Vết sẹo chưa lành của Guinea

Thứ Năm, 15/08/2024, 14:21

Ngày 31/7/2024, một trang lịch sử mới được viết lên tại Guinea khi cựu Tổng thống Moussa Dadis Camara bị kết án 20 năm tù giam vì tội ác chống lại loài người. Bản án là kết quả của một phiên tòa kéo dài gần 2 năm, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho hàng trăm nạn nhân của vụ thảm sát đẫm máu xảy ra vào ngày 28/9/2009, khép lại một chương đen tối trong lịch sử của đất nước Tây Phi.

Án phạt cho kẻ chống lại loài người

Trong phiên tòa lịch sử diễn ra gần hai năm, Moussa Camara cùng 10 đồng phạm đã bị truy tố với 4 tội danh: giết người, hiếp dâm, tra tấn và bắt cóc. Tòa án quyết định phân loại tất cả các tội danh từ tội phạm thông thường sang tội ác chống lại loài người, theo yêu cầu của bên công tố. Đây là lần đầu tiên các tội ác chống lại loài người được xét xử tại Guinea.

Vết sẹo chưa lành của Guinea -0
Moussa Dadis Camara, cựu Tổng thống của Guinea.

Chánh án Ibrahima Sory II Tounkara tuyên bố: "Moussa Dadis Camara phạm tội chống lại loài người trên cơ sở trách nhiệm của một người lãnh đạo. Ông bị kết tội vì không thực hiện nghĩa vụ xử phạt thủ phạm của vụ thảm sát".

Các bị cáo còn lại, bao gồm Aboubacar Diakité (Toumba) và Moussa Tiégboro Camara (Tiégboro), cũng bị kết án với các tội danh giết người, bắt cóc, bạo lực tình dục và tra tấn. Moussa Dadis Camara và Tiégboro đều bị kết án 20 năm tù, còn Toumba bị kết án 10 năm tù.

Năm 2009, lực lượng an ninh đã nổ súng vào một cuộc biểu tình hòa bình, khiến hơn 150 người thiệt mạng và nhiều phụ nữ bị hiếp dâm. Lực lượng an ninh sau đó đã che giấu sự việc bằng cách chôn các thi thể trong các ngôi mộ tập thể. Phiên tòa bắt đầu vào ngày 28/9/2022 và kéo dài gần hai năm, trong đó các thẩm phán đã nghe lời khai của hơn 100 nạn nhân, 11 bị cáo và nhiều nhân chứng, bao gồm các quan chức chính phủ cấp cao.

Tòa án cũng ra lệnh yêu cầu các bị cáo bồi thường cho các nạn nhân. Mức bồi thường dao động từ 200 triệu franc Guinea (khoảng 20.000 USD) đến 1,5 tỷ franc Guinea (khoảng 180.000 USD), tùy theo từng trường hợp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Guinea, một cựu lãnh đạo nhà nước bị xét xử và kết án vì tội ác chống lại nhân loại.

Vết sẹo chưa lành của Guinea -0
11 bị cáo trong vụ thảm sát Guinea tại phiên tòa ở Conakry, Guinea, ngày 28/9/2022.

Bóng ma của một chế độ độc tài

Moussa Dadis Camara xuất thân là một sĩ quan quân đội Guinean, giữ chức Tổng thống từ ngày 23/12/2008 đến ngày 15/1/2010. Ông trở thành lãnh đạo của Hội đồng Quốc gia vì Dân chủ và Phát triển sau khi tổ chức cuộc đảo chính quân sự ngày 23/12/2008, ngay sau cái chết của Tổng thống lâu năm Lansana Conté. Moussa Camara đã từng sống lưu vong nhiều năm trước khi trở về Guinea khi chính quyền quân sự lên nắm quyền vào cuối năm 2021. Trong suốt thời gian cầm quyền ngắn ngủi từ năm 2008 đến năm 2010, ông đã tự xưng là "cha đẻ của dân tộc", khẳng định rằng mình được "Chúa chọn, người ban quyền lực cho bất cứ ai Ngài muốn".

Nhưng đằng sau lớp vỏ hào nhoáng ấy là một người đàn ông mang trong mình tư tưởng độc tài và tàn bạo. Sự kiện đẫm máu vào ngày 28/9/2009 tại sân vận động ở Conakry đã phơi bày bản chất thật của chế độ này. Theo báo cáo của ủy ban điều tra quốc tế do Liên hợp quốc ủy quyền, ít nhất 156 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong cuộc đụng độ sau biểu tình. Không chỉ dừng lại ở đó, ít nhất 109 phụ nữ bị cưỡng hiếp, và các vụ lạm dụng tiếp tục diễn ra trong vài ngày sau đó.

Cuộc biểu tình ngày 28/9/2009 diễn ra khi người dân Guinea phản đối kế hoạch ra tranh cử tổng thống của Moussa Camara. Những người biểu tình đã gặp phải sự đàn áp tàn bạo từ lực lượng quân đội, với hàng loạt hành vi cưỡng hiếp và giết hại. Đối với nhiều người, đây là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử đương đại của Guinea.

