Các sân cỏ sôi động trở lại, điều chỉ có ở Việt Nam

Thứ Bảy, 23/05/2020, 10:18
Ngày 23/5, bóng đá Việt Nam chính thức trở lại, trong bối cảnh mà nhiều giải đấu lớn nhỏ trên thế giới vẫn còn rón rén trước sự nguy hiểm của dịch COVID-19. Không những tái xuất, bóng đá Việt Nam còn đón khán giả, thậm chí con số lên đến hàng vạn. Đó là thứ mà nhiều cường quốc bóng đá thế giới có mơ cũng chưa tới…


Cả thế giới nhìn về Việt Nam

Đó không phải là một sự liều lĩnh đến mức bất chấp chỉ để nổi tiếng như Belarus - giải đấu vẫn diễn ra và đón khán giả ít ỏi trong bối cảnh đất nước chứng kiến hơn 30.000 ca nhiễm và hơn 150 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19. Suốt 2 tháng rưỡi vừa qua, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng phải chấp nhận dừng lại để cùng chung tay với Chính phủ, xã hội đẩy lùi dịch bệnh.

Sự thành công trong công tác chống dịch COVID-19 đã giúp cho xã hội trở lại với nhịp sống bình thường. Trong đó bóng đá, môn thể thao có sức lan tỏa vô cùng lớn trở lại vào ngày 23/5, với trận đấu giữa DNH Nam Định và HAGL trong khuôn khổ vòng loại cúp Quốc gia 2020 trở thành một sự khẳng định đanh thép về chiến thắng của người Việt Nam trước dịch COVID-19 trong mắt bạn bè thế giới.

Bầu không khí sôi động từ khán đài sẽ trở lại với bóng đá Việt Nam.

Không những đưa bóng đá trở lại, Việt Nam còn khiến cả thế giới ấn tượng khi sẵn sàng đón khán giả trở lại sân theo dõi các trận đấu. Con số không chỉ dừng lại ở vài trăm người mà lên đến nghìn người, chục nghìn người vào sân. Điển hình như trận đấu giữa DNH Nam Định và HAGL, BTC sân Thiên Trường sẵn sàng đón đến 10.000 khán giả vào cổ vũ bóng đá. Quả thực, đó là con số mơ ước với nhiều giải bóng đá từ lớn đến nhỏ trên thế giới. Cần nói thêm, Bundesliga (giải VĐQG Đức) dù trở lại trước bóng đá Việt Nam một tuần. Nhưng những Halaand, Lewandowski,… phải chấp nhận tình cảnh thi đấu như đá tập, khi chẳng có CĐV nào được phép vào sân truyền lửa cho họ chơi bóng.

Đúng là chỉ có Việt Nam ở thời điểm hiện tại mới có thể làm nên chiến tích này, một cách vững vàng và chắc chắn.

Dồn toàn lực cho Đội tuyển Quốc gia

VPF không ngồi chơi trong 2 tháng rưỡi mà bóng đá Việt Nam tạm nghỉ vì đại dịch COVID-19. Họ liên tục suy tính về phương án tổ chức V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như thế nào, với quãng thời gian ngày càng bị thu hẹp đi. Sau cùng, thời điểm để các giải đấu này (bao gồm Cúp Quốc gia, V.League, hạng Nhất) được thông qua. Bóng đá Việt Nam chính thức trở lại vào ngày 23-5 và khép lại trước 31-10.

Trong 5 tháng ấy, phương án tổ chức giải chưa từng có cho hạng Nhất và V.League được Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam thông qua. Cả hai giải sẽ diễn ra lượt đi như bình thường trước khi phân nhóm để tranh vô địch và trụ hạng. Các CLB tại giải VĐQG vẫn được đá từ 18-20 trận (thay vì 26 trận như phương án cũ). Các CLB tại giải hạng Nhất được thi đấu 16 trận (thay vì 22 trận như phương án cũ).

