“Bàn tay vô hình” dẫn dắt các tỷ phú

Thứ Tư, 14/09/2022, 20:12

Các cụ ta vẫn có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng thực tế có như vậy? Ai cũng biết rằng kiếm tiền khó, nhưng việc tiêu tiền như thế nào để đáng đồng tiền mình bỏ ra thật chẳng dễ gì. Vậy các tỷ phú phương Tây làm gì khi đứng trước vấn đề này? Họ sẽ tìm đến các chuyên gia quản lý lối sống.

Những bàn tay vô hình

Bà Alina Reyzelman là người sáng lập và Tổng giám đốc Elite Club, công ty chuyên về quản lý lối sống cho tầng lớp thượng lưu ở Moscow, London và Los Angeles. Bà Alina trả lời tạp chí Bloomberg khi được hỏi về công việc của mình: “Những chuyên gia quản lý lối sống như tôi giúp các khách hàng đưa ra lựa chọn trong cuộc sống riêng của họ, từ nên ăn gì ở đâu đến mua chiếc xe hơi nào. Và sau khi khách hàng đã đưa ra lựa chọn, việc của tôi là giúp họ đạt được nhu cầu của mình mà không cần phải mảy may suy nghĩ”.

“Bàn tay vô hình” dẫn dắt các tỷ phú -0
Các chuyên gia quản lý lối sống là bàn tay vô hình trong cuộc sống của các tỷ phú.

Nhằm mục đích minh họa, bà Alina hé lộ câu chuyện của một khách hàng của bà, một nam tài tử Hollywood nổi tiếng với tên viết tắt “JD”. JD muốn mua một chiếc Mercedes-AMG GT 63S, mẫu xe hơi Mercedes nhanh nhất từ trước đến nay. Trớ trêu là JD muốn sở hữu một chiếc GT 63S tay lái bên phải, trong khi mọi xe hơi ở Mỹ đều đặt vô lăng bên trái. Nam diễn viên vì vậy mới tìm đến bà Alina.

Điều đầu tiên vị chuyên gia làm là liên lạc với các “đầu mối” tại Mercedes. Qua họ mà bà mới biết được rằng Mercedes cần 18 tháng mới chế tạo xong một chiếc GT 63S. Trong khi đó JD lại muốn có xe ngay. Bà Alina bèn hỏi xem Mercedes có đơn hàng GT 63S nào bị trả lại không. Trên thế giới lúc đó có đúng một chiếc GT 63S như vậy đang nằm ở một hải cảng tại Đức. Vậy là bà Alian lo sắp xếp hết mọi thủ tục với Mercedes và hải quan Đức để “rước” chiếc xe về Hollywood. Mọi chuyện diễn ra trong đúng một tuần.

Trong giới thượng lưu phương Tây, chuyên gia quản lý lối sống như Alina Reyzelman còn được gọi với biệt danh “người có bàn tay vàng” vì họ chỉ cần “bắt tay” là lo được ổn thỏa mọi chuyện, kể cả những thứ mà người thường sẽ nghĩ cả đời cũng không làm được. Chuyên gia Michelle St. Clair (Mỹ) điểm lại một số yêu cầu kỳ lạ từ các khách hàng của cô: “Một bồn tắm nóng chở bằng trực thăng lên đỉnh núi Aspen (Mỹ) vào đêm Giáng sinh; bốn con chó đốm và một quả bóng bay hình con hồng hạc chuyển lên du thuyền riêng ngoài khơi Croatia; đặt chỗ tất cả bàn tại Raos (nhà hàng danh tiếng ở New York) vì khách muốn được ăn một mình một nhà hàng… Một khách hàng của tôi là cầu thủ bóng chày nổi tiếng chơi cho đội Yankee. Trong khi đang lái du thuyền ngoài khơi Amalfi (Ý), anh ấy nổi hứng muốn có một cô gái thật “nóng bỏng” chơi kèn saxophone trên thuyền của mình. Cả công ty dành cả đêm lùng xục mạng xã hội để tìm nhạc công theo yêu cầu của cầu thủ. Đến khi chúng tôi gửi ảnh người tìm được cho khách hàng, anh ấy còn đòi “gửi” thêm luôn một cô gái múa cột xuất hiện trong bối cảnh bức ảnh”. Để đổi lại việc mọi nhu cầu của mình được đáp ứng, mỗi khách hàng phải trả cho công ty của Michelle St. Clair 25.000 USD/tháng.