Những tội ác mà Moussa Dadis Camara và đồng bọn đã gây ra không chỉ dừng lại ở việc giết hại và cưỡng hiếp, mà còn hàng loạt hành vi khác như cướp bóc, phóng hỏa, tấn công và hành hung, tra tấn, bắt cóc, và vi phạm nhân quyền trầm trọng. Các nạn nhân của những vụ bạo lực này đã phải chịu đựng những vết thương không thể xóa nhòa, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Theo lời kể của những nạn nhân sống sót, nhiều người trong số họ không thể thoát khỏi đợt xả súng bởi lực lượng bảo vệ tổng thống đã bao vây sân vận động và chặn mọi lối ra. Nhiều ngày sau đó, các gia đình mới được phép đến và nhận diện thi thể của người thân. Tuy nhiên, nhiều thi thể vẫn không bao giờ được tìm thấy, bị giấu diếm và tiêu hủy để che đậy tội ác.

Một trong những câu chuyện đau lòng nhất là của Djenabou Bah, khi ấy mới 9 tuổi. Cô bé đã chứng kiến và chịu đựng sự tàn bạo của lực lượng an ninh. Những người sống sót như Bah vẫn mang trong mình những vết thương cả về thể chất và tinh thần.

Safiatou Baldé, một người thân của nạn nhân, đã đau đớn nói: "Những bản án không thể so sánh được với tội ác. Chị em chúng tôi đã bị cưỡng hiếp, anh em chúng tôi bị thảm sát, và thi thể của họ vẫn chưa được tìm thấy".

Maimounatou Tounkara, một nạn nhân khác, chia sẻ rằng một phần của anh đã chết cùng với người anh trai bị giết trong cuộc thảm sát: "Bản án này sẽ không thể chữa lành những vết thương".

Những người phụ nữ bị bắt và cưỡng hiếp đã phải chịu đựng những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Một phụ nữ 35 tuổi kể lại rằng cô đã bị ba binh lính đánh đập và cưỡng hiếp ngay tại sân vận động. Cô còn chứng kiến một phụ nữ khác bị đâm bằng lưỡi lê sau khi bị cưỡng hiếp.

Một phụ nữ 42 tuổi kể rằng cô đã bị giam giữ trong một ngôi nhà và bị cưỡng hiếp suốt ba ngày bởi các binh lính mặc quân phục. Cô kể lại sự kinh hoàng khi nghe thấy tiếng kêu cứu của một phụ nữ khác trong phòng gần đó, nhưng không ai có thể giúp đỡ.

Phiên tòa này không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà còn là một thông điệp mạnh mẽ cảnh báo những kẻ chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng ở Guinea và trên toàn thế giới rằng công lý là có thể. Theo bà Tamara Aburamadan, cố vấn công lý quốc tế tại Tổ chức Theo dõi nhân quyền, phán quyết này cho thấy rằng những người chịu trách nhiệm cho các tội ác nghiêm trọng có thể bị trừng phạt.

Vết sẹo chưa lành của Guinea -0
Hơn 150 người thiệt mạng trong biểu tình Guinea.

Tiếng nói của công lý

Bản án 20 năm tù dành cho Moussa Dadis Camara đã khép lại một chương đen tối trong lịch sử đất nước này. Đây là một chiến thắng quan trọng cho công lý và sự thật, mang đến một tia hy vọng le lói cho hàng ngàn nạn nhân của vụ thảm sát đẫm máu năm 2009.

Tuy nhiên, sau những phán quyết nghiêm minh, vẫn còn những dư âm ám ảnh và những câu hỏi chưa có lời đáp. Moussa Camara, dù đã bị kết tội, vẫn là biểu tượng của một chế độ tàn bạo, một vết sẹo khó lành trong tâm khảm người dân Guinea. Liệu 20 năm tù có đủ để xoa dịu nỗi đau mất mát, để hàn gắn những vết thương lòng sâu sắc?

Các chuyên gia nhân quyền đã lên tiếng cảnh báo về tình hình chính trị phức tạp tại Guinea. Dù bản án đã được tuyên, nhưng bóng ma của sự đàn áp và bất ổn vẫn chưa hoàn toàn tan biến. Việc một chính quyền quân sự tiếp tục nắm quyền càng khiến tương lai của đất nước trở nên mờ mịt.

Trong khi đó, người dân Guinea vẫn đang chật vật tìm kiếm sự ổn định và hòa bình. Họ khao khát một cuộc sống bình yên, nơi công lý được đảm bảo và nhân quyền được tôn trọng. Bản án đối với Camara là một bước tiến quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài và đầy chông gai.

Dù đã có bản án, các nạn nhân vẫn lo ngại về an toàn của họ và gia đình. Saran Cissé chia sẻ rằng, nhiều kẻ thực hiện tội ác năm 2009 vẫn đang tự do. "Mọi người đều biết tôi sống ở đâu, tôi ra ngoài như thế nào, tôi ăn mặc ra sao, mọi người đều biết", Cissé chia sẻ, kêu gọi giúp đỡ để rời khỏi Conakry, dù chỉ trong vài tháng. Aminata Soura Diallo, người bị lính đâm vào ngực trong cuộc biểu tình, cho biết cô không có đủ tiền để điều trị vết thương và đã phải chịu đựng nhiều năm sau đó.

Việc đưa Camara ra trước vành móng ngựa là một bài học đắt giá về sự trừng phạt đối với những kẻ phạm tội ác chống lại nhân loại. Tuy nhiên, công lý sẽ chỉ thực sự được thực thi khi tất cả những kẻ liên quan đến vụ thảm sát đều bị đưa ra ánh sáng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phạm Trâm
.
.
.