Loạn máy lọc nước tạo kiềm

Thứ Hai, 28/10/2024, 19:52

Trong thời gian gần đây, thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều loại máy lọc nước tạo kiềm với giá cả khác nhau, từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Các nhà sản xuất và đại lý phân phối quảng cáo rằng những thiết bị này có khả năng chữa trị hàng loạt bệnh lý như ung thư, tiểu đường, tim mạch, và thậm chí còn có tác dụng làm đẹp da.

Tuy nhiên, đằng sau những lời hứa hẹn này là thực tế rằng các thông tin chưa được khoa học chứng minh đầy đủ và tình trạng loạn giá đang khiến người tiêu dùng hoang mang.

Nước kiềm chữa bách bệnh?

Trong bối cảnh nguồn nước bị ô nhiễm, nhu cầu sử dụng nước sạch của các gia đình Việt, đặc biệt là những hộ gia đình sinh sống tại khu vực đô thị chưa bao giờ hết “nóng”. Bởi lẽ, nguồn nước sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống và tình trạng sức khỏe của người dùng.

ảnh 3.jpg -2
Quảng cáo thổi phồng của các hãng máy lọc nước tạo kiềm.

Vài năm gần đây, máy tạo nước ion kiềm ngày càng được sử dụng rộng rãi, được coi như một giải pháp hữu hiệu có khả năng lọc bỏ tạp chất, vi khuẩn. Thậm chí là tốt như một loại “thuốc trị bách bệnh”. Không thể phủ nhận sản phẩm này là một thiết bị thông minh, hữu dụng. Theo nghiên cứu khoa học, nước ion kiềm là loại nước có chứa nhiều chất chống oxy hóa. Độ kiềm hóa cao có thể trung hòa axit dư trong cơ thể, giúp đào thải độc tố. Hơn nữa nước ion kiềm còn chứa nhiều khoáng chất như canxi, kali, natri, magie.

Tuy nhiên, việc thổi phồng về công dụng của máy rằng có thể trị “bách bệnh”, từ bệnh huyết áp, dạ dày, tiểu đường cho đến bệnh ung thư… khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, các loại máy ion kiềm xuất hiện tràn lan với nhiều chủng loại, giá dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Các loại nước ion kiềm đóng chai cũng được rao bán nhan nhản, đặc biệt trên các trang mạng xã hội.

Không thể phủ nhận, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường máy lọc nước đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về hàng hoá, thúc đẩy tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, mặt trái của sự đa dạng này là việc chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh và cả những “chiêu trò” lừa dối người tiêu dùng để thỏa mãn tham vọng về doanh thu.

Trong đó, việc quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng máy lọc nước trên thị trường đang là một vấn đề gây nhức nhối hiện nay.

Nhiều hãng máy lọc nước còn lợi dụng tiêu chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT để quảng cáo thổi phồng công dụng máy lọc nước. Theo đó, đây là tiêu chuẩn được Bộ Y tế ban hành để quản lý chất lượng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai, không áp dụng cho đối tượng là các máy lọc nước.

ảnh 1.jpg -0
Bệnh nhân bỏ chạy thận, uống “nước kiềm” chữa bệnh đã bị hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy.

Tuy nhiên, một số sản phẩm máy lọc nước được quảng cáo đã đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT và gắn logo, tem với nội dung thể hiện rằng sản phẩm đã được chứng nhận theo QCVN 6-1:2010/BYT. Việc làm này rất dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, bởi QCVN 6-1:2010/BYT không dành cho máy lọc nước và hiện tại chưa có cơ quan nào cấp chứng nhận bởi QCVN 6-1:2010/BYT cho máy lọc nước.

Lõi lọc là bộ phận quan trọng nhất của sản phẩm máy lọc nước, quyết định tới chất lượng nước đầu ra. Trong bối cảnh thị trường máy lọc nước đa dạng cả về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ và công nghệ, lõi lọc nước cũng được chia làm nhiều loại. Mỗi loại lại có thiết kế và công dụng lọc nước khác nhau.

Tuy nhiên, một số thương hiệu máy lọc nước đang quảng cáo các sản phẩm lõi lọc nước có khả năng diệt vi khuẩn, virus, lọc cặn bã, tạp chất, thậm chí cả thuốc trừ sâu tới 99,9%, nhưng lại không đưa thông tin rõ ràng cùng bằng chứng khoa học về công dụng này của máy lọc nước.

