“Lắng nghe những cảm thức rất lạ” từ phương Nam

Thứ Năm, 24/11/2022, 13:14

Huỳnh Thị Quỳnh Nga ở Tiền Giang là một trong những giọng thơ khác biệt hiếm hoi từ châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long. Sau tập thơ đầu tay “Trăng phục sinh” đến tập thơ thứ hai “Cắt dọc mùi hương” vừa do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý IV/2022, nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga đã chứng tỏ được bản lĩnh dám vượt thoát, tạo nên nghệ thuật diễn ngôn thơ riêng…

Thơ với tôi trước hết là sự cảm. Cảm thức vẻ đẹp ngôn từ cấu trúc khác lạ. Cảm thức không gian thẩm mỹ kiến tạo khác biệt. Cảm thức tiếng nói mơ hồ cất lên trong những khoảnh khắc kỳ diệu của tâm hồn. Và từ đó những thông điệp tình yêu phát sáng. Tình yêu thương con người và thiên nhiên đang hiện hữu hay chỉ tồn tại trong giấc mơ mỗi chúng ta.

huynh thi quynh nga-sach-vnca.jpg -0
Bìa tập thơ “Cắt dọc mùi hương” của Huỳnh Thị Quỳnh Nga.

Tôi bước vào thế giới thơ của Huỳnh Thị Quỳnh Nga bằng cảm thức như vậy. Một thế giới thơ không phải được tạo dựng bằng mắt thường vần vè ve vuốt. Một thế giới thơ được nuôi dưỡng bằng tâm hồn đa cảm, trái tim tinh nhạy ngân rung, đặc biệt đôi tai biết “Lắng nghe những cảm thức rất lạ” và thẩm thấu những va đập nhiều chiều của đời sống. Một thế giới thơ không dễ nắm bắt nếu ngang nhiên bước vào bằng thói quen sáo mòn phàm tục: “Không có đường viền trên những dòng cảm thức/ Không có những định dạng chấm than” (Tôi cầm những mùa dại và đi). Một thế giới thơ “bay lên” giấc mơ tỏa hương:

Trổ một loài linh lan trắng
Về phía đoàn người hành hương
Ngược dòng châu thổ. Đi tìm mê khúc đồng lam

Tôi cúi xuống nhặt bóng chiều
Nghe đồng bằng sâu trong vòm mắt
Thấy em bay lên phía đàn chim lạc Việt

(Que thời gian)

Có thể nói tinh thần chi phối toàn bộ tập thơ “Cắt dọc mùi hương” của Huỳnh Thị Quỳnh Nga là một cuộc hành hương trở về ký ức và những giấc mộng không biên giới. Với ý thức tạo dựng sự khác biệt về thi pháp, từ thể loại đến diễn ngôn, cuộc hành hương và giấc mộng của nhà thơ cũng có bước đi và đường bay khác trong thế giới riêng.

Ngược dòng thời gian châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long sinh trưởng nên mình, Huỳnh Thị Quỳnh Nga không sa vào kể lể hoài niệm mà tái hiện ký ức bằng lòng biết ơn, kiến văn nung nấu và sự liên tưởng độc đáo. Một bức tranh hư thực hiện lên với vẻ đẹp diệu vợi, sinh sôi, hài hòa giữa con người và thiên nhiên từ thẳm sâu lịch sử. Bức tranh tâm thức nguồn cội trĩu lòng nữ sĩ hiện đại sông Tiền: “Hồn tôi như mưa/ Như nắng em đùa/ Phố nghiêng phố nghiêng/ Áo người áo lụa/ Cắt dọc mùi hương/ Trôi qua phố nhớ/ Cắt dọc mùi hương/ Trôi về cội nguồn” (Cắt dọc mùi hương).

Khi mùi hương có thể được cắt dọc để “trôi về cội nguồn” thì từ cõi xa xăm chờ đợi “Nụ cười trong như mắt sông” yêu thương hiện ra cũng là lẽ thường tình, nhưng là sự thường tình chỉ xuất hiện trong hồn thơ “nở hoa” bất thường: “Rơi xuống mùa thu thật khẽ/ Nụ cười trong như mắt sông” (Mắt sông).

