Nhà văn giữ chuyên mục báo chí có gì lạ?

Thứ Hai, 10/06/2024, 13:03

Chuyên mục báo chí có thể là một nội dung như: thời sự, thời trang, tài chính… hoặc một thể loại như: phóng sự, bình luận, chuyên luận… Chuyên mục báo chí cũng có thể khu biệt hẹp như một tiểu phẩm, một tiếng nói, chỉ lấy một hiện tượng, sự việc nào đó mà dẫn giải, khái quát, hoặc bình luận, phản biện, hay phê phán, biểu dương. Chuyên mục hẹp "tiếng nói", "tiểu phẩm" thường là đa dạng, phong phú, sinh động.

1. Hầu như các báo và tạp chí đều mở các chuyên mục. Các chuyên mục rất đa dạng, được đặt các tên khác nhau như: "Tiếng nói nhà văn" của báo Văn Nghệ, "Mỗi ngày một chuyện" của báo Hà Nội Mới, "Nói hay đừng" của báo Lao Động, "Biết đâu nói đó" của báo Tin Tức, "Chuyện hàng ngày" của báo Tuổi trẻ, "Chào buổi sáng" của báo Thanh Niên…

Từ các chuyên mục của các tòa soạn xuất hiện rất nhiều nhà báo giàu bản lĩnh, nổi tiếng, đôi khi người đọc mua báo trước tiên cứ chọn đọc chuyên mục ấy, nhà báo đó đọc trước, rồi mới đọc sang các tin bài khác. Không chỉ các nhà báo lừng danh giữ chuyên mục, viết cho chuyên mục mà các nhà văn, nhà thơ cũng làm báo, giữ và viết chuyên mục.

Thời hiện nay, cũng có nhiều nhà văn nhà thơ giữ chuyên mục báo chí. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhiều năm giữ và viết cho chuyên mục "Đối thoại hàng tháng" và "Hầu chuyện Thượng đế" của hai tạp chí, sau này in thành hai tập sách dầy như viên gạch. Nhà thơ Văn Công Hùng giữ chuyên mục thơ của báo Gia Lai cuối tuần. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn giữ chuyên mục "Nhịp điệu cuộc sống", nhà văn Hoàng Hữu Các giữ chuyên mục "Câu chuyện gia đình" của báo Tuổi trẻ & Đời sống. Nhà thơ Thanh Thảo giữ chuyên mục "Chào buổi sáng" của báo Thanh Niên. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với bút danh Anh Bồ Câu giữ chuyên mục “Vườn Hồng” của báo Thanh niên Chủ nhật từ năm 1990…

Khoa-1717995852080.jpeg
Cuốn sách "Hầu chuyện Thượng đế" của nhà thơ Trần Đăng Khoa tập hợp các bài viết trong chuyên mục do ông phụ trách trên báo.

Nhà văn viết cho chuyên mục phải kể đến Nguyễn Ngọc Tiến. Ông có hơn 30 năm làm báo, viết báo trong đó có tới 28 năm làm ở báo Hà Nội Mới. Ông còn tham gia giữ chuyên mục "Hà Nội kim cổ khí" của báo Đời sống và Pháp luật, chuyên mục "Sống ở Hà Nội" của báo An ninh Thủ đô… Kiến văn về Hà Nội vừa rộng vừa sâu, cộng với niềm đam mê của một cây bút giàu bản lĩnh, điềm tĩnh làm cho các chuyên mục ông giữ hấp dẫn, người đọc rất thú vị bởi thu nhận được kiến thức, văn hóa và cả cái nhìn mới lạ, sắc sảo của một nhà văn đầy bản sắc Hà Nội.

Tôi biết nhà thơ Hồng Thanh Quang bắt đầu bằng các bài viết trên chuyên mục "Nhìn từ Hà Nội" ở báo Quân đội nhân dân (QĐND) cuối tuần. Nhà văn Phạm Quang Đẩu một thời là Trưởng ban Báo QĐND cuối tuần nói về chuyên mục do cấp dưới của ông là Hồng Thanh Quang phụ trách rằng: "Nhìn từ Hà Nội”, một thứ giống xã luận của những nhật báo chính trị như Nhân Dân, Quân đội nhân dân nhưng phải viết biến hóa, mềm mại hơn. Hồng Thanh Quang "Nhìn từ Hà Nội" quanh năm ngày tháng, mà làm hay, không bình luận viên nào chen chân vào được đất có sổ đỏ của anh".

