Ký ức trở lại

Chủ Nhật, 08/05/2022, 21:29

Khi thấy thợ phá dỡ khu nhà Pháp gần trăm tuổi tại 61 Trần Phú, Hà Nội thì các đài báo giật mình. Hình ảnh bức tường cao quen thuộc gần Quảng trường Ba Đình có thể biến mất trong vài ngày.

Mảnh đất 4 mặt tiền này sẽ thay bằng một tòa cao ốc hiện đại 11 tầng. Nhìn qua bản phối cảnh thì tòa nhà tương lai giống như một du thuyền khổng lồ và cùng phong cách với tòa “Hàm cá mập” tại Hồ Gươm.

Câu hỏi là đổi mới có cần tính mức độ không? Nhiều thành phố trên thế giới được người ta nhớ đến bởi sự bảo thủ của mình. Washington được coi là thành phố lùn khi quy định các ngôi nhà không được cao hơn nhà quốc hội.

Có ý kiến cho rằng tiếc làm gì cái công trình của thực dân đế quốc. Ta hãy dựng lên cái mới của riêng ta, khỏi phải kế thừa ai. Một số các bậc cha chú có thể phẩy tay, “ôi dào, thay đổi đi cho tiến bộ”, thì nhóm 9X, gen Z lại hối hả làm mọi việc cho ký ức ở lại. Con cháu đã thực sự biết tiếc ký ức. Họ đi chụp ảnh những di sản, phục dựng 3D các di sản, tạo dáng chụp nhau tại con đường sấu Phan Đình Phùng. Có thể các bạn trẻ lo âu không chụp nhanh thì các công trình sẽ biến mất sau nét bút chì trên bản đồ quy hoạch. Có một điều lạ, một bộ phận thế hệ cha chú từng trải nhiều thăng trầm, từ bom đạn đến bao cấp lại có những thái độ lệch chuẩn về quá khứ, thì con cháu họ lại có cái nhìn cân bằng và thấu hiểu hơn. Các bạn trẻ làm sách, hội thảo, tạo các hoạt động bảo vệ di sản vật chất và tinh thần. Họ mặc áo dài khăn đóng, tập hát xẩm, chèo. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhóm trẻ chia sẻ các quan điểm lịch sử công tâm và tích cực.

Giả sử xóa hết di sản đi làm lại thì chúng ta còn gì? Hình ảnh Bách hóa Tổng hợp Hà Nội là địa chỉ chứa ký ức của nhiều thế hệ, hiện nay đã biến thành tòa nhà mua sắm sang chảnh. Vài chục năm trước, đó là địa chỉ hội tụ toàn dân, có thể mua được mọi hàng tiêu dùng. Cả năm đông đúc khiến mỗi viên gạch hoa cũng mòn trũng xuống như cái đĩa. Bao nhiêu bàn chân đặt xuống thì tạo độ mòn như vậy? Hãy tưởng tượng cả dãy phố Tràng Tiền đều thay đổi ngoại hình thì sẽ thế nào? Và nữa, TP Hồ Chí Minh không còn chợ Bến Thành và hàng cây sao quận 1 nữa thì sẽ ra sao? Nếu người Mông, Dao ở Sa Pa đi chợ bằng âu phục thì chúng ta còn lại gì?

Khách du lịch có đến thăm không, nếu Paris tháo dỡ tháp Eiffel bán sắt vụn, Ý dựng thẳng cái tháp nghiêng Piza, Trung Quốc đập bỏ Vạn Lý Trường Thành? Di sản về vật chất là có hạn nhưng giá trị tinh thần từ ký ức của nó là vô hạn. Ký ức hội tụ cộng đồng trở thành tình yêu lớn. Đó là sức mạnh vô bờ. Để tạo được ký ức cần bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ?

Các nhiếp ảnh gia thường phàn nàn: “Cây đào ở bản Lao Xa bị chặt rồi các ông ạ”, “Hàng cây lá đỏ ở Kim Mã bị chặt cụt hết cành rồi”…

Vài chục năm gần đây, hàng loạt con dốc ở Hà Nội tự dưng “biến mất”. Giờ đây người ta không còn nhắc đến dốc Bà Triệu, dốc Ngọc Hà, dốc Tam Đa, dốc Minh Khai, dốc đường Thanh Niên, dốc Hàng Than. Thực ra về vật chất thì những con dốc ấy vẫn còn nguyên nhưng nó “tàng hình” trong giác quan. Thời nay, người ta thường chỉ nói đến cái tên Bà Triệu, Ngọc Hà, Tam Đa, Minh Khai, đường Thanh Niên, Hàng Than mà thôi. Những con dốc này chỉ tồn tại thời xe đạp tòng tọc, tất cả đều kêu trừ cái chuông. Đó là thời thanh niên sôi nổi của thế hệ ông bà nhóm gen Z bây giờ.

Có chuyện rằng, anh gò lưng đạp xe đèo (thời xưa gọi là đèo chứ không phải là chở) chị người yêu lên dốc đường Thanh Niên. Chị hỏi anh mệt không? Anh bảo “phình phường phôi”. Thực ra đó là chữ “Bình thường thôi”, nhưng lúc mệt quá thì trở thành âm thanh phều phào bật ra từ môi.

Một bài hát trên nền nhạc Reggae của tác giả 9X có ca từ thế này: “Ông bà anh đưa nhau đi khắp phố xa/ Bà ngồi trên gác ba ga chiếc xe đạp tróc sơn/ Ông mua tặng bà anh một đóa hoa/ Và đó là món quà đầu tiên”.  Ca khúc đoạt giải “Âm nhạc cống hiến” lần thứ 12. Ca khúc hoài cổ này đã nhận được 15 triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong vòng một tuần. Điều đó cho thấy trân trọng ký ức là một xu thế thực sự trong giới trẻ.

Bây giờ, 6 triệu xe máy và khoảng 700.000 ôtô tại Hà Nội (con số này vẫn ngày một tăng) đã xóa ký ức những con dốc nhanh như vậy đấy. Làm thế nào ký ức có thể trở lại? Thật không dễ. Thời của máy móc làm cho chúng ta không bao giờ nhìn được biển Hạ Long rợp cánh buồm nâu như một thời chưa xa. Nay cả vịnh Hạ Long chỉ còn vài cánh buồm trang trí trên tàu du lịch. Buồm không còn công năng đón gió nữa? Cánh buồm xưa có biến mất thật không thì chưa rõ, nhưng có vẻ như xe đạp đang trở lại. Một tương lai không xa, khi xe bus, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm phủ khắp thành phố thì người ta trở lại đạp xe. Khi ấy, ký ức thời “ông bà anh” mới thực sự trở lại.

Lê Tâm
.
.
.