Không rút gọn quá nhiều, các cầu thủ vẫn được thi đấu với một số lượng trận đấu trung bình, trong một mật độ giữa các trận đấu không bị dồn dập đến mức quá tải, chấn thương. Bên cạnh đó, phương án này cũng đảm bảo cho giải bóng đá chuyên nghiệp 2019 của Việt Nam khép lại trước ngày 31/10. Nhờ vậy, ĐTQG Việt Nam của ông Park Hang Seo có thể toàn tâm toàn ý trong cả 2 tháng quan trọng vào cuối năm.

Cần nói thêm rằng, 2/3 trận đấu còn lại của vòng loại World Cup 2022 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12 và 17/11 (một trận nữa đá vào tháng 10). Đấy là chưa kể, AFF Cup sẽ khởi tranh từ 25/11 đến 31/12.

Rõ ràng, việc được dồn toàn lực cho cả tháng 11 và tháng 12, thay vì phải bận tâm đá nốt giải VĐQG giúp cho Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các đối thủ khác trong khu vực. Cần nói thêm rằng tính đến hiện tại, giải VĐQG Thái Lan và Malaysia sẽ chỉ có thể trở lại vào tháng 9. Trong khi đó, giải VĐQG Indonesia dự kiến trở lại vào tháng 7 nhưng vẫn chưa có quyết định sau cùng.

“Việt Nam rõ ràng có lợi thế hơn hẳn khi sự tập trung của họ vào cuối năm được dồn hết cho ĐTQG. Trong khi các giải đấu khác gồm cả Thái Lan vẫn phải diễn ra ở tháng 11 và tháng 12. Quyền lợi của các CLB cũng khiến cho việc triệu tập cầu thủ lên đội tuyển cũng chẳng hề đơn giản”, Siam Sports - tờ báo nổi tiếng của Thái Lan thừa nhận như thế.

Đúng là chỉ có Việt Nam lúc này, bóng đá mới trở lại một cách mãnh liệt như thế. Đúng là chỉ có Việt Nam, quyền lợi của ĐTQG được đảm bảo một cách lớn đến như vậy. Rõ ràng ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, người Việt Nam vẫn có cách để vượt qua và tạo ra lợi thế cho mình.

Chỉ tiêu kép của HLV Park Hang-seo

Nhận được đặc quyền lớn từ phía các CLB và VFF về thời gian, quá trình chuẩn bị là vậy, đương nhiên HLV Park Hang-seo theo chiều ngược lại cũng phải đảm bảo 2 mục tiêu quan trọng cùng Đội tuyển Việt Nam trong năm 2020. Theo đó, nhà cầm quân Hàn Quốc được giao nhiệm vụ phải giúp Đội tuyển Việt Nam giành quyền vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 (lúc này đang đứng đầu bảng B sau 5 lượt trận với 11 điểm) và bảo vệ chức vô địch AFF Cup vào cuối năm.

Bài toán không Văn Hậu ở AFF Cup 2020

Nếu hậu vệ Đoàn Văn Hậu tiếp tục ở lại, ít nhất là thêm 1 mùa giải với Heerenveen thì khả năng Văn Hậu không thể góp mặt ở AFF Cup 2020 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là điều mà HLV Park Hang Seo hẳn nhiên lo lắng nhất.

Còn nhớ hồi tháng 9/2019, khi Văn Hậu sang Heerenveen kiểm tra y tế, HLV Park Hang Seo cũng đề nghị phía Hà Nội FC phải đảm bảo điều kiện rằng Văn Hậu được trở lại thi đấu tại SEA Games khi đàm phán với Heerenveen. Quả nhiên, có Văn Hậu, U22 Việt Nam chơi trên cơ các đối thủ và giành HCV. Nhưng chỉ nửa tháng sau đó tại VCK U23 châu Á 2020, Việt Nam không Văn Hậu lập tức thất thế và bị loại từ vòng bảng.

Song Hàn
.
.
.