“Bàn tay vô hình” dẫn dắt các tỷ phú -0
Mọi nhu cầu của giới thượng lưu đều được người khác đáp ứng cho họ.

Đa số các chuyên gia quản lý lối sống đến từ các ngành khác như tổ chức sự kiện, thời trang hay dịch vụ lưu trú. Qua những công việc này, họ xây dựng những mối quan hệ nhằm sau này dùng tới. Ví dụ như bà Alina Reyzelman từng nhiều năm liền giữ các chức vụ cấp cao tại chuỗi cửa hàng sang trọng Harrods của Anh, nhờ vậy mà bà quen biết không ít nhân vật nổi tiếng trong thế giới thời trang cao cấp. Bây giờ những người giàu có ở Moscow hay London đều biết rằng chỉ cần nhờ đến Alina là họ sẽ có được những mẫu trang sức, túi xách thời thượng nhất.

Quan hệ tuy thế là chưa đủ. Để trở thành chuyên gia quản lý lối sống, bạn còn cần có những kiến thức mà không trường lớp nào dạy cả. Nữ chuyên gia Donna McGovern (Mỹ) chia sẻ: “Một chuyên gia giỏi phải biết sự khác nhau khi thuê thủy thủ cho du thuyền của cặp vợ chồng tỷ phú 70 tuổi so với du thuyền của tỷ phú 40 tuổi. Với vị tỷ phú 40 tuổi, thủy thủ phải có khả năng uống rượu và tiếp rượu 24/24 giờ và chịu được mất ngủ vì tiếng nhạc mở ầm ầm suốt đêm… Mỗi khi tuyển chọn phi công lái máy bay riêng, hai câu hỏi đầu tiên mà tôi hỏi các ứng cử viên là: Họ có nổi cáu không khi hành khách đến muộn 3 tiếng? Họ có người quen ở sân bay để mở cửa nhà chứa máy bay giữa lúc đêm khuya không?”.

“Bàn tay vô hình” dẫn dắt các tỷ phú -0
Bà Alina Reyzelman, một chuyên gia quản lý lối sống nổi tiếng.

Bản thân các vị chuyên gia cũng phải là người giàu kiên nhẫn mới làm được nghề này. Chuyên gia John Dove (Mỹ) kể lại: “Một khách hàng yêu cầu tôi tìm mua cho họ một chiếc máy bay riêng. Đấy là việc tôi vẫn thường làm. Lần đó tôi còn có phần tự hào vì làm trung gian mua được một chiếc máy bay gần như mới nguyên với giá phải chăng… Việc đầu tiên mà vị khách muốn làm sau khi mua chuyên cơ là bay đến nước Ý… giữa mùa đại dịch. Tôi còn không thể tìm nổi một phi công dám “liều mạng” làm vậy, nên tôi đành phải chịu nghe khách hàng chửi bới liên hồi gần một tiếng. Nhiều khách hàng khác của tôi hoàn toàn có thể làm vậy nếu như không vừa ý họ. Họ đã quen với việc có được mọi thứ mình muốn”.

Các công ty quản lý lối sống mọc lên “nhiều như nấm”, cuộc cạnh tranh giữa họ càng trở nên khắc nghiệt. Mỗi chuyên gia, mỗi công ty phải tìm đủ mọi cách để “vượt mặt” đối thủ. Nếu như trước đây kiếm được tấm vé dự tiệc sau lễ trao giải Oscar đã đủ là minh chứng cho sự thành công, thì nay một chuyên gia xuất sắc phải tìm ra cách cho khách hàng mình cơ hội thưởng thức rượu vang thượng hạng bên xác tàu Titanic. Đấy là điều đã xảy ra gần đây khi một hoàng thân Arập Xêút dùng bữa tối cùng bạn mình dưới đáy biển ngoài khơi Newfoundland (Canada). Công ty tổ chức sự kiện này, Quintessentially, đang chịu sự chỉ trích từ dư luận vì hành động xâm phạm di tích lịch sử. Chủ tịch Quintessentially là chuyên gia quản lý lối sống Ben Elliot, cháu trai hoàng hậu Anh Camilla, vợ của nhà vua Charles III vừa mới đăng quang.

Người giàu đang nghĩ gì?

