Xin hỏi bậc cha chú
Xứ ta hay có câu “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, còn ở thời Hy Lạp cổ đại thì bậc cao niên cũng than vãn thanh niên chỉ là một lũ suy đồi, vô dụng, không biết trân trọng truyền thống. Trong tác phẩm “Cộng hòa”, Platon đã đề xuất một hệ thống giáo dục nghiêm ngặt để đảm bảo họ trở thành những công dân tử tế.
Thanh niên thế kỷ 21 thường gọi là Gen Z, được khoanh vùng khoảng chào đời từ 1995 tới 2015, là nhóm khác biệt với đàn anh thế hệ trước. GenZ lớn lên cùng sự bùng nổ của Internet và công nghệ số. Cha chú phàn nàn rằng Gen Z lệ thuộc công nghệ nên thui chột kỹ năng giao tiếp và trở nên vô dụng khi bị tách rời khỏi thiết bị công nghệ. Gen Z mất khả năng tập trung thời gian dài vì bị “ngáo” TikTok, YouTube, và Instagram với thời lượng siêu ngắn từ 30 giây tới vài phút. Nhiều thanh niên “thế hệ 30 giây” chỉ muốn trồng cây hôm trước, hôm sau hái quả ngay.
Gen Z nhảy việc liên tục. Có tới hơn 60% nhảy việc ngay năm đầu tiên đi làm. Không ít bạn nhảy choanh choách như máy khâu chỉ trong một năm. Họ khệnh khạng đến cuộc phỏng vấn xin việc, yêu cầu mức lương cao hơn cả quản lý. Thời 7X, 8X, đi làm để có tiền, còn Gen Z đi làm để sống và phát triển giá trị bản thân. Do áp lực tinh thần đè nặng, làm Gen Z mong manh dễ vỡ thêm trầm cảm nên họ năng tham gia các hoạt động mang tính “chữa lành”. Khi được giao việc, Gen Z tỏ ra không đủ nhẫn nại như thế hệ trước, họ dễ bị cảm xúc chi phối. Nếu bị sếp nhắc nhở, họ sẵn sàng đập bàn tuyên bố nghỉ việc trong tích tắc.
Nói đi thì cũng phải nói lại, cha chú chê Gen Z có đúng cũng đúng một nửa thôi. Ngày nay, môi trường công việc đã thay đổi không phải trói chặt tại một công sở nhà to cổng lớn nữa. Giờ đây, Gen Z có thể làm việc online với nhiều đơn vị cùng một lúc toàn quốc, toàn cầu. Lý do nữa là nhiều công ty cũng khôn hết phần thiên hạ. Công ty yêu cầu nhân viên mới phải giỏi tiếng Anh, rành tiếng Nhật, phần phật tiếng Hàn, khỏi bàn đồ họa, thành thạo “seo” website (tối ưu hóa nội dung, cấu trúc của website để cải thiện thứ hạng của trang trên các công cụ tìm kiếm như Google, nhằm tăng lưu lượng truy cập tự nhiên). Hỏi mức lương thì công ty hô xanh rờn 5 triệu. Thế thì bảo sao tráng sĩ một đi không trở lại. Khôn nhất là công ty luôn hô hào tinh thần lao động vì đam mê, không quản ngại ngoài giờ. Vậy thì nhảy việc là tiêu cực hay là sự thông minh?
Nhiều bậc cha chú chê bọn này láo. Cứ câu ngạn ngữ khuôn vàng thước ngọc truyền thống bao nhiêu là nó phá hoại thành những câu cà khịa bấy nhiêu. Chắc ai cũng từng gặp câu này rồi: “Yêu anh mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, thấy anh nghèo thì thôi”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Mai sau có lúc nấu chung một nồi”; “Cá không ăn muối cá ươn/ Không có xe xịn thôi đừng yêu em”…
Cha chú thì nghìn đời hay chê con cháu hời hợt chứ thực ra thế hệ nào, hào kiệt đó. Việc cần sức mạnh cộng đồng như chống dịch COVID-19, không dựa vào Gen Z xông pha thì biết tính sao? Gen Z lan tỏa sự sáng tạo không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu. Người Việt chưa có được huy chương tại Thế vận hội Olympic 2024 nhưng không hề kém cạnh thế giới về trí tuệ. Trong năm nay, 4 học sinh Gen Z vừa đoạt 4 huy chương Olympic Hóa học quốc tế, đứng thứ 2/89 quốc gia; 5 học sinh Gen Z của chúng ta đoạt huy chương Olympic toán quốc tế; anh chàng Quang Linh vloger, vừa giúp đỡ người châu Phi canh nông, vừa lan tỏa văn hóa Việt. Vậy Gen Z đã thực sự góp sức cho Việt Nam sánh vai các cường quốc 5 châu hay chưa?
Buổi tối muộn hôm trước, người viết bài thấy một thanh niên Gen Z bắc thang chữ A nắn nót sơn cửa cuốn nhà mình thành một lá cờ đỏ sao vàng. Nhìn ngôi sao vàng chuẩn mực, chợt nhớ tới Olympic 2024, người ta có thể cẩu thả tới mức thượng cờ Olympic ngược. Hỏi vì sao chọn vẽ cờ chứ không phải hình vẽ quảng cáo nịnh mắt thì chàng Gen Z đáp: “Sắp Quốc khánh rồi, cháu vẽ cờ để nhìn vào đó mà tăng động lực bác ạ”.
Nhìn lá quốc kỳ lại thầm cảm ơn tác giả Nguyễn Hữu Tiến đã thiết kế vô cùng đẹp và đơn giản. Hiếm có lá cờ nào trên thế giới đạt sự hoàn hảo như vậy.
Bây giờ, việc treo cờ ngày lễ, tổ dân phố không phải vất vả đôn đốc nữa. Một số nước người dân thích treo quốc kỳ khắp nơi, nhưng cũng có vài những nước không mặn mà treo cờ tại nhà riêng. Lại có những người treo cờ của chính thể, quốc gia khác để tỏ thái độ. Năm 1969, một người Thụy Sĩ đã treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Nhà thờ Đức bà Paris. Quốc kỳ là biểu tượng hội tụ sức mạnh triệu người như một. Còn nhớ, kỳ thủ Lê Quang Liêm, nhỉnh hơn Gen Z vài tuổi nhận bằng xuất sắc Đại học Webster (Mỹ) đã giương cao cờ đỏ sao vàng trong lễ tốt nghiệp.
Niềm tự hào của Gen Z với lá quốc kỳ chính là sự trưởng thành không thể hoài nghi. Việc chào cờ với trường công lập ở Việt Nam là nghi lễ hàng tuần, nhưng tiếc thay, một số trường tư thục, quốc tế thiếu nghi lễ này. Vậy thành phẩm giáo dục tạo ra những đứa con thờ ơ sẽ là thuộc về đất nước nào? Việc này đừng trách Gen Z mà phải hỏi một số bậc cha chú.