Có một thời Bạc Liêu như thế…

Thứ Hai, 13/03/2023, 09:44

Tới thăm Nhà trưng bày trong Khu căn cứ lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Cái Chanh, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi đặc biệt chú ý đến Gian trưng bày giới thiệu về Phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Bạc Liêu thời kỳ chưa có sự lãnh đạo của Đảng.

Một gian trưng bày nhỏ, khiêm tốn với những hiện vật cách đây một thế kỷ, đó là những chiếc gậy tầm vông, những lưỡi hái, lưỡi mác cùng một vài bức ảnh bạc phai theo năm tháng. Cô Phạm Thị Ánh Trúc, hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích Cái Chanh, giản dị trong bộ quần áo bà ba màu đen, thuyết phục chúng tôi bằng giọng nói rất “dễ thương” của những người con gái miền Tây. Bằng thái độ chân thành pha chút xúc động, cô Ánh Trúc đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về “Những người nông dân nổi giận” chống lại sự cai trị của người Pháp và bọn cường hào ác bá ở địa phương.

Có một thời Bạc Liêu như thế… -0
Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Cái Chanh

Theo như lời giới thiệu thì: Trong lịch sử đấu tranh của nông dân Việt Nam chống thực dân Pháp và bọn cường hào ác bá vào thời kỳ chưa có Đảng thì lịch sử đấu tranh của Bạc Liêu đã có những tiếng vang gây chấn động! Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, Bạc Liêu đã nổ ra 3 cuộc nổi dậy tiêu biểu của nông dân: Cuộc nổi dậy của nông dân Tân Hưng năm 1924; Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 và Cuộc nổi dậy đồng Nọc Nạn năm 1928.

Những cuộc nổi dậy đó tuy bị đàn áp nhưng đã cho thấy ngay từ khi chưa có sự lãnh đạo của Đảng nhưng người dân Bạc Liêu luôn có tinh thần quật khởi cùng ý chí quật cường, bởi lịch sử khẩn hoang chống chọi với thú dữ, thiên tai, kẻ thù xâm lấn để giành lại từng mảnh đất của mình đã cấu thành trong họ tình yêu đất đai một cách tự nhiên. Và, bên cạnh đó, vì phải chiến đấu với những thế lực mạnh hơn mình nên bao giờ những con người ấy cũng biết hợp sức với nhau để sinh tồn. Tinh thần đoàn kết đã sớm trở thành tính cách, nếp nghĩ, hành xử giữa con người với nhau trên vùng đất mới khai phá.

Cuộc nổi dậy Ninh Thạnh Lợi năm 1927

Bà Nguyễn Thị Bích, phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi, khi nói chuyện với chúng tôi đã kể về cuộc nổi dậy vũ trang của nông dân xã Ninh Thạnh Lợi quê mình năm 1927. Đây là cuộc nổi dậy thứ hai của nông dân Bạc Liêu sau cuộc nổi dậy năm 1924 của nông dân xã Tân Hưng. Bà Bích cho biết: “Nguyên nhân diễn ra cuộc nổi dậy là do tên địa chủ người Pháp, đã cấu kết với bọn cai tổng, xã trưởng ở chính địa phương, nhiều lần đưa người mang hung khí đến dọa nạt rồi tìm cách chiếm đất canh tác của nông dân các thôn ấp trong xã Ninh Thạnh Lợi và nhiều xã thôn khác”. Hành động vô cớ xâm chiếm đất đai của bọn cường quyền năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác đã tích tụ trong lòng những người dân nghèo khó một nỗi uất ức. Nỗi uất ức đó âm ỉ trong lòng và chỉ chờ cơ hội là bùng lên thành ngọn lửa dữ dội.

