Người khác thường của những ngày bình thường

Chủ Nhật, 08/05/2022, 15:20

Từ khi nỗi căng thẳng dịch bệnh qua đi, thành phố trở lại với nhịp bình thường nhanh đến lạ. Cái bình thường mới này có lẽ chỉ khác bình thường cũ ở một điểm nhận diện duy nhất: những chiếc khẩu trang vẫn còn đó.

Dĩ nhiên, cũng nhiều đổi thay quá lớn, nhất là chuyện kinh tế, chuyện mưu sinh. Nhưng ai cũng phải nghĩ đến hai chữ “phải sống” mà gắng lấy. Khó khăn là khó khăn chung, biến động là biến động chung, không quay lại nhịp sống bình thường nhanh nhất, nỗi khó ở lại với mình thêm lâu hơn.

Người khác thường của những ngày bình thường -0

Mỗi sáng tôi lại trở về con đường cũ. 20 cây số chở con đi học, trường học gần ngay cạnh cơ quan. Thế nên phải dật thật sớm. Muốn dậy sớm, đêm trước không dám la cà. Chở con đến trường rồi, nhìn bóng hai đứa nhỏ lũn tũn vượt qua lớp rào “y tế”, tôi mới quay xe. Giờ ấy còn sớm quá. Cơ quan vẫn chưa có ai ngoài cậu bảo vệ. Thế là quẳng xe trong sân, lêu hêu đi kiếm gì ăn sáng, làm ly cafe. Và ngay từ những ngày đầu tiên tất cả cộng đồng “tái hòa nhập” với nhau, tôi đã nhận ra nơi Hồ Con Rùa có chút gì mới lạ. Tiệm bán hoa ngày nào của cậu em quen thân đã không còn nữa. Giờ nó là quán cafe điểm tâm với lớp ghế sạch đẹp nép bên vỉa hè. Nhưng cái tên quán cafe thì vẫn là tên tiệm bông cũ. Chắc là vẫn cậu em ấy làm chủ đầu tư, chỉ là thay đổi “công năng”. Và cũng đúng như tôi dự đoán. Cậu em rủ thêm một người, duyên thế nào cũng là người tôi quen 20 năm nay, hùn thêm vào mở cái quán, vừa để kinh doanh, vừa để có chỗ mỗi ngày họ gặp nhau bàn công chuyện làm ăn. Quán cafe vẫn mang tên tiệm hoa. Phải thừa nhận, cafe ở đấy ngon, mấy món điểm tâm cũng rất vừa miệng và đa dạng. Thế là ngồi thành quen. Đời thêm một địa chỉ mới.

Ngồi quán ấy chỉ dăm hôm, tôi đã để ý ngay đến một nhân vật. Đó là một người đàn ông “trung niên sâu”, tầm thước, mạnh khoẻ, da ngăm ngăm. Anh người Nam đặc sệt, tên Long, mắt sáng, mặt chữ điền. Long làm tôi không thể không lưu tâm mỗi khi ghé quán. Nhiệm vụ của anh chỉ là trông xe, chấm hết. Nhưng tôi thấy Long lăn xả mọi việc, rất nhanh tay, và cách làm cũng rất có tính toán. Sáng sớm, thưa khách, anh lo quét sân, quét luôn cả lòng đường phía trước, thay gọn gàng bao rác, rải bàn ghế ra ngăn nắp. Lục tục khách tới, Long nhanh tay nhanh chân lau bàn, dọn sạch những gì sót lại của khách cũ, mau mắn nhắc khách vào quầy gọi món và không quên tiện tay rót cho khách ly nước trà mát lạnh. Rồi cữ 9g, nắng lên, anh lại hùng hục lao vào kéo từng chiếc dù, sắp xếp ngay ngắn, đúng chỗ. Kiếm dù xong cũng là lúc anh cắm chiếc quạt nhỏ, phe phẩy xung quanh cho khách không bị cái nóng đầu ngày làm phiền. Cái thoăn thoắt của Long làm tôi nhớ những sáng cafe ở Paris cách đây cũng nhiều năm rồi. Một cái quán với cao điểm 60 khách cùng ngồi một lúc mà chỉ cần đúng 2 nhân viên vừa phục vụ bàn, vừa lấy yêu cầu món. Họ cứ như sóc vậy. Trên tay cầm cái khay, tạp dề quấn phía trước và một cái túi bao tử đeo trễ. Lao từ trong quầy ra ngoài, đặt ngay ngắn thực đơn trên mặt người khách mới vào, họ lao ra một bàn khách mới đứng dậy để dọn sạch ly tách cũ. Rồi trên đường trở vào, dừng đúng một nhịp ở người khách mới để ghi yêu cầu gọi món và thu lại thực đơn. Ở lần lao ra thứ hai từ quầy, họ đặt món ngay ngắn trước mặt khách kèm một cái giỏ cói nho nhỏ đựng hóa đơn thanh toán. Và khi trở ngược vào quầy, họ dừng lại cũng chỉ một nhịp lấy tiền hóa đơn, bỏ lại vài đồng xu tiền thừa. Cứ như vậy, họ di chuyển liên tục với một tốc độ làm việc chóng mặt. Họ đã làm tôi nghĩ về rất nhiều quán xá ở Việt Nam, với lượng nhân viên thì đông nhưng việc bao giờ cũng chậm rì rì. Cho đến khi gặp Long, tôi sực nhớ, và nghĩ “Quán ông này chỉ cần 2 người như ông Long là đủ chạy bàn rồi”.

