Nghịch lý của tội cưỡng dâm

Thứ Tư, 04/05/2022, 09:23

Trong nhiều vụ tố cáo cưỡng bức thời gian gần đây ở Việt Nam, đáng chú ý có trường hợp diễn ra sau 2 thập kỷ. Dư luận dường như đứng về phía nạn nhân nhiều hơn, dù phải nói rằng điều này vi phạm một nguyên tắc pháp lý quan trọng: suy đoán vô tội. Vì sao lại như vậy?

Chỉ 6% nghi phạm cưỡng dâm bị kết án

Tỷ lệ kết án trong các vụ tố cáo tấn công tình dục đối với phụ nữ thấp đến mức đáng kinh ngạc, ngay cả ở một đất nước phát triển như Vương quốc Anh: chỉ 6% các cáo buộc hiếp dâm dẫn đến việc bị kết án, một tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với các loại tội phạm khác. Tất nhiên, đấy có thể là biểu hiện của công lý nhưng con số này tạo ra nhiều nghi ngờ rằng liệu pháp luật có phải công cụ hữu hiệu trong loại tội phạm có “vùng xám” rất lớn như thế. Thậm chí, cực đoan hơn, cây viết Julia Bindel của tờ The Guardian còn phê phán mạnh mẽ rằng giờ đây, “cưỡng bức dường như đã được hợp pháp hóa”.

Nghịch lý của tội cưỡng dâm -0
Một cuộc biểu tình phản đối những kẻ quấy rối tình dục tại London, năm 2012. Nguồn ảnh: Alamy.

Có nhiều cách giải thích về tỷ lệ này nhưng một trong những yếu tố chính là tiêu chuẩn bằng chứng “không thể chối cãi” (reasonable doubt) thường được sử dụng trong các vụ án hình sự. Tiêu chuẩn này đòi hỏi bồi thẩm đoàn không dựa trên bất kỳ suy đoán nào, dù chúng nghe hợp lý đến đâu, để phán quyết xem nghi phạm có/vô tội. Những nghi ngờ thường được coi là phù phiếm hoặc chỉ là giả thuyết nhanh chóng bị gạt sang một bên.

Nhưng, tiêu chuẩn này khiến các vụ án hiếp dâm, vốn thường rất khó phân biệt được về mặt thể lý giữa cưỡng bức và quan hệ tình dục đồng thuận. Điều này có nghĩa là phán quyết chỉ có thể dựa trên lời khai. Khi hai người đều kể câu chuyện của mình một cách thuyết phục, mỗi câu chuyện sẽ đặt ra những nghi ngờ hợp lẽ cho người kia.

Tiêu chuẩn này cũng thường được áp dụng không chính xác do sự phổ biến của các giả thuyết hiếp dâm - những định kiến rập khuôn hoặc sai lầm về hiếp dâm, cả về nạn nhân lẫn thủ phạm, kiểu như “phải thế nào mới bị hiếp chứ” hay “cặp bồ với nhau thôi mà”. Những lầm tưởng này liên quan đến việc đổ lỗi cho nạn nhân và thông cảm với thủ phạm, cùng niềm tin phổ biến rằng phụ nữ, thường bị thúc đẩy bởi ghen tuông hoặc thù hận, khai nhận một cách giả dối rằng mình đã bị hiếp dâm sau khi quan hệ tình dục đồng thuận.

“Chứng thực bất công” (testimonial injustice), một khái niệm do lý thuyết gia nữ quyền Miranda Fricket tại Đại học Sheffield đặt ra, là một xu hướng ngấm ngầm, có hệ thống nhằm hạ thấp độ tin cậy trong lời khai của phụ nữ một cách vô cớ. Bất công trong chứng thực và những định kiến về hiếp dâm cùng nhau làm cho những nghi ngờ vô lý trở thành hợp lẽ trong tâm trí của thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Ngay cả những thẩm phán lão luyện cũng có thể vướng vào những định kiến nghiêm trọng bậc nhất về hành vi tình dục của phái nữ.

Một phần của giải pháp đối phó với tình trạng này chắc chắn là ngăn chặn tốt hơn các hành vi bạo lực tình dục nhắm vào phụ nữ, cũng như nâng cao nhận thức về những định kiến xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi rằng điều gì đã biện minh cho nguyên tắc suy đoán vô tội ngay từ đầu và liệu nó có đang trở thành rào cản quá mức trong các vụ án tấn công tình dục hay không. Từ thế kỷ 18, luật gia William Blackstone đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng nhất về cơ sở lý luận đằng sau nguyên tắc đòi hỏi bằng chứng “không thể chối cãi”, rằng: “Bỏ sót 10 tội phạm còn tốt hơn là bắt nhầm 1 người vô tội”.

Đối với người bị kết án oan, những tác hại gây ra có thể thực sự nghiêm trọng, bao gồm sự kỳ thị, các mối quan hệ đổ vỡ, bị bạo hành trong tù, thu nhập bị mất, tăng khả năng tái phạm tội và khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm sau mãn hạn. Các tổn hại này dường như đã biện minh thuyết phục cho một tiêu chuẩn về bằng chứng đến mức hoàn hảo như tiêu chuẩn “không thể chối cãi”.

