Chuyện về ba "chồi non" 64 ngày ở phòng NICU

Chủ Nhật, 24/10/2021, 09:10

Cuối tháng 7-2021, đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 tràn đến lần thứ 4, tại phòng Chăm sóc đặc biệt (NICU) của Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) có ba "chồi non" yếu ớt vừa chào đời non tháng trong hình hài siêu nhỏ bé.

Ròng rã 64 ngày sau đó, các y bác sĩ vừa chống dịch COVID-19 nóng bỏng, vừa dồn sức chăm các bé ở chế độ đặc biệt, bù lấp tất cả những thiếu hụt trong khoảng thời gian các con đến quá sớm trong cuộc đời này.

Ca tam thai đặc biệt

Chị Như Y. (24 tuổi) ở tỉnh Đồng Tháp mang thai lần đầu, nhưng vô cùng đặc biệt vì chị mang tam thai. Theo các bác sĩ thì đây là trường hợp mang tam thai tự nhiên rất hiếm gặp với tỉ lệ khoảng 1/60.000 đến 1/200 triệu ca. Những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh phía Nam, vợ chồng chị Y. thấp thỏm không yên, lo cho ba mầm sống đang lớn từng ngày.

Chị Y. cố gắng giữ thai kì an toàn để giữ được 3 con trong bụng cho đủ ngày đủ tháng. Nhưng mọi diễn biến đã vượt ra ngoài dự tính khi đột ngột vào ngày 23-7-2021, chị Y. có dấu hiệu đau bụng, chuyển dạ sinh. Từ Đồng Tháp, chồng chị Y. quyết định đưa vợ đến Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ để khám và theo dõi.

Nhận thấy đây là trường hợp nằm trong nhóm thai kì nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ mang tam thai 27 tuần 4 ngày, chuyển dạ sinh, ối vỡ sớm, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn  và đưa ra hướng xử trí. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và ba con, một êkíp gồm các bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, sơ sinh cùng vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng. Sau cuộc mổ lấy thai thành công, ba bé gái sinh non bé bỏng có cân nặng lần lượt là 1.030gram, 1.060gram, 1.000gram đã chào đời ở thời điểm mà lẽ ra vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ. Bằng tất cả những lo lắng và thương yêu, các y bác sĩ khoa Nhi - Sơ sinh đã hết lòng chăm sóc ba chị em tí hon này.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh nhớ lại ngày ba bạn nhỏ cực non ra đời, khoa đã phải huy động đến ba bác sĩ thực hiện hồi sức ở phòng mổ cách ly, sau đó dùng nhiều thủ thuật dành cho các bé cực non tháng từ bơm surfactant, thở máy, catheter động - tĩnh mạch rốn, huyết áp xâm lấn đều được làm chỉ trong vài giờ. Sau khi ổn định, cả ba bé được chuyển ngay đến phòng Chăm sóc đặc biệt (NICU).

Rời khỏi "chiếc nôi" ấm áp trong bụng mẹ từ quá sớm nên sau sinh các bé đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khoẻ. Lúc đầu, cả ba bé đều diễn biến nặng phải thở máy, nhiễm trùng huyết cần sử dụng kháng sinh bậc cao, truyền dịch, truyền chế phẩm máu. Những ngày ấy, các bác sĩ căng như dây đàn, tích cực hồi sức và thực hiện nhiều biện pháp can thiệp, chăm sóc đặc biệt cho các bé. Trong những cuộc trao đổi, bàn bạc chuyên môn, trong câu chuyện giữa các y bác sĩ, ba chị em tí hon được nhắc đến từ sáng tới tận ca trực đêm.

Chuyện về ba
Ba nàng công chúa dễ thương của vợ chồng chị Y. lúc xuất viện.

Suốt hai tuần đầu, ba "chồi non" yếu ớt được nằm trong khu chăm sóc đặc biệt với sự theo dõi hoàn toàn của các y bác sĩ. Tuần thứ 2, từ việc ăn qua đường truyền tĩnh mạch, các bé được các y bác sĩ tập ăn sữa mẹ. Đều đặn hàng ngày, chị Y. chắt chiu từng giọt sữa gửi cho các con. Vì các con quá bé nhỏ, chẳng thể bú bình nên bác sĩ phải đút từng thìa sữa bé xíu. Bữa ăn đầu, các con chỉ có thể ăn được từng giọt sữa mà thôi.

Qua 3 tuần được theo dõi sát sao và điều trị tích cực, thật may cả ba bé đều hô hấp ổn dần. Lúc này, các y bác sĩ tiếp tục chuyển các bé sang chế độ chăm sóc Kangaroo - hình thức da kề da, dành cho các trẻ sinh non tháng, nhẹ cân. "Khi sức khoẻ của ba con tôi đã được cải thiện, các bác sĩ bảo tôi ấp các bé vào ngực để truyền hơi ấm cho con, bù đắp cho những ngày bé phải rời bụng mẹ sớm. Được ôm ấp con vào lòng, nghe được cả nhịp tim của mình và con cùng nhịp đập, tôi thấy thiêng liêng, gắn bó vô cùng", chị Y. nhớ lại thời điểm đầu tiên được gặp và chăm sóc các con.