Khi những số Quân đội Nhân dân (thứ 7) sau này là cuối tuần ra đều đều, tôi vẫn còn ở đơn vị, chưa về Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi vẫn nhớ ông đại tá - thủ trưởng cũ của tôi vốn là bác sĩ, tiến sĩ tâm lý học ở Tiệp Khắc rất chăm đọc báo, nghe đài, cầm tờ QĐND cuối tuần lên, bao giờ cũng tìm đọc "Nhìn từ Hà Nội" trước. Một lần ông giương mục kỉnh lên, bảo tôi: "Cái ông Hồng Thanh Quang này không biết bao nhiêu tuổi mà viết già dặn, rất bản lĩnh với tầm nhìn "Nhìn từ Hà Nội" thủ đô của một quốc gia".

2. Sau này, tôi đi làm báo chuyên nghiệp cũng giữ vài ba chuyên mục cho báo này, báo kia, nhưng câu chuyện ông thủ trưởng cũ khen người viết bằng "tầm nhìn từ thủ đô" không bao giờ tôi quên. Tôi được giữ chuyên mục "Ngẫm cùng giới trẻ" trên báo Tuổi trẻ & Đời sống, cứ mỗi tuần một bài, in tràn trang báo A3. Viết về các vấn đề về tư duy, nhận thức, phong cách, lối sống của giới trẻ, các hiện tượng chính trị, xã hội, văn hóa đời sống xảy ra phải thể hiện bằng bài viết cho thế hệ trẻ thật không dễ chút nào.

Viết cho giới trẻ thời @, thông tin như vũ bão, hội nhập toàn cầu lại càng khó, không chỉ nhập vai hóa thân vào người trẻ, mà còn cần kiến văn toàn diện và tách mình ra xa để nhìn nhân vật, sự vật, hiện tượng để bàn luận cùng giới trẻ, chứ không áp đặt cái nhìn hay lên giọng dạy đời, và thuyết phục bạn đọc luôn là thử thách đối với tôi. Vậy mà, đằng đẵng 10 năm giữ chuyên mục "đều như vắt chanh", lại "thông đồng bén giọt".

Bây giờ, có lúc nghĩ ngợi không hiểu sao mình lại bền bỉ một cách kiên cường như thế? Ngoài công việc biên tập văn xuôi ở tòa soạn, tôi còn giữ chuyên mục truyện ngắn cho số cuối tuần của báo Kinh tế đô thị. Mỗi tuần chọn một truyện ngắn, lại phải viết cô đọng khoảng 200 - 300 chữ lời bình như một cách thay cho viết chapeau (sa pô) kéo dài cũng đến 5 - 6 năm quả là cũng nhọc nhằn. Chọn được một truyện ngắn với số lượng chữ in đủ 1 trang báo khổ A3, thì phải đọc hàng chục tác phẩm, lại rút hồn vía của truyện ngắn chỉ bằng vài trăm chữ luôn là một thử thách sự kiên trì, và lòng yêu nghề với bất cứ nhà văn nào, chứ không chỉ mình tôi.

Nhà văn Văn Giá cũng vừa làm công tác giảng dạy ở Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, vừa giữ chuyên mục cho một số báo. Gần đây, ông chuyên trả lời các câu hỏi về văn chương cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trong chuyên mục "Hỏi vắn đáp… văn". Chẳng hạn có trò hỏi: "Có phải ‘Hồn Trương Ba da hàng thịt’ của Lưu Quang Vũ là một vở bi hài kịch?" Hay: "Tại sao tác giả Trần Tuấn trong bài “Cà Mau quê xứ” lại sử dụng cụm từ "cái nắng miệt mài" ạ?". Câu hỏi không dễ dàng, "nắng miệt mài" là cái nắng gì? Nói chuyện với tôi, Văn Giá bảo: "Học trò bây giờ thông minh lắm. Nhiều câu hỏi bất ngờ, và đưa mình vào chỗ bí. Lại phải mất thời gian đọc sách, hoặc hỏi thầy, hỏi đồng nghiệp mới có câu trả lời thỏa đáng".

