Giữ lại cho Măng Đen

Thứ Hai, 25/11/2024, 09:38

Đang nổi lên là một địa điểm du lịch thu hút du khách, Măng Đen được coi là Đà Lạt thu nhỏ ở Bắc Tây nguyên với những điều kiện về khí hậu, văn hóa bản địa cũng như ẩm thực và nhiều nét độc đáo thiên nhiên. nhưng bài học về đô thị hóa Đà Lạt, biến đổi Đà Lạt đang là bài toán để giữ cho Măng Đen vẹn nguyên vẻ hấp dẫn vốn có.

Nàng công chúa vừa thức giấc

Mênh mang se lạnh, chùng chình sương mù sớm tối, miên man hoa anh đào, róc rách thác và âm ba tiếng trống chiêng... Măng Đen dịu dàng đón khách suốt cả bốn mùa như thế. Mấy năm trở lại đây, Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) nổi lên trên bản đồ du lịch Việt Nam và được nhiều người tìm tới bởi sự vẹn nguyên về khí hậu, văn hóa bản địa cũng như ẩm thực và nhiều nét độc đáo thiên nhiên.

1 (7).jpeg -0
Tốc độ đô thị hóa của Đà Lạt đã khiến nơi này mất dần vẻ đẹp vốn có.

Đêm Măng Đen ngọt dịu ở cái lạnh khoảng 15 - 18 độ khi ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Không mang trong mình sự sầm uất, nhộn nhịp của các khu du lịch lớn, Măng Đen nổi bật với vẻ đẹp nguyên sơ, khí hậu mát lạnh và sự bình yên đến lạ. Ở nơi đây có những bức tranh thiên nhiên thơ mộng với những cánh rừng nguyên sinh, hồ nước trong vắt... rừng phủ tới 83% diện tích. Và loài thông 5 lá đặc trưng của miền cao nguyên vẫn phủ dày trên những cánh rừng nơi này, để mọi người ví Măng Đen là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên.

Nhiều người đã vô cùng bất ngờ bởi vẻ đẹp của Măng Đen như được tái hiện lại Đà Lạt vài chục năm về trước, không quá xô bồ, không quá ồn ào, những cánh rừng thông xanh ngắt tuyệt đẹp, cùng với Thác Pa Sỹ, Khu 36 hộ, hồ Đắk Ke, Khu vườn tượng gỗ, chợ phiên Măng Đen, vườn Nghệ thuật Măng Đen, làng du lịch cộng đồng Kon Pring... tất cả như được dựng lên để mọi người phải ngẩn ngơ.

“Đến Măng Đen để tìm lại Đà Lạt!”, nhiều người đã phải thốt lên như thế. Và tiếc cho Đà Lạt bây giờ khi cơn lốc đô thị hóa đã biến đổi Đà Lạt không còn vẹn nguyên như mấy chục năm về trước nữa. Mỗi năm khi ghé lại Đà Lạt một lần, cũng đủ để nhận rõ sự biến đổi, khiến nhiều người tiếc nuối rằng Đà Lạt bây giờ dường như đã mất đi vẻ đẹp thuở trước. Được mệnh danh là “xứ sở sương mù”, nhưng giờ đây Đà Lạt đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều người đã sống ở Đà Lạt mấy chục năm nay cũng xót xa khi Đà Lạt đã mất đi sự mát mẻ ôn hòa của khí hậu, mất cả thông và sương. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên gia săn ảnh sương mù Đà Lạt cũng rất tiếc nuối khi Đà Lạt bây giờ đi tìm sương mù còn khó hơn cả tìm một cô gái đẹp.

Trước đây, người Đà Lạt chỉ cần nhìn hoa nở là biết mùa gì đang đến. Mai Anh đào nở báo hiệu Tết Tây, hoa Đổng thảo báo mùa mưa đến, hoa dã quỳ nở mang mùa nắng về. Nhưng vài năm trở lại đây hoa muốn nở lúc nào thì nở. Người dân Đà Lạt chẳng còn thói quen giữ chiếc áo lạnh bên mình. Một điểm du lịch từng tự hào là không cần dùng đến điều hòa thì nay cũng trang bị quạt máy, máy lạnh để chống nóng cho khách. Du khách đi bộ một vòng quanh khu chợ Hòa Bình buổi tối cũng đổ mồ hôi. Rừng thông không chỉ đẹp mà còn là “máy điều hòa nhiệt độ” khổng lồ cho Đà Lạt. Tiếc thay, rừng thông nội ô của Đà Lạt đang teo tóp dần vì bị triệt hạ bằng nhiều cách với tốc độ chóng mặt để thay vào đó là những khối bê tông, và phía ngoại ô thì trập trùng những nhà kính trồng nông sản bủa vây.

3 (3).jpeg -0
Những nhà kính trồng nông sản trập trùng vùng ngoại ô Đà Lạt.

Nhiều người đến Đà Lạt đã không khỏi ngỡ ngàng vì nơi đây đang diễn ra tốc độ đô thị hóa quá nhanh, gần tương đồng với các thành phố khác của Việt Nam. Khí hậu nóng lên rõ rệt, cảm giác oi bức vào buổi trưa, nắng rát tay,… Cùng với đó, một số điểm du lịch sử dụng đồ trang trí, tạo cảnh giả đã làm mất đi bản sắc, sự thơ mộng vốn có của Đà Lạt. Nhiều người đã chua chát ví rằng Đà Lạt trước đây như cô gái dậy thì, nay bỗng già nua phong trần như một vũ nữ xế chiều.

