Cuộc đồng hành mang sắc màu dân tộc

Thứ Hai, 13/03/2023, 19:49

Từ ngày 3 đến 12/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) diễn ra triển lãm “Hào khí Thăng Long” giới thiệu đến công chúng yêu hội họa những tác phẩm đặc sắc của hai họa sĩ lão thành Nguyễn Anh Thường (SN 1930) và Vũ Hồng Ngọc (SN 1945).

Lịch sử qua ngôn ngữ trừu tượng

Họa sĩ Nguyễn Anh Thường (Nguyên Vũ) sinh tại Hà Nội, là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa 1955-1957 Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng tham gia du kích Bắc Sơn, gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào. Năm 1959, họa sĩ tham gia đoàn công tác của các văn nghệ sĩ do Thứ trưởng Bộ Văn hóa khi ấy là Cù Huy Cận dẫn đầu về Quảng Ninh đi tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với đời sống lao động vùng mỏ. Ông được phân công phụ trách chính lớp vẽ đầu tiên của công nhân mỏ tại Cẩm Phả, tạo tiền đề xây dựng sự phát triển rộng khắp của phong trào mỹ thuật vùng mỏ Quảng Ninh sau này.

Cuộc đồng hành mang sắc màu dân tộc -0
Các lão họa sĩ Nguyễn Anh Thường và Vũ Hồng Ngọc (giữa) tại triển lãm.

Giai đoạn 1959-1990, ông công tác tại xưởng phim đèn chiếu, vẽ trên 150 bộ tranh phim về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họa sĩ hai lần được Ủy ban Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc trao giải nhất về tranh phim. Xuyên suốt hoạt động mỹ thuật của họa sĩ là những tác phẩm mang tính biểu tượng, âm hưởng lạc quan, ghi dấu ấn lịch sử và xã hội Việt Nam với những biến động thời cuộc to lớn trong thế kỷ 20. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Tại triển lãm, công chúng yêu hội họa đi từ ngỡ ngàng đến xúc động trước những tác phẩm ấn tượng của ông. “Điện Biên Phủ trên không” mà họa sĩ Nguyễn Anh Thường thể hiện là khoảnh khắc khi máy bay B52 bị vỡ vụn trên bầu trời Hà Nội. Sự tan vỡ của hình trong bố cục trải khắp mặt tranh cho người xem liên tưởng đến phong cách lập thể của hội họa hiện đại phương Tây. Màu vàng của sơn mài mang đến cảm giác hào hùng, oanh liệt về một khoảnh khắc ấn tượng lịch sử. Bức sơn mài khổ lớn “Hào khí Thăng Long” vẽ nhân Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội khiến họa sĩ phải mất tới ba năm để hoàn thành.

Cuộc đồng hành mang sắc màu dân tộc -0
Lão họa sĩ Nguyễn Anh Thường.

Vẫn bằng ngôn ngữ trừu tượng để biểu hiện những ý tứ khó có thể diễn đạt bằng hiện thực, Nguyễn Anh Thường đã cố gắng nắm bắt, thể hiện tinh thần của nội dung qua các nét, mảng màu tạo nên những tổ hợp chuyển động trong tác phẩm – sự chuyển động được giới phê bình mỹ thuật nhận định là “làm nên khí” của bức tranh như tên gọi.

Bức tranh sơn mài khổ lớn “Huyền thoại sức mạnh dân tộc – Tinh thần Thánh Gióng” đã không còn rõ ràng bởi tác phẩm được thể hiện theo phong cách trừu tượng. Tranh gồm những mảng màu đậm, nhạt có hiệu ứng bề mặt; những đường nét từ mảnh đến dày; những chấm tròn và hình sinh học… tạo nên một bố cục tưởng như hỗn độn nhưng lại rất cân bằng, chắc chắn và gợi mở, toát lên được tinh thần như một cơn lốc mạnh mẽ đánh tan kẻ thù, cuốn bay tất cả những điều xấu xa, tội lỗi. Nền sơn mài màu đen khiến khối hình như bay lơ lửng giữa không gian thẳm sâu, bí ẩn.

Cuộc đồng hành mang sắc màu dân tộc -0
“Huyền thoại sức mạnh dân tộc  - Tinh thần Thánh Gióng”,  tranh sơn mài của Nguyễn Anh Thường.

Một bức chân dung đầy lay động của Nguyễn Anh Thường đó là “Thiếu nữ đất thép (Quảng Trị)” vẽ khoảng năm 1970. Tác phẩm mang trong đó tính hiện thực của lịch sử và cả sự lãng mạn. Họa sĩ khi ấy xung phong vào chiến trường để vẽ về bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Tiền cảnh bức tranh là một thiếu nữ dân quân tự vệ 17 tuổi đang bồng súng đứng gác, mặt nhìn nghiêng ra hướng sông Bến Hải – nơi Vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước, phía sau là một nữ dân quân khác ngồi trong lán lau súng và hậu cảnh là ụ đất – tường bao phủ ngụy trang. Để vẽ bức tranh này, ông ký họa nhanh dáng thiếu nữ, sau đó xin cô đứng yên trong giây lát để vẽ chính xác khuôn mặt, thần thái rồi từ đó kết hợp với ký họa dáng người để triển khai thành tranh. Chỉ với gam màu nâu, trắng và chuyển sắc, họa sĩ thể hiện được vẻ tĩnh tại, mộc mạc mà khỏe khoắn kiên trung biểu trưng cho tinh thần quật cường của Tổ quốc.

