Tiểu thuyết lịch sử: Những chuyển động tích cực

Thứ Năm, 07/09/2023, 08:12

Cuối tháng 8 vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Tiểu thuyết lịch sử - Những chuyển động" thu hút sự quan tâm của nhiều người đọc, người viết. Ở Việt Nam, tiểu thuyết lịch sử vốn vẫn được xem là một lãnh địa khó, với số người viết không nhiều. Những chuyển động tích cực về số lượng tác phẩm ra đời và sự tham gia của những cây bút đang được "trẻ hóa" trong thời gian gần đây là một tín hiệu vui cho văn giới.

Tham gia buổi tọa đàm "Tiểu thuyết lịch sử - Những chuyển động" trong vai trò diễn giả có 2 nhà văn thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng chung niềm đam mê với tiểu thuyết lịch sử, đó là nhà văn Hoàng Quốc Hải và Phùng Văn Khai. Nhà văn Hoàng Quốc Hải là cái tên không thể không nhắc tới khi nói đến tiểu thuyết lịch sử bởi vì ông là chủ nhân của 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ là "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý".

Nhà văn Phùng Văn Khai - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang ở độ tuổi sung sức và trong vòng gần 10 năm qua đã cho ra đời 7 tiểu thuyết lịch là: "Phùng Vương", "Ngô Vương", "Nam Đế Vạn Xuân", "Triệu Vương phục quốc", "Lý Đào Lang Vương", "Lý Phật Tử định quốc", "Trưng nữ Vương". Điều này cũng cho thấy sự bền bỉ, chuyên tâm của 2 nhà văn đối với đề tài lịch sử và đã có những đóng góp tích cực trong việc dựng nên "gương mặt" các triều đại gắn với những biến cố quan trọng của đất nước bằng văn học.

Đồng thời cho thấy, đề tài lịch sử chắc chắn phải có sức hút, sức hấp dẫn đặc biệt mới khiến nhà văn Hoàng Quốc Hải gần như đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, tìm hiểu và viết về lịch sử; còn nhà văn Phùng Văn Khai với gần 20 năm theo đuổi đề tài này và anh đang trên hành trình hoàn thiện tiểu thuyết lịch sử thứ 8 của mình.

1.jpg -0
Nhà văn Phùng Văn Khai phát biểu tại tọa đàm “Tiểu thuyết lịch sử - Những chuyển động” được Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cuối tháng 8/2023.

Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi đã được đặt ra và cũng có nhiều cách luận giải về tiểu thuyết lịch sử như: mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và dã sử, trong sáng tác tiểu thuyết lịch sử nhà văn được quyền hư cấu đến đâu, vai trò của tiểu thuyết lịch sử trong sáng tạo văn học nghệ thuật đương đại…

Theo chia sẻ của nhà văn Hoàng Quốc Hải - người từng được Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh với giải thưởng "Thành tựu văn học trọn đời" thì "Tiểu thuyết lịch sử không phụ thuộc vào chính sử hay dã sử mà phụ thuộc vào tài năng của nhà văn. Nhà văn vẽ nên gương mặt của lịch sử, của thời đại bằng văn học chứ không phải "đầy tớ" của các nhà viết sử. Lịch sử chỉ là "cái đinh" mà ở đó nhà văn treo lên bức tranh là tác phẩm văn học của mình. Tiểu thuyết lịch sử là sự hư cấu và không có giới hạn nào cả, nhưng trên cơ sở nhà văn phải làm chủ được lịch sử!".

Nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ rằng, sở dĩ anh dành nhiều tâm sức theo đuổi đề tài lịch sử không gì ngoài tình yêu đối với lịch sử và mong muốn tìm hiểu những "điểm mờ" mà chính sử của ta vì nhiều lý do không còn lưu dấu. Anh nhận định: "Thực ra, các vĩ nhân trong lịch sử cũng là con người, cũng có lúc sai, cũng có điểm xấu, nhưng khi viết về một vị vua thì nhà văn có hư cấu gì cũng là đưa nhân vật về gần với đời thường chứ không phải để thóa mạ nhân vật hay bôi đen, xuyên tạc lịch sử dân tộc. Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử dù gì cũng phải là hư cấu trên nền dân tộc, nền nhân dân. Người viết không được lợi dụng "quyền hư cấu", nhân danh văn học để xuyên tạc lịch sử hoặc nhân vật lịch sử…".

