Nhân đọc tác phẩm “Thơ Quang Hoài tuyển chọn”, NXB Hội Nhà văn, 4/2024

Quang Hoài, “phu chữ” tảo tần

Thứ Năm, 25/07/2024, 22:30

Nhà thơ, Đại tá Quang Hoài hẹn tôi mấy lần nhưng vừa rồi mới sang nhà ông để nhận tập sách “Thơ Quang Hoài tuyển chọn”, NXB Hội Nhà văn tháng 4/2024. Nguyên do, giai đoạn này sức khỏe ông không tốt, lúc nằm ở Quân y Viện 108, lúc ở nhà; tôi lại thường nay đây mai đó.

Cầm tập thơ trên tay, tôi xúc động, bởi hoàn cảnh xuất bản. Tập thơ đồ sộ, với hơn 730 trang. Riêng phần thơ đã 566 trang (gần 200 trang trong tuyển là phần tác phẩm và dư luận, phụ lục về tác giả).

quang hoài.jpg -1
Nhà thơ Quang Hoài.

Tập thơ tuyển được tác giả lựa chọn những bài ông yêu thích từ 13 tập thơ trong hàng chục tác phẩm văn chương của ông. Nhà thơ Bằng Việt, công bằng khi nhận xét, cánh đồng thơ của Quang Hoài thế là năng suất, không chỉ bội thu về số lượng mà còn ở chất lượng. Nếu mượn chữ của cố nhà thơ Lê Đạt thì Quang Hoài là một "phu chữ" tảo tần, yêu "cánh đồng thơ" bằng tất cả khí lực, mồ hôi, tâm hồn nông phu.

Là thơ tuyển, hẳn nhiên đa dạng về đề tài. Quang Hoài là người lính, trải trọn đời binh nghiệp nên trong “bản đồ tâm hồn” tôi để ý đến mảng thơ người lính, đề tài hậu chiến. Suốt “chiều dài” tập thơ được tác giả tuyển chọn, có thể bắt gặp các bài thơ về đồng đội và hậu chiến. Quang Hoài viết về người lính, làm người đọc nhớ đến lời nhà thơ Ngô Văn Phú (1937 - 2022): “Viết về chiến tranh, thơ Quang Hoài mộc mạc giản dị”; và “Xuyên suốt những bài thơ là những ý nghĩ chí tình với người thân, với đồng đội”.

Chồng em đi bộ đội/ Sau ngày cưới một tuần/ Đội trưởng nữ dân quân/ Em thay anh phụ trách” (Cô gái Mèo Pú Nhung); “Con đường anh đang đi/ Là con đường thắng Mỹ/ Chi bộ lái xe mình/ Thêm anh người đồng chí/ Trên mũ anh ngôi sao/ Giữa trời đêm lấp lánh” (Anh lái xe người Mèo hoa).

Thơ Quang Hoài không điệu đà, kiểu cách. Ông từng có mấy câu thơ tựa tự bạch từ gan ruột: “Thơ tôi/ tia lửa nhỏ/ ủ từ gan ruột mình/ không dám mơ giải thưởng/ chẳng mong người vinh danh/ chỉ mong hồn lính trận/ không chết trong thời bình” (Lời canh khuya). Câu thơ xác tín tấm lòng ông luôn nghĩ về đồng đội, và trách nhiệm trước linh hồn những người đã ngã xuống. Quang Hoài viết nhiều về đề tài biển, đảo; từ trữ tình đến thế sự. Xưa nay, thơ viết về quần đảo Trường Sa đã có rất nhiều và các nhà thơ, nhà văn tiếp tục sáng tác; nhưng viết về Hoàng Sa chưa nhiều. Nhà thơ Quang Hoài đã có những câu thơ đau đáu, nhân văn.

...

Năm bảy tư chúng tôi đã chết
Bốn mươi năm thoắt đã trôi qua
Xương thịt chúng tôi tan hòa sóng biển
Hồn chúng tôi vẫn ở Hoàng Sa

(Hồn chúng tôi vẫn ở Hoàng Sa).

