Lính cứu hỏa trên biển

Chủ Nhật, 22/01/2023, 09:43

Họ không phải là lực lượng Cảnh Sát biển với những phương tiện, tàu thuyền hiện đại hoạt động trên vùng biển rộng lớn của Tổ Quốc. Những người lính Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an Đà Nẵng vẫn thường xuyên tham gia vào hoạt động PCCC trên những vùng biển gần sát đất liền, trong những âu tàu, trên những cửa biển hay luồng lạch. Với nhiệm vụ đó, họ phải đối mặt với những hiểm nguy cùng cực mà ít người biết đến.

Đầy hiểm nguy  mà vẫn dũng mãnh, kiên cường

Đà Nẵng là thành phố biển, nơi hàng chục ngàn con tàu của các ngư dân khắp các tỉnh miền Trung tìm đến neo đậu, chưa kể có tới hàng trăm du thuyền trên sông, cùng với đó là rất nhiều ghe xuồng nhỏ hoạt động trên mặt nước. Những năm qua, đã có rất nhiều  vụ hỏa hoạn trên mặt nước, trên mặt biển gần bờ xảy ra, và lực lượng PCCC&CNCH được huy động ứng cứu kịp thời.

Lính cứu hỏa trên biển -0
Thượng tá Nguyễn Văn Tùng - Phó Trưởng Công an quận Sơn Trà, người tham gia nhiều vụ dập lửa lớn trên tàu cá trong cảng cá, âu thuyền. (ảnh: NVCC).

Liên tiếp có những vụ cháy tàu cá trên biển, trên cảng cá chỉ trong năm 2022. Khi nhận được tin báo từ những vụ cháy tàu như thế, đối với lính cứu hỏa, thời gian còn quý hơn vàng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công tác chữa cháy. Đám lửa bốc lên từ những con tàu với số lượng xăng dầu bên trong là vô cùng nguy hiểm. Tiếng lửa nổ giòn, tiếng la hét âm vang cùng muôn vàn ngọn lửa rọi xuống mặt nước tưởng chừng dòng nước chung quanh con tàu bốc cháy đang sôi lên sùng sục.

Những cán bộ chiến sỹ PCCC cùng với tàu chữa cháy, ca nô có lắp máy bơm chữa cháy chuyên dụng và máy hút khói độc vây quanh con tàu gặp nạn. Những chiến sỹ cầm lăng phun nước chiến đấu với ngọn lửa. Dòng nước áp lực cao có thể phun xa đến 75 mét phun thẳng vào ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt. Cùng lúc bọt foam là hỗn hợp đặc trị cháy xăng dầu, được bắn vào boong tàu tạo lớp cách ly oxy để chặn đứng ngọn lửa. Vừa chữa cháy vừa làm mát, những người lính cứu hỏa thay nhau quần thảo giữa “đám giặc lửa”.

Lính cứu hỏa trên biển -0
Những vụ hỏa hoạn trên mặt nước, trên mặt biển gần bờ xảy ra và lực lượng PCCC&CNCH được huy động ứng cứu kịp thời.

Khi ngọn lửa từ từ lịm dần, cán bộ chỉ huy liền hạ lệnh áp sát và các chiến sĩ đồng loạt trèo lên con tàu bị nạn để dập tắt những mồi lửa cuối cùng. Trên con tàu cháy, cabin và mặt boong tàu đầy nước và trên người, trên áo của các chiến sỹ PCCC cũng đẫm nước và bọt foam. Nhưng niềm vui đó là những con tàu đã được cứu thoát kịp thời, không bị nổ hoặc chìm xuống nước. Những lượng xăng dầu còn lại trong khoang chứa được hút đưa sang tàu khác, ngăn chặn nguy cơ xăng tràn ra ngoài có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng cả một khu vực nước rộng lớn hoặc tàu bị cháy trở lại khi một góc nào đó lửa than còn âm ỉ... Đó là công việc của những người lính cứu hỏa chiến đấu với giặc lửa trên mặt nước. Đầy hiểm nguy mà vẫn dũng mãnh kiên cường.

Lính cứu hỏa trên biển -0
Những người lính chiến đấu quên mình khống chế ngọn lửa để giành lại tính mạng và của cải cho người dân.

Có những vụ cháy tàu cá, tàu du lịch xảy ra thời gian qua, và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH luôn là lực lượng tiên phong xung kích vào nơi biển lửa. Và trong lực lượng ấy, có những người từng tham gia dập lửa hàng chục vụ cháy tàu cá lớn trên sông, trên biển. Có lẽ đối với nhiều người, việc cứu nạn, cứu hộ khi một ai đó gặp sự cố là công việc thường ngày của cán bộ đội PCCC&CNCH. Khi hỏa hoạn xảy ra, trong lúc mọi người tìm cách chạy thoát ra ngoài thì họ lại lao vào chiến đấu với “giặc lửa”. Những ngọn lửa bùng lên thiêu đốt tài sản, đe dọa tính mạng của người dân. Chỉ nhanh chậm vài phút, thậm chí vài giây có thể mọi thứ còn lại chỉ là đám tro tàn. Phòng cháy, chữa cháy trên đất liền đã vô cùng vất vả, nhưng những người lính PCCC trên mặt nước lại càng bội phần khó khăn. Giữa những con tàu chòng chành trên mặt nước, người lính rất ít điểm tựa để ôm vòi phun nước, không có không gian để xoay xở cũng như tự thoát thân khi những bình xăng dầu trên tàu cá phát nổ.

