Yếu nhân được bảo vệ nơi công cộng như thế nào?

Chủ Nhật, 28/07/2024, 10:19

Cách đây 2 năm, thế giới bàng hoàng vì cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát và qua đời vào ngày 8/7/2022 trong lúc đang phát biểu vận động tranh cử cho đảng của ông trước một ga xe lửa ở thành phố Nara. Và, ngày 13/7 vừa qua, vụ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát hụt trong khi đang phát biểu vận động tranh cử tại bang Pennsylvania càng làm dấy lên mối quan tâm đặc biệt về việc đảm bảo an ninh an toàn cho các yếu nhân ở nơi công cộng của các nước trên toàn thế giới.

Những vụ ám sát chấn động thế giới

Ngoài 2 vụ ám sát mới nhất nhằm vào cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và cựu Tổng Thống Mỹ Donald Trump thì có một loạt vụ ám sát đã diễn ra ở một số quốc gia để lại nỗi ám ảnh, bởi nạn nhân đều là những chính trị gia nổi tiếng, bước vào con đường chính trường theo những cách khác nhau nhưng kết thúc cuộc đời bằng một lý do giống nhau: bị ám sát. Đó là 2 Tổng thống Mỹ: Abraham Lincoln (1809-1865) và John F.Kennedy (1917-1963). Lịch sử thế giới còn chứng kiến những vụ ám sát thảm khốc khác nhằm vào các chính trị gia.

Ngày 6/10/1981, Tổng thống Ai Cập Anwar El-Sadat (1918-1981) bị ám sát khi ông đang tham dự cuộc diễu binh kỷ niệm 8 năm sự kiện quân đội nước này vượt qua kênh đào Suez mặc dù ông được bảo vệ nghiêm ngặt bởi 4 lớp an ninh và 8 vệ sĩ. Chiếc xe tải do trung úy Khailid Islambouli chở đội ám sát trà trộn vào đoàn diễu binh tiến qua lễ đài, nhóm sát thủ đã nhảy xuống ném lựu đạn vào tổng thống và xả súng vào khán đài khiến Tổng thống Sadat và 10 người khác tử vong, 28 người khác bị thương (bao gồm cả Phó Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, người sau này kế vị ông Sadat; Bộ trưởng Quốc phòng Ireland James Tully và 4 sĩ quan liên lạc của quân đội Mỹ). Islambouli và các sát thủ đã bị xét xử, kết án tử hình và bị xử bắn vào tháng 4/1982.

Yếu nhân được bảo vệ nơi công cộng như thế nào? -0
Nhân viên đặc vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ.

Ngày 28/2/1986, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị bắn vào lưng sau khi rời rạp chiếu phim cùng vợ. Vụ ám sát này cho đến nay vẫn là dấu hỏi bí ẩn mặc dù hơn 10.000 người đã được thẩm vấn và hơn 130 người đã nhận trách nhiệm. Điều đáng nói về vụ việc là ở thời điểm đó, các chính trị gia Thụy Điển đi ra nơi công cộng thường không có lực lượng an ninh theo cùng bảo vệ.

Ngày 4/11/1995, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã bị bắn trọng thương sau khi tham dự một cuộc biểu tình hòa bình được tổ chức tại quảng trường Tel Aviv's Kings ở Israel. Rabin sau đó qua đời trong cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Ichilov ở Tel Aviv. Kết quả điều tra xác định ông bị nhóm cánh hữu cực đoan Yigal Amir của Israel sát hại.

Ngày 14/2/2005, cựu Thủ tướng Li Băng Rafik Hariri lên xe sau khi đi thăm một quán cà phê gần tòa nhà quốc hội thì bị một kẻ đánh bom tự sát ngồi trong một xe tải quân sự chứa 2 tấn thuốc nổ chờ sẵn đoàn xe của ông đi qua và kích nổ. Quả bom khiến ông Hariri và 21 người khác thiệt mạng bao gồm các vệ sĩ, cựu Bộ trưởng Kinh tế Bassil Fleihan và những người qua đường không liên quan.

Ngày 27/12/2007, Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto bị bắn tỉa trong lúc kêu gọi tranh cử trước hàng nghìn người cùng với một hàng rào bảo vệ dày đặc tại công viên Liaqut Bagh. Kẻ bắn tỉa ám sát bà từ vị trí cách đó khoảng 50m đã cho nổ bom tự sát.

