Con nuôi Công an

Thứ Bảy, 25/12/2021, 08:33

Đó là 4 đứa trẻ mồ côi được Công an tỉnh Sơn La đón về trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc tại Công an tỉnh, coi như những đứa con ruột thịt. Việc làm này không những mang đến cho các cháu một điểm tựa vững chắc để hướng tới tương lai tươi sáng mà còn tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an vì nhân dân phục vụ, củng cố tình đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Công an và bà con nhân dân vùng cao Tây Bắc.

Những mảnh đời cơ cực

Căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông nằm chơ vơ lưng chừng đồi ở bản Hua Pát, xã Chiềng En, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La là nơi trú ngụ của em Lò Thị Diệp cùng ông bà ngoại và anh trai. Bên trong không có gì đáng giá ngoài vài ba chiếc xoong, bát đũa sứt mẻ để nấu ăn hằng ngày và một số vật dụng thiết yếu. Bố mất khi Diệp mới 1 tuổi, mẹ bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy, thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên, sau đó chuyển đến Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) và ốm, chết trong trại giam. Không người nuôi dưỡng, không nơi nương tựa, Diệp và anh trai cùng về ở với ông bà ngoại, nhà mấy miệng ăn đều trông vào khoảnh nương nhỏ.

Lớn lên một chút, hằng ngày ngoài giờ đi học, em lại lang thang kiếm củ khoai, củ măng, rau rừng để làm thức ăn cho cả nhà. Vì có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên em được miễn hoàn toàn học phí. Khoảng thời gian nghỉ hè, em đi bóc long nhãn thuê, kiếm được vài trăm nghìn đồng để dành mua sách vở cho năm học mới. Khi học đến cấp 2, em ra trung tâm xã trọ học ở nhà ông Hà Văn Bính. Ban đầu là ở thuê, sau thấy Diệp mồ côi, vất vả theo học nên ông không lấy tiền trọ mà cho em ở nhờ, đến bữa lại nấu cơm cho em ăn cùng gia đình. Ông Bính cho biết: “Tôi thương tình cảnh của cháu Diệp nên coi cháu như con trong nhà, cho ở cùng, ăn cùng nhưng gia đình tôi cũng không phải khá giả nên giúp cháu được ngày nào hay ngày ấy”. Cuộc sống của Diệp cứ thế lặng lẽ trôi đi, không biết phía trước tương lai ra sao, không biết em sẽ phải nghỉ học giữa chừng lúc nào...

Con nuôi Công an -0
Con nuôi Công an -1
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La thường xuyên quan tâm, động viên các cháu được Công an tỉnh đón về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Cũng giống như Lò Thị Diệp, bố bị tai nạn và qua đời khi em còn nhỏ, mẹ đi làm thuê, Lò Lệ Quyên (11 tuổi, ở bản Nà Cầm, xã Mường Hung, huyện Sông Mã) cứ lủi thủi ở một mình trong căn nhà nhỏ lụp xụp. Đầu năm 2021, mẹ em mất sau trận ốm nặng, Diệp về ở với cậu ruột và ông bà ngoại. Nhà cậu đông con, ông bà đau ốm triền miên, cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập từ trồng ngô, trồng lúa nên rất khó khăn. Mới 11 tuổi nhưng ngoài giờ đi học, em đã phải làm đủ mọi việc, từ làm nương rẫy, cơm nước cho cả nhà đến chăm gà, chăm lợn... Khuôn mặt đen đúa, dáng người nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa, nỗi vất vả hằn sâu trên khuôn mặt đứa trẻ mới 11 tuổi nhưng trông già dặn vì đã phải sớm lo toan cuộc sống.

Không phải ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay giữa thành phố Sơn La, hai anh em Nguyễn Hoài Nam (10 tuổi) và Nguyễn Nam Thành (8 tuổi) ở tổ 8, phường Quyết Thắng lại có một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Bố mất từ khi hai anh em còn nhỏ, sau đó mẹ các em cũng bỏ đi đến nay không có tin tức gì. Hai anh em được ông bà nội đón về nuôi nhưng ông bà tuổi đã cao, thường xuyên đau ốm, bệnh tật. Cả nhà 4 miệng ăn và tiền thuốc thang, đi bệnh viện của ông bà đều trông vào 2,5 triệu đồng tiền trợ cấp hằng tháng của bà. Mọi ăn uống hằng ngày của hai anh em hầu như nhờ cậy hàng xóm láng giềng cho ăn từng bữa. Do ông bà già yếu, không chăm sóc cho các cháu được nên hai anh em Nam, Thành đều bị gan nhiễm mỡ, viêm tai, ghẻ, hắc lào khắp người... Bà Nguyễn Thị Mẫn - bà nội Nam và Thành bảo: Hai ông bà và hai đứa cháu cứ sống lay lắt như thế. Tôi cũng muốn lo cho các cháu chu đáo nhưng bản thân già yếu, lại phải chăm lo cho ông ốm đau bệnh tật. Nhiều lúc nhìn các cháu mà rớt nước mắt nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào.

