Năm 2023, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 394 tỷ USD

Chủ Nhật, 05/02/2023, 06:32

Ngay trong tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa ước đạt 46,56 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước đạt 25,08 tỷ USD. Điều đáng ghi nhận là việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách "Zero COVID" từ ngày 8/1/2023 đã giúp XNK hàng hóa có cơ hội tăng trưởng trong năm 2023.

Theo ghi nhận của doanh nghiệp XK, trong tháng 1, sức bật của các nhóm hàng nông sản đã đóng góp tích cực cho thành tích chung của hoạt động XNK. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng XK trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định.

Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này. Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu năm mới, việc Trung Quốc mở cửa biên giới đã tạo cơ hội cho hàng hóa XK gia tăng sang thị trường này, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống có giá trị cao, như cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ…

xk.jpg -0
Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, từ ngày 24/1 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão) đến nay, hoạt động XNK hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản của Việt Nam XK sang Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết. Hầu hết các phương tiện vận tải hàng hóa XK của doanh nghiệp (DN), thương nhân đưa đến cửa khẩu để làm thủ tục thông quan trong những ngày sau Tết chiếm phần lớn là trái cây, như: mít, thanh long, sầu riêng... Đặc biệt, số lượng xe hàng hóa XK sang Trung Quốc những ngày sau Tết đều cao hơn nhiều lần số lượng xe hàng nhập khẩu về Việt Nam. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ ngày 24 đến ngày 28/1, đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho 1.162 vận tải hàng hóa XNK. Điều đó cho thấy nhu cầu phía Trung Quốc đang tăng lên sau thời gian dịch bệnh, tạo đà tích cực cho hoạt động XK trong năm 2023.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2022, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi đạt kết quả đáng khích lệ ở mức 500 tỷ USD, chiếm gần 68% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam với thế giới, đóng góp quan trọng vào thành tích XNK của cả nước. Năm 2023 sẽ đẩy mạnh XK sang một số thị trường như Trung Quốc, Nam Á, châu Phi,… Đối với thị trường Trung Quốc, trong năm 2023 và các năm tiếp theo tiếp tục mở rộng thị trường Vân Nam. Đây là một thị trường mới đầy triển vọng. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh XK sang các thị trường đã ký FTA, như thị trường Hàn Quốc để đạt mốc 100 tỷ USD vào năm 2023, như lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra. Đặc biệt tập trung tổng kết kinh nghiệm của các nước tận dụng các FTAs để đưa ra các kiến nghị cần thiết cho DN Việt Nam.

Theo bà Oanh, để thúc đẩy XK sang khu vực thị trường châu Á - châu Phi năm 2023, trước hết cần phải giữ vững XK như đang có. Như vậy, thì cần phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của hàng hoá XK, đảm bảo “xuất khẩu xanh”, XK theo nhu cầu thị trường, không phải chỉ XK những gì mình có. Đồng thời, đảm bảo hàng hoá XK được thông suốt: thủ tục XK thông thoáng, thuận lợi về logistics, nắm vững, cập nhật chính sách nhập khẩu của nước sở tại. Ngoài ra, “chúng tôi đang tập trung nghiên cứu đối thủ cạnh tranh XK của Việt Nam, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia thay đổi như thế nào để ứng phó với chính sách áp thuế cácbon đối với hàng nhập khẩu vào EU (CBAM) áp dụng từ tháng 10/2023. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo Chính phủ và thông tin cho DN Việt Nam. Điều này cũng là biện pháp quan trọng hỗ trợ XK bên cạnh việc DN Việt Nam tiếp cận với các quy định mới”, bà Oanh nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ Tạ Hoàng Linh cũng cho rằng, bước sang năm 2023, hoạt động XNK giữa Việt Nam với thị trường châu Âu-châu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi và đối mặt với những thách thức. Cụ thể, một số thuận lợi như các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường châu Âu-châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là XK của Việt Nam.

Thị trường XK chủ lực ở các nước khu vực châu Âu tuy có thể tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương, trừ Nga. “Cam kết của Việt Nam tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của Việt Nam trong tương lai”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.