(Đọc tập thơ “Nguyễn Quang Hưng 68”, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2021)

Nguyễn Quang Hưng dùng dằng đôi nẻo

Thứ Sáu, 12/11/2021, 13:00

Thơ lục bát chất phác, giản dị, dễ sắp xếp vần, nhưng khó vươn đến đỉnh của cái hay, của sự tinh tế. Đòi hỏi người viết thơ lục bát không ngừng thể hiện dấu ấn sáng tạo, giọng điệu riêng, tư duy thẩm mỹ trên tinh thần mới. Trong 12 tập thơ trước, Nguyễn Quang Hưng đã ít nhiều cho người đọc thưởng thức những vần thơ lục bát. Nhưng phải đến “Nguyễn Quang Hưng 68”, người đọc mới có cái nhìn tương đối về thơ lục bát của anh.

 

“Nào đi cho tận nhân tình
Trăm năm đắm đuối nguyên hình cỏ non”

                           (Đánh vần tên)

Thơ lục bát chất phác, giản dị, dễ sắp xếp vần, nhưng khó vươn đến đỉnh của cái hay, của sự tinh tế. Đòi hỏi người viết thơ lục bát không ngừng thể hiện dấu ấn sáng tạo, giọng điệu riêng, tư duy thẩm mỹ trên tinh thần mới. Trong 12 tập thơ trước, Nguyễn Quang Hưng đã ít nhiều cho người đọc thưởng thức những vần thơ lục bát. Nhưng phải đến “Nguyễn Quang Hưng 68”, người đọc mới có cái nhìn tương đối về thơ lục bát của anh. Ngay nhan đề, anh đã bộc lộ sự tự tin, bản lĩnh, cách “chơi” lục bát. Xem mình là chủ thể, tâm điểm, chi phối đến những con chữ theo luật 6/8, anh lấy sự dùng dằng, vong thân của cái tôi “lại giống/tổ” để tái sinh bản thể và cảm nhận các chiều kích của cuộc sống, của thiên nhiên.

Nguyễn Quang Hưng dùng dằng đôi nẻo -0
 Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

Trong thi tập, đề tài mà anh nói đến mang dư vị truyền thống lẫn hiện đại: người lính, chiến sỹ trên mặt trận chống dịch COVID-19, bóng đá, nghề truyền thống, mẹ, phố, quê, danh lam thắng cảnh, năm mới,… Kèm theo đó là hệ thống từ vựng vừa tiếp thu nền tảng cổ điển, vừa hiển lộ cách tân. Ở bài viết này, tôi chú ý đến cặp đối lập phố và quê. Chúng biểu thị sự va chạm giữa hai chiều kích cũ và mới, xưa và nay. Quá trình tách biệt, chuyển dời, cộng hưởng giữa hai không gian ấy chính là manh mối cho người đọc thấy sự tồn tại cái tôi “lại giống” của anh. Tâm thức “lại giống” giúp anh làm mới cảm xúc, độc đáo thi ảnh, bất thường về kết hợp từ, rộng mở hướng tiếp cận và đưa đến những giá trị mới.

Nguyễn Quang Hưng sinh ra và lớn lên ở thị xã Hà Đông. Quê nội anh ở phố cổ Hà Nội. Quê ngoại ở làng Tả Thanh Oai ven Hà Nội. Đến năm 2003, anh chính thức làm việc tại Hà Nội nhưng vẫn đi về giữa Hà Đông và Hà Nội. Xét về không gian, thực ra ranh giới giữa phố (Hà Nội) và quê (Hà Đông) không cách xa lắm, nhất là sau này, năm 2008, sáp nhập Hà Đông vào thành phố Hà Nội. Nhưng hoàn cảnh này đã ảnh hưởng nhiều đến cảm thức sáng tác của anh, đủ để anh thiết lập không gian của sự khác biệt và tương đồng, khi rút ngắn khoảng cách khi tách rời, riêng biệt, đủ để gọi tên những gì xa xăm, những gì đang dần trôi. Phố và quê của anh vì thế vừa chứa đựng hiệu ứng dùng dằng (chưa sáp nhập) vừa chứa đựng hiệu ứng vặn xoắn (đã sáp nhập), lan truyền đến người đọc những chiêm nghiệm, suy tư, mỹ cảm mới.