Do đó, người tiêu dùng không thể biết rõ liệu máy lọc nước có thể tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn, virus ở mức 99,9% hay chỉ tiêu diệt được một số loại virus, vi khuẩn nhất định?

Bên cạnh đó, đánh vào tâm lý của người dùng có nhu cầu sử dụng những sản phẩm nước chất lượng theo công nghệ mới, nhiều đơn vị máy lọc nước đã đẩy mạnh quảng cáo, “thần thánh hóa” loại nước này có thể phòng ngừa các bệnh về đường ruột; ngăn ngừa lão hóa, kéo dài tuổi thọ; trung hòa axit dư trong cơ thể, loại bỏ vi khuẩn; thanh lọc cơ thể tối ưu, hay như điều trị bệnh ung thư.

Tin tưởng ở những quảng cáo này, nhiều người đã chấp nhận chi tiền sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nước ion kiềm không có công hiệu như… lời đồn. Nhiều trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc nước thần thánh này.

Hãng máy B quảng cáo một model máy lọc nước ion kiềm với lời có cánh: Đây là thiết bị tạo nước ion kiềm giúp cải thiện, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh mãn tính như: ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, gout, đau dạ dày, viêm đại tràng. Chưa kể, hãng này còn khẳng định trên fanpage của mình sản phẩm có giá trị nhất, chất lượng nhất, đẳng cấp nhất, sang trọng nhất và được coi là niềm tự hào của hãng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hãng máy B được Bộ Y tế cấp phép là thiết bị y tế và bán rộng rãi ở Việt Nam, nhưng theo Luật Quảng cáo, việc dùng từ “nhất” là vi phạm quy định pháp luật. Chưa kể, các loại máy tạo kiềm của hãng này đang thổi phồng công dụng và được bán ở Việt Nam với giá rất đắt đỏ, có máy lên tới gần 100 triệu đồng.

Tương tự trên các website siêu thị điện máy lớn, các hãng máy lọc nước cũng cũng quảng cáo thổi phồng, coi máy lọc nước như một thiết bị hữu hiệu. Một siêu thị điện máy quảng cáo: “Nước ion kiềm có tác dụng như rau xanh, có khả năng trung hòa axit, cân bằng độ pH, giảm các triệu chứng bệnh trào ngược axit dạ dày, ngăn ngừa các bệnh ung thư, gout,…” và sau đó đưa ra lời khuyên nên mua máy lọc nước hãng K vì có đầy đủ công dụng như thế.

Trên wesite doctornuoc.vn còn quảng cáo một chiếc máy lọc nước Kangen K8 chính hãng giá tốt nhất, được giảm giá từ 143 triệu đồng xuống còn 51,9 triệu đồng với lời có cánh: “Máy lọc nước điện giải Kangen K8 - Lựa chọn ưu tiên hàng đầu của hàng triệu người Việt, với công dụng tuyệt vời hỗ trợ sức khỏe. Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như: gout, tiểu đường, tim mạch, ung thư… Hỗ trợ thanh lọc, thải độc cơ thể. Cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ giảm chứng táo bón, ăn không tiêu, đau dạ dày, viêm đại tràng… Giảm đau, sưng, viêm khớp và phòng ngừa loãng xương. Phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh về da như: Mụn, viêm nang lông, hay dị ứng. Làm chậm quá trình lão hóa”. Trên website này, rất nhiều máy lọc nước tạo kiềm của hãng Kangen đều được quảng cáo cùng một mô típ với công dụng như trên, trong khi giá các model máy lọc nước thì lại có giá rất khác nhau.

Sự chênh lệch giá trên thị trường hiện mới gây sốc cho người mua. Ví dụ, cùng một loại máy với chức năng tương tự, nhưng có cửa hàng bán giá vài triệu đồng, trong khi nơi khác lại niêm yết đến vài chục triệu đồng, thậm chí hơn trăm triệu đồng. Một số thương hiệu thậm chí còn áp dụng chiến thuật bán hàng qua hội thảo, quảng cáo mạnh mẽ trên mạng xã hội, khiến người tiêu dùng tin tưởng vào công dụng vượt trội của sản phẩm.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Các máy lọc nước tạo kiềm được giới thiệu với khả năng thay đổi độ pH của nước, làm cho nước có tính kiềm cao hơn, được cho là giúp cơ thể trung hòa axit, ngăn ngừa ung thư, và cải thiện hệ miễn dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào chứng minh việc uống nước kiềm có thể chữa bệnh. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh ung thư, các bác sĩ khẳng định việc điều trị phải dựa vào phác đồ điều trị y tế chính thống, không thể dựa vào các thiết bị lọc nước.

