Hồ Quang Lợi : Từ “chảo lửa chiến tranh” đến những bài văn đầy mỹ cảm

Thứ Hai, 13/12/2021, 09:53

Giáo sư Vũ Khiêu đã nhận xét, Hồ Quang Lợi “là một nhà bình luận xuất sắc và nhạy bén trước thời sự cuộc sống. Văn phong của anh vừa sáng sủa, khúc chiết nhờ cấu trúc chuẩn mực của Pháp văn, vừa chuyển động liên tục hình ảnh, thể hiện bản lĩnh và cốt cách của riêng anh bằng lượng từ vựng Việt cuốn hút”.

Thế hệ chúng tôi, bắt đầu bị mê dụ bởi con chữ và nghề báo (như tôi là từ năm 1995) suốt gần ba chục năm nay. Phải nói, cái thời “bẻ gãy sừng trâu” rời quê nghèo về ký túc xá làm sinh viên Phân viện (nay là Học viện) Báo chí - Tuyên truyền đó, chúng tôi đã ăn báo chí, ngủ báo chí, khi say rượu, đêm ú ớ cơn mơ xa nhà hoặc lúc nhớ một bóng hồng mộng mị cũng vẫn được trùm phủ bởi bóng mây báo chí. Và, không hiểu từ cơ duyên nào, khi ấy, các cuốn sách của nhà báo Hồ Quang Lợi cùng với các đại thụ khác, như Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Như Phong… đã trở thành cẩm nang gối đầu giường của cả một thế hệ theo đòi nghề báo chúng tôi.

Hồ Quang Lợi : Từ “chảo lửa chiến tranh”  đến những bài văn đầy mỹ cảm -0
Nhà báo Hồ Quang Lợi.

“Nhúng bút” một cách vinh quang vào giai đoạn đặc biệt của lịch sử thế giới bấy giờ (và trong nhiều năm trước, sau đó); không chỉ phân tích ngọn ngành, đanh thép, sát sàn sạt thời sự và có tính dự báo cao với đủ các “chảo lửa” của thế giới như Chiến tranh vùng Vịnh, các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chiến tranh Nam Tư, sự kiện 11-9, chiến tranh Afghanistan, các cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ…, cùng với con đường Việt Nam đi trong một thế giới đầy giông bão, cây viết tài hoa Hồ Quang Lợi còn ru hồn người ta bằng “những bài văn đầy mỹ cảm” (chữ dùng của Giáo sư Vũ Khiêu dành cho anh)!

So với những gì được học trong trường báo chí, thì dường như, nhà báo Hồ Quang Lợi đã thay đổi suy nghĩ của tôi về cái gọi là bình luận, bình luận chính trị, bình luận quốc tế.

Tôi đọc “Cuộc bứt phá toàn cầu” (tên một cuốn sách của Hồ Quang Lợi, NXB Quân đội nhân dân, 1997) viết về chiến tranh vùng Vịnh, về sự sụp đổ sững sờ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu mà ngạc nhiên đến sửng sốt. Ơ hay, sao lại có thứ văn lung linh, hoạt bát, câu chữ nhấn nhá (đôi lúc còn có chất biền ngẫu), hàm súc và xúc cảm đến thế ở trong một thể tài như bình luận, lại là bình luận chính trị. Bấy giờ, chúng tôi đang được học các giáo trình về thể loại này, những bài trên của Hồ Quang Lợi khiến nhiều nhà báo tương lai băn khoăn tự hỏi: “chúng” không giống như cách hiểu thông thường chăng? Tôi thuộc lòng những “áng văn” đầy mỹ cảm: “Khi cơn cuồng phong chính trị thời cuộc tạm lắng xuống, màn sương mù ảo ảnh trong thung lũng của cuộc đổ vỡ tan dần, loài người đang đối mặt với chính mình bằng câu hỏi lớn: thế giới đang vận động theo quỹ đạo nào, theo trật tự nào và sẽ đi về đâu” (trích bài viết: “Thế giới - Cuộc kiến trúc lại đầy ẩn số” của Hồ Quang Lợi).