Nguyễn Anh Thường thuộc thế hệ thứ 3 sau lớp họa sĩ Đông Dương và họa sĩ Kháng chiến, có đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nhiều họa sĩ cùng thời đã nghỉ ngơi, ngừng vẽ từ lâu, riêng ông, ở tuổi 94, vẫn miệt mài cầm cọ. Ông như quên mất thời gian và tuổi tác, cứ đau đáu, tận tụy bằng bút pháp khác lạ. Trong sự phong phú của đề tài, Nguyễn Anh Thường đặc biệt dành tình cảm cho Hà Nội với hàng loạt tác phẩm nổi bật như: “Chùa Thầy”, “Văn Miếu Quốc Tử Giám”, “Hồ Hoàn Kiếm đỏ” hay “Ô Quan Chưởng” (vẽ chung với họa sĩ Vũ Hồng Ngọc). Ông cho thấy những góc nhìn mới và lạ về những gì thân thuộc quanh ta.

Bốn mùa đồng vọng

Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1978. Hội họa của bà hướng tới sự giản dị, chân phương là cảm xúc ấn tượng về những di tích lịch sử đền, chùa cổ kính, những góc phố rợp tán cây vàng, đỏ ở thời khắc giao mùa, những bến sông nơi sơ tán, rặng tre bình yên ở vùng quê… Tất cả toát lên một tâm hồn nghệ thuật hồn hậu, yêu thiên nhiên và đằm thắm tình người. Nhớ nhung, yêu thương từ những lũy tre xanh cho tới từng mảng ký ức còn sót lại, mỗi tác phẩm của bà đều gợi nên một tâm tư, suy tưởng, thậm chí là tiếc nuối.

Cuộc đồng hành mang sắc màu dân tộc -0
Chùa Trấn Quốc - tranh Sơn dầu của Vũ Hồng Ngọc.

Đó có thể là những tà áo dài thấp thoáng bên chùa Quán Sứ trên nền vàng của thời gian, màu nâu của gỗ, của đất, của tường… đầy tha thiết, trữ tình. Đó có thể là nơi sơ tán, là những vẻ đẹp quen thuộc hay chìm khuất Hà Nội xưa cũ… được tái hiện đầy tình cảm, luyến thương với mỹ cảm và trái tim đôn hậu, tinh tế, bao dung.

Nữ họa sĩ nhận mình là “gái làng Yên Phụ” bởi bà sinh ra nơi ấy nhưng ký ức sơ tán là mảng ký ức lưu dấu đậm nét trong sáng tác. Những năm 1948-1949, gia đình bà sơ tán lên Thái Nguyên, bố đi bộ đội, hai mẹ con ở gian nhà nhỏ trên đồi. Hai mẹ con hằng ngày luôn nhìn qua ô cửa sổ nhỏ, ngóng trông về Hà Nội. Họa sĩ khắc họa lại trong tác phẩm một bờ ao trong vắt, những lũy tre rì rào, đầy sắc thái trong sự rung cảm của tâm hồn. Chất thơ của người Tràng An được Vũ Hồng Ngọc chuyển tải tinh tế trong tác phẩm. Bên cạnh những đường nét, chất liệu mềm mại của tranh sơn dầu, bà còn hàng loạt tác phẩm chất liệu sơn mài và sơn khắc. Các bức sơn khắc khổ lớn của bà thể hiện bút pháp dày dặn với thủ pháp ước lệ.

“Bốn mùa đồng vọng” có lẽ là cụm từ thể hiện rõ nhất sáng tác đa dạng của nữ họa sĩ. Ngoài chủ đề sáng tác trọng tâm về thiên nhiên, con người qua bốn mùa, qua năm tháng, bà còn say mê vẽ hoa và tĩnh vật. Ở độ tuổi U80, nét tươi mới, rực rỡ trong hòa sắc luôn cho thấy một tâm hồn phơi phới, lạc quan. Sức sống trong tranh của bà như mùa xuân căng đầy nhựa sống, chan chứa tình người và phía sau chính là tinh thần cống hiến không mệt mỏi.

Cuộc đồng hành mang sắc màu dân tộc -0
Khách tham quan triển lãm.

Chia sẻ về bộ sưu tập được tích lũy từ năm 2007-2023 một cách có hệ thống với những tác phẩm sơn mài, sơn khắc, sơn dầu khổ lớn, nổi bật và tạo nên những dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp cống hiến, sáng tạo của hai họa sĩ, nhà sưu tập Phan Minh Hà cho biết, hành trình sưu tập cũng là một hành trình để học hỏi, thấu hiểu và cảm nhận được nghệ thuật hội họa. Từ đó, chính nhà sưu tập luôn khám phá được những nét mới lạ, đầy đam mê trong tư duy sáng tạo của hai họa sĩ trong gần 20 năm qua với từng sáng tác mới.

Chứng kiến các giai đoạn họa sĩ liên tục cống hiến, biến đổi đa dạng, từ nhiều phương án phác thảo, bố cục tranh lớn và cả những tâm sự về nghề nghiệp, ước vọng về hội họa, niềm tin chân thành về tương lai của dân tộc đã đem đến sự đồng cảm sâu sắc. Đó là những trải nghiệm quý giá, đầy cảm xúc, sự trân trọng của nhà sưu tập về những tấm gương nghệ sĩ đã vượt qua hoàn cảnh, say mê hết lòng cho nền mỹ thuật nước nhà.

Lữ Mai
.
.
.