Nhà văn Nguyễn Trọng Luân và những đóa hoa sen gửi về quá khứ

Thứ Ba, 14/02/2023, 10:31

Văn chương như những đóa sen nở bừng trên dòng sông ký ức để người viết được trả nợ cho đời, gửi về nơi đồng đội đã ngã xuống, về quá khứ đầy bi tráng. Một trong những người như thế là nhà văn Nguyễn Trọng Luân...

1. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nền văn học Việt Nam đã xuất hiện một đội ngũ hùng hậu với những tên tuổi lớn, làm rạng danh văn học nước nhà. Chính họ đã góp một phần làm nên khúc khải hoàn ca thống nhất hai miền Nam - Bắc, non sông liền một dải. Và cũng chính họ là lực lượng chủ lực làm nên diện mạo văn học Việt Nam những năm 60 cho đến cuối thế kỷ XX. Đội ngũ ấy, có những người vừa vào tuyến lửa đã phát lộ rực sáng tài năng văn chương, trở thành biểu tượng về khát vọng, lý tưởng.

Những đóa hoa sen gửi về quá khứ -0

Nhưng cũng có những người cứ âm thầm, lặng lẽ vừa cầm súng vừa cầm bút đi hết cuộc chiến và tiếp tục day trở khôn nguôi trong những năm tháng chiến tranh đã lùi xa. Rồi một ngày kia, văn chương như những đóa sen nở bừng trên dòng sông ký ức để người viết được trả nợ cho đời, gửi về nơi đồng đội đã ngã xuống, về quá khứ đầy bi tráng. Một trong những người như thế là nhà văn Nguyễn Trọng Luân...

2. Ngồi đối diện tôi là người đàn ông đã ngoài thất thập. Dấu vết của chiến tranh khốc liệt, của những vật vã với thương trường suốt nửa thế kỉ qua làm cho gương mặt ông thêm khắc khổ, phong trần, nhưng ánh mắt luôn toát lên sự cương nghị, ấm áp và đầy ưu tư. Hà Nội đang vào những ngày mùa đông sâu nhất, lạnh nhất, căn bệnh phổi làm ông khó khăn khi nói.

Tôi muốn chia sẻ nhiều hơn cảm nhận của tôi về ông, về văn chương, cuộc đời để ông được nghỉ ngơi, để ông hiểu hơn một người viết thuộc thế hệ hậu sinh đã dõi theo ông, yêu mến, cảm phục những gì thuộc về tâm hồn, nghị lực, sự hy sinh của ông và cả những trang văn ông đang rút ruột trải ra với đời. Nhưng dường như, khi tôi nói đã chạm vào đúng những cảm xúc, những mạch ngầm sâu thẳm trong ông, thế là ông lại nói rủ rỉ, rành rõ, say mê, mặc những cơn gió lạnh thi thoảng táp tới, mặc cái cổ họng đôi lúc buộc ông phải ngừng lại.

3. Mười bốn tuổi, cậu học trò Nguyễn Trọng Luân sớm rời xa vòng tay cha mẹ để đi học xa nhà. Ngày ấy, từ ngôi làng Đan Hà đến trường cấp 3 Hạ Hòa (Phú Thọ) rất xa xôi, thế là cha mẹ quyết định cho cậu con trai nức tiếng học giỏi Nguyễn Trọng Luân ngược lên Yên Bái, học tại trường cấp 3 A thị xã Yên Bái. Và từ đây, cậu bé Luân như một chú chim nhỏ bắt đầu sải cánh bay vào cuộc đời đầy biến động. Bố mẹ đông con nên khi đi học là Nguyễn Trọng Luân phải tự lập hoàn toàn. Cùng với người anh họ, hai cậu học trò sáng đi học chiều tự cấy trồng, chăn nuôi để có lương thực, thực phẩm ăn học. Mùa thu năm 1969, Nguyễn Trọng Luân trở thành sinh viên của Đại học Cơ điện Thái Nguyên và khi đang ở giữa chặng đường sinh viên thì ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Đây cũng chính là giai đoạn cả nước dốc toàn lực cho chiến trường miền Nam, sinh viên các trường đại học tình nguyện lên đường với con tim hừng hực khí thế "đường ra trận mùa này đẹp lắm" (Phạm Tiến Duật). Nguyễn Trọng Luân đã hòa mình vào cái mạch đập nóng hổi ấy bằng lý tưởng thời đại, khát khao được cống hiến cho Tổ quốc ở nơi cần nhất, máu lửa nhất. Đấy cũng là trách nhiệm của ông, người con trai cả của gia đình có sáu cậu con trai. Bởi nếu Nguyễn Trọng Luân cứ bằng lòng, bình yên đi hết 5 năm đại học thì có thể người em kế ông khi đủ tuổi sẽ nhận lấy phần trách nhiệm của gia đình là đóng góp một người lính vào tuyến lửa.