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây 20 năm, "Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến" được TP. Hà Nội phát động nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội đã thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong đó, sự ra đời của một số bộ tiểu thuyết lịch sử trong và sau cuộc vận động này đã để lại những dấu mốc đáng kể, thậm chí đã trở thành những tác phẩm có vị trí quan trọng trong sáng tác văn học đầu thế kỷ XX như: Bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý" của Hoàng Quốc Hải, "Hồ Quý Ly" và "Đội gạo lên chùa" của Nguyễn Xuân Khánh, "Bóng nước Hồ Gươm" của Chu Thiên, "Vằng vặc sao Khuê" và 14 tập dã sử của Hoàng Công Khanh, "Nắng kinh thành" của Siêu Hải…

Sau đó, có những năm tiểu thuyết lịch sử dường như khá vắng bóng và khoảng gần 10 năm trở lại đây mới có sự xuất hiện trở lại của những cây bút cũ và mới góp phần làm nên một dòng tiểu thuyết lịch sử đa sắc màu như: Trần Thùy Mai với 2 tập tiểu thuyết "Từ Dụ Thái Hậu", Lưu Sơn Minh với "Trần Quốc Toản" và "Trần Khánh Dư", Trường An với bộ 3 tiểu thuyết về thời Tây Sơn là: "Thiên hạ chi vương", "Vũ tịch", "Hồ Dương", Nghiêm Thị Hằng với "Tiếng vọng Hồ Xuân Hương", Lê Phương Liên với "Nữ sĩ thời gió bụi"… Đặc biệt, sự xuất hiện của Phùng Văn Khai với 7 tiểu thuyết lịch sử đã kể ở trên đã tạo nên một diện mạo tương đối đầy đủ về các triều đại đã có trong lịch sử dân tộc bằng văn học.

Có thể thấy, tiểu thuyết lịch sử ngoài những đóng góp về giá trị văn chương, còn có đóng góp với việc giáo dục, giảng dạy trong nhà trường cũng như giúp ích cho việc nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử. Chính vì thế, vấn đề sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình văn học về đề tài này cần được quan tâm hơn nữa. Trong đó, cần có thêm các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài lịch sử để khích lệ giới cầm bút chuyên nghiệp cũng như không chuyên tham gia.

Tiểu thuyết lịch sử: Những chuyển động tích cực  -0
Một số tiểu thuyết lịch sử được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Nhà văn Vũ Nho:

Tôi nhận thấy rằng: "Lịch sử cung cấp cho văn chương một nguồn tư liệu và cảm hứng dồi dào không bao giờ vơi cạn. Văn chương viết về lịch sử làm tăng tính thẩm mĩ, thêm phần mới mẻ và lãng mạn khi truyền tải thông điệp lịch sử. Các tác phẩm văn học viết về lịch sử là những tác phẩm vừa truyền tải được thông điệp lịch sử vừa có tư tưởng, triết lý riêng của nhà văn. Chính văn chương góp phần làm cho những giá trị lịch sử trở nên sâu sắc hơn nhờ vào những khám phá của nhà văn khi họ tự coi viết tiểu thuyết lịch sử là một hành trình thám hiểm cuộc sống không chỉ của quá khứ mà chính là hiện tại và hướng đến tương lai".

Nhà văn Đỗ Ngọc Yên:

Về mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật, tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải là được hay không được quyền hư cấu hay sự "so le" giữa sự thật lịch sử và hình tượng nghệ thuật mà là giới hạn của sự "so le" đó đến đâu và như thế nào để công chúng có thể chấp nhận được. Người nghệ sĩ có quyền hư cấu thông qua cảm xúc và tưởng tượng bằng những kinh nghiệm chủ quan của anh ta. Nói một cách chính xác hơn, anh ta hoàn toàn có quyền tái hiện lịch sử theo cách của riêng mình. Sẽ là sai lầm nếu ai đó cho rằng khi tái hiện những sự kiện và nhân vật lịch sử, người nghệ sĩ không được phép làm thay đổi lịch sử như nó vốn có. Ngay cả những cuốn biên niên sử đương thời hay hậu thế cũng không thể nào ghi chép một cách đầy đủ và chi tiết những sự kiện đã từng xảy ra. Bởi vì những sự thật đó được ghi chép lại còn bị các điều kiện kinh tế, chính trị, đạo đức, lịch sử và xã hội đương thời, cũng như tri thức, tầm hiểu biết và cái tâm của nhà chép sử chế định, nên tính nghiêm ngặt của lịch sử đã ít nhiều bị suy giảm. Theo tôi, vấn đề này đã được Nguyễn Xuân Khánh lý giải một cách khá thuyết phục qua sự hư cấu hình tượng nhà chép sử Văn Hoa trong tiểu thuyết "Hồ Quý Ly" của ông.

Nguyệt Hà
.
.
.