Từ trùng tu di tích chùa Cầu đến thành cổ Tuyên Quang:

Chẳng lẽ không có chuyện "đúng, sai"?

Thứ Tư, 28/08/2024, 08:21

Sau khi di tích chùa Cầu ở Hội An hoàn tất việc trùng tu, mở ra một "diện mạo" mới khiến cho công chúng phải "ồ, à", xen lẫn nhiều ý kiến khen chê về màu sắc thì mọi chuyện đang dừng lại, không còn thấy bàn tán. Còn di tích thành cổ Tuyên Quang, sau khi được tu bổ, tôn tạo, cây cỏ lại mọc ùm tùm, xum xuê che đi dáng vẻ kiến trúc cổ kính, cũng chẳng mấy ai bận tâm.

Từ hai câu chuyện, việc trùng tu di tích chùa Cầu gây nên sự "mới mẻ" do màu sắc chói sáng, đến thành cổ Tuyên Quang cây cỏ lại mọc lên như chỗ không người, nguy cơ xé toạc kết cấu công trình hàng trăm năm, chẳng lẽ không nên bàn chuyện "đúng, sai", hay nó đã trở thành mẫu hình của việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa?

1. Cuối tháng 7 vừa qua, khi nhà thầu thi công tháo bỏ nhà bao che sau hơn ba năm trùng tu, di tích nổi tiếng bậc nhất ở Hội An là chùa Cầu (Lai Viễn kiều) đã lộ diện với một "diện mạo" khá mới mẻ. Ngay lập tức xuất hiện ý kiến nhiều chiều của giới chuyên môn, nhà quản lý lẫn cộng đồng mạng, tạm thời chia thành hai phía. Một phía cho rằng, công tác trùng tu chùa Cầu là bài bản, kỹ lưỡng, khoa học, đảm bảo tính chân xác, nguyên vẹn, trở thành hình mẫu cho nhiều công trình khác, và không thể nói sau khi trùng tu, di tích chùa Cầu trở thành "chàng trai bóng sáng".

Có nhà chuyên môn còn bình luận rằng, ai đó bàn đến màu sắc, đánh giá màu sắc di tích chùa Cầu sau khi trùng tu xong là không hiểu về công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Ở khía cạnh khác lại nhìn nhận, màu sắc của chùa Cầu là quá mới vì nó quá sáng, chói, xét về tổng thể là không phù hợp, làm mất đi hồn xưa nét cũ của Lai Viễn kiều. Số ý kiến này đến chủ yếu từ du khách và "anh hùng bàn phím".

Vậy ai đúng, ai sai trong câu chuyện này? Thật khó nói, nhưng nếu không ai sai thì làm sao chính quyền địa phương cho công nhân quét vôi lại nhằm giảm màu trắng ở phần hông chùa Cầu sau khi nhận phản hồi màu quá sáng so với trước trùng tu?

Trong bài viết "Trùng tu chùa Cầu: Có gì mà xôn xao?", nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nhấn mạnh: "Những màu sắc có vẻ mới của chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ "trầm lại" chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả. Vậy thì có gì mà phải "xôn xao" về chùa Cầu sau trùng tu?".

Trong khi đó, PGS.TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên, một trong những chuyên gia về bảo tồn di tích, một mặt thừa nhận, sau trùng tu chùa Cầu đã đảm bảo duy trì sự tồn tại càng lâu càng tốt thể vật lý của các cấu kiện và toàn bộ công trình. Mục tiêu này liên quan đến yếu tố kỹ thuật, vật lý, kết cấu. Nhưng về giá trị thẫm mỹ công trình sau trùng tu là có vấn đề.

Chẳng lẽ không có chuyện
Cây dại mọc um tùm trên di tích thành cổ Tuyên Quang,

Theo PGS.TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên, về sắc độ, công trình chùa Cầu sau trùng tu có những sắc độ quá khác biệt, tạo ra các phân vị ngang quá mạnh, mặt đứng bị rời rạc. Không thuộc trạng thái 1 hoặc 2 (cảm nhận liền một khối) khiến cho nhiều người không nhận ra là bởi trong tiềm thức, không có hình ảnh chùa Cầu khác biệt như vậy. Đối với việc chọn màu, ông cho rằng chọn màu hoàn thiện ngoại thất chưa tốt: Có một lý thuyết về "tỷ lệ diện màu", đó là: Diện màu càng lớn, tính biểu cảm của màu càng mạnh, càng kích ứng thị giác. Trong khi đó, việc chọn màu sơn trên bảng màu có thể mang nhiều rủi ro vì những miếng màu mẫu trên danh mục thường nhỏ, nhìn đẹp, có thể phù hợp nhưng khi tô lên mảng lớn thì nó lộ ra độ chói màu hoặc bị kênh màu. Vì vậy, quét vôi diện lớn trên bề mặt kiến trúc sẽ phải kiểm tra lại độ bão hòa màu để màu hài hòa hơn.

"Chùa Cầu với Hội An cũng giống như tháp Rùa của Hà Nội hay tháp Eiffel ở Paris, là điểm giúp nhận dạng đô thị nhất là với du khách lần đầu đến Hội An. Mục tiêu liên quan nhiều đến yếu tố thẩm mỹ và mức độ hoàn thiện của công trình. Công trình chùa Cầu cho thấy có thể đã đạt, người dân không phàn nàn về tính bền vững của công trình. Tuy nhiên, mục tiêu 2 (giữ được hồn di sản) là lưu được giá trị văn hóa, lịch sử cần được đánh giá lại một cách đúng đắn, các yếu tố liên quan đến thẩm mỹ nên được thận trọng xem xét và kiểm tra…", PGS.TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên đề nghị

2. Chọn cây và để cây tự nhiên mục um tùm, sum suê đang phủ kín lên cổng thành cổ Tuyên Quang, hay phải chặt bỏ, dọn sạch để bảo tồn lâu dài cho di tích quan trọng này đang trở thành vấn đề rất đáng chú ý trong công tác quản lý di sản văn hóa?

