Cảm thức cội nguồn và nhân sinh trong “Lối sen sương”

Thứ Năm, 05/01/2023, 09:47

Tập thơ “Lối sen sương” của nhà thơ Vũ Thanh Thủy ở Phú Thọ vừa được Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải thưởng năm 2022. Đây là một tập thơ độc đáo sáng tác theo thể thơ 1-2-3 mới mẻ và thuần Việt.

Đất và người kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang xưa đã mang lại cho tôi nhiều cảm hứng. Không gì thi vị bằng khi con người được trở về đằm mình trong văn hóa cội nguồn. Như con chim thiên di phương xa trở về nơi tổ ấm sinh thành. Vì vậy, khi nhận được những chùm thơ của nhà thơ Vũ Thanh Thủy từ Đất Tổ, nhất là những bài thơ chị viết về không gian văn hóa đặc biệt này tôi luôn đọc một cách thích thú.

Với tôi lúc ấy cái tên Vũ Thanh Thủy còn xa lạ, về sau tôi mới biết chị là một người đa năng gốc Hà Nội sinh sống ở Phú Thọ, tác giả hai tập thơ đã xuất bản là “Tình núi” (2006), “Tiếng gọi từ phía núi” (2019) và được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020. Thú vị hơn, Vũ Thanh Thủy còn là tác giả đầu tiên in một số bài thơ 1-2-3 trong tập thơ của mình có tên “Chợ tan dong cái nhớ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 3/2021.

Cảm thức cội nguồn và nhân sinh -0
Nhà thơ Vũ Thanh Thủy (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2022.

Truyện Văn Lang bay lan đồng ruộng
Những tiếng cười nở bung miền văn hóa
Vùng đất cội nguồn rơm rạ cưới ngô khoai

Truyện Văn Lang bay lan đất nước
Mong ước lâu dần tích tụ hóa hài vui
Ai dừng chân Phú Thọ nhớ mua kho sảng khoái làng tôi

Bề dày văn hóa Đất Tổ phong phú là đề tài bất tận cho thi ca và Vũ Thanh Thủy cũng tìm thấy trong đó nguồn thi hứng ở những nét đặc sắc. Ở Phú Thọ hiện có nhiều địa chỉ lưu giữ cái tên Văn Lang của tổ tiên như đường Văn Lang, cầu Văn Lang, hồ Văn Lang,… và đặc biệt là làng Văn Lang, một ngôi làng độc đáo khi cả làng ai cũng biết nói chuyện tiếu lâm.

Không chỉ làng cười Văn Lang nổi tiếng với “Những tiếng cười nở bung miền văn hóa” mà Vũ Thanh Thủy còn phát hiện, tái dựng nhiều vẻ đẹp khác của văn hóa Đất Tổ, chẳng hạn những làn điệu cổ truyền độc đáo:

Nhịp tang tềnh sóng lượn vỗ về trăng
Làn Xoan đưa nhau ngược dòng lịch sử
Hát Đúm, Lãi Lèn trăn trở vọng xưa xa

Khai đền, đình từng phường xuân giăng giăng điệu hát
Đất trời dậy lên khí chất ngàn năm
Ước vọng sinh sôi tang tềnh sóng lượn vỗ về trăng

Yêu say mê lịch sử, văn hóa truyền thống nhà thơ Vũ Thanh Thủy cũng xót xa trước sự mai một, mất mát của di sản vùng đất này: “Hòn Chẹ oằn mình đau đớn khóc thiên nhiên/ Có còn một bến sông hiền hòa xuôi chảy/ Đá vỡ đêm đêm ùng ục bởi bom mìn”. Và mấy ai nhận ra “Giọt mắt đá ngầu lên màu bất lực” vì sự tàn phá môi trường sinh thái đáng báo động không chỉ ở vùng Đất Tổ mà còn nhiều nơi trên khắp đất nước của con Lạc cháu Hồng!

Chuông mõ dứt tay rỗng ngày hạ cháy
Bầy chim dẫm đạp loạn xạ tìm đường sống
Con người tự ru mình bằng lễ vật tâm linh

Sự nhân đạo quẩn quanh hành xác đám muông cầm rệu rã
Chuông mõ dứt tay rỗng ngày hạ khát
Cửa lồng mở ngậm ngùi câu tụng niệm phóng sinh

Nếu không có một đôi mắt tinh tường, một trái tim nhạy cảm, một tư duy phản biện thì khó nhìn thấy “Bầy chim dẫm đạp loạn xạ tìm đường sống/ Con người tự ru mình bằng lễ vật tâm linh” trong những ồn ào hỗn tạp phản cảm.

Trăn trở về vùng đất mình đang sống, Vũ Thanh Thủy cũng dành nhiều tình cảm cho gia đình qua những bài thơ 1-2-3, đặc biệt là hình ảnh người cha. Có một điều dễ thấy trong đời sống thi ca là thơ viết về mẹ rất nhiều, còn thơ viết cho cha vừa hiếm vừa khó hay. Tại thơ, tại người làm thơ hay tại ông trời!? Vì vậy thật ngạc nhiên khi Vũ Thanh Thủy viết cho cha nhiều bài thơ 1-2-3 đầy xúc động.