ảnh 2.jpg -1
Bệnh nhân bị ngộ độc khi dùng liệu pháp chữa bệnh bằng uống nước kiềm.

Như trường hợp chị Đặng Thị Gấm (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi nghe theo lời khuyên của một nhân viên bán hàng tại hội thảo, đã mua máy lọc nước tạo kiềm giá gần 50 triệu đồng mang về quê lắp cho bố mẹ với hy vọng chữa trị bệnh tiểu đường cho ông bà. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bệnh tình của ông bà không thuyên giảm, mà còn nghiêm trọng hơn do ông bà chủ quan không tuân thủ chế độ điều trị y tế và tin tưởng lời quảng cáo của hãng nước kiềm có tác dụng chữa tiểu đường.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh do uống nước ion kiềm được quảng bá có khả năng chữa bách bệnh. Đơn cử, bà P.T.M (60 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật... Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali.

Bà P.T.M cho biết, do có nhiều bệnh lý dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân… nên khi nghe người làng truyền tai nhau về địa chỉ uống “nước” chữa bách bệnh ở gần nhà bà đã tìm đến và xin được chữa trị. Theo hướng dẫn, hằng ngày, bà sẽ phải uống tối thiểu khoảng 5-6 lít nước lấy từ máy lọc, có thể pha thêm một chút muối và uống trong khoảng 10-15 ngày. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 ngày uống loại nước này và nhịn ăn, bà M đã không thể đứng vững, bắt đầu nôn liên tục, phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận chùm ca bệnh với 3 bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng bị rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do tìm đến một địa chỉ ở huyện Thanh Oai để uống “nước thần” với cách thức giống như bệnh nhân M nói trên.

Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong một ngày, kể cả ở người khỏe mạnh đã rất nguy hiểm, có thể gây nguy hại cho cơ thể như: phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong, chứ chưa nói đến sử dụng lượng lớn nước kiềm/ngày. Nước bệnh nhân M uống xét nghiệm có độ pH 7,5; mỗi ngày uống 5 - 6 lít. Uống quá nhiều nước cũng làm độ pH của dịch dạ dày bị giảm do pha loãng. Trong khi môi trường dịch a xít của dạ dày với pH 1,5 - 3,5 lúc bình thường đóng vai trò bảo vệ cơ thể, tiêu diệt bớt các vi trùng gây bệnh có trong thức ăn, nước uống, trước khi chúng đi sâu xuống đường tiêu hóa.

Uống nhiều nước kiềm ngoài việc gây thừa nước như trên, còn gây thay đổi pH của máu, gây nhiễm kiềm chuyển hóa. Điều này tưởng đơn giản nhưng vô cùng nguy hiểm và phức tạp. Môi trường máu của cơ thể có độ pH duy trì ổn định là 7,35 - 7,45 rất quan trọng. Chỉ số này cho phép rất nhiều các chất trong cơ thể, enzym di chuyển và hoạt động, giúp cho các phản ứng hấp thu, chuyển hóa, hoạt động các cơ quan… Khi có thay đổi về pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và nhiều bệnh tật phát sinh theo. Khi uống nhiều nước kiềm, pH cơ thể bị tăng lên, rối loạn cảm giác, hôn mê, kali máu bị hạ dẫn tới có thể bị loạn nhịp tim, liệt, hoạt động của nhiều enzym bị giảm, thậm chí tử vong.

Có thể thấy, tình trạng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm máy lọc nước đang diễn ra khá phổ biến. Điều đó đòi hỏi người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua sản phẩm, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”. Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế và tránh tin theo những quảng cáo không rõ nguồn gốc hoặc không có căn cứ khoa học. Hãy tìm hiểu về nhu cầu thực sự của cơ thể và lựa chọn sản phẩm dựa trên nhu cầu sử dụng nước sạch, thay vì những lời hứa “thần kỳ” không có căn cứ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý đối với các sản phẩm máy lọc nước tạo kiềm, từ việc kiểm định chất lượng đến việc giám sát quảng cáo. Người tiêu dùng cũng nên phản ánh các trường hợp quảng cáo sai sự thật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Ngọc Mai
.
.
.