Các chuyên gia quản lý lối sống nằm trong số ít người có cơ hội được gần gũi với tầng lớp siêu giàu nên chắc hẳn hiểu được giới tỷ phú và người thân của họ đang nghĩ gì. Tờ tạp chí Forbes mới đây đã có một series bài phỏng vấn các chuyên gia quản lý lối sống nhằm tìm ra những xu thế mới trong tầng lớp thượng lưu. Một vị chuyên gia người Pháp giấu tên nhận xét: “Đại dịch và biến động kinh tế thế giới theo chiều hướng xấu đang gây ảnh hưởng mạnh lên các tỷ phú. Họ không lo sợ việc ngày mai không có cái ăn  như người thường. Họ lo rằng khi người thường hết cái ăn thì sẽ tìm đến gõ cửa nhà họ”.

“Bàn tay vô hình” dẫn dắt các tỷ phú -0
Hai ngành bất động sản hạng sang và quản lý lối sống có mối quan hệ gần gũi với nhau.

Luật sư, chuyên gia David Lesperance có quan sát tương tự. Các khách hàng của David tìm đến ông để nhờ luật sư lo thủ tục xin nhập tịch quốc gia thứ hai ngoài Mỹ. David nhận xét: “Trước đây động lực chính thúc đẩy các tỷ phú Mỹ trở thành công dân nước khác là mong tìm được “thiên đường thuế” nhằm giảm các khoản thuế họ phải đóng. Nhưng trong ba năm trở lại đây, nhiều khách hàng tỏ ý chỉ muốn rời đi trước khi nước Mỹ sụp đổ. Mỗi khi xảy ra một vụ xả súng hàng loạt mới là tôi lại có thêm những khách hàng như vậy”.

Triển vọng kinh tế - xã hội tại nhiều nước phương Tây đang ở mức thấp nhấp kể từ Thế chiến thứ II. Trước thực tế này, các tỷ phú Mỹ và châu Âu đang tìm mọi cách để bảo vệ giá trị khối tài sản của họ. Có những người chuyển đến sống tại New Zealand, Moroco hay các quốc gia khác nổi tiếng là yên bình. Nhưng cũng có những người đi “dựng thành” ngay ở nơi mình sống.

Tờ The Guardians (Anh) mới đây đã đăng tải một bài viết của nhà nghiên cứu Douglas Ruskoff. Tuy không phải là chuyên gia quản lý lối sống nhưng giáo sư Ruskoff hiểu rõ về sự giao thoa giữa công nghệ, kinh tế và xã hội, vậy nên ông thường xuyên được các tỷ phú hỏi ý kiến. Ruskoff viết: “Tôi từng được không ít tỷ phú đi thăm nhà của họ. Một điều mà tôi nhận thấy gần đây là càng ngày có nhiều tỷ phú xây căn hầm bí mật trong nhà họ. Một căn hầm như thế có đủ các tiện nghi không thua kém gì căn hộ cao cấp, hay thậm chí còn hơn thế nữa với những thứ như bể bơi và trường bắn… Hai câu hỏi lớn nhất của các tỷ phú sau khi xây xong hầm là: “Khi có chuyện xảy ra thì sẽ cho ai xuống hầm?” và “Làm cách nào để kiểm soát được đội ngũ vệ sỹ có vũ trang khi tiền bạc trở nên vô nghĩa?”.

Trái lại, xu hướng “quay mặt” về phương Tây của lớp nhà giàu ở châu Phi và châu Á vẫn không có phần suy giảm. Những quốc gia như Áo và Malta tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu của các tỷ phú Arập Xêút, Ấn Độ, v.v… muốn có quốc tịch thứ hai. Một phần lý do nằm ở sự bất ổn của các khu vực này, nhất là mảnh đất Trung Đông hậu Mùa xuân Arập. Nhưng theo lời của một chuyên gia từ công ty hỗ trợ di cư Henley & Partners, bất ổn không phải toàn bộ câu trả lời: “Riyadh, Bắc Kinh và New Dehli đang trở thành những trung tâm mới của nền kinh tế thế giới, nhưng giới nhà giàu của họ vẫn thèm muốn có được uy tín của tầng lớp thượng lưu New York và London. Họ sẵn sàng trả những khoản tiền rất hậu để được gia nhập vào thế giới tinh hoa ở Mỹ và Châu Âu”.

Lê Công Vũ
.
.
.