Hành trình tỏa sáng sẽ không dừng lại

Thứ Năm, 26/05/2022, 08:52

SEA Games 31 đã đặt dấu mốc mới cho thể thao Việt Nam ở đấu trường thể thao khu vực Đông Nam Á với vô số kỷ lục. Thể thao Việt Nam đã "tỏa sáng" đúng lúc, như lời chủ đề bài hát chính thức của SEA Games 31. Quan trọng là sau khi tỏa sáng tại SEA Games 31, sẽ cần những lần tỏa sáng ở những Đại hội thể thao khu vực tiếp theo hoặc sân chơi lớn hơn như ASIAD, Olympic.

Mảnh ghép hoàn hảo

Ngay trước khi diễn ra SEA Games 31, những nhà quản lý, chuyên gia đều chung quan điểm rằng, SEA Games 31 sẽ chỉ thành công một nửa với nước chủ nhà nếu kết quả không như kỳ vọng. Bởi về mặt nào đó, sự thành công trong khâu tổ chức có thể dự báo được khi các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đều vận hành bộ máy tổ chức hết tốc lực để bảo đảm những điều kiện cần thiết, thậm chí còn hơn rất nhiều kỳ SEA Games trước đây, để SEA Games 31 thực sự là ngày hội với các đoàn tham dự.

Còn về mặt chuyên môn, dù có dự báo nhưng người trong nghề cũng khó nói chắc điều gì, nhất là khi thể thao Việt Nam đã trải qua hơn 2 năm đầy khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không tập huấn, không thi đấu quốc tế, không đầy đủ thông tin về sự chuẩn bị cũng như thực lực của đối thủ là những điều khiến nhiều nhà chuyên môn rụt rè khi đề cập đến việc hoàn thành chỉ tiêu huy chương. Không kể, sân chơi SEA Games 31 cũng tạo điều kiện tối đa cho các môn thể thao thuộc chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về một kỳ SEA Games công bằng, fair-play (chơi đẹp). Trong đó, VĐV Việt Nam không có ưu thế ở nhiều nội dung nên đương nhiên, tấm HCV sẽ về tay các đoàn khác.

Hành trình tỏa sáng sẽ không dừng lại -0
Đội Việt Nam vô địch nội dung biểu diễn quyền đồng đội nữ môn Karate tại SEA Games 31.

Cũng vì vậy, như chia sẻ sau này của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn, dù đã tính rằng thể thao Việt Nam có thể giành tối đa 180 Huy chương vàng ở SEA Games 31 nhưng ngành Thể thao cũng chỉ đặt mốc ít nhất 140 Huy chương vàng. Khoảng cách 40 Huy chương vàng kia cũng là "cửa lùi" cần thiết trong điều kiện thể thao Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Thế nên khi Đoàn Thể thao Việt Nam giành tới 205 HCV, 125 HCB, 11 HCĐ, đến chính người trong cuộc cũng phải bất ngờ. Đáng chú ý, trong 205 HCV ấy có hơn một nửa đến từ những môn thuộc chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD, trong đó có 22 HCV từ đội tuyển điền kinh, 11 HCV từ đội tuyển bơi, 17 HCV từ đội tuyển vật, 10 HCV từ đội tuyển wushu..., đặc biệt là 2 HCV từ đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ quốc gia. Tất cả đã làm nên kỳ SEA Games thành công trọn vẹn với việc lập kỷ lục về số HCV mà một đoàn thể thao giành được tại một kỳ SEA Games hay việc đội bóng đá nam vô địch SEA Games mà không để thủng lưới...

Đi cùng sự an toàn về an ninh, về phòng, chống dịch tại các địa điểm thi đấu, điều hành, lưu trú... về sự cuồng nhiệt, ăm ắp không khí ngày hội, kể cả những địa điểm không có VĐV đoàn chủ nhà thi đấu, rồi cung cách tổ chức chuyên nghiệp... thì kết quả chuyên môn của Đoàn Thể thao Việt Nam đã góp phần tạo nên một kỳ SEA Games 31 trọn vẹn cho nước chủ nhà.

Tất nhiên, nếu mong muốn thì sẽ còn nhiều hơn như việc đội tuyển bắn cung - môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam,  phải giành HCV thay vì "trắng" ngôi vô địch; là việc đội tuyển bóng chuyền nam phải lên ngôi vô địch sau khi đã vượt qua Thái Lan ở bán kết nhưng rồi lại thất bại trước Indonesia...