Hồ Quang Lợi : Từ “chảo lửa chiến tranh”  đến những bài văn đầy mỹ cảm -0
Cây viết tài hoa Hồ Quang Lợi còn ru hồn người bằng những bài văn đầy mỹ cảm.

Hồ Quang Lợi đã có mặt ở Liên Xô vào năm 1990, đi tới một số nước cộng hòa, gặn chắt từ xúc cảm và thực tế để viết “Cải tổ - Vùng mắt bão”. Giờ đọc lại, nhà báo là thư kí trung thành của thời đại, lát cắt lịch sử được Hồ Quang Lợi ghi lại vào ngày 5-9-1990 như sau: “Đã qua rồi cái thời điểm mà công việc chủ yếu nhất của những nhà hoạt động chính trị là đọc những bài diễn văn hùng hồn trước một công chúng đang ngấm cơn say dân chủ. Nhân dân xếp hàng dài trên phố cần bánh mì, thịt, sữa cho bữa ăn hàng ngày, cần điện để sưởi ấm, cần bình yên dưới mọi mái nhà” (“Những chân trời cuộn sóng”, sách của Hồ Quang Lợi, NXB Hà Nội, năm 2013).

Hồ Quang Lợi mô tả cảnh buốt lòng ở một số nước cộng hòa, họ dùng xe cẩu đến hạ bỏ bức tượng Lenin; nếu thị trưởng Moskva không ngăn lại, thì tượng Lenin ở Quảng trường Cách mạng Tháng Mười cũng bị hạ bỏ. Trên vô tuyến truyền hình Nga, một nghệ sỹ rút tấm thẻ đảng viên Cộng sản của mình ra đốt rồi cho vào gạt tàn thuốc lá với vẻ hả hê. Và anh cảm nhận: “Bóng đen của một cuộc đổ vỡ lớn đang vần vũ phía chân trời”. Xông xáo trong “chảo lửa” sự thật đầy xúc cảm trồi lên trụt xuống đó, ngẫm về số phận của các dân tộc, ở góc độ nào đó, vừa là thử thách, vừa là hạnh phúc, vinh quang của người cầm bút.

Tôi đã ngừng lại rất lâu khi Hồ Quang Lợi chứng kiến các sự thật đó (năm 1990, khi anh có mặt ở “tâm bão” kể trên, tôi mới 14 tuổi) và rồi anh có những bình luận thể hiện một thái độ nhân văn với lịch sử, vượt khỏi cách nhìn ấu trĩ của một giai đoạn: “Cần (có thể) xem xét, nghiên cứu lịch sử với thái độ phê phán, nhưng phải trên tinh thần trân trọng những thế hệ đi trước, bởi vì, nếu không có họ, thậm chí cả những sai lầm của họ, thì không thể có sự nghiệp của ngày hôm nay (…). Ai cũng biết, hoàng đế Na-pô-lê-ông là một kẻ xâm lược, gieo rắc tai họa cho nhiều quốc gia, dân tộc ở châu Âu và các lục địa khác, nhưng ít có người Pháp nào cảm thấy dễ chịu khi có ai đó lăng nhục Na-pô-lê-ông! Cũng vậy, vua Lui-I thứ 16 đã bị hành quyết trong cuộc cách mạng tư sản Pháp, nhưng ngày nay, những gì còn lại của ông vua này vẫn được nước Pháp lưu giữ cẩn thận như những giá trị văn hóa và lịch sử quý báu”.

Rồi tôi được tiếp xúc với anh. Nho nhã, lịch lãm. Người ta bảo, khi làm Tổng biên tập báo, làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, anh luôn cởi lòng và mở cửa phòng tiếp đón các đồng nghiệp, khỏi cần thư ký đăng ký lịch dài dòng kiểu cách. Từ VIP đến các nhà báo “tiểu tốt” như chúng tôi hồi mới lập nghiệp, đều được anh nồng hậu chào đón. Có lần anh làm lễ ra mắt sách, tôi vinh dự được anh mời phát biểu. Rõ là dân yêu văn chương, vốn từ và khả năng “bẻ từ bóp chữ” cho nó lên hương sắc, có gì đó ở anh quả là thiên bẩm.