Tôi biết, nhuận bút của tạp chí văn chương cho tuổi trẻ rất khiêm tốn. Không có kiến văn và tình yêu văn chương, tình thương học trò thì dễ nản và bỏ cuộc lắm. Vậy mà, Văn Giá vẫn viết miệt mài, cần mẫn, mỗi tháng một bài, và viết nhiều năm rồi.

Nữ nhà văn kiên trì, kiên cường giữ chuyên mục nhất phải kể đến Như Bình. Mười tám năm liền chị giữ chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" trên báo An ninh thế giới cuối tháng. Đương thời nó là "một trong số ít chuyên mục ăn khách nhất từ trước đến nay". Nhà văn Như Bình bảo: "… nếu không có vốn sống, không có sự trải nghiệm văn chương và không xử lý thủ pháp nghệ thuật cao tay chắc chắn không viết được, chứ chưa nói đến viết hay".

Cái hay, cái độc đáo của nhà văn giữ chuyên mục là: viết từ bệ phóng nào, viết kiểu gì thì viết, thì cũng thành một câu chuyện hấp dẫn, ít ra thì cũng thành một mẩu chuyện có tứ, gợi mở để phát triển thành một cậu chuyện lớn với nhiều nhân vật. Chính vì thế, từ chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật", nhà văn Như Bình đã chọn lọc in được nhiều tập sách. Đặc biệt, có đài truyền hình còn đem dựng thành tiểu phẩm phát sóng. Có nghĩa là sức sống của các bài viết chuyên mục có sức sống lâu bền, chứ không mang tính thông tấn, mùa vụ, rồi khi không khí thời sự qua đi nó cũng chết yểu như các bài báo thông thường khác.

3.Yêu cầu người viết cho chuyên mục phải viết đủ số chữ, nộp bài đúng thời gian, không được tùy tiện cáo lỗi quên, hoặc nại ốm đau, bận rộn. Người giữ chuyên mục bao giờ cũng trường vốn, sức viết dài hơi, nếu không chỉ viết vài ba kỳ sẽ cạn vốn. Cạn vốn sẽ không viết được nữa, với các mục bình thường có thể linh động lấy bài khác trám vào, chứ chuyên mục thì rất khó. Người giữ chuyên mục cũng cần có phẩm chất giàu lòng tự trọng, biết từ chối khi mình cạn vốn, hoặc hao mòn cảm xúc. Bởi không ai nói hay suốt đời, viết đều được mãi. Tuổi nhiều dần, sức khỏe giảm sút, cảm xúc chai lì, tư duy xơ cứng, bài viết quen tay, đuối dần rồi… nhạt, lời khen cũng thưa dần và hết hẳn cũng là chuyện bình thường. Tòa soạn hoặc là chưa tìm được cây bút mới thay thế, hoặc là nể nang, ngại chưa muốn nói lời "chia tay", nhưng tôi biết nhiều nhà văn rất sáng suốt, tinh tế nhận ra rồi chủ động "hạ cánh an toàn" giữ lấy cái tình bạn nghề.

Nhà văn, nhà thơ giữ chuyên mục thường là người có đai có đẳng. Người sáng tác viết cho chuyên mục không chỉ sâu sắc mà còn có bản sắc, có cá tính. Bài viết bao giờ cũng biến hóa, linh hoạt, thậm chí bay bổng. Đôi khi, cách luận giải vấn đề thuyết phục bạn đọc không chỉ giọng điệu tác giả, mà còn cả thủ pháp nghệ thuật nữa. Hầu hết, các nhà văn giữ chuyên mục sau một thời gian đã nổi tiếng rồi lại nổi tiếng hơn, họ đều chọn lọc các bài đã viết để in thành sách, có người bán đắt như tôm tươi. Các tòa soạn bao giờ cũng biết "chọn mặt gửi vàng", nhà văn giữ chuyên mục báo chí đều là "không phải dạng vừa đâu". Quả thật! Người sáng tác giữ chuyên mục báo chí cũng là sự lạ. 

Sương Nguyệt Minh
.
.
.