Người khác thường của những ngày bình thường -0

Rồi có một bữa không thấy Long đâu. Một người khác làm thay anh và rõ ràng, cái không khí ở quán không còn như cũ nữa. Người mới cũng chăm chỉ, nhưng không nhanh nhẹn và có tính toán sắp xếp công việc tốt như Long. Hơn nữa, người mới không bao giờ cười. Trong khi đó, Long chưa từng nhăn nhó một lần nào. Và Long nhớ rất rõ tên từng vị khách quen, nhớ cả loại xe mà họ chạy. Kiếm được một người làm việc như Long thực sự rất khó. Có thể nói là của hiếm khác thường.

Ngứa miệng, tôi hỏi chủ quán. “À, ông già ổng mất nên ổng nghỉ mấy bữa về quê”, anh chủ quán xởi lởi. “Em thấy ông ấy khó kiếm anh ạ”, tôi nói, “cách làm việc quá chu đáo. Chắc là bà con với anh nên mới thế”. “À không, có bà con gì đâu. Cái tánh nó vậy. Mình nó làm bằng mấy người làm”, anh chủ quán cười cười. Câu trả lời đó càng làm tôi thấy lạ hơn. Không bà con gì, chẳng nghĩa vụ nào phải khiến Long tận tâm đến mức độ như thế khi trách nhiệm của người trông xe chỉ là trông xe không hơn không kém. Nghĩ, và thấy phục. Nhưng cũng thấy buồn. Tại sao những người có trách nhiệm với công việc của mình đến tận cùng như vậy mà cuộc đời vất vả đến thế.

Và tôi nhớ đến chị Thu, chị giúp việc theo giờ của nhà tôi. Chưa bao giờ chúng tôi có một người giúp việc an tâm đến vậy. Kể từ lúc chị Thu nhận làm, căn nhà của tôi luôn sạch sẽ hơn hẳn, gọn gàng hơn hẳn. Những ngóc ngách mà bao người giúp việc cũ không bao giờ đụng tới thì dưới tay chị Thu, chúng đều được moi móc ra để tẩy đi từng lớp bụi phủ mờ quá lâu. Tận tuỵ đến tận cùng, nhưng cuộc đời thì cũng cứ vất vả mãi, đúng theo kiểu chạy gạo từng bữa. Hình như số phận luôn luôn muốn tỏ ra bất công không cần thiết với những con người thực sự khác thường.

Những người khác thường, chúng ta thường dùng từ ấy ở nhiều hoàn cảnh với ý nghĩa ngợi khen, đặc biệt là với những ai xuất chúng. Nhưng thực tế, khác thường nhiều khi chỉ là khác so với những gì vẫn bình thường xảy ra mà thôi. Bình thường, người ta làm việc như trả nợ tháo khoán cho xong, bất luận chất lượng công việc là như thế nào. Tập quán chung ấy ăn sâu rồi và xưa chúng ta đổ cho cơ chế nhưng bây giờ, khi cơ chế đã thay đổi đi rất nhiều, tích cực hơn rất nhiều thì chúng ta vẫn dường như dậm chân tại chỗ. Có những công việc cần sự trao đổi, thậm chí chúng ta bỏ qua cả việc trao đổi với nhau, vứt bỏ trách nhiệm giải trình cần phải có bởi chúng ta nghĩ đơn thuần “tôi xong việc mình rồi”. Xong việc, như thế nào là xong? Cái xong việc ấy nó có mang lại một kết quả thực sự tốt nhất trong khả năng có thể hay không, hay là chỉ cần ta thêm một chút nỗ lực nhỏ, khoảng cách giữa kết quả thường ngày và kết quả có thêm chút nỗ lực đã cách nhau một trời một vực.

Và chúng ta cứ trói mình vào trong cái gọi là quy định. Quy định của Long là gì? Trông xe, hướng dẫn chỗ để xe, đón khách vào bàn. Nhưng Long đã nỗ lực hơn một xíu thôi, và tôi thấy rõ là tất cả những người khách đến quán đều hài lòng với anh. Mấy bữa vắng anh, họ cũng cùng cảm nhận quán bớt sinh động đi hẳn. Cái lợi ích của một chút nỗ lực Long mang lại nó lớn hơn những việc chúng tôi thấy trước mắt rất nhiều. Và nếu quán bền khách, doanh thu tốt, công việc của Long cũng ổn định hơn. Chắc chắn, ông anh của tôi cũng sẽ lưu tâm để nghĩ đến việc cải thiện thu nhập cho Long bởi kiếm được một nhân viên khác thường như thế đã khó, giữ chân họ mới thực sự là nghệ thuật quản trị.

Tôi cũng trải qua nhiều công việc. Hưng phấn rất nhiều nhưng rồi sụp đổ niềm tin cũng nhiều. Tại vì tôi chưa đủ khác thường hay tại vì nỗ lực để khác thường của mình không đồng điệu với xung quanh và trở thành loại dị thường. Tôi không biết được. Nhưng tôi nghĩ, cái khác thường không nhất thiết phải được đặt trong các hoàn cảnh cá nhân cao xa gì, nó có thể nằm ở những người lao động phổ thông bình thường nhất. Song, để có một tinh thần làm việc được như họ, những người tưởng mình cao xa hóa ra chưa bao giờ có thể vươn tới tầm.

Sáng nay tôi lại ghé Hồ Con Rùa. Sau đám tang cha, Long đã lên lại thành phố, đã vào nhịp làm việc bình thường mỗi ngày của anh, nhịp làm việc mà anh thấy nó “bình thường thôi” nhưng tôi và nhiều khách hàng quen lại thấy là “khác thường thực sự”.

Hà Quang Minh
.
.
.