Những “giọt vàng” chắt chiu từ tấm lòng nhân ái

Chủ Nhật, 19/11/2023, 07:05

Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội, nhu cầu tiểu cầu cho điều trị rất lớn và luôn thiếu, những “giọt vàng” quý giá (tiểu cầu) đã được chắt chiu từ những người hiến thường xuyên cho người bệnh. Bất kể đêm hay ngày, khi có người bệnh cần gấp tiểu cầu, họ sẵn sàng đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để trao những giọt vàng quý báu.

Đến với Lễ tôn vinh Người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023 do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 18/11 là 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu trên cả nước, trong đó có rất nhiều gia đình là các cặp vợ chồng cùng hiến tiểu cầu.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiến và chị Hồ Thị Hồng Gấm (Vĩnh Phúc) từ năm 2021 bắt đầu hiến những đơn vị tiểu cầu đầu tiên. Đến nay, sau 2 năm, họ đã có gia tài là gần 100 chiếc “sổ đỏ” (chứng nhận hiến tiểu cầu - PV) do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trao tặng.

295a8808.jpg -0
Những người hiến tiểu cầu thường xuyên được tôn vinh năm 2023.

“Tôi vẫn bảo với chồng, chúng mình giầu lắm, có gần cái 100 “sổ đỏ” thôi. Nay con lớn của chúng tôi đang học lớp 12 Trường THPT Chuyên Sư phạm, mỗi lần xuống thăm cháu chúng tôi lại hiến tiểu cầu”, chị Gấm vui vẻ kể lại. Chia sẻ thêm, anh Hiến cho biết, trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết căng thẳng vừa qua, hai vợ chồng anh chị thường xuyên đăng ký hiến tiểu cầu qua app và cứ 3 tuần lại xuống Hà Nội hiến tiểu cầu một lần. Việc hiến tiểu cầu đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của hai vợ chồng anh chị khi làm được việc tốt đẹp cứu người.

Thành lập năm 2021, nhóm Pun – Hành trình kết nối yêu thương có gần 100 thành viên, trong đó có 2 chiến sĩ CAND. Đến nay, nhóm đã 176 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2023 cả nhóm đã hiến 97 lần. Ban đầu, nhóm chỉ là các thành viên gắn kết với nhau bằng những chuyến xe 0 đồng hỗ trợ bệnh nhân từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương về quê và ngược lại trong giai đoạn Hà Nội giãn cách vì dịch COVID-19.

Trong những lúc rảnh rỗi ngồi chờ bệnh nhân tại Viện, anh em lái xe đã vào đăng ký hiến máu. Khi giãn cách kết thúc, họ thành lập nhóm Pun – Hành trình kết nối yêu thương để sẵn sàng hiến máu và tiểu cầu khi người bệnh cần. “Thời gian Hà Nội giãn cách, nhóm chúng tôi đã hỗ trợ gần 1.000 chuyến xe 0 đồng đưa các bệnh nhân về nhà. Đến nay, nhóm đã có gia tài kha khá về hiến tiểu cầu, đây là niễm vui lớn nhất của anh em chúng tôi”, anh Thanh Xuân, thành viên của nhóm chia sẻ.

Chị Lê Thị Hương, giáo viên Trường mầm non Vĩnh Khúc, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết: “Nhóm chúng tôi có hơn 20 người hiến tiểu cầu thường xuyên, cứ đủ 21 ngày nhóm lên Hà Nội hiến tiểu cầu. Mỗi lần hiến máu và tiểu cầu, ít nhất là hơn 20 người, lần nhiều nhất là 50 người, đều di chuyển bằng xe máy.

Những “giọt vàng” chắt chiu từ tấm lòng nhân ái -0
Nhóm Pun – Hành trình kết nối yêu thương đã 176 lần hiến tiểu cầu.

Trong nhóm có anh Kiều Công Thương, ở huyện Phù Cừ, mỗi lần lên Viện hiến máu cả đi về là 160km. Tuy xa xôi, nhưng chúng tôi sẵn sàng vượt không gian, thời gian, bất kể ngày hay đêm, khi người bệnh cần chúng tôi đều đến tận nơi để trao những giọt máu và tiểu cầu quý giá”. Được biết, Câu lạc bộ hiến máu Hưng Yên với 136 thành viên đã 191 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2023 nhóm hiến 127 lần.

Theo anh Ngô Quốc Điệp, Trưởng nhóm Hiến máu cứu người Thường Tín – Phú Xuyên (Hà Nội), nhóm có 80 người, đã 168 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2023 hiến 61 lần. Anh Hiến và vợ đã hàng chục lần hiến tiểu cầu.

TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Tính hết tháng 10/2023, Viện Huyết học đã tiếp nhận được 31.661 đơn vị tiểu cầu từ 9.214 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3,4 đơn vị). Có đến hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu trong năm 2023 từ 10 lần trở lên.

Người hiến tiểu cầu đã đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nguồn chế phẩm tiểu cầu an toàn, ổn định, đặc biệt là giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm trong năm 2023. Không chỉ chia sẻ sự sống từ cơ thể mình mà các anh chị còn chia sẻ cả thời gian, công sức – những thứ còn quý hơn cả vàng để giúp đỡ người bệnh và đồng hành cùng Viện. Đó không chỉ là tình cảm tốt đẹp với cộng đồng mà còn là ý thức và tinh thần trách nhiệm rất cao khi người hiến tiểu cầu luôn giữ sức khỏe tốt và chủ động hiến khi có đủ thời gian”.

Khác với hiến máu toàn phần (có thể hiến lại sau gần 3 tháng), việc hiến tiểu cầu chỉ cần đảm bảo khoảng cách 3 tuần. Do đó, một người nếu đủ điều kiện sức khỏe có thể hiến tối đa 17 lần trong năm. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Do chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày) nên việc tiếp nhận và điều chế tiểu cầu đều phải dựa vào nhu cầu của các bệnh viện.

Trần Hằng
.
.
.