Phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới:

“Ngọc quý” không chỉ cất trong kho

Thứ Hai, 27/12/2021, 08:47

Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thế giới. Sau hơn 4 năm, khối tài liệu – di sản này như viên ngọc quý càng mài càng sáng, giúp soi tỏ nhiều hơn rất nhiều những điểm mờ, góp phần lấp đầy nhiều “trang trắng” trong lịch sử nhiều vùng đất, số phận nhiều nhân vật lịch sử và cả những phong tục tập quán các địa phương…

“Cổ vật” thành… trung tâm gỡ rối cho các nhà nghiên cứu

Trong nhiều năm gần đây, cùng với những nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác lưu trữ của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, di sản Châu bản triều Nguyễn không chỉ được biết đến ngày càng rộng rãi hơn mà còn trở thành chìa khoá vạn năng cho nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước.

“Ngọc quý” không chỉ cất trong kho -0
Triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản - Di sản tư liệu thế giới”.

Hành trình của TS Lê Thị Mai của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trong nghiên cứu lịch sử Quảng Nam – Đà Nẵng là một điển hình.

TS Lê Thị Mai cho biết, dưới triều Nguyễn, vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng nằm sát kề bên kinh thành Huế, vốn là vùng đất có bề dày lịch sử, phát triển khá thịnh vượng từ các thế kỷ trước, nổi tiếng là vùng đất địa linh - nhân kiệt, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây cũng là một trong số các vùng đất được nhiều nhà nghiên cứu đã hoặc đang tiếp tục quan tâm. Trước khi chính thức nghiên cứu lịch sử địa phương này, thông qua một số triển lãm và một số tài liệu gốc qua một số bài viết của các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, bà xác định được Châu bản triều Nguyễn là một nguồn tư liệu rất có giá trị.

Thực tế, khi khai thác tài liệu Châu bản triều Nguyễn trong nghiên cứu lịch sử vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, chỉ riêng với nội dung về công tác trị thủy (khơi đào, nạo vét hệ thống sông ngòi) và sự biến thiên của hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia, bà và cộng sự đã tìm được 15 Châu bản có liên quan mật thiết.

Dưới triều Nguyễn, công tác trị thủy được đặc biệt chú trọng, trong đó có việc đào sông, nạo vét, khơi thông hệ thống sông ngòi trên cả nước. Ở Quảng Nam, công trình tiêu biểu của triều Nguyễn về phương diện này là việc khơi đào, nạo vét dòng sông Vĩnh Điện. Đây là công trình trị thủy có ý nghĩa quan trọng của triều đình, là công nghiệp “lợi dân” của các vị vua.

Các Châu bản không chỉ giúp phục dựng quá trình khơi đào, nạo vét dòng sông Vĩnh Điện một cách hệ thống nhất mà còn cho thấy rất rõ chính sách khoản đãi, khích lệ của triều đình trong khi thi công, sự biến thiên của sông Thu Bồn theo thời gian, góp phần giải mã thêm về lịch sử môi trường ở địa phương, lý giải hiện tượng đổi dòng của sông Thu Bồn trong lịch sử, chứng minh nhiều khu đất, nhiều công trình thiết chế của người xưa đã xói lở xuống dòng sông này.

Cũng từ tư liệu Châu bản triều Nguyễn, TS Lê Thị Mai và cộng sự chứng minh nhiều địa danh, tên làng ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng thay đổi do lệ kiêng húy dưới triều Nguyễn, cụ thể là thay đổi địa danh do kiêng tên húy của Thuận Đức Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, dưới thời vua Thiệu Trị. Vì định lệ kiêng tên húy của Thuận Đức Nhân Hoàng hậu, các quan Nội các đã xin phủ Thăng Hoa tỉnh Quảng Nam đổi tên là phủ Thăng Bình; huyện Mộ Hoa tỉnh Quảng Ngãi là huyện Mộ Đức; phủ Hà Hoa tỉnh Hà Tĩnh là phủ Hà Thanh, huyện Kỳ Hoa là huyện Kỳ Anh…

Châu bản triều Nguyễn còn góp phần quan trọng trong nghiên cứu các nhân vật lịch sử địa phương, nhất là nhân vật có tầm vóc, cống hiến cho lịch sử dân tộc. Trường hợp của quan Án sát Nguyễn Duy Kế là điển hình. Trước đây, nhiều người vẫn biết, ở thôn Thuận Trì, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có một ngôi mộ cổ của quan Án. Mộ vẫn còn bia đá nhưng không ai biết gì về hành trạng và cũng không ai nhận phần hương hỏa cho ông. Văn bia cho biết chủ nhân ngôi mộ họ Nguyễn, công nghiệp lớn nhất là quan Án sát sứ. Bia mộ được lập vào mùa hạ năm Tân Tỵ (1881).

“Ngọc quý” không chỉ cất trong kho -0
Các viên chức ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I bóc tách tài liệu Châu bản triều Nguyễn bị bết dính, hư hỏng nặng.