Bài thơ này Quang Hoài viết vào ngày 30/4/2014, cách đây 10 năm. Đến nay đã qua nửa thế kỷ, xương máu của những người lính Cộng hòa miền Nam Việt Nam “tan hòa sóng biển”. Bài thơ của Quang Hoài đặt ra vấn đề về nhận thức, xương máu nào đổ xuống vì biển, đảo cũng là xương máu người Việt và đều được tri ân, tưởng nhớ như nhau.

“Hồn chúng tôi vẫn ở Hoàng Sa”, vì thế có giá trị thức tỉnh tinh thần hòa hợp dân tộc. Các thế hệ người Việt từ bao đời nay vẫn bất chấp gian khổ, hy sinh vì từng tấc đất của Tổ quốc; những người lính Hải quân, cùng các lực lượng khác như Cảnh sát biển, Kiểm ngư... đêm ngày vẫn đang nắm chắc tay súng, “Đảo là nhà, biển là quê hương”.

...

Biển một ngày không thể vắng các anh
Chân đạp nước đầu đội trời lồng lộng
Như cánh hải âu vỗ mềm chân sóng
Khát vọng hòa bình từ biển bay lên

(Biển một ngày không thể vắng các anh)

...

Mắt Nhà giàn trong mắt Việt Nam
Mắt Việt Nam trong mắt Nhà giàn
Các anh đêm ngày hiên ngang biển cả
Ơi, các chiến sĩ Hải quân
Niềm tin và điểm tựa

(Mắt nhà giàn)

Năm 2023, tôi có cơ hội được tham gia cùng Đoàn công tác số 15 ra quần đảo Trường Sa. Khi đến Nhà giàn DKI/15 mới thấy sự chênh vênh giữa trùng trùng bão tố, mới thấy sự kiên cường của những người lính Hải quân. Giây phút chia tay của Đoàn công tác với cán bộ chiến sĩ Nhà giàn có lẽ là cảm động nhất trong các cuộc chia tay. Tàu KN491 kéo còi, phun vòi rồng, từ từ lùi xa. Phía Nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ phất cờ tạm biệt. Nhiều nữ thành viên trong Đoàn bật khóc. Nước mắt của những người tuổi mẹ, tuổi chị của cán bộ chiến sĩ.

Đọc “Thơ Quang Hoài tuyển chọn” dễ nhận ra tấm lòng tri ân của nhà thơ đối với quê hương, đất nước; đối với nhân dân, đồng đội, đồng chí. Ông là một người lính, trưởng thành nhờ sự đùm bọc của nhân dân. “Có món nợ không vay/ Không ai đòi phải trả/ Là nợ tình đồng đội/ Sống vì nhau, cho nhau”, Quang Hoài quan niệm; và ông trăn trở: “Sống giữa thời mở cửa/ Trong cơn khát làm giàu/ Nhớ về tình đồng đội/ Lòng tôi lại nhói đau” (Tình đồng đội).

Nói như nhà thơ Đặng Huy Giang, sinh ra làm đời ta đã nợ trời đất, nợ công sinh thành, dưỡng dục, nợ duyên, nợ phận... thơ Quang Hoài, Đặng Huy Giang còn nhận ra Quang Hoài “nợ sự thật”.

Thực và mơ xa vời khoảng cách/ Ta nợ gương quá ít/ Nợ sự thật quá nhiều” (Nợ gương). Nhà thơ Quang Hoài nhận ra: “Tôi và diều đến bây giờ/ Hai con hai ngả lạc bờ nhân gian” (Lạc bờ nhân gian). Tất nhiên, “lạc bờ nhân gian” hay “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ” (thơ Vũ Hoàng Chương), về mặt cảm thức thân phận có ý nghĩa như nhau. Khổ là, tất cả đã muộn “Sắp tàn ngày/ lại lụi đêm/ Đâu hơi sức/ để/ nhóm nhen/ lửa đời” (Lửa đời). “Con sóng nào vỗ nhòa/ Sẹo hoàng hôn trong ta” (Sẹo hoàng hôn).

%3fnh bìa.jpg -0
Tác phẩm của nhà thơ Quang Hoài.