Không sa đà vào kể lể chung chung, hình ảnh người cha kính yêu trong thơ 1-2-3 Vũ Thanh Thủy hiện lên ở những ngữ cảnh khác nhau tạo thành bức tranh liên hoàn: “Cha dời Hàng Bông ngược rừng gánh nặng nghĩa trăm năm/ Chuyến xe ly hương dần mờ xa khuất/ Đất mới vỡ hoang cha giấu kỹ phận mình” bởi vì “Cha nguyện làm người tỉnh lẻ/ Từ khi hiểu mẹ thăng trầm”. Chẳng may một đêm trừ tịch tai nạn kinh hoàng cướp mất mẹ, để lại cho cha nỗi đau buồn giá lạnh “Năm đứa con không vá ấm nổi một người”, và từ trong vô thức “Cha vớ khung toan tê dại phác nhanh khoảnh khắc/ Điệp điệp sắc màu trỗi dậy gió giông/ Người đàn bà trong tranh bật khóc thương chồng”. Những câu thơ hồn vía xoáy vào tâm can! Đến khi cha cũng theo mẹ bay về trời thì tình thương bao la vẫn là nguồn sống ấm áp:

Con vẫn ngủ ngoan trong bức hình cha vẽ
Nét sơn dầu cha họa một đời con
Bút pháp đây! Người vẽ không còn

Duy tấm hình cứ nhớ thương vời vợi
Chồng con biết vợ mình hay tủi
Đem tranh theo và treo tháng năm lên…

Cảm thức cội nguồn và nhân sinh -0
Nhà thơ Vũ Thanh Thủy.

Mỗi bài thơ 1-2-3 của Vũ Thanh Thủy là một lát cắt sinh động của đời sống, tình thâm nghĩa trọng, đôi lúc lặp lại và biến tấu câu thơ để tạo điểm nhấn, khi day dứt ngậm ngùi khi trìu mến thương yêu như:

Làm mẹ rồi con mới thấm mẹ cha sinh
Mẹ tặng con chiếc áo màu thương yêu
Sợi cần mẫn luồn ngày đêm ấm áp

Tuổi thơ chưa hiểu vì đâu mẹ thức đan mùa lạnh
Cần mẫn nhặt từng mũi len vô giá ân tình
Làm mẹ rồi con mới thấm mẹ cha sinh

Đó còn cảm nhận, day dứt, sẻ chia nỗi buồn đau tột cùng của người thân trước sự mất mát của máu mủ ruột rà vì chiến tranh:

Ngoại không đợi được cậu trở về
Ký ức đạn bom từ từ hiện ra trước mắt
Ngoại không còn nuốt nổi miếng cơm ngày gặp mặt

Chỉ thèm người con trai biền biệt nửa bán cầu
Mẹ tôi cuống cuồng khâm liệm thương đau
Trong quan quách ngoại vẫn còn hy vọng
Mỗi câu thơ như tiếng nấc đớn đau!

Không chỉ quan sát, lắng nghe, chiêm nghiệm mà điều quan trọng là Vũ Thanh Thủy đã chuyển hóa những cung bậc đời sống, tình cảm thành thơ một cách tự nhiên. Ngôn ngữ thơ chị hòa quyện ngôn ngữ hội họa. Đó là thế mạnh quý hiếm của Vũ Thanh Thủy khi mỗi bài thơ 1-2-3 nén lại có khả năng “bung nở” thành một bức tranh sinh động và quyến rũ những tâm hồn đồng điệu: “Đêm chẳng ngắn khi lòng càng chờ mãi/ Vầng trăng lười dừng lại giữa thôi bay”, “Từ đất nứt điều kỳ ảo/ Apsara uốn lượn chập chờn/ Nàng mê mụ quay cuồng dâng điệu múa”.

Càng ngày thơ Vũ Thanh Thủy càng đằm thắm, lắng đọng, mơ hồ đến hư huyền: “Người châm trà nhìn bạch liên bong từng lớp đời tri kỷ/ Thác về nơi hoa không được sinh ra/ Uống cả nỗi buồn tha hương chưa kịp tới”. Tâm thức hiện sinh ấy còn dừng nơi phố vắng, phận chữ miệt mài của người chị và bản thể chừng như vô thức của mình: “Đêm trắng tôi thấy mình ly thân/ Nhìn lên chiếc đồng hồ muôn thuở luôn ngự sẵn góc phòng/ Thấy đêm bò quanh ký ức mênh mông”. Những vần thơ mang tính tự sự về thân phận phụ nữ của Vũ Thanh Thủy vừa khắc khoải vừa dịu vợi.

Đời đàn bà bước qua nắng quái
Vệt nắng xiên qua thẩm thấu vị cuộc người
Đời đàn bà như vừng dương xuống núi

Rùng mình mở chiếc tủ quá khứ
Lục tìm chiếc áo ảo nhất mặc vào hiện tại
Say đày ngắm lại bỗng vui

Biết mình hiểu đời, dù còn lâu mới “bước qua nắng quái” nhưng người đàn bà thơ Vũ Thanh Thủy vẫn dự cảm và tự tin “mở chiếc tủ quá khứ” để tạo dựng dần vẻ đẹp cho hiện tại, chênh vênh giữa hai bờ ảo và thực, thanh thản tìm niềm vui sống. Sống cho mình. Sống cho mọi người. Đó là bản lĩnh mà cũng là cánh cửa khai mở hành trình thơ nhiều chông gai và đầy thi hứng sáng tạo của Vũ Thanh Thủy với chiều sâu cảm thức văn hóa cội nguồn và nhân sinh.

Phan Hoàng
.
.
.