Ngoài những chính khách bị ám sát nơi công cộng, thế giới còn chứng kiến không ít những vụ ám sát các yếu nhân ở những nơi bí mật, riêng tư, được bảo vệ cẩn mật như: Nữ Thủ tướng Ấn Độ bị ám sát tại dinh Thủ tướng vào ngày 31/10/1984; Vua Faisal của Arab Saudi tại cung điện hoàng gia vào ngày 25/3/1975; Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát tại nhà riêng vào đêm 7/7/2021. Vụ ám sát đặc biệt nhất tại một địa điểm được cho là bí mật nội bất xuất, ngoại bất nhập được quan tâm nhiều nhất cho đến nay chính là vụ Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee bị chính bạn thân của mình là Kim Jae Kyu, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) bắn chết tại một tòa nhà bí mật trong khuôn viên của KCIA vào ngày 26/10/1979.

Đặc vụ các nước bảo vệ yếu nhân như thế nào?

Việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Donald Trump bị tấn công nơi công cộng vừa qua cùng với những cuộc ám sát trước đó trên thế giới đã chấm dứt khoảng thời gian dài người dân các nước đặt niềm tin hoàn toàn vào sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các yếu nhân của các cơ quan đặc vụ, đồng thời tạo ra nỗi ám ảnh kéo dài trong thời gian tới không chỉ đối với Nhật Bản hay Mỹ mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Các chuyên gia thực thi pháp luật tại Mỹ thì cho rằng, vụ việc lịch sử này chắc chắn sẽ thúc đẩy việc xem xét lại quy trình hoạt động của Cơ quan Mật vụ Mỹ. Thực tế cho thấy, hiện tại hầu hết các nguyên thủ quốc gia đều có đội an ninh và cảnh sát mật được đào tạo bài bản và trang bị hiện đại để bảo đảm an toàn cho họ.

Các biện pháp bảo đảm an toàn cho các yếu nhân bao gồm kiểm tra an ninh trước khi tiếp xúc và tổ chức các sự kiện, giám sát địa điểm và giám sát mạng xã hội để phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng. Ngoài ra, một số nguyên thủ quốc gia được hộ tống bởi đội bảo vệ riêng và có sẵn đội tuần tra đặc biệt để phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Để đảm bảo an toàn cho các cá nhân, tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, những người làm công tác bảo vệ yếu nhân phải có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn cao.

Yếu nhân được bảo vệ nơi công cộng như thế nào? -0
Các binh sĩ thuộc Đội Mật vụ phản công (CAT) bảo vệ Tổng thống Mỹ.

Trong khi hầu hết các nước đều ban hành những quy định về đối tượng được bảo vệ nghiêm ngặt như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, các nước châu Âu, các nước ASEAN... thì có một số nước đã ban hành Luật Bảo vệ các yếu nhân như: Luật Liên bang về an ninh quốc gia của Liên bang Nga; Luật Bảo vệ các yếu nhân của Cơ quan An ninh phủ Tổng thống Hàn Quốc. Theo đó, các đối tượng được bảo vệ bên cạnh những mục tiêu quan trọng là các yếu nhân, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, kể cả những người đã rời nhiệm.

Cơ cấu tổ chức của cơ quan đặc vụ các nước cơ bản có nét tương đồng, song mỗi nước cũng có những nét đặc thù riêng và tên gọi khác nhau. Cơ quan cảnh vệ Liên bang Nga là cơ quan cấp bộ, người đứng đầu cơ quan cảnh vệ là thành viên chính phủ. Việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan cảnh vệ do tổng thống quyết định. Tổ chức của cơ quan cảnh vệ được tổ chức ở Liên bang và các nước cộng hòa. Với Trung Quốc, Lực lượng Cảnh vệ của Trung Quốc được tổ chức từ trung ương đến địa phương. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Sở Cảnh vệ; ở các quận, huyện có Phòng Cảnh vệ.