Tôi mạo muội hỏi: anh ngày xưa chắc giỏi văn lắm nhỉ? Hóa ra, Hồ Quang Lợi từng thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, từng sang Rumani du học đúng vào cái ngành Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài của Đại học Tổng hợp Bucarest (Rumani). Về nước, học cách làm tin, viết bài khi đã nhập ngũ và tung mình vào cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nhà báo - anh bộ đội Hồ Quang Lợi làm báo bằng một sự tài hoa của người miền văn hiến xứ Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Làng Quỳnh Đôi quê anh, từng sinh ra các tài văn như Bà chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, các bậc tiền bối nghề chữ nghĩa như Tú Mỡ, Hoàng Trung Thông…

Được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến ở châu Âu, từ nước ngoài về, Hồ Quang Lợi vào làm báo Quân đội nhân dân. Xông pha lên biên giới phía Bắc làm phóng sự giữa khét mù khói súng, với những tác phẩm mà giờ đây, mấy mươi năm sau nhắc lại, nhà báo lão luyện Hồ Quang Lợi vẫn không khỏi thổn thức. Nào là “Vệt mờ trên cò súng”, rồi đến “Chuyện ghi ở đại đội phía trước”. Đúng là, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên…

Những bài bình luận quốc tế đầy bản lĩnh, biểu cảm và mở ra những trường so sánh, liên tưởng, trắc ẩn, dự cảm vượt lên trên sự kiện của Hồ Quang Lợi, tôi nghĩ, chúng được “tiết” ra từ sự hiểu biết rộng, sự chín muỗng của tài liệu đa chiều và những xúc cảm dâng trào lên đầu ngọn bút của người viết. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời giới thiệu cuốn sách “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc” của Hồ Quang Lợi, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết: “Anh là một nhà chính trị vững vàng, một nhà văn hóa uyên bác”. Quả thật, trước những vấn đề như sự sụp đổ của các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nếu không uyên bác hay vững vàng như một nhà chính trị, thì từng con chữ của anh, khi đăng trên tờ báo chính trị vào hàng lớn và trọng yếu nhất Việt Nam (Báo Quân đội nhân dân) sẽ có thể gây tác dụng ngược rất tai hại.

Con chữ bầu nên nhà văn; và với nhà báo cũng thế. Vào thời điểm “nhạy cảm” với sự tan vỡ của các nhà nước XHCN đang khiến nhiều người Việt Nam rơi vào các mức độ khác nhau của sang chấn tinh thần đó, đọc những dòng Hồ Quang Lợi viết, giới cầm bút trẻ chúng tôi đã không khỏi nín thở. Táo bạo quá và cũng khúc chiết quá. “Đất nước Liên Xô như con tàu khổng lồ thả neo vào 15 nước Cộng hòa. Giờ đây, nhiều thế lực li khai đang rắp tâm tháo neo, bỏ mặc cho con tàu trôi nổi”. “Liên Xô đang được ví như một “con tàu say” trên đó chở 250 triệu người không cùng suy nghĩ, không cùng chí hướng”.

Tôi thấy, những dòng “táo bạo”ở thời điểm đó, nó sẽ khiến không ít người cầm bút cảm thấy “rợn ngợp”, hoặc ít ra nghĩ là nó quá nhạy cảm để có thể “hạ bút” tức thì. Thế nên, phải chắc tay chèo lắm, Hồ Quang Lợi mới mới dám quả quyết nhận định trong “Thời biến động”: “Đây là một khúc quanh lịch sử đầy kịch tính, một cuộc vận động để thế giới định hình và bước sang thiên niên kỷ thứ ba. Đây là thời điểm nếu mà ngồi yên với tư duy ứ đọng thì các nhà tư tưởng sẽ bị tụt hậu, các nhà chính trị sẽ bị đo ván, các nhà kinh doanh sẽ mất thị trường, và thậm chí các cha cố sẽ mất hết con chiên”.

