, có thể nói từ chỗ "cùng hội, cùng thuyền" và nhờ "cái thuyền" thủa ban đầu mà cả ông Dũng lẫn ông Đức đều đã có chân ở VFF nhiệm kỳ VII thì đến lúc này, có nhiều dấu hiệu cho thấy "cái thuyền" của mỗi người lại có một màu sắc khác.

Hoá ra cái nhiệm kỳ mang tính cách mạng với một ông chủ tịch là doanh nhân và một ông phó chủ tịch tài chính cũng là doanh nhân lại có  lắm vấn đề hơn người ta tưởng tượng trước đó rất nhiều.

Tiếng nói tài chính

Nhiệm kỳ VI VFF, khi còn là PCT phụ trách tài chính VFF, ông Lê Hùng Dũng thường có những tiếng nói được cho là "quyết định" trong các quyết sách lớn của Liên đoàn.

Thời ấy, nhiều người thậm chí phải đặt câu hỏi về lý thuyết, Chủ tịch VFF là ông Nguyễn Trọng Hỷ nhưng trên thực tế ai mới là người cầm trịch cuộc chơi? Bây giờ thì người phụ trách tài chính VFF là ông Đoàn Nguyên Đức, và sau thời gian đầu có vẻ im hơi lặng tiếng, bây giờ ông Đức đã không ngại nói, và nói vào những vấn đề cốt tử nhất trong việc hoạch định, phát triển chuyên môn nền bóng đá. Có vẻ ở VFF đã tồn tại thói quen: tiếng nói của người phụ trách tài chính đôi khi còn to hơn tiếng nói của ông chủ tịch?

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.