Lính cứu hỏa trên biển -0
Những người lính PCCC trên biển.

Không chỉ thế, trên tàu cá thường có rất nhiều vật dụng rất dễ bắt lửa như các loại bình gas mini, hay bình gas 12kg dùng để nấu ăn dài ngày trên biển, cùng những vật liệu dễ cháy nổ khác trong thân tàu. Trong vụ khống chế cháy tàu cá vào tháng 10 vừa qua tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), hình ảnh người chiến sỹ cảnh sát PCCC ôm bình gas đang bốc cháy từ trên tàu cá lao mình xuống nước để dập lửa và làm nguội bình gas đã khiến nhiều người cảm kích. Đó không chỉ là hình ảnh của sự dũng cảm, hết lòng vì công việc, hết lòng bảo vệ tài sản của người dân, mà còn là sự minh chứng của nhiệt huyết, của những trái tim mang lửa. Đó chỉ là một trong rất nhiều những hình ảnh đẹp và đầy dũng cảm của người lính cảnh sát PCCC. Với chiến sỹ làm công tác PCCC&CNCH, đó không đơn thuần là trách nhiệm mà với họ đã xem người bị nạn và tài sản của nhân dân như người thân trong gia đình và hết lòng cứu giúp.

Những trái tim màu lửa

Trong tất cả những lần đi chữa cháy các tàu cá, tàu du lịch..., những người lính đều cố gắng giữ lấy tài sản cho nhân dân. Những tàu cá có giá trị vài trăm triệu, tới cả chục tỷ đồng. Đó không chỉ là tài sản của chủ tàu, còn là kế sinh nhai của nhiều người, là nguồn sống của nhiều gia đình ngư phủ đi đánh cá. Chính vì hiểu được điều ấy, tất cả những người lính đều làm hết sức mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, dù là nhỏ nhất. Tình quân và dân không nằm ở đâu xa mà chính trong trái tim, ánh mắt của những người trong cuộc mỗi khi họ nhìn và cảm nhận về nhau, của những chủ tàu khi cứu được tài sản, của những cán bộ chiến sỹ PCCC khi hoàn thành nhiệm vụ và giữ lại được tài sản cho người dân.

Lính cứu hỏa trên biển -0

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng - Phó trưởng công an quận Sơn Trà, người cũng đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến sinh tử khi tham gia những vụ dập lửa lớn trên tàu cá trong cảng cá, âu thuyền. Trong câu chuyện về những vụ cháy nổ trên sông mà Thượng tá Nguyễn Văn Tùng tham gia dập lửa, có những gian nan vất vả mà chẳng ai có thể tưởng tượng nổi. Trong những vụ cháy nổ, người ta thường chỉ quan tâm đến nguyên nhân, thiệt hại về người và tài sản. Nhưng ít ai biết được trong quá trình dập tắt đám cháy, những người lính ấy đã chiến đấu với “giặc lửa” như thế nào, có bao nhiêu người chiến sĩ bị thương và phải vất vả điều trị ra sao. Nếu có dịp được gặp gỡ và trò chuyện về những bạn trẻ này, họ chỉ chia sẻ về gia đình, bạn bè, tình yêu và đặc biệt là ước muốn được trở thành những người lính giúp đỡ nhân dân, chứ họ không bao giờ ca thán về sự vất vả trong công việc của mình. Vào những dịp lễ, tết, trong khi nhà nhà quây quần sum họp, những “chàng trai mang trái tim màu lửa” ấy đều phải ở lại đơn vị để trực chiến.

Lính cứu hỏa trên biển -0
Chiến đấu chống giặc lửa trên những tàu cá.

Như vụ cháy tàu cá lớn ngay ngày mồng 2 Tết Nguyên Đán vừa qua tại cảng cá Thọ Quang, các cán bộ chiến sỹ đều gác niềm vui riêng tư lại sau lưng để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ sự bình yên trọn vẹn cho mọi người. “Có nhiều người lính PCCC tưởng đã quen với sự khốc liệt của “giặc lửa” nhưng thật sự là chưa có trận đánh nào mà không khỏi chạnh lòng, xót xa trước những ánh mắt thất thần của người dân khi bị hỏa hoạn cướp mất tài sản sau bao năm tích lũy!”, đó là tâm sự của một người lính cứu hỏa viết trên trang cá nhân của mình sau những thời khắc chiến đấu với giặc lửa để cứu người dân trong cơn hỏa hoạn.