Cao tay hơn, vào ngày 19-9-1991, hơn 30 năm rồi, nhà báo có mặt ở tâm bão ấy đã đưa ra những nhận định, mà đến nay người ta càng thấy nó rất đúng. Có gì đó ưu thời mẫn thế, anh cho người ta hiểu hơn về nghề viết. Những giông bão khốc liệt của thế sự, dù bỏng lửa chiến sự hay chết chóc tang thương thế nào đi nữa, cái mà người viết quan tâm nhất, vẫn là thân phận, thân phận con người. Con người với tâm trạng sống và thái độ ứng xử như cần phải có, cho hôm nay và cho mai hậu. “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Mong rằng lời cảnh tỉnh này sẽ đánh thức được lương tri và lý trí của nhiều người.

Sau 3 ngày tháng Tám dữ dội (mà lật đổ tượng Lênin chỉ là một chi tiết - chú thích), dòng người vào viếng Lênin vẫn kéo dài, với hoa tươi đầy ắp trước cửa Lăng. Nhiều người trong dòng người này đã công khai nói rõ quan điểm của họ: “Lênin là một phần lịch sử của chúng tôi”. Liên Xô đang trong khúc quanh khắc nghiệt của lịch sử. Những đám bụi biến động rồi sẽ lắng đọng. Lịch sử, văn hóa sẽ tìm lại được những giá trị xứng đáng trong lòng hàng triệu người của đất nước vĩ đại này” (19-9-1990).

Quả là, những hình ảnh so sánh đó là khó có thể ấn tượng và lay động hơn, trong khuôn khổ một bài mà chúng ta hay gọi là bình luận quốc tế. Phải nói, những câu “văn” đầy hình ảnh và mang tính chất hùng biện chính trị đó của Hồ Quang Lợi đã kết tinh thành một phong cách mà thiết nghĩ phải đặt cho nó một cái tên riêng.

Đó cũng là lý do để Hồ Quang Lợi có một sự nghiệp báo chí hiển hách: 9 lần đoạt Giải báo chí Toàn quốc và Quốc gia (trong đó có 4 năm liền nhận Giải A). Anh là người nhận giải Báo chí Toàn quốc đầu tiên năm 1991 (lúc đó chỉ có 1 giải cá nhân duy nhất của báo in được trao cho Hồ Quang Lợi); cũng là một người được nhận giải A Giải báo chí Quốc gia đầu tiên năm 2006; năm 2005, anh nhận giải A, con trai Hồ Quang Phương nhận Giải B.

Những năm sau này, mặc dù bận rộn với trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, nhưng nhà báo Hồ Quang Lợi vẫn miệt mài với cây bút. Anh không chỉ viết bình luận quốc tế mà còn có nhiều tác phẩm về các lĩnh vực chính trị - tư tưởng, văn hóa - xã hội và nhất là các bài viết có sức truyền cảm về Hà Nội. Năm 2010, thời điểm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong “Ánh sáng và niềm tin”, cảm xúc tự hào, thiêng liêng như dâng tràn trên ngọn bút của anh: “Trong không gian Thăng Long thời đại mới, ta thấy hình bóng thiêng liêng của lịch sử, sự cuồn cuộn thôi thúc của hiện tại và bóng dáng đường bệ của tương lai. Chiều cuối năm, lặng nhìn dòng sông Hồng chở nặng phù sa thao thiết chảy ra Biển Đông, giữa mênh mang gió, con tim ta trào dâng cảm xúc trong liên tưởng về sự tiếp nối kỳ diệu giữa các thời đại. Ta cảm nhận được hơi thở của nước, sự chuyển mình của đất, tiếng vọng vang của lịch sử. Biết bao máu, mồ hôi của tiền nhân đã đổ xuống đất này”.

Đúng như Giáo sư Vũ Khiêu đã nhận xét, Hồ Quang Lợi “là một nhà bình luận xuất sắc và nhạy bén trước thời sự cuộc sống. Văn phong của anh vừa sáng sủa, khúc chiết nhờ cấu trúc chuẩn mực của Pháp văn, vừa chuyển động liên tục hình ảnh, thể hiện bản lĩnh và cốt cách của riêng anh bằng lượng từ vựng Việt cuốn hút. Có thể coi anh là một nhà văn có tài, bởi những bài báo của anh không chỉ mang tính tân văn mà còn mang tính thẩm mỹ. Nhiều bài báo của Hồ Quang Lợi không chỉ giàu thông tin, nhận định, ý tưởng, mà còn là những bài văn đầy mỹ cảm”.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.
.