Thực hư quanh chuyện phỏng dựng chùa Một Cột - Diên Hựu?

Thứ Hai, 20/12/2021, 11:24

Tháng 10 năm 2020, nhóm Sen Heritage đã công bố bản VR3D phỏng dựng lại chùa Một Cột - Diên Hựu theo phong cách kiến trúc và nghệ thuật thời Lý. Sau các lần triển lãm và tọa đàm, công trình này đã gây nên một cuộc thảo luận và phản biện, thậm chí cả phê phán từ giới nghiên cứu cho đến mạng xã hội.

Có người cho rằng việc công bố một bản phỏng dựng phi khoa học có thể gây “biến dạng” về nhận thức của xã hội đối với chùa Một Cột. TS. Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ) khẳng định rằng: “Việc phỏng dựng này  là sai từ ý tưởng, vì phỏng dựng thì “tha hồ bay bổng ý tưởng, đâu cần chính xác khoa học”.

Những thảo luận này hiện còn tiếp diễn ở trong một vài hội thảo khoa học gần đây, khiến cho nhiều người hoang mang, không rõ câu chuyện thực- hư, đúng- sai của bản phỏng dựng này, và nguy hại của nó đối với xã hội ra sao. Với tư cách là người chủ trì dự án, và chịu trách nhiệm về mặt khoa học, tôi sẽ trình bày các quan điểm của mình về vấn đề này.

Phỏng dựng chùa Một Cột liệu có sai từ ý tưởng?

TS. Nguyễn Hồng Kiên cho rằng: “Về lý thuyết, không nên đặt vấn đề LÀM LẠI HÌNH ẢNH cho một di tích HIỆN CÒN. Về thực tế, không được phép dùng hình ảnh di tích cột đá chùa Dạm để phỏng dựng cột chùa Một Cột, chỉ vì cùng của thời Lý. Như vậy là đem râu nọ cắm cằm kia. Điều tối kỵ trong Restoration Architecture!”

Tuy nhiên, trong nhiều chục năm qua, giới học giả đã không ngừng có những nghiên cứu “xuyên thời gian” để đi tìm “diện mạo chùa Một Cột thời Lý”, “chùa Một Cột thuở ban đầu”. Bởi vì, ta biết rằng, kiến trúc Một Cột hiện còn chỉ mới phục dựng từ năm 1955 bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng sau khi chùa bị đặt bom đánh sập vào cuối năm 1954. Phong cách của kiến trúc này là vào cuối triều Nguyễn, dựa trên bản vẽ kĩ thuật của EFEO năm 1923. Và như giải thích của Nguyễn Bá Lăng: “Chi tiết trang trí trên nóc mái là đôi rồng ngoảnh cổ lại chầu mặt nguyệt, là đặc điểm trang trí từ thời cuối Lê sang Nguyễn được đắp lại như cũ...

Những hình đắp trang trí trên bốn góc đao trong hình chụp không rõ vì đã hư mòn thì được đắp lại theo hình đầu rồng lá lật như kiểu cuối thời Lê, còn thấy khá phổ thông ở các kiểu kiến trúc cổ tại miền Bắc. Vách gỗ bao quanh cung thờ được làm theo kỹ thuật cổ truyền là vách nong đố gỗ. Lan can được làm con tiện và cái "vỉ ruồi" trang trí ở hai đầu hồi thì được chạm theo kiểu chép ở nhà thủy tạ chùa Tam Sơn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.” Như vậy, rõ ràng là kiến trúc Một Cột hiện còn chỉ là một bản phục dựng trên cơ sở phong cách và kĩ thuật triều Lê-Nguyễn. Đó chỉ là một sự bảo lưu về hình dáng kiến trúc, chứ không thể giữ nguyên được hình thái kiến trúc, kĩ thuật xây dựng, và phong cách kiến trúc, phong cách trang trí mĩ thuật của thời Lý.

Cho nên, sao có thể nghiên cứu để tái lập lại được “chùa Một Cột thời Lý” là vấn đề khoa học rất quan trọng. Năm 1978, Ngô Văn Doanh và Nguyễn Duy Hinh là hai học giả đầu tiên đã đề cập đến vấn đề này qua bài viết “Chùa Một Cột ban đầu” Ngô Văn Doanh – Nguyễn Duy Hinh, “Chùa Một Cột ban đầu”, Tạp chí Khảo cổ học, 3-1978. Ngay ở phần đầu bài viết, ông đã viết rằng: “Thật đáng tiếc, ngôi chùa Một Cột nhỏ nhắn ở Hà Nội hiện nay đâu phải là kiến trúc của 930 năm về trước, mà chỉ là một lưu ảnh không đầy đủ và thu nhỏ lại của một công trình cổ. Do đó, nếu chỉ qua cái kiến trúc hiện còn mà nghiên cứu nghệ thuật thời Lý thì