Có một thời Bạc Liêu như thế… -0
Có một thời Bạc Liêu như thế… -1
Phù điêu miêu tả cuộc nổi dậy của nông dân trong khu di tích Đồng Nọc Nạn

Đúng như người đời đã nói “Tức nước thì vỡ bờ” và khi “người nông dân đã nổi giận” thì họ vô cùng mạnh mẽ và đoàn kết. Lúc bấy giờ ở xã Ninh Thạnh Lợi, thời đó thuộc huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá, có ông Trần Kim Túc là một điền chủ nhỏ hay còn gọi là Hương Chủ Chọt. Ông Trần Kim Túc tuy là điền chủ nhưng bản thân ông là một người thân thiện với nông dân, luôn giúp đỡ những người dân nghèo khó, nên ông là người có uy tín trong thôn ấp và cả trong xã huyện. Đứng trước sự xâm chiếm vô cớ đẩy người nông dân vào thế cùng: Ruộng đất bị chiếm mất. Gia cảnh khó khăn càng thêm khó khăn. Ông Trần Kim Túc cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của người nông dân nên ông đã trực tiếp đi vận động nông dân trong xã đứng lên đấu tranh giành lại quyền sử dụng đất. Cuộc đấu tranh diễn ra trong nhiều ngày, ban đầu có được một số thắng lợi nhỏ, khiến bọn Pháp và lũ cường hào ác bá khiếp sợ. Xong với bản tính xâm chiếm không thay đổi nên chính quyền Pháp và cường hào địa phương đã nhờ đến bọn lính mã tà của quận trưởng Phước Long đến can thiệp. Nhưng chúng vẫn không khuất phục được bà con nên cuối cùng đích thân Tỉnh trưởng Rạch Giá ra tay đàn áp. Điểm đỉnh của cuộc đàn áp là vào sáng ngày 9/5/1927, người Pháp đã đưa 30 tên lính mã tà đem súng đạn đánh thẳng vào “trung tâm” của cuộc nổi dậy ở xã Ninh Thạnh Lợi.

Bà Bích kể đến đây thì nghẹn giọng. Trên khóe mắt của bà chúng tôi thấy những giọt nước mắt chảy ra. Mãi sau bà Bích mới kể tiếp: “Người Pháp đã dùng súng bắn thẳng  vào những người nông dân tay không thước sắt. Ông Trần Kim Túc cùng với những người dũng cảm nhất đã đáp trả bọn lính bằng lửa rơm, gậy, hái mác. Cuộc đàn áp diễn ra ác liệt và vô cùng đẫm máu”.

Sau một ngày diễn ra gay go và quyết liệt, cuối cùng người Pháp cùng lũ cường hào ác bá đã dìm cuộc nổi dậy vào trong bể máu. Ông Trần Kim Túc, tức Hương Chủ Chọt đã hy sinh khi vừa tròn 40 tuổi cùng hơn 20 nông dân đã tử trận và nhiều người bị thương nặng nhưng những người nông dân Ninh Thạnh Lợi bằng sức mạnh nổi dậy của mình cũng đã làm bị thương một viên đội người Pháp và tiêu diệt được 3 tên lính, cướp được 3 khẩu súng.

Bài học đấu tranh từ “Ngọn lửa đồng Nọc Nạn”

Trở lại với gian trưng bày về Phong trào đấu tranh của nông dân Bạc Liêu thời kỳ chưa có sự lãnh đạo của Đảng, cô Phạm Thị Ánh Trúc giới thiệu tiếp: “Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn làm cho thực dân Pháp và bọn cường hào phải chùn bước. Mà đã mở ra một bước tiến mới cho bước chuyển cách thức đấu tranh từ tự phát và đơn độc sang hình thức đấu tranh mới mà Cuộc đấu tranh “đồng Nọc Nạn” (còn gọi là Nọc Nạng) năm 1928 là điển hình”.

Có một thời Bạc Liêu như thế… -0
Có một thời Bạc Liêu như thế… -1
Gian trưng bày Phong trào đấu tranh của nhân dân Bạc Liêu thời kỳ chưa có sự lãnh đạo của Đảng.