4. "Sống đã rồi hãy viết" (Nam Cao). Quan niệm sáng tác này có vẻ đúng với trường hợp Nguyễn Trọng Luân. Vốn là một học sinh xuất sắc cả văn và toán, ngay những ngày đầu quân ngũ, Nguyễn Trọng Luân đã gắn bó với việc viết lách. Nhưng lúc ấy, chủ yếu là những bài thơ nho nhỏ ghi lại những cảm xúc dọc đường hành quân, khoảng lặng giữa hai trận đánh hay những bản tin nhanh, tin ngắn của đơn vị. Nguyễn Trọng Luân không phải là một anh "lính cậu" để có nhiều thời gian cho mộng mơ, tung tẩy viết văn làm thơ, mà là một người lính xông pha trong tiểu đội trinh sát - một bộ phận đặc biệt quan trọng của các đơn vị. Đây là những người lính luôn đi đầu, việc xác định địch, mục tiêu, địa bàn có chính xác, có đảm bảo cho đơn vị an toàn, giành thắng lợi hay không phụ thuộc rất lớn vào đội hình này.

Những đóa hoa sen gửi về quá khứ -0

Có lẽ vì thế, cùng với đồng đội, ông đã dốc toàn tâm lực để hoàn thành trách nhiệm nặng nề đó. Bao tình huống căng thẳng đến nổ tung đầu, bao lần suýt chết, dày đặc những chiến tích, ngàn vạn chuyện bi hài, bi tráng, mồ hồi - nước mắt - máu xương ở cả hai bên chiến tuyến... Nguyễn Trọng Luân đã từng chứng kiến, nếm trải. Để rồi, sau này từ cuộc chiến bước ra, vật vã mưu sinh, cuồng quay với một cuộc chiến mới không kém phần khốc liệt có tên là thương trường, Nguyễn Trọng Luân chưa khi nào thôi day trở về những đồng đội đã ngã xuống, về những ngày tháng cũ. Tất cả những điều ấy đã trở thành điểm tựa, sức mạnh để ông vượt qua cám dỗ, cạm bẫy, khó khăn hay những giây phút yếu lòng. 

5. Khoảng đầu những năm 2000, tôi đọc được tác phẩm của Nguyễn Trọng Luân trên một số ấn phẩm văn chương. Những bài bút ký, ghi chép, tản văn của ông thực sự ấn tượng. Chân thực, ngồn ngộn tình tiết, sự kiện, tươi ròng, hôi hổi như cuộc chiến khốc liệt vừa mới diễn ra thôi. Và ở những trang văn ấy bao giờ tôi cũng gặp một người cựu binh lúc ngẫm ngợi, trầm tư, khi da diết, thổn thức về những miền đất, những trận đánh, về đồng đội thân yêu một thời luôn chia nhau niềm vui, sẵn sàng "chia nhau cái chết".