Cách đây gần 15 năm, Trung ương và địa phương đã chi ra tiền tỉ để tu bổ, chống xuống cấp thành Nhà Mạc (thành Tuyên Quang), trong đó có hạng mục cổng Tây. Quá trình thực hiện, đơn vị thi công được phép loại bỏ tận gốc các cây, cỏ mọc trên công trình. Điều kỳ lạ là, hiện nay cây lại mọc trên cổng Tây thành Tuyên Quang đã cao gần 1m, nhưng cơ quan chức năng, chính quyền địa chưa hề có biện pháp xử lý.

Cần phải nhắc lại, dự án tu bổ, chống xuống cấp thành cổ Tuyên Quang được triển khai năm 2009 đúng với các quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong lúc dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thành thì dư luận báo chí vào cuộc, đồng thời phản ánh rằng, sau khi tu bổ, cổng Tây thành cổ Tuyên Quang trở về "1 năm tuổi", gây biến dạng di tích. Thời điểm ấy, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã lập ngay đoàn kiểm tra có sự tham gia, giám sát của lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục); các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản…

Một trong những nội dung được đưa ra xem xét, kiểm tra, đánh giá là đơn vị thi công tu bổ, chống xuống cấp có được phép loại bỏ cây mọc lâu năm trên cổng Tây thành Tuyên Quang, bởi khi đó dư luận xã hội lẫn báo chí đều cho rằng, những cây mọc trên cổng thành là cây cổ thụ, làm nên vẻ trầm mặc cho di tích, chặt bỏ cây khiến công trình sau khi tu bổ thành trơ trọi.

Chẳng lẽ không có chuyện
Thành cổ Tuyên Quang.

Sau khi kiểm tra thực tế, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, trước khi tu bổ phế tích thành cổ Tuyên Quang đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, bị đường giao thông xây dựng chạy quanh, cây cối mọc ký sinh trên các cổng thành, tường thành, không phải là cây cổ thụ, có rễ lớn ăn sâu phá hoại công trình. Trong quá trình tu bổ, các yếu tố gốc của di tích được bảo tồn tối đa… Việc chặt bỏ các loại cây trên cổng thành là cần thiết nhằm ngăn chặn tác nhân gây phá hoại di tích.

áo cáo thêm với đoàn kiểm tra, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cũng cho biết, các cây dại mọc trên các cổng thành, tường thành không phải là bộ phận cấu thành di tích, thực tế là gây hại cho di tích thành Tuyên Quang xuống cấp nhanh hơn. Việc xử lý cây dại mọc trên cổng thành là được phép. Cũng trong đợt kiểm tra này một vài yếu tố chưa thực sự phù hợp đã được chấn chỉnh như kỹ thuật gia cố mạch vữa và xây mới phần phục hồi chưa đạt yêu cầu tạo nên cảm giác làm mới di tích…

Nhắc lại như thế để thấy rằng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản khi góp ý cho dự án tu bổ, chống xuống cấp di tích thành Tuyên Quang đều đề nghị phải loại bỏ cây, cỏ dại mọc trên cổng thành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình, giám tuổi thọ cho di tích. Và đây cũng là nguyên tắc trong tu bổ, tôn tạo di tích theo hướng những gì không thuộc về di tích cần phải được ngăn ngừa, dọn sạch. Thế nhưng, sau gần 15 năm tu bổ, chống xuống cấp, trên cổng Tây thành cổ Tuyên Quang cây lại mọc um tùm, sum suê, cao hơn cả đầu người, lan sang hai bên ụ thành mà không hề có dấu hiệu ngăn ngừa, xử lý. Với tốc độ sinh trưởng như hiện nay chẳng mấy nữa rễ cây chắc chắn sẽ chọc thẳng vào tường thành, gây ra sự nứt nẻ các mạch tường, làm cho kết cấu công trình bị xuống cấp, đó là chưa kể sự thẩm dột của nước mưa. Rồi đến một ngày nào đó, cùng với thời gian, sự xâm thực của thời tiết, tác nhân gây hại của cây mọc trên cổng thành, di tích này lại bị xuống cấp, và đương nhiên là phải lập dự án tu bổ.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng cơ quan chức năng có liên quan ngại dư luận nên không dám loại bỏ cây, cỏ đang hiện hữu trên cổng Tây vì trước đó đã gặp phải sự phản ứng, và phải chăng cơ quan quản lý di sản ở địa phương cho rằng, cây mọc trên cổng khiến cho di tích càng trở nên trầm mặc, cổ kính mà không cần để ý đến công tác bảo tồn, kéo dài tuổi thọ cho di tích?

Hai câu chuyện về trùng tu, tôn tạo di tích tuy có khác nhau về tính chất nhưng có chung một đặc điểm là làm cho di tích ngày càng bền vững hơn với thời gian, đảm bảo yếu tố khoa học, lịch sử, văn hóa và thẫm mỹ. Và vì thế cần có thái độ ứng xử rõ ràng, nên đánh giá mức độ "đúng, sai" để cùng nhau rút kinh nghiệm, nhằm bổ khuyết cho quá trình tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Thanh Sương
.
.
.