Phố của anh không phải là phố của hiện tại mà là “bóng phố”. Phố của kí ức, hoài niệm. Đó là phố của xứ Đoài, Hoàng thành, Hoa Lư Thăng Long, Hà thành, Hồ Gươm, sông Hồng,… Anh ngẫm về phố không phải từ nỗi khắc khoải trước quá trình đô thị hóa như nhiều cây bút khác, mà từ sự nhập cuộc, dấn thân, muốn là một nhân vị đóng góp vào hồn vía của phố: “Cho tôi làm sợi chỉ hồng/ Thêu vào ngũ sắc Thăng Long một lần” (Giấc mơ). Anh cảm được trong bóng phố hồn phố chứa đựng một bề dày lịch sử, những vỉa tầng văn hóa: “Tượng hình phố với khúc ca/ Lắng mầu Hà Nội mà ra giọng đào” (Hà Nội ca trù). Cách thức lồng ghép, đan cài giữa con người và phố đưa đến dạng thức mới, định tính mới cho khi quyển “Nguyễn Quang Hưng 68”. Phố của anh do đó là một tín hiệu thẩm mỹ đặc biệt. Sức sống của phố nằm ở bề sâu, biểu thị sự tích tụ mãnh liệt và trường tồn.

Quê của anh hiện về trong dáng mẹ bóng bà, khu vườn, cánh đồng, cỏ cây, núi non... Nếu phố được nhìn vào bên trong thì quê được nhìn từ máu thịt, từ những gì thân thuộc. Từ ngữ, hình ảnh thơ đặt trong mối quan hệ quen mà lạ, dung dị mà vững bền, làm nên cội rễ riêng của Nguyễn Quang Hưng: “Ốm đau sài đẹn phương nào/ Về quê hóa giải tanh tao đường trần” (Lá thuốc Mẹ). Cảm hứng quê mãnh liệt hơn khi trùng khít, chồng lên hình ảnh về người thân: “Lửa lên áo mới nhập nhòa/ Như trong bước cháu có bà còn đi…” (Như bà như cháu). Đặc biệt, anh lấy một nét dân dã (vệt bùn) đẩy vào hun hút cuộc đời (trăm nẻo, mai sau) chứng minh sự chưng cất tươi ròng của hồn quê:“Vòng quanh trăm nẻo con người/ Vệt bùn cất lấy trong lời mai sau” (Mạch xưa nghĩ cũ). Đi đâu về đâu, lời vọng của quê, của đất, của ruộng đồng vẫn là món quà tinh thần cao quý, nâng đỡ con người, giúp con người không bị mất đi giọng nói, nguồn gốc của mình. Cũng như phố, quê cũng là một tín hiệu thẩm mỹ của thơ anh. Đó là vết dấu nguồn cội để con người nhận ra chính mình trên hành trình miên viễn.

Nguyễn Quang Hưng còn kiếm tìm sự kết nối giữa phố và quê thông qua cái tôi “lại giống”, thông qua cái nhìn trầm tích. Anh quán chiếu nỗi thèm khát ấu thơ lên nỗi thèm khát cuống nhau, “nhỏ lại ngày thơ” mà “cải cách” chính mình và đời sống trong hiện tại. Đi thực ra cũng là hành trình trở về, nói như Trịnh Công Sơn, đó là “một cõi đi về”. Nên, khát khao trở về tuổi thơ bao giờ cũng khơi vẫy con người sau những mệt mỏi, trầm luân: “Nửa đời trong đục thiệt hơn/ Ngày sinh tôi ước được còn ấu thơ” (Nhỏ lại ngày sinh). Dù sống giữa lòng phố xá anh vẫn gửi nỗi niềm chênh chao về kí ức quê, nghe thì thầm ngân lên từ xa xăm quê: “Tôi nghe vào gió đồng không/ Tiếng người thơ ấu về trong cổng làng” (Vọng từ trang gió). Kết hợp ở mức độ rộng: phố - quê - sương - nắng, cái tôi bản thể càng được anh soi ngắm kĩ càng hơn: “Nửa đời lẫn phố lẫn quê/ Lẫn sương lẫn nắng còn nghe lẫn mình” (Tôi còn bán khoán). Hành trình chạm nhau giữa phố và quê do vậy là căn nguyên dẫn đến cái tôi “lại giống” của anh. Anh lấy gốc rễ, truyền thống làm phương thuốc cứu chuộc, giao thoa với những đổi mới, xô bồ hôm nay để nhận ra vẻ đẹp, hấp lực bền lâu của quê luôn có khả năng cảm hóa và thanh lọc tâm hồn: “Người đông ngõ phố đồng quê/ Nhìn trong thăm thẳm mà nghe mạch nguồn/ Lấy phù sa viết tên đường/ Nhuộm lên cho thắm phố phường hôm mai” (Vẽ phố).