Ông từng chia sẻ với tôi, sau rất nhiều năm từ súng đạn, khói lửa chết chóc đi ra, trở về với giảng đường đại học, đảm nhiệm các cương vị công tác khác nhau, vật lộn mưu sinh để nuôi sống gia đình mình và bao gia đình khác mà chồng, cha, con em họ dưới quyền ông, buộc ông phải nén lại cảm xúc, gác chuyện văn chương chữ nghĩa sang một bên để có một cái đầu tỉnh táo xác định được đường hướng chính xác nhất cho doanh  nghiệp. Khi ấy, ông đang giữ cương vị Giám đốc Xí nghiệp Thép xây dựng - Công ty Kim Khí Hà Nội. Nhưng ông đã có rất nhiều những đêm mơ. Cơn mơ nối tiếp cơn mơ, ký ức chồng lên ký ức lên tiếng, réo gọi, dẫn dụ ông đi, có lúc lại chỉ cho ông những đường hướng, để rồi khi tỉnh lại ông đã làm theo những chỉ dẫn ấy và thành công. Thế là không thể không viết.

Nhưng một ông Giám đốc mà duy tình, đa cảm, mơ mộng, vật vã với con chữ thì có đủ lý trí, tỉnh táo để dẫn dắt con thuyền doanh nghiệp cập bến thành công? Ai tin vào một thủ lĩnh như thế? Không còn cách nào khác, ông Giám đốc Nguyễn Trọng Luân phải lén lút viết văn. Sau giờ làm việc là đóng tịt cửa trong phòng gõ phím. Không ai biết, không ai hay. Xí nghiệp vẫn đi lên, doanh số vẫn tăng đều. Chỉ một số báo, tạp chí văn chương mừng thầm vì mới "khai quật" được một cộng tác viên khá đặc biệt với những tác phẩm văn chương dung dị, chân thực, rung cảm, lấp lánh "vẻ đẹp nguyên khối" (Đỗ Tiến Thụy). Năm 2003, Nguyễn Trọng Luân đoạt giải thưởng cuộc thi bút ký của Tạp chí Văn nghệ quân đội với tác phẩm "Ký ức tháng Tư", đây là dấu mốc ông chính thức bước chân vào văn đàn và bắt đầu một thời kì viết thăng hoa, ào ạt, không mệt mỏi ở hầu hết các thể loại văn chương.

6.Giai đoạn nghỉ hưu, nhà văn Nguyễn Trọng Luân có nhiều thời gian hơn cho những chuyến đi trở lại chiến trường. Ông đi tìm đồng đội, cả người sống và người chết, đi tìm chính ông của những năm tháng tài hoa ra trận. Đã rất nhiều lần nhà văn, người cựu binh già ấy rưng rưng, nghẹn lòng trước một cánh rừng, một con suối cũ... Và cũng rất nhiều lần ông ngồi bên những hàng bia mộ, hóa tác phẩm và khóc. Dường như ông lại được ký ức, đồng đội từng ngã xuống "độ" cho nên hàng loạt các tác phẩm có sức lay động đã ra đời.

Năm 2016, nhà văn công bố tác phẩm "Rừng đói", một tiểu thuyết phi hư cấu độc đáo, một cách nhìn khác về chiến tranh gây được chú ý với giới phê bình và độc giả. Khi đọc xong "Rừng đói", nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đã chia sẻ: "Gấp lại trang cuối tiểu thuyết "Rừng đói", mọi chuyện gian nan, đói khổ, chết chóc dường như qua đi. Với tôi chỉ còn lại nụ cười chiến thắng của những người lính bình thường mà vĩ đại. Đó là thành công của nhà văn mặc áo lính Nguyễn Trọng Luân". Tháng 3/2022, Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) giới thiệu "Rừng đói" bản tiếng Anh mang tên "Hungry Forest", được bán trên kênh Amazon và kênh bán sách của Ukiyoto trên toàn cầu, cả bản bìa mềm và bản sách điện tử.

Tôi tin rằng, khi đọc tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Trọng Luân, độc giả dù ở đâu trên hành tinh này, dù mang sắc tộc nào cũng sẽ thêm một lần xác tín: "Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên" (Olga Bergoldt). 

Nguyễn Phú
.
.
.