Hẳn những ai đã xem bộ phim “Lửa cháy đồng Nọc Nạn”, do Đài PT-TH Bạc Liêu sản xuất và phát sóng tháng 12/2004, và những ai đã từng xem vở cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạn” của soạn giả Phạm Ngọc Truyền, còn nhớ mãi hình ảnh những người nông dân đã nổi dậy và đấu tranh quyết liệt với bọn cường hào ác bá.

Lấy cảm hứng từ cuộc nổi dậy và tranh đấu kéo dài suốt từ năm 1917 đến năm 1928 của nông dân Nọc Nạn, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, nhà văn Chu Lai đã viết kịch bản và đạo diễn Trần Vịnh làm đạo diễn. Nội dung phim như sau: Sự việc bi thảm khởi nguồn vào năm 1917, khi một Hoa kiều giàu có ở Bạc Liêu là Bang Tắc (còn có tên là Mã Ngân) vì lòng tham đã đứng ra mua lại phần đất giáp ranh với đất nhà ông Toại, do bà Nguyễn Thị Dương đứng bán nhưng trong giấy tờ mua bán đã lập lờ ghi trùm luôn đất của ông Toại, khi đất của ông Toại đã được chính quyền đương thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất. Tranh chấp nổ ra. Người dân bị mất đất làm đơn khiếu nại nhiều lần trong nhiều năm và  qua nhiều cấp phân xử, do Bang Tắc đút lót cho nhà chức trách nên phần thua thiệt luôn về gia đình ông Toại. Vô cùng tức giận trước sự cướp bóc trắng trợn thành quả lao động của gia đình mình, anh em nhà ông Toại đã đấu tranh quyết liệt và cuộc đấu tranh đòi lẽ phải đã chuyển thành bạo lực. Và hậu quả là bốn người em ông Toại là ông Mười Chức, Nhẫn, Nhịn, và bà Nghĩa (vợ ông Mười Chức) đang mang thai đã tử thương.

Tòa đại hình Cần Thơ mở ngày thứ sáu 17/8/1928, do ông Dde Rozario ngồi ghế chánh thẩm đã tuyên một bản án mà theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Nghĩa đăng trên báo “Diễn đàn Đông Dương” ngày 20/8/1928 và nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp, bán tại Sài Gòn lúc đó là: “Tòa vào phòng nghị án để thảo luận, cuộc thảo luận bàn cãi rất lâu. Sau đó Tòa đã tuyên một bản án mà “không một bản án nào có thể công bằng và nhân ái hơn”. Theo đó những quy tắc ngặt nghèo về trật tự của tòa được bỏ qua, một đám đông dân chúng tràn vào phòng xử án trước sự ngạc nhiên của những người giữ trật tự. Những nông dân bị giam giữ trong vụ việc được trả tự do, mọi sự khiếu nại của nguyên đơn được đáp ứng”.

Có một thời Bạc Liêu như thế… -0
Poster và cảnh trong phim “Đồng Nọc Nạn”.

Cô Phạm Thị Ánh Trúc trước khi mời chúng tôi qua thăm gian trưng bày khác đã giới thiệu thêm: “Khi người nông dân bị ức hiếp biết tập trung sức mạnh thành khối đoàn kết và biết tranh thủ sự ủng hộ của những người có lương tâm thì cuộc đấu tranh đòi chính nghĩa và đòi công lý thông qua cuộc đấu tranh pháp lý thì dù có trải qua thời gian dài và gay go nhưng sẽ thành công”.

Ngày 30/8/1991, sự kiện lịch sử Nọc Nạng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Ba cuộc nổi dậy ở Tân Hưng, ở Ninh Thạnh Lợi và ở đồng Nọc Nạng qua báo chí đã làm chấn động dư luận cả nước. Mâu thuẫn sâu sắc giữa nông dân và địa chủ phong kiến, giữa nhân dân và bọn đế quốc thống trị đã đến tột độ. Đấy là tình thế mở đường cho những người cộng sản Việt Nam mang ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin đến với vùng đất Bạc Liêu.

Nguyễn Trọng Văn
.
.
.