Nhờ vào các nguồn tài liệu khác nhau, chủ yếu là nguồn tài liệu Châu bản triều Nguyễn kết hợp với các nguồn sử tịch khác của triều Nguyễn, TS Lê Thị Mai và cộng sự xác định được chủ nhân của ngôi mộ là ông Nguyễn Duy Kế, người làng Phương Trì, huyện Lễ Dương, làm quan tới chức Án sát Nam Định. Ông Kế đỗ vị trí thứ 24 trong khoa thi năm Giáp Tý - Tự Đức năm thứ 17 (1864), tại trường thi Thừa Thiên (thi chung với trường Bình Định). Sau khi đỗ đạt, ông về kinh, được bổ lãnh chức Tri huyện huyện Hương Trà - vùng đất nằm sát kinh thành Huế, năm 1872 được nâng lãnh chức Tri phủ phủ Ninh Hòa. Ông từng được bổ nhiệm làm Án sát sứ tỉnh Nam Định và thụ lý vụ án nhũng lạm công quỹ lớn của vùng này. Tài liệu Châu bản triều Tự Đức năm thứ 32 - 33 (1879- 1880) cho biết quan Án sát Nguyễn Duy Kế đã tham gia mật bàn cùng Tổng đốc Nguyễn Trọng Hợp, Bố chánh Đồng Sĩ Vịnh trình tấu lên triều đình, chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề ở vùng đất ông coi quản cũng như các vùng đất lân cận…

Gìn giữ quá khứ cho tương lai

Các công trình nghiên cứu của TS Lê Thị Mai và cộng sự chỉ là một trong rất nhiều nhóm, nhà khoa học đã thành công khi kết hợp khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn trong hoạt động nghiên cứu. TS Lê Thị An Hoà, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, đây là nền tảng và cơ sở quan trong phục vụ cho công tác bảo tồn - khai thác phát huy những giá trị kiến trúc, lịch sử và nhân văn ở cố đô Huế. Với Điện Thái Miếu và Điện Thái Hoà, tài liệu Châu bản thể hiện rất rõ. Mỗi đợt trùng tu đều có văn bản tấu lên nhà vua và văn bản được phê duyệt, ghi rõ các hạng mục hư hỏng, đề nghị tu sửa, báo cáo chi tiết thực hiện, sử dụng vật liệu…

Vì vậy, đây là những tài liệu chân xác nhất về các công trình di tích qua các thời kỳ, hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện nay. Với Huế, những thông tin ghi chép trong tài liệu Châu bản còn được khai thác cho việc phục hồi các nghi lễ cung đình: Lễ ở đàn Nam Giao, Xã Tắc, Lễ ban sóc, Lễ đổi gác, Lễ dựng nêu, lễ tế ở các miếu, các bài nhạc lễ, múa cung đình, tuồng cung đình, các nhạc khí...

Đặc biệt, di tích đàn Âm Hồn qua bao nhiêu năm hư hỏng và bị lấn chiếm, hiện nay được hoàn trả về với di tích, hiện trạng không còn dấu vết gì. Nhờ tài liệu Châu bản, những người nghiên cứu mới biết được hình thức xây dựng đàn tế, về lễ phẩm trong lễ tế được quy định cụ thể, rõ ràng từng hạng mục theo từng năm, nghi thức tế, thể thức văn tế ở đàn…, từ đó nghiên cứu phục dựng lại tổng thể nghi lễ một cách chuẩn xác nhất.

Về Châu bản triều Nguyễn, bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết: Châu bản là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý của nhà nước triều Nguyễn từ 1802 đến 1945, do các cơ quan chính quyền Trung ương, địa phương soạn thảo và trình lên Hoàng đế phê duyệt. Các bản chính có bút tích trực tiếp của nhà vua được lưu trữ tại kho văn thư của Nội các hình thành nên khối Châu bản triều Nguyễn còn lại đến ngày nay.

“Ngọc quý” không chỉ cất trong kho -0
Di sản Châu bản triều Nguyễn trong kho bảo quản của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Trên Châu bản lưu giữ được bút tích ngự phê trực tiếp của 10 vị Hoàng đế triều Nguyễn gồm Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Đây thực sự là những tư liệu quý báu đặc sắc, bởi không phải triều đại phong kiến nào hay bất cứ vị quân vương của quốc gia nào cũng có được.

Với giá trị nguyên gốc và đáng tin cậy, Châu bản triều Nguyễn cung cấp những tư liệu quý báu chân xác, phản ánh toàn diện giai đoạn lịch sử nhà Nguyễn từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 trên nhiều lĩnh vực như: tổ chức hành chính, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao… Đây cũng là những tài liệu mang tính pháp lý quan trọng trong việc xác lập, chứng minh và bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Trải qua thời gian cho đến nay, bản thân khối tài liệu này đã là một cổ vật quý giá; những thông tin truyền tải trong tài liệu, bút tích của các Hoàng đế, hình dấu, ngôn ngữ, chữ viết, chất liệu giấy mực… đã trở thành những tư liệu quý báu làm nên giá trị có một không hai của di sản tư liệu này. Qua thời gian, chiến tranh và những biến thiên của lịch sử, tài liệu đã bị hư hỏng mất mát một số nhưng những di sản còn lại này đặc biệt vô giá bởi đây là kho sử liệu gốc, căn bản của triều Nguyễn và một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

Giá trị của khối tài liệu này đã vượt khỏi tầm quốc gia để trở thành Di sản tư liệu của thế giới. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước vẫn đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để tôn vinh giá trị của Di sản này. Tuy nhiên việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản không chỉ là trách nhiệm của từng cơ quan đơn lẻ mà cần có sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan chức năng, sự kết nối giữa các cơ quan di sản và chung tay góp sức của toàn xã hội…

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn, ngày 23-12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội, Đà Nẵng, trực tuyến tại Paris, Hamburgs. Với sự chủ trì của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Đặng Thanh Tùng; Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc; Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Đặng Mai Hương, các nhà nghiên cứu, khoa học trong và ngoài nước đã cùng làm sáng rõ hơn giá trị và chỉ ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy Châu bản triều Nguyễn. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Duy Thăng đã ghi nhận các ý kiến và cho biết, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chỉ đạo, có thêm nhiều chương trình, hoạt động nhằm phát huy giá trị khối di sản này.

Minh Hà
.
.
.