Hậu COVID-19: Bỏ việc lương cao, sống theo sở thích

Thứ Tư, 20/10/2021, 12:56

Sau đại dịch, nhiều người từ bỏ công việc thu nhập cao để liều lĩnh theo đuổi đam mê, sở thích, bất chấp sự nghiệp mới đem lại cho họ những rủi ro khó đoán.

Trong gian bếp ngổn ngang đồ đạc, Việt Anh, 34 tuổi, cắm cúi chuẩn bị từng nguyên liệu từ rượu gin, siro đường, nước ép dưa hấu, chanh, lá bạc hà… cho tiết học online về pha chế cocktail với một trong những bartender nổi tiếng nhất Hà Nội. Ít ai biết rằng, người đàn ông với khao khát trở thành nhân viên pha chế kia, vừa bỏ công việc trưởng phòng pháp chế tại một ngân hàng cổ phần với mức lương gần 3.000 USD một tháng.

“Tôi đang sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp 6 tháng”, Việt Anh nói, đồng thời anh chia sẻ về quyết định nghỉ việc khiến cả đồng nghiệp và gia đình “choáng váng”. Gần 8 tháng cắm mặt vào máy tính làm việc từ xa, đọc và nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu khô khan, đau đến “nổ đầu” với những vụ kiện giữa khách hàng, cổ đông…, người đàn ông 34 tuổi nhận ra nghề pháp chế không phải là lựa chọn đúng, dù nó đem lại cho gia đình cuộc sống dễ thở.

“Đại dịch COVID-19 càn quét thời gian qua, để lại bao tang thương, mất mát, đã khiến góc nhìn về cuộc sống của tôi thay đổi”, Anh nói. Chứng kiến những gia đình ly tán, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ chỉ qua một đêm, những đồng bào đã ra đi vì đại dịch, vị luật sư chợt nhận ra sự vô thường của đời sống. “Cuối cùng ai cũng sẽ chết. Tôi luôn nỗ lực kiếm tiền để làm gì khi làm công việc mình không thích? Khi phải chôn vùi 12-14 tiếng một ngày với cảm giác chán chường và ngột ngạt?”.

Cuối cùng, Việt Anh bỏ việc, quay lại học nghề bartender mà anh say mê, khao khát theo đuổi từ khi còn là sinh viên. Anh hy vọng sang năm 2022, khi đại dịch bị đẩy lùi, ngành dịch vụ pha chế bùng nổ, anh sẽ có nhiều cơ hội mở một quán cafe nhỏ để nuôi đam mê của mình.

Hậu COVID-19: Bỏ việc lương cao, sống theo sở thích -0
Cảm thấy kiệt sức, bạn có thể bỏ việc lương cao? Ảnh: S.t.

Thùy Trang, chuyên viên marketing của một tập đoàn lớn, cũng coi hậu COVID-19 như thời điểm để “tái sinh”. Từng nhiều năm cống hiến cho một doanh nghiệp hàng đầu với guồng quay liên tục từ 8h sáng đến 8h tối, về nhà khi các con chuẩn bị đi ngủ, giao tiếp với chồng chủ yếu qua điện thoại, Trang đã có một trải nghiệm khác lạ khi được làm việc từ xa trong đại dịch. “Bốn tháng làm việc tại nhà, tôi có thời gian để chăm sóc bản thân, đọc sách, nấu ăn, chơi với con, kết nối với chồng”, nữ nhân viên chia sẻ.

Nhịp sống chậm khiến Trang nhận ra mục tiêu và giá trị mới cho cuộc sống của mình, đó là thay vì làm thuê cho người khác, cô muốn tự làm thuê cho chính mình, bằng việc theo đuổi đam mê giáo dục. Trang chuẩn bị quỹ tiêu dùng cho 12 tháng, mở rộng kênh đầu tư chứng khoán (để tăng thêm nguồn thu), đăng ký tham gia lớp học trực tuyến về giáo dục trẻ mầm non ở Mỹ. Bước cuối cùng, cô viết đơn xin nghỉ việc, và hẹn sau 1 năm, sẽ lên kế hoạch mở trường dạy về kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt.

Hiện tượng bỏ việc lương cao để khởi nghiệp, làm tự do, hoặc về hưu sớm đang có xu hướng lan rộng trên toàn cầu. Tờ New York Times từng bình luận, có một hiện tượng kỳ lạ đang xảy ra với giới lao động Mỹ, nhất là người trong độ tuổi từ 30-45. Sau một năm cắm mặt vào màn hình máy tính, mệt mỏi với hàng giờ đồng hồ họp hành qua Zoom, giam mình trong bốn bức tường nhà, nhiều người quyết định lật lại bàn cờ, mạo hiểm với tất cả.

Một số từ bỏ những công việc ổn định để khởi nghiệp hoặc làm part time để có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn. Một số khác thậm chí dọa nghỉ việc nếu không được làm việc tự do, với thời gian linh hoạt, có thể làm ở bất cứ nơi vào và bất cứ khi nào họ muốn. Những người này thường có một khoản tiết kiệm nhờ chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản hoặc khoản tiết kiệm sau một năm chỉ ở nhà không chi tiêu hay mua sắm. Các nhà kinh tế gọi đây là trào lưu YOLO (You Only Live Once - Đời chỉ sống một lần)

Brett Williams, 33 tuổi, một luật sư ở Orlando, Mỹ, đã nghỉ việc, bỏ lại danh tiếng và mức lương cao ngất ngưởng để nhận một chân tư vấn tại công ty khởi nghiệp do người hàng xóm điều hành. Thời gian còn lại, Brett dành nhiều thời gian hơn cho vợ và con chó của mình. “Mình có gì để mất? Tất cả chúng ta có thể chết vào ngày mai. Vì thế tôi đã bỏ công việc phải ngồi lỳ 10 tiếng mỗi ngày để sống cho đúng nghĩa”, anh nói.