Mất rừng thông, Đà Lạt không còn là những gì vốn có. Đà Lạt đã không còn đặc trưng riêng. Mất thông, Đà Lạt không còn là “phố trong rừng - rừng trong phố” nữa. Tiếc cho Đà Lạt, nhiều người khi tìm về với Măng Đen cũng không khỏi băn khoăn về việc giữ cho nơi này được vẹn nguyên.

Giữ lại cho Măng Đen

Được thiên nhiên ban cho cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa cũng như ẩm thực và nhiều nét độc đáo hiếm nơi nào có được, Măng Đen như nàng công chúa vừa thức giấc để trở thành động lực phát triển kinh tế không khói của Kon Tum. Du khách đến Măng Đen không chỉ tìm thấy sự yên bình giữa thiên nhiên mà còn có cơ hội hòa mình vào đời sống của người dân tộc bản địa. Đây là lợi thế mà ít nơi nào tại Việt Nam có thể sánh được, một nơi còn giữ được nét hoang sơ của tự nhiên mà vẫn đủ gần để kết nối với các thành phố lớn.

9.jpg -0
Hoa anh đào nở rộ trong mùa lạnh tháng 11 ở Măng Đen.

Năm 2022, điểm đến này đón được 600.000 lượt khách, thu về gần 250 tỉ đồng từ du lịch. Năm 2023, Khu du lịch Măng Đen đón hơn 1 triệu lượt khách. Trong 9 tháng đầu năm 2024 có khoảng 1.162.450 lượt du khách đến Kon Tum, đạt 89,42% kế hoạch và tăng 20,21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu đạt khoảng 479 tỉ đồng, đạt 149,53% kế hoạch và tăng 86,91% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch Kon Tum sẽ thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch, số ngày lưu trú trung bình đạt từ 2 ngày trở lên. Huyện Kon Plông hiện có 130 cơ sở lưu trú, đáp ứng 5.000-6.000 khách/đêm. Tỷ trọng gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh.

Nhưng làm sao giữ cho Măng Đen tươi trẻ như nàng công chúa đang tuổi dậy thì này đang là bài toán mà các ngành các cấp phải đảm bảo để tránh đi vào vết xe đổ của du lịch Đà Lạt những năm gần đây. Điều này, như chia sẻ của ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông trong buổi khai trương khu kinh tế đêm Măng Đen ngày 11/10/2024 cho biết, UBND tỉnh Kon Tum xác định du lịch là thế mạnh của địa phương, xác định nơi đây phải có bản sắc riêng. Bởi vậy, giữ rừng là vấn đề tiên quyết để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, địa phương cũng bảo tồn văn hóa, đưa người dân đi học tập cách làm du lịch ở các làng bản nổi tiếng trên cả nước.

12.jpg -0
Chính quyền tỉnh Kon Tum ưu tiên phát triển du lịch Măng Đen gắn với giữ rừng, bảo vệ môi trường và văn hóa bản địa.

Để không chỉ là điểm dừng chân cho những ai tìm kiếm sự bình yên, lãnh đạo các cấp ở Kon Tum hiểu rằng, để phát triển bền vững thì việc bảo tồn giá trị thiên nhiên quý báu và bảo tồn văn hóa bản địa đặc trưng của địa phương là điều tiên quyết.

Vì vậy, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2045. Đồng thời Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045. Quan điểm của Chính phủ là phát triển khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế. Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và của tỉnh Kon Tum nói chung.

Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen cho biết: “Để du lịch sinh thái Măng Đen phát triển bền vững, cả chính quyền, doanh nghiệp cùng người dân đều mong muốn bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh nơi đây. Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, bảo tồn hệ sinh thái rừng, hạn chế xây nhà ở, khách sạn cao tầng thì du lịch Măng Đen mới có thể phát triển lâu dài, mang bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng”.

Để phát triển Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông định hướng khai thác tối đa các lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thêm các tour du lịch thể thao tận dụng sự sẵn có của địa hình. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tập trung hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng và có tính hệ thống; định vị rõ nét hình ảnh các dòng sản phẩm du lịch của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa - lịch sử. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch Măng Đen và Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tạo điểm nhấn quan trọng làm nền tảng phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất háo hức cho sự phát triển của Măng Đen, có thể đem đến nguồn lực mới cho Du lịch cộng đồng ở địa phương. Chính quyền đã và đang khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiếp tục trồng hoa Anh đào và thông 5 lá trên các tuyến đường, công viên, đất trống đồi trọc. Huyện Kon Plông phấn đấu trồng được 1 triệu cây hoa anh đào, đưa Măng Đen thành nơi nhiều hoa anh đào nhất cả nước.

Bên cạnh đó phát triển du lịch nhưng vẫn phải bảo vệ rừng, bảo vệ nét đẹp hoang sơ chứ không phải phá hủy rừng để phục vụ lợi ích cá nhân và doanh nghiệp. Giữ được cho Măng Đen những thảm rừng, hoa, sương mù và văn hóa bản địa cùng nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn khác, giữ gìn môi trường trong sạch, khí hậu mát mẻ để Măng Đen phát triển bền vững, lâu dài sẽ là niềm tự hào của người dân Kon Tum và cả khu vực Tây Nguyên.

Tiêu Dao
.
.
.