Nghịch lý của tội cưỡng dâm -0
Trong 9 tháng của năm 2021, cảnh sát Anh và xứ Wales được thông báo về 63.136 cáo buộc hiếp dâm nhưng chỉ có 820 nghi phạm bị buộc tội. Tỉ lệ truy tố tội hiếp dâm chỉ là 1,3%. Nguồn ảnh: Chụp màn hình YouTube.

Đứng về phe “nước mắt”

Tuy nhiên, tha bổng sót lọt cũng có những tác hại nghiêm trọng của nó.Khi xem xét lại tiêu chuẩn “không thể chối cãi”, chúng ta cũng xem xét luôn việc tha bổng 10 kẻ sẽ gây ra chuyện gì so với 1 người vô tội bị bắt nhầm.Trong trường hợp tấn công tình dục, những tác hại này lại cực kỳ nghiêm trọng.Nạn nhân phải chịu đựng rất khủng khiếp trong suốt quá trình xét xử và thường phải khai đi khai lại những chi tiết đau đớn trong vụ việc. Khi kẻ bị tố cáo không bị kết án, tất cả những điều này tan thành mây khói. Tồi tệ hơn, cô ấy bị cho là một kẻ dối trá, với tất cả những tổn thương tâm lý mà điều này gây ra.

Tác hại của việc bỏ lọt tội phạm đối với các nạn nhân tương lai và người thân của họ càng khuếch đại những tổn thương xã hội này. Có nghiên cứu cho rằng sang chấn do bị tấn công tình dục còn lớn hơn cả những tổn thương mà các cựu chiến binh từng trải qua.

Hơn nữa, người từng phạm tội tình dục có xu hướng tái phạm nhiều lần.Trong một nghiên cứu xã hội phổ biến, những kẻ hiếp dâm đã tự khai trung bình 10 lần lạm dụng người khác. Vì thế, nếu áp dụng diễn giải tỷ lệ của Blackstone vào các vụ án có bạo lực tình dục, không khác gì nói rằng tác hại của 100 vụ tấn công tình dục vẫn tốt hơn là tác hại của 1 lần kết án sai. Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng nhưng nguy cơ tái phạm của những kẻ tấn công tình dục là có thật.

Tất cả những điều trên còn chưa tính đến tác hại xã hội của việc bỏ lọt tội phạm hiếp dâm. Việc tha bổng sai lầm góp phần tạo ra một vòng luẩn quẩn: cơ hội bị kết án thấp hơn dẫn đến khả năng bị tố cáo thấp hơn. Khả năng bị tố cáo thấp hơn lại làm giảm cơ hội kết tội, cứ như thế, mọi chuyện trở nên tồi tệ. Với vòng luẩn quẩn này, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ở Anh, người ta ước tính rằng có từ 75% đến 95% các vụ cưỡng hiếp chưa từng bị tố cáo! Những người bị tố cáo thường không bị điều tra hoặc truy tố vì khả năng kết tội rất thấp.

Vòng luẩn quẩn này cũng diễn ra trên một khía cạnh khác: các vụ bỏ sót tội phạm càng củng cố mạnh mẽ những định kiến về hiếp dâm. Khi một người đàn ông bị coi là không có tội dựa trên cơ sở bằng chứng phải là “không thể chối cãi”, điều này tạo ra ấn tượng sai lầm rằng anh ta thực sự vô tội và người tố cáo là kẻ dựng chuyện. Do đó, số lượng lớn các trường hợp trắng án trong những vụ cưỡng bức càng củng cố mạnh mẽ những lầm tưởng về hiếp dâm hoàn toàn vô căn cứ, kiểu như phụ nữ luôn báo thù và thường xuyên nói dối sau khi đã quan hệ tình dục đồng thuận. Một lần nữa, những huyễn tưởng này lại ăn sâu vào trí tưởng tượng của xã hội, nhận định của thẩm phán lẫn bồi thẩm đoàn và càng làm suy giảm khả năng bị kết án của tội phạm hiếp dâm.

Trong các vụ tố cáo cưỡng bức dồn dập thời gian gần đây ở Việt Nam, dư luận đóng vai trò quan trọng và họ chọn đứng về phía những phụ nữ đã đứng lên tố cáo, gây sức ép chỉ dựa trên lời tự bạch trên mạng xã hội của những người tố cáo. Về mặt tư pháp, điều này không đúng, vì các phán quyết cần phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội. Nhưng, về mặt lý lẽ, chúng ta có thể hiểu tại sao số đông đứng về phía các nạn nhân của nghi phạm tình dục: nếu đưa ra tòa, với những bằng chứng yếu ớt nằm ở “vùng xám”, nhiều khả năng những người bị tố cáo sẽ không bị kết án.

Đấy vẫn sẽ còn là nghịch lý của các vụ án cưỡng bức, cho đến khi các nguyên tắc pháp lý có thể thay đổi. Nhưng, một khi xã hội đã chọn đứng bên nạn nhân nhiều hơn thì các định kiến có lẽ đã bắt đầu thay đổi rồi.

Ban Cầm
.
.
.