Olivia Messer, cựu phóng viên của The Daily Beast, cũng đã nghỉ việc sau khi nhận ra đại dịch đã khiến cô kiệt sức và bị sang chấn tâm lý. “Tôi đã kiệt sức và kiệt sức đến mức tôi không còn cảm thấy mình biết cách làm công việc của mình nữa,” cô nói. Kể từ đó, cô chuyển nhà từ thành phố New York xa hoa về vùng nông thôn nơi bố mẹ cô sinh sống, để theo đuổi viết lách tự do cũng như các sở thích như vẽ tranh và chèo thuyền kayak. Cô thừa nhận rằng không phải ai cũng có thể tự “nhổ rễ” dễ dàng như vậy. Nhưng sự thay đổi đã giúp cô tái sinh. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc và viên mãn tới vậy”, Olivia cho hay.

Một cuộc khảo sát gần đây của Microsoft cho thấy hơn 40% người lao động trên toàn cầu đang cân nhắc nghỉ việc trong năm nay. Blind, một mạng xã hội ẩn danh phổ biến với dân công nghệ, gần đây đã phát hiện ra rằng 49% người dùng đã lên kế hoạch kiếm một công việc mới trong năm nay.

Hậu COVID-19: Bỏ việc lương cao, sống theo sở thích -0
Sống theo sở thích của mình. Ảnh: S.t.

Christina Wallace, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết: “Tất cả chúng ta có một năm để đánh giá xem cuộc đời đang sống có đáng sống không?”. Đặc biệt với những người trẻ, được xem là phải làm việc cật lực, thâu đêm suốt sáng để được thăng tiến, tăng lương, có tiền mua nhà, sắm xe, trả nợ. Nhiều người không muốn sống trong vòng xoáy khổ sở, họ muốn hạnh phúc ngay bây giờ, vì đời chỉ có một lần được sống.

Làn sóng YOLO liều lĩnh ở Mỹ được lý giải nguồn trợ cấp vì ảnh hưởng của COVID-19, trợ cấp thất nghiệp tăng và sự bùng nổ thị trường chứng khoán cho phép nhiều người lao động cơ hội kiếm tiền hơn. Ngoài ra, nhiều người lao động hiện nay đã quá chán ngán với việc cả đời theo đuổi công việc, làm thuê cho một ông chủ như cách của bố mẹ. Họ theo dõi các đồng nghiệp “có gan làm giàu” bằng cách tham gia các công ty khởi nghiệp hoặc đầu tư chứng khoán, tiền ảo. Điều đó tạo cho họ động lực để dấn thân vào những lựa chọn liều lĩnh mà không cảm thấy sợ hãi hay hối tiếc.

Elizabeth Uviebinene, từng là nhân viên ngân hàng, hiện trở thành nhà văn và chiến lược gia thương hiệu, nói về bí quyết khi bỏ việc, đó là gạt đi nỗi sợ hãi và cái tôi của mình. Theo bà, thay vì nghĩ về bước tiếp theo như những gì mình muốn làm và những gì sẽ phù hợp, hãy nghĩ về những điều mình muốn học. "Chúng ta là những sinh viên trong sự nghiệp của mình, nơi chúng ta dành cả đời để thu thập các kỹ năng, kiến thức hữu ích và có giá trị”, bà nói.

Ngoài ra, theo Elizabeth, để “bỏ việc” thành công, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ càng chứ không thể hành động theo cảm xúc. Điều quan trọng là xây dựng sự hiểu biết về công việc mong muốn của bạn bằng cách cập nhật những phát triển mới nhất, từ việc đắm chìm nghiên cứu về nó qua đọc sách báo, theo dõi những người nổi tiếng trong lĩnh vực, tham gia các lớp học, hội thảo, diễn đàn liên quan đến chủ đề. Bên cạnh đó, bạn có thể hẹn gặp những người thành công trong công việc đó để được đưa lời khuyên, phân tích điểm mạnh, điểm yếu bản thân, từ đó đưa ra một chiến lược hành động tối ưu.

Giống như Nate Moseley, 29 tuổi, nhân viên một cửa hàng bán lẻ quần áo lớn, ở Mỹ - người từng bỏ công việc 130.000 USD mỗi năm. Nate đã lập một danh sách với tựa đề "Khủng hoảng cuối những năm 20", trong đó điền kế hoạch tiếp theo của mình: Tham gia lớp học lập trình, đào tiền ảo Ethereum, tình nguyện viên cho một chiến dịch chính trị năm 2022, chuyển đến Caribe và mở công ty du lịch. Anh thường xuyên xem xét, bổ sung những ưu và nhược điểm mới cho mỗi lựa chọn, để từ đó đưa là quyết định khoa học và an toàn nhất.

Minh Đức
.
.
.