Nguyễn Quang Hưng dùng dằng đôi nẻo -0
Tập thơ mới “Nguyễn Quang Hưng 68” của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

48 bài thơ lục bát được Nguyễn Quang Hưng làm theo thể hoàn chỉnh 6/8. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không đi sâu vào tìm hiểu vần, nhịp, nhạc tính nhưng qua việc anh làm mới nội dung, thi ảnh, từ ngữ, có thể khẳng định những nỗ lực, trăn trở của anh trên con đường canh tân. Đặc biệt, anh đổi mới lục bát, tăng thêm sức nặng cho lục bát bằng cách đẩy vào đó sức nặng của tính triết lý. Đằng sau những yếu tố lưu cửu của truyền thống là những lớp sóng nhận thức, chiêm nghiệm, giàu suy tưởng. Cái nhìn tinh khôi của cái tôi “lại giống” tiếp tục thiết lập cấu trúc mới: cuộc hôn phối của con người và thiên nhiên. Cấu trúc này khái quát các bài học về tình người, đối nhân xử thế, nạp thêm bầu khí quyển yêu thương, gắn kết và trân trọng lẫn nhau giữa các sinh mệnh cho “Nguyễn Quang Hưng 68”.

Từ cái nhìn bện quấn, anh lấy bản tính tự nhiên “Mùa đi lại đến không ngừng/ Bàn tay khe khẽ mở cùng nắng mai” (Năm mới) làm nơi chiết xuất những giá trị sống: “Ơn niềm khởi sự cỏ hoa/ Gieo vùng thanh sạch mở ra hiền từ” (Xuất hành phía cây). Những đòi đoạn của đường trần, những kiêu ngạo của cái tôi sẽ vơi bớt hơn thua, được mất khi quy chiếu qua vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên: “Chạy quanh bản thể vô minh/ Về cây tôi gặp lại mình giản đơn” (Xuất hành phía cây); “Đói no sướng khổ trên đời/ Cùng chung ánh sáng về chơi trăng rằm” (Chơi rằm).

Như vậy, thiên nhiên không chỉ mang đến những bài học mà nó còn giúp con người biết quay về, nhìn lại, khám phá bản tính tự nhiên trong cái tôi bản thể. Thiên nhiên không kháng đối con người, ngược lại, nó còn góp phần gợi mở, phát triển cảm xúc, tình cảm của con người: “Nào hay hoa cỏ có tình/ Sắp tan còn để hữu linh cho người/…/ Để hoa tâm trí vang ngân/ Lòng người sẽ sáng muôn phần cỏ cây” (Từ biệt hoa). Chất triết lí đa phần được anh cài cắm trong bài học tinh khôi của thiên nhiên nên người đọc không hề có cảm giác cứng nhắc, khó hiểu. Sự mềm hóa này cũng là một cố gắng của anh đối với việc giữ gìn nguồn năng lượng chân phương, nhuần nhị mà rất tinh tế, sâu sắc của thể thơ lục bát.

Những thi liệu phố - quê, thiên thiên rất quen thuộc, không xa lạ gì trong thơ lục bát song đối với Nguyễn Quang Hưng, anh biết bắt nhịp gốc gác “nửa quê nửa phố” của mình, lựa chọn, lạ hóa chúng bằng cái tôi “lại giống”. Cho nên, cảm thức phố - quê, mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên trong thi tập đã mở ra những tình cảm đẹp, vươn đến sự hài hòa, thể hiện một không gian thơ sống động, có chiều sâu. Dăm ba chỗ trong “Nguyễn Quang Hưng 68” vẫn còn những câu chữ cầu kì, lý tính, tuy nhiên có thể khẳng định, nội lực của điểm nhìn đa tuyến, của cái tôi “lại giống” đã trừu xuất ít nhiều cá tính, giọng điệu lục bát của riêng anh.

Hoàng Thụy Anh
.
.
.