Cuộc sống mới

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã tiến hành rà soát các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, không có người nuôi dưỡng... Để góp phần chung sức cùng cộng đồng làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, sau khi xin ý kiến và được sự nhất trí của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo UBND tỉnh, tháng 8-2021 Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em, từ đó có điều kiện phát triển và vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng cộng đồng đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi của trẻ em...

Con nuôi Công an -0
Con nuôi Công an -1
Công an tỉnh và Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Sơn La tặng quà trong ngày đón các cháu.

Công an tỉnh đã đón 4 cháu về nuôi dưỡng, chăm sóc tại Công an tỉnh cho đến 18 tuổi; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đón 2 cháu vào sinh sống, học tập tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La; hỗ trợ kinh phí cho gia đình nuôi dưỡng, chăm sóc 3 cháu tại địa phương. Kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu được huy động từ các nguồn xã hội hóa và đóng góp của CBCS công an toàn tỉnh.

Đến đây, các cháu được đi học, được cùng tập thể dục, cùng ăn, ở, sinh hoạt, lao động và học tập như những người chiến sĩ công an thực thụ, lại được các cô, chú công an hằng ngày đến kèm cặp nên từ việc chấp hành nề nếp, kỷ luật đến học tập đều có sự tiến bộ rõ rệt sau 4 tháng bước chân vào ngôi nhà chung Công an tỉnh.

Trung tá Hoàng Mạnh Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Sơn La cho biết, đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng đơn vị sẽ cố gắng để cho các cháu hòa nhập với đơn vị, giúp các cháu rèn luyện, học tập giống như một chiến sĩ nhỏ.

Thầy giáo Phạm Thái Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng An, thành phố Sơn La cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương đầy tính nhân văn này của Công an tỉnh Sơn La và cũng sẽ hỗ trợ hết mình trong khả năng để giúp cho việc học hành của các cháu. Sau một thời gian học tập tại trường, các cháu đã có sự tiến bộ rõ rệt. Chúng tôi cũng cảm thấy rất phấn khởi và tin rằng việc làm có ý nghĩa này sẽ giúp các cháu có một tương lai tươi sáng hơn”.

Con nuôi Công an -0
Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được Công an tỉnh đón về chăm sóc.

Từ một cô bé đen đúa, gầy gò, lam lũ và khuôn mặt lúc nào cũng đượm buồn, cháu Lò Lệ Quyên bây giờ là một cô bé vui tươi, da dẻ hồng hào hơn, khác hẳn ngày mới đón cháu về. Dù còn chút rụt rè nhưng cháu đã dần thích nghi với cuộc sống tại đây. Mọi việc từ ăn ở, sinh hoạt, tập thể dục, học hành đều theo thời gian biểu nhất định và có sự quản lý của cán bộ trực tiếp nuôi dưỡng.

Vừa sắp xếp lại sách vở trên bàn, cháu Lò Thị Diệp vừa vui vẻ nói: “Cuộc sống của cháu khác hẳn trước đây. Lúc đầu cháu chưa quen nên cũng hơi nhớ nhà, nhớ bản nhưng giờ thì cháu thích ở đây lắm. Cháu được ăn ngon, được học đầy đủ, được các cô chú công an quan tâm chăm sóc từ ăn uống đến học hành”. 

Trong khi Diệp và Quyên ngồi kể cho tôi nghe về những ngày cơ cực trước kia và cuộc sống của các cháu thay đổi thế nào khi về sống tại Công an tỉnh thì Nam và Thành còn mải đùa nghịch. Hai đứa bé còn quá nhỏ để hiểu rằng cuộc sống của chúng đã sang một trang mới. Khi mới đón về, do hai cháu bị bệnh ngoài da và một số bệnh lý khác nên Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã cử người đưa hai cháu đi khám và hằng ngày đưa đi chữa trị theo phác đồ của bác sĩ. Sau một thời gian, sức khỏe của các cháu đã phần nào ổn định.

Đại úy Mai Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi cũng vất vả do các cháu chưa quen với nề nếp sinh hoạt của lực lượng vũ trang. Nhưng, dần dần, cuộc sống của các cháu cũng đi vào nền nếp nhờ sự quan tâm của những đoàn viên, hội viên, đặc biệt là hai cháu nhỏ Thành và Nam do có nhiều bệnh nên chúng tôi còn thực hiện cả chế độ ăn kiêng cho các cháu. Giờ thì cơ bản sức khỏe các cháu đã ổn định. Khi nào nghỉ hè hoặc vào dịp thuận lợi, chúng tôi sẽ đề xuất đưa cháu Thành đi mổ tai để vá màng nhĩ cho cháu”.

Bà Nguyễn Thị Mẫn, bà nội của cháu Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Nam Thành xúc động nói: “Gia đình chúng tôi biết ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và các cô, các chú công an đã cho các cháu của tôi cũng như những đứa trẻ mồ côi khác một cuộc đời thứ hai”.

Rời Phòng Cảnh sát cơ động khi bóng chiều đã chạng vạng. 4 cháu nhỏ, đứa quét sân, đứa giúp các cô chú nhặt rau chuẩn bị cho bữa tối... Tiếng nói cười vang sân... Từ sâu thẳm, tôi luôn tin rằng với tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, nhất là của CBCS Công an Sơn La, tương lai của các cháu sẽ tươi sáng.

Minh Phong
.
.
.