Kinh tế số và “hiệu ứng bánh đà” của Đông Nam Á

Thứ Hai, 16/01/2023, 21:15

Nền kinh tế số ở Đông Nam Á có lộ trình phát triển khá riêng và làn sóng chuyển đổi số đang trở thành động lực quan trọng để phục hồi kinh tế của khu vực này. Theo báo cáo khảo sát do Google, Temasek và Bain & Company, từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh và bóng đen xung đột chính trị bao phủ toàn cầu, ngành kinh tế số của Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ, tăng thêm 60 triệu người tham gia.

Năm 2021, quy mô thị trường kinh tế số ở Đông Nam Á đạt 174 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 360 tỷ vào năm 2025 và tăng trưởng nhanh chóng lên mức đáng kinh ngạc 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Tổng dân số của Đông Nam Á vào khoảng 655 triệu người và độ tuổi trung bình là 30,2, thị trường khổng lồ này khiến người ta có ấn tượng nó giống như một thanh niên còn non trẻ nhưng đang trưởng thành nhanh chóng, và đang trở thành “người được lựa chọn” để có thể dẫn dắt nền kinh tế Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ.

1.jpg -0
Làn sóng chuyển đổi số đang trở thành động lực quan trọng để phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

“Hiệu ứng bánh đà” có nghĩa là: Bánh răng cần có nhiều động năng để vượt qua lực cản từ trạng thái tĩnh sang chuyển động, và một khi bắt đầu quay, đà hoạt động mạnh do quán tính của hệ thống nội sinh tạo ra có thể duy trì hoạt động của chính nó, tiếp đó có sự hỗ trợ của ngoại lực sẽ càng quay nhanh hơn. Sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á cũng được ví như có logic vận hành tương tự. Thành phần cốt lõi của bánh đà này là thị trường khổng lồ được hình thành từ dân số trẻ và rộng lớn. Theo khảo sát của Google, 6 thị trường lớn của nền kinh tế số ở khu vực này trong năm 2021 lần lượt là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines, tổng cộng có khoảng 440 triệu người dùng Internet, trong đó hơn 80%, tương đương khoảng 350 triệu người từng mua hàng trên mạng. Hơn nữa, phạm vi và mức độ sử dụng của người dùng vẫn đang tăng mạnh.

Tuy nhiên, mặc dù thị trường kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đang có quy mô và tiềm năng rất lớn, nhưng nó vẫn đi sau Mỹ và Trung Quốc tới hơn 10 năm. Lấy mô hình thị trường và công nghệ hoàn thiện của các khu vực phát triển trước làm tham chiếu, các quốc gia Đông Nam Á đang đi con đường khác với quá trình phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc và Mỹ, đồng thời thúc đẩy vòng quay nhanh chóng của bánh đà kinh tế số theo cách phù hợp hơn với đặc điểm của riêng mình.

Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu không chỉ đối mặt với ảnh hưởng của những yếu tố bất lợi như đại dịch COVID-19 hay làn sóng “đảo ngược toàn cầu hóa” nổi lên, mà còn phải đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng như năng lượng, tài chính và chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị gây ra. Trước những áp lực này, nền kinh tế số đang trở thành lực lượng mới định hình lại các yếu tố kinh tế, cơ cấu kinh tế và xu thế cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu.

Theo số liệu trong Sách Trắng về kinh tế kỹ thuật số toàn cầu 2022 do Viện Nghiên cứu công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc công bố, giá trị gia tăng của nền kinh tế kỹ thuật số ở 47 quốc gia trên thế giới trong năm 2021 là 38.100 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa tốc độ tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế toàn cầu trong cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Đông Nam Á cao gấp 3 lần so với toàn cầu, đạt 47%. Hơn nữa, do sự phát triển mô hình kinh doanh của nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nên tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh và có tiềm năng thị trường rất lớn, điều này sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho nền kinh tế trong tương lai. Trước tiên, ngành kinh tế số ở Đông Nam Á có vai trò thúc đẩy đầu tư trong khu vực. Các công ty công nghệ mới thành lập một mặt thu hút lượng lớn đầu tư, mặt khác cũng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận từ vốn thông qua việc tăng định giá của chính họ, từ đó hình thành sự khích lệ tích cực cho vòng tuần hoàn vốn đầu tư trong kinh tế xã hội.

Thứ hai, nhu cầu nội sinh đối với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á sẽ thúc đẩy chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan và không ngừng tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo nền tảng tốt hơn cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Thứ ba, những người lao động mới do ngành kinh tế số tạo ra sẽ thu hút một lượng lớn việc làm, có lợi cho sự phát triển cân bằng của các yếu tố kinh tế trong khu vực và sự ổn định của cấu trúc xã hội tổng thể. Cuối cùng, dịch vụ cá nhân hóa và trải nghiệm thuận tiện của nền kinh tế số sẽ thúc đẩy mức tiêu dùng xã hội ở Đông Nam Á, khảo sát của Google cho thấy dịch vụ số hóa đã làm tăng mức sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng lên 30%.

Mặc dù nhiều triển vọng lạc quan như vậy, song vẫn có một số yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế số của Đông Nam Á. Trước tiên, các nước ASEAN cần phải xây dựng cơ chế quản trị thống nhất để quản lý dữ liệu xuyên biên giới, từ đó đảm bảo lưu thông tự do dữ liệu trong khu vực và thiết lập quy phạm cho nền kinh tế xuyên biên giới, nếu không sẽ khó phát huy được lợi thế của thị trường khu vực rộng lớn.

Phát triển kinh tế số cần có thị trường ổn định với các nền tảng tích hợp và trao đổi kết nối với nhau. Hiện nay, các nước Đông Nam Á phát triển không đồng đều và chưa kết nối thông suốt về thương mại hải quan, vẫn gây trở ngại cho lưu thông thị trường và vận chuyển hàng hóa trong khu vực. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật số và trình độ chuyên môn của nhân lực ở Đông Nam Á còn thiếu hụt, và nhiều ứng dụng công nghệ cũng như mô hình kinh doanh đã thành công từ Mỹ hay Trung Quốc không thể được nhân rộng trực tiếp ở Đông Nam Á, vẫn cần phải tiếp tục tiến hành thăm dò thử nghiệm. Cuối cùng, sau khi tốc độ tăng trưởng người dùng cao như hiện nay kết thúc, thị trường dịch vụ kỹ thuật số ở Đông Nam Á cũng sẽ bước vào thời kỳ cạnh tranh gay gắt cả về giá cả và hiệu quả, khi đó, liệu ngành này có thể cân bằng được tác động tiêu cực do các phương thức cạnh tranh gây ra hay không sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.
.