Nhưng về tổng thể, rõ ràng, kết quả chuyên môn là sự khích lệ lớn lao cho thể thao Việt Nam, để thấy rằng vị thế của thể thao Việt Nam ở Đông Nam Á đã được khẳng định dù chúng ta chủ trương tổ chức thi đấu công bằng, sòng phẳng, không tạo hàng rào kỹ thuật với các nước khác và sau đó thực hiện triệt để chủ trương đó.

Đến ASIAD, Olympic thì sao?

Ngay từ lúc này, khi SEA Games 32 năm 2023 chưa diễn ra thì các nhà quản lý, chuyên gia cũng đủ tỉnh táo và thực tế để nhận ra rằng thể thao Việt Nam sẽ khó tái lập cột mốc huy chương như ở SEA Games 31.

Khi đó, số môn và nội dung thi đấu sẽ khác so với SEA Games 31. Lúc đó, những người từng giành HCV tại SEA Games 31, ước tính khoảng gần chục người, và xác định SEA Games 31 là SEA Games cuối trong sự nghiệp thi đấu cũng đã giải nghệ...

Nhưng đấy là câu chuyện SEA Games với sự không ổn định về số nội dung và số môn thi đấu dẫn đến thành tích của nhiều đoàn có thể khác xa so với kỳ SEA Games trước.

Còn ASIAD 19 dự kiến vào năm 2023 và Olympic năm 2024 với chương trình thi đấu tương đối ổn định cũng đã đặt ra bài toán huy chương ngay từ bây giờ với thể thao Việt Nam. Các nội dung thi đấu tại SEA Games 31 đã  được liên thông tổ chức các nội dung của ASIAD, Olympic để bảo đảm quá trình đầu tư cho VĐV không bị gián đoạn. Nhưng nhìn đi, nhìn lại trong số VĐV mang về trên một nửa tổng số HCV cho thể thao Việt Nam ở những môn thuộc chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD, các nhà quản lý cũng chỉ có thể chỉ ra khoảng 30 cái tên để tranh chấp 3-5 HCV hoặc huy chương tại ASIAD 19 tới. Còn với Olympic năm 2024 thì cũng chỉ có vài VĐV có thể tranh chấp huy chương.

Đó không phải là điều bất thường khi trình độ nhiều môn tại  Đông Nam Á phù hợp với VĐV Việt Nam nhưng đến sân chơi Olympic hay ASIAD lại vượt tầm. Ngay như đội tuyển vật dù giành 17 HCV nhưng chỉ có 1-2 đô vật có thể tranh huy chương ở ASIAD và tranh vé dự Olympic. Đấu kiếm giành tới 5 HCV nhưng cũng chỉ có Vũ Thành An có thể tranh huy chương ở ASIAD. Rồi đội tuyển điền kinh và bơi với thành công rực rỡ ở SEA Games 31 nhưng chỉ có thể giành 1 HCV ở ASIAD tới. Còn việc giành huy chương ở Olympic với 2 đội tuyển này thì như ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định là 20 năm nữa chưa chắc đã thực hiện được.

Trong khi đó, dù lép vế hơn hẳn ở đấu trường SEA Games kỳ này nhưng ở ASIAD và Olympic tới, thể thao Thái Lan, Singapore, Indonesia vẫn có thể vượt thể thao Việt Nam trên bảng xếp hạng. Đó là điều mà các nhà quản lý tính đến. Và như chia sẻ của ông Trần Đức Phấn thì: "Phải có chiến lược bài bản để đầu tư khoanh vùng, trọng điểm cho các vận động viên, các nội dung ở một số môn thi có khả năng giành HCV tại ASIAD, huy chương tại Olympic".

Rõ ràng, để tỏa sáng rạng rỡ ở sân chơi châu lục, thế giới sẽ phải đầu tư khác hẳn so với sân chơi SEA Games. Chỉ có thể làm như vậy mới duy trì hiệu ứng từ SEA Games 31 này.

Thể thao Công an nhân dân đóng góp 11 huy chương tại SEA Games 31

Tại SEA Games 31, dù gặp vô số khó khăn khách quan trong quá trình thi đấu, song các VĐV Công an nhân dân đã thi đấu đầy nỗ lực để đóng góp tổng cộng 11 huy chương vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong số này có 1 HCV thuộc về VĐV Nguyễn Ngọc Trâm ở nội dung biểu diễn quyền đồng đội nữ môn Karate. Ngoài ra, các VĐV Công an nhân dân còn góp công vào 5 HCB, 5 HCĐ khác cho Đoàn Việt Nam. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.