Hong Kong nỗ lực chuyển đổi thanh toán số

Thứ Ba, 14/09/2021, 09:23

Chương trình phiếu mua hàng điện tử (e-voucher) trị giá 5.000 đô la Hong Kong (640 USD) do chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đưa ra gần đây đã thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu của người tiêu dùng.

Không giống như các chính sách kinh tế khác cần thời gian để phát huy tác dụng, việc phân phối các phiếu mua hàng điện tử là một chính sách tài khóa có hiệu quả nhanh chóng.

Một số người cho rằng việc sử dụng tiền mặt sẽ mang đến gói cứu trợ lớn hơn cho các cộng đồng khó khăn, có thu nhập thấp, nhưng chính quyền Hong Kong đã xét tới nét đặc trưng văn hóa của họ: người Trung Quốc có xu hướng tiết kiệm, có nghĩa là việc chi tiền mặt có thể không tạo ra sự gia tăng tiêu dùng như mong muốn.

Thanh toán kỹ thuật số đang phổ biến hơn bao giờ hết vì chúng mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sáng kiến e-voucher là một cách hoàn hảo để chính quyền Hong Kong chuyển đổi sang thanh toán kỹ thuật số. Được gọi là “thành phố thế giới của Châu Á”, Hong Kong không thể bỏ qua các phương thức thanh toán kỹ thuật số và công nghệ liên quan.

Nỗ lực chuyển đổi số

Hong Kong là một trong những nơi tiên phong về hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt với thẻ Octopus vào năm 1997. Kể từ đó, bối cảnh thanh toán toàn cầu đã phát triển nhảy vọt trong khi tiến trình tiếp nhận kỹ thuật số ở Hong Kong diễn ra chậm chạp.

Hong Kong nỗ lực chuyển đổi thanh toán số -0
Hong Kong tung ra chương trình phiếu mua hàng điện tử để kích cầu mua sắm trong đại dịch.

Ví dụ, việc thiếu các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số trong taxi, chợ truyền thống và quán café (cha chaan teng) địa phương trong thời gian dài càng thúc đẩy quan niệm cho rằng tiền mặt vẫn là số 1 trong thành phố. Văn hóa tiền mặt ăn sâu bám rễ, một dân số không thích các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới và lo ngại về các vấn đề quyền riêng tư và bảo mật là những rào cản lớn đối với một xã hội không tiền mặt.

Tuy nhiên, khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các tùy chọn thanh toán không tiếp xúc đã được nhiều người sử dụng vì sự an toàn. Để tiếp tục thanh toán không dùng tiền mặt, Hong Kong phải tận dụng việc triển khai chương trình phiếu mua hàng đã được người dân chấp nhận.

Với mục tiêu thúc đẩy chi tiêu và đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của thành phố trong bối cảnh đại dịch, việc đăng ký phiếu mua hàng điện tử đã bắt đầu vào ngày 4-7 và đợt đầu tiên trị giá 2.000 đô la Hong Kong đã được phân phối cho  người thường trú  và những người mới đến Hong Kong đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 1-8 thông qua 4 nền tảng - Octopus, AlipayHK, WeChat Pay HK và Tap & Go. Khoảng 5,5 triệu người đủ điều kiện đã hoàn thành đăng ký điện tử trước ngày 17-7 đã nhận được phiếu mua hàng cho đến nay.

Việc đăng ký nhận phiếu thưởng sau đó được tiếp tục cho đến ngày 14-8. Những người đã hoàn thành đăng ký điện tử sau ngày 18-7 sẽ nhận được phiếu mua hàng đầu tiên trị giá 2.000 đô la Hong Kong vào ngày 1-9.

Joy Lu, một người sống tại khu phố Tin Wan, đã chi 100 đô la Hong Kong vào ngày đầu tiên để mua đồ ăn sáng và mua sắm tại một số cửa hàng tạp hóa hôm 15-8. Cô cho biết cô không vội vàng sử dụng hết các thẻ mua hàng đó. Không giống như Joy Lu, nhiều người đã mua các tiện ích và thiết bị điện đắt tiền. Phóng viên Gu Mengyan trang ChinadailyHK cho biết trong khi nhiều người đang xếp hàng trước cửa hàng Apple tại Quảng trường Thời đại, thì số người xếp hàng trước cửa hàng Starbucks cũng rất đông.

M.Rahman, một doanh nhân từ Bangladesh chuyển đến Hong Kong 16 năm trước, đã đưa hai con trai của mình đến cửa hàng quần áo      UNIQLO tại trung tâm mua sắm Citygate ở Tung Chung. Ông cho biết: “Thông thường, tôi sẽ không mua nhiều quần áo cùng một lúc. Có lẽ chúng ta có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi nhận được những món quà bằng phiếu mua hàng như thế này”.

Tác động tích cực tới kinh tế

Phản ứng tích cực của người dân đối với chương trình phiếu tiêu dùng có thể thúc đẩy nền kinh tế địa phương lên tới 6% trong quý thứ ba so với cùng kỳ năm ngoái.

Giáo sư Terence Chong Tai-leung, một nhà kinh tế tại Đại học Trung Hoa, trước đây đã dự đoán tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ chỉ dao động khoảng 3-4% nếu không có sáng kiến này. Giờ đây, ông cho rằng con số  này sẽ đạt 5-6%, bao gồm cả chương trình phiếu mua hàng điện tử. Giáo sư Chong nói: “Nhiều người đã sử dụng phiếu mua hàng trị giá 2.000 đô la Hong Kong và ảnh hưởng của chương trình này sẽ khá lớn, đặc biệt là vào quý thứ ba”. Ông cho biết thêm rằng các siêu thị và nhà hàng là những người được hưởng lợi chính. Các cửa hàng trang sức cũng có doanh thu tăng nhờ chương trình này.

Chính quyền Hong Kong hôm 13-8 đã nâng dự báo tăng trưởng cho GDP của thành phố từ 3,5-5,5% lên mức 5,5-6,5% trong năm nay, một phần là nhờ kế hoạch phiếu mua hàng. Dự kiến sáng kiến này sẽ đóng góp 0,7% tăng trưởng vào GDP năm nay.

Để tận dụng sự hứng khởi của người tiêu dùng, các trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng và bốn nền tảng thanh toán kỹ thuật số của thành phố đã tung ra rất nhiều đặc quyền giảm giá giá hàng tỷ đô la.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Iris Pang của ING Bank Greater China cho biết tác động tích cực sẽ phụ thuộc vào việc liệu người dân có đang chi tiêu nhiều hơn mức họ được cung cấp hay không. Bà nói rằng hiện không thể định lượng những tác động đến việc thúc đẩy tiêu dùng cá nhân. Nhấn mạnh đến việc nhiều doanh nghiệp đang giảm giá để thu hút người mua sắm, nhà kinh tế Pang cũng đặt câu hỏi liệu sự hồi sinh của tâm lý người tiêu dùng là do giá giảm hay do các yếu tố khác. Bà nói: “Thị trường trở nên sôi động hơn, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên (sau khi cư dân đợt đầu tiên nhận được phiếu mua hàng). Nhưng nó đã trở nên yên tĩnh hơn vào cuối tuần”.

Bích Hạnh  (Tổng hợp)
.
.
.