Lính cứu hỏa trên biển -0
Nhận được lệnh, các cán bộ, chiến sĩ PCCC&CHCN lập tức lên tàu để dập lửa.

Cuộc đời của một người lính PCCC phải trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm nhưng họ coi thường chúng. Chỉ cần có hiệu lệnh là tất cả vội vã lên đường. Cũng vì công việc mà biết bao chàng trai phải lỗi hẹn với người yêu, biết bao người con về muộn trong ngày sinh nhật mẹ, biết bao người cha đành xin lỗi cậu con trai vì lỡ hẹn đi chơi khi tiếng kẻng hiệu lệnh vang lên. Còn nhớ, 3 người lính cứu hoả của Thủ đô đã anh dũng hy sinh khi dập lửa, cứu nhiều người trong tháng 8 vừa qua đã khiến cả triệu người xúc động và biết ơn.

Có nhiều cán bộ chiến sỹ, dù kiên cường và dũng mãnh là thế, có lúc họ phải rơi nước mắt vì sự hy sinh, những cống hiến lặng thầm của đồng chí, đồng đội. Còn nhớ Dan Rowan, người lính cứu hỏa đầu tiên lao vào tòa tháp đôi của Mỹ, 17 năm sau đã kể lại khoảnh khắc đó, rằng: “Khi mọi người tháo chạy từ trong ra, thì chúng tôi chạy vào. Hành động đó xuất phát từ trong tim, bạn biết chứ, chúng tôi không nghĩ về những hậu quả!”. Những người lính cứu hỏa lao vào ngọn lửa với “nhận thức rõ được rằng mình và những đồng đội của mình hoàn toàn có thể hy sinh. Và họ vẫn chọn cứu người, dù chẳng còn được trở về nhà nữa”.

Lính cứu hỏa trên biển -0
Sự nguy hiểm, hy sinh của người lính PCCC luôn được xã hội ghi nhận.

Có một đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, một chàng thanh niên trẻ khi đang ngồi ăn trong quán, bất chợt tiếng chuông vang lên. Chàng thanh niên trẻ vội vã đứng dậy chạy nhanh ra khỏi cửa, người chủ quán vội vàng gọi với theo vì anh bỏ đi mà chưa tính tiền. Khi ra tới cửa, chàng thanh niên khựng lại, vì trước mặt anh là cả một đoạn đường dài nơi nhiều người qua lại, tất cả đều nhìn anh và đều e sợ. Anh thẫn thờ một chút rồi vội vàng che mặt, và quay lại bàn tìm chiếc túi xách để lấy tiền trả cho chủ quán. Lúc này, người chủ quán mới thấy những vết bỏng trên khuôn mặt của anh. Khi anh đưa tiền, chủ quán đã nhất quyết từ chối. Đến lúc này mọi người mới nhận ra, anh là một người lính chữa cháy đã bị thương khắp thân thể và cả trên khuôn mặt. Tiếng chuông báo vang lên lúc nãy đã khiến anh tưởng nhầm rằng là tiếng chuông hiệu lệnh báo cháy của đơn vị. Chính vì thế anh mới vội vã lao ra ngoài như một thói quen.

Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cái tâm của những người lính PCCC&CNCH. Không phải những người lính ấy sợ hiểm nguy, sợ không đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn, sợ gian khổ mà họ sợ mình đến không kịp lúc, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, sợ khi xuất xe trên đường đi làm nhiệm vụ bị gặp phải trở ngại. Ngoài niềm vui khi dập tắt nhanh đám cháy, cứu được tính mạng và tài sản của nhân dân thì người lính chữa cháy còn nhiều tâm tư. Nhiều đồng chí đã tâm sự rằng có những vụ cháy khi lực lượng đến hiện trường thì lửa đã lan rộng, thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh. Nhưng một số người dân không hiểu lại tỏ ý trách móc. Và sau mỗi vụ cháy, mọi người chỉ lo thống kê các con số thiệt hại, chứ ít khi quan tâm đến những người chiến đấu quên mình khống chế ngọn lửa để giành lại của cải và tính mạng cho người dân.

Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng khi nói về mình, người lính PCCC&CNCH lại hết sức khiêm nhường. Bởi với họ, đó là nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì trong hoàn cảnh nào cũng phải hoàn thành một cách tốt nhất. Và đó cũng là cách những người lính thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Cảnh sát PCCC: “Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân”. Lời dặn của Người cũng chính là mệnh lệnh chiến đấu của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH. Cứ thế, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, những cái ôm của người dân dành cho người lính PCCC, đó là hình ảnh thay cho ngàn vạn lời nói…

Tiêu Dao - Sơn Huỳnh
.
.
.