Ở Cuba, tổ chức của lực lượng cảnh vệ do Cảnh vệ Trung ương đảm nhận. Đối với các địa phương có đại diện cảnh vệ ở các khu vực. Tại Hàn Quốc, người đứng đầu Cơ quan An ninh Phủ Tổng thống Hàn quốc là tư lệnh, hiện nay là thành viên chính phủ, được tổng thống bổ nhiệm và phụ trách chung công tác đảm bảo an ninh, lãnh đạo và chỉ huy các cán bộ trực thuộc của cơ quan cảnh vệ.

Về nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm, tại Mỹ, nhiệm vụ của Cơ quan Mật vụ là phát hiện, điều tra và bắt giữ các cá nhân, tổ chức có thể đe dọa đến an ninh đối tượng được bảo vệ và đe dọa an ninh của đại diện các chính phủ nước ngoài tại Mỹ và an toàn các yếu nhân trong sự kiện trọng đại do chính phủ tổ chức. Tại Trung Quốc, Cục Cảnh vệ Trung ương được tổ chức theo mệnh lệnh chỉ huy, các hoạt động cảnh vệ do chỉ huy quy định và thực hiện theo điều lệnh cảnh vệ.

Tại Nga, các nhiệm vụ cơ bản của các cơ quan an ninh quốc gia gồm: Dự thảo và phát hiện các mối đe dọa đối tượng an ninh quốc gia, thực hiện các biện pháp ngăn chặn các mối đe dọa này; thực hiện các biện pháp bảo vệ các đối tượng an ninh quốc gia; thực hiện việc bảo vệ các đối tượng được bảo vệ, trong đó có các yếu nhân như tổng thống và thủ tướng. Tại Thụy Điển, nhiệm vụ của các cơ quan, công ty, tổ chức phải tiến hành nhằm tự bảo vệ như: Phân tích thông tin về các nguy cơ an ninh, thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh, kiểm tra an ninh các nhân sự được tuyển dụng.

Tại Ấn Độ, có 6 mức cảnh vệ, mức cao nhất dành cho thủ tướng, gia đình trực hệ; các hạng mục bảo vệ mà trung ương hoặc chính phủ nhận thấy cần biện pháp bảo vệ; các mức độ khác áp dụng với các đối tượng khác nhau. Tại Myanmar, nhiệm vụ bảo vệ là phối hợp triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối đối tượng được bảo vệ; tiến hành các hoạt động thu thập thông tin, tin tình báo, đánh giá tình hình phục vụ đảm bảo an toàn đối tượng được bảo vệ.

Về biện pháp và chế độ thực hiện bảo vệ, Luật Liên bang về an ninh quốc gia của Nga quy định việc bảo vệ cho những đối tượng an ninh quốc gia được quyết định bởi Tổng thống Liên bang Nga. Việc bảo đảm an ninh cho các lãnh đạo quốc tế và các quan chức quốc tế và thành viên gia đình họ trong thời gian có mặt trên lãnh thổ Liên bang Nga được thực hiện theo các hiệp ước quốc tế của Liên bang Nga, cũng như thỏa thuận giữa tổ chức liên bang có nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia và các tổ chức tương đương của nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, công tác bảo vệ cho tổng thống và phu nhân/phu quân bao gồm: Cung cấp nơi ở riêng biệt đảm bảo an ninh (nơi ở riêng biệt có thể do chính yếu nhân chuẩn bị); bố trí cán bộ và phụ trách công tác cảnh vệ nhằm đảm bảo an ninh cho nơi ở hiện tại và nơi ở riêng biệt; hỗ trợ các phương tiện cơ động như chuyên cơ tổng thống, trực thăng và ô tô trường hợp có yêu cầu.

Bảo vệ yếu nhân là nhiệm vụ chuyên biệt nhằm đảm bảo an toàn cho những cá nhân có vai trò, sức ảnh hưởng lớn đến an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng đặc vụ và người được bảo vệ. Trong bối cảnh tình hình bất ổn an ninh chính trị ở nhiều nước diễn biến phức tạp, việc các nước đẩy mạnh các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các yếu nhân, nhất là ở nơi công cộng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của tất cả các quốc gia, trong đó, lực lượng đặc vụ đóng vai trò làm nòng cốt không được phép chủ quan lơ là để bị rơi vào tình huống bất ngờ.

Minh Hà
.
.
.