.../ Xin thơ cho ta sám hối/ Khi một lần nhìn lại phía sau lưng” (Nhìn lại phía sau lưng). Ông luôn ý thức. Có lẽ vì thế, thơ Quang Hoài từ lâu chuyển dịch về phía “Nhúng bút vào sự thật”; “Chấm ngòi bút vào nỗi đau nhân thế”. Ông luôn ưu tư, suy tư: “Mặt ao bèo phủ xanh rì/ Bùn đen ngợp đáy, chắc gì đã sen” (Chắc gì đã sen?). Thế sự, hầm hập thời cuộc là thế mạnh trong thơ Quang Hoài. “Đã/ bè cánh/ đã/ nhóm băng/ thì/ sau trước/ vẫn là thằng lưu manh” (Một giuộc).

“Thơ Quang Hoài tuyển chọn” cho thấy, ông không tách mình ra khỏi thế sự, hơn thế, thời cuộc luôn dội vào cảm xúc thơ ông. Văn học, nhất là thơ không đi theo thời cuộc, lệ thuộc vào thời cuộc; tuy nhiên, trái tim của thi sĩ bao giờ cũng nhạy cảm. Cuộc đời gây nên rung chấn trong tâm hồn họ, không cào lên trang viết, e không phải. “Ngoài trời, đời vẫn cứ trôi/ Máu xương nước mắt mồ hôi đầm đìa” (Nhìn từ lỗ thủng).

Ở tuổi bát thập, Quang Hoài là người “trải đời”, hiểu được “lẽ đi”, “lẽ về”, ý thức rõ về hữu hạn và vô thường... Vì thế, thơ Quang Hoài giàu triết lý, hàm súc; ẩn dụ trong thơ ông có màu sắc tôn giáo, linh nghiệm, niềm tin tam bảo. “Thương bao luận thuyết tung hoành/ Chửa lời ai điếu đã thành tro than/...Thương bao mê muội hoang say/ Tàn thân trong kiếp đọa đày nhân gian” (Thương). “Tiếng kinh cầu/ Nhói lòng ta/ Nhòa ký ức/ Sũng mái rêu thuở lập làng” (Trước đình làng xưa). “Trong tiếng kinh cầu em/ Phúc họa không lặn miệng người/ Phúc họa ngập môi trần thế” (Trong tiếng kinh cầu em).

Quang Hoài là người tận hiến. Thơ ông sang sảng triết luận, giàu triết cảm. Ông là một thi sĩ không có tuổi. Thế sự và thơ tình vẫn “song hành” trong thơ. Trái tim Quang Hoài vẫn còn bị “hắt hơi, sổ mũi” trước phụ nữ, vẫn khát yêu, muốn được yêu, dẫu là day dứt quá vãng. “Nhớ ngày hai đứa chúng mình/ Đang cơn muối mặn thình lình nhạt nhau” (Nhạt); “Ơi người chưa trọn giấc son/ Vầng đêm thức dậy héo mòn chân mây/ Cúi xin ngọn gió heo may/ Đừng se sắt thổi những ngày không nhau...” (Ngày không nhau).

Hôm tôi sang tư gia nhà thơ để nhận “Thơ Quang Hoài tuyển chọn” là lúc ông vừa từ Quân y Viện 108 trở về nhà. Ông nói về căn bệnh nan y đang mang trong người. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan, tràn ngập cảm xúc yêu đời, yêu người. Trong “Thơ Quang Hoài tuyển chọn” có bài thơ “Lúc tôi lên bàn mổ” khá đặc biệt, bởi toát lên hoàn cảnh, tâm trạng nhà thơ. “Lúc tôi lên bàn mổ/ Bác sĩ Các mỉm cười:/ Thơ sẽ là thần dược/ Bắt tử thần rút lui”.

Hôm sau tôi mở mắt/ Thấy trời xanh vô cùng/ Áo trắng bay trong nắng/ Mắt lệ nhòa rưng rưng” (Lúc tôi lên bàn mổ). Quang Hoài là thế, cảm xúc của ông luôn chân thành.

Hà Nội, 16/7/2024

Sông Nghèn
.
.
.