Nếu như với bà mẹ sinh một con, em bé sẽ được hưởng trọn vẹn hơi ấm của mẹ. Nhưng với gia đình chị Y. thì có những ba em bé cần được ủ ấm. Vậy là bố sẽ cùng mẹ ủ ấm cho con. Ba chị em như những chú kangaroo bé nhỏ trong chiếc túi an toàn và ấm áp yêu thương. Chính những giây phút da kề da đó đã giúp thân nhiệt, hô hấp và nhịp tim của các bé luôn ổn định, hấp thu dinh dưỡng tốt và tăng thời lượng cho bé ngủ sâu.

Đồng thời để da bé tiếp xúc được với các loại vi khuẩn có lợi trên cơ thể mẹ, giúp bé cải thiện sức đề kháng, tăng khả năng chống nhiễm trùng. Và hơn thế nữa, những phút giây ấm áp trong lòng cha mẹ chẳng những giúp trẻ phát triển tốt về tâm sinh lý mà còn gắn kết trẻ với những người thân yêu ngay từ những ngày tháng đầu tiên bé chào đời.

Phía sau hàng rào phong tỏa

Dịch bệnh COVID-19 ào đến Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ. Từ 0 giờ ngày 13-9 đến ngày 27-9, toàn bộ Bệnh viện bị phong toả để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 và ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng liên quan đến ca F0. Từ thời điểm ấy, áp lực từ việc điều trị và hỗ trợ sinh sản cho các sản phụ, chăm sóc bệnh nhi trong điều kiện phòng chống dịch tăng lên gấp bội. Phía sau hàng rào phong toả, nhịp công việc vẫn hối hả từng ngày.

Tại khoa Nhi - Sơ sinh vào bất cứ khoảng thời gian nào, ba em bé sinh non cũng được các y bác sĩ chăm sóc, theo dõi sát sao. Bác sĩ Hà nhớ lại thời điểm đó, hiệu suất làm việc của các y bác sĩ, điều dưỡng không phải là 100% mà lên tới 200-300%. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em bé sinh non có sức đề kháng vô cùng yếu ớt thì các bác sĩ phải thực hiện phòng hộ nghiêm ngặt.

Chuyện về ba
Vợ chồng chị Y. ủ ấm ba con bằng phương pháp Kangaroo suốt nhiều tuần sau sinh.

Từng ngày một, khi các bé tự thở được khí trời, khi ăn tăng thêm được một chút sữa, ngủ được nhiều thêm, cân nặng nhích dần thì không chỉ vợ chồng chị Y. mà cả các bác sĩ cũng vui mừng và có thêm động lực. Chị Y. đã từng chia sẻ, khi có dấu hiệu sinh con quá sớm so với dự sinh, vợ chồng chị lo lắng vô cùng. Khi ba con chào đời, chị hoang mang khi hai vợ chồng chị sinh con lần đầu, mọi việc đều lóng ngóng vụng về, lại không có người thân trợ giúp, nhà ở xa bệnh viện, không biết chồng chị có xoay xở nổi không.

Nhưng suốt quãng thời gian hơn 2 tháng ở viện, nỗi lo lắng vơi đi khi chị và ba con luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ. Những lời giải thích, động viên, truyền đạt kinh nghiệm đã khiến vợ chồng chị dần vững vàng, tự tin bế con trên tay và chăm sóc con. Trong suốt thời gian các con ở viện, vợ chồng chị Y. tiếp tục được các bác sĩ hướng dẫn ủ ấm con bằng phương pháp Kangaroo.

Ngày 28-9-2021 là một ngày đặc biệt, với cả Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ và vợ chồng chị Y. Bởi ngày hôm đó, khoa Sản - khoa cuối cùng của bệnh viện được gỡ phong tỏa cục bộ, đánh dấu dịch bệnh COVID-19 đã được đẩy lùi. Cũng ngày hôm đó, ba nàng công chúa của vợ chồng chị Y. được xuất viện về nhà. Niềm hạnh phúc ấy, sau đúng 64 ngày kể từ lúc rời nhà đi sinh con, chị Y. mới cảm nhận được.

Sau 64 ngày điều trị, sức khỏe các con chị được đã ổn định, các con đã biết bú mẹ, quá trình tăng cân tốt, không cần can thiệp về hô hấp. 64 ngày cũng là khoá học đầy dấu ấn của vợ chồng chị Y. - học làm bố mẹ của những cô bé tí hon. Giờ đây, anh chị đã có thể tự tin chăm sóc con. Mừng nhất là cả ba chị em đều tăng cân tốt. Lúc xuất viện, chị cả đã được 2.160gram, cô hai được 2.180gram và cô út nặng 2.140gram. Các bé được các bác sĩ hẹn đến tái khám định kỳ cho đến khi tròn 3 tuổi.

Với gia đình chị Y. giờ đây khoa Nhi - Sơ sinh đã thực sự là nhà, các y bác sĩ là những người thân. Đây là nơi đầu tiên các con chị biết đến thế giới này, nơi các con được ấp ủ vẹn tròn khi thai kỳ của chị đang dang dở. Câu chuyện về các con mang đến nguồn năng lượng sống và tinh thần lạc quan, xóa nhòa đi mọi ranh giới trong những ngày dịch bệnh vẫn còn căng thẳng. Trước khi rời viện, chị Y. bật mí rằng anh chị quyết định đặt tên gọi ở nhà cho các bé lần lượt là Cô Na, Cô Vi và Cô Covid để khi bé lớn lên, câu chuyện sinh ra trong đại dịch COVID-19 sẽ được nhắc mãi như một dấu ấn trong cuộc đời.

Thái Hưng
.
.
.