Chất liệu thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga thật phong phú, đa dạng nhưng cơ bản vẫn trên nền tảng văn hóa châu thổ sông Cửu Long. Cả những giấc mơ tưởng chừng vượt thoát vào vũ trụ huyền ảo thì cuối cùng đôi cánh thi sĩ cũng đáp xuống cõi mộng sinh thành. Những chất liệu cuồn cuộn như phù sa mà tinh tế, quyến rũ như hương lụa, cành sen “ẩn thoại” phận người mong manh: “Đồng chiều thơm trên sóng bạc/ Khói mùa vàng từ trăm năm/ Tay ôm cành sen trước biển/ Phận người như cỏ long chong” (Nhẹ như hương lụa em cầm).

Cái nền văn hóa châu thổ sông Cửu Long cũng chính là quê hương văn học của Huỳnh Thị Quỳnh Nga. Một nền văn hóa phương Nam kết tinh từ bước chân của bao thế hệ lưu dân khẩn hoang mở đất, chinh phục những cánh rừng bạt ngàn, những dòng sông mênh mông, dựng nên những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Gần gũi hơn, đó là hình bóng đấng sinh thành, kỷ niệm ấu thơ và nhịp sống thiên nhiên đất trời “Trôi trong hơi thở của lá” xanh mỗi ngày đi vào những cơn mơ thánh thiện:

Gõ vào nhịp phách của sông. Những niệm thức không tên
Lắng nghe dòng thời gian xanh. Lắng nghe những cảm âm của sóng
Tôi thấy trong đôi mắt em. Mùa xuân và lộc biếc
Tôi mơ giấc mơ thơ dại. Trôi trong hơi thở của lá
Trôi trên những dòng sông có em
Lắng nghe. Những tia nắng vàng hát
Lắng nghe những cảm thức rất lạ
”.

(Nghe những dòng sông hát)

Cảm thức tưởng chừng rất lạ nhưng mà không lạ. Bởi đó là những gì đã và đang sinh tồn trong đời sống tinh thần của nhà thơ. Lạ chăng là với tài năng và phẩm chất thi sĩ bẩm sinh, Huỳnh Thị Quỳnh Nga “Lắng nghe dòng thời gian xanh. Lắng nghe những cảm âm của song” đã biến nó thành chất liệu đặc biệt để tạo dựng thế giới thơ tự do quyến rũ, không dẫm chân lên lối mòn của người đi trước và cố tránh lặp lại chính mình.

Trong thời đại số hóa mọi khuôn mẫu xưa cũ dần lùi vào dĩ vãng, nhưng đối với người sáng tạo không dễ hoàn toàn vượt thoát nếu như không có tài năng và bản lĩnh sáng tạo. Khi mà trong tâm khảm vẫn còn “Mùi khói đốt đồng rưng cay khóe mắt” với niềm tự hào “Thơm một đóa quê hương” và lòng biết ơn đối với nền văn hóa châu thổ sinh thành, cũng là quê hương văn học của mình, thì những giấc mơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga còn bay lên nhiều điều thú vị và con đường thơ nữ sĩ quê Cai Lậy - Tiền Giang sẽ còn mở ra những điều mới lạ phía trước:

Phương Nam mềm như dải lụa trong trăng
Người về qua đây
Xin cúi đầu tạ ơn tiền nhân
Tạ ơn hồn nước
Tạ ơn những điều được mất
Một phương Nam trầm lắng giữa đồng bằng rất thật
Ta nghe dậy mùi đất
Ta nghe dậy mùi rạ rơm
Mùi khói đốt đồng rưng cay khóe mắt
Phương Nam ơi cánh cò trắng bay vào trong câu hát
Đọng trên áo người
Thơm một đóa quê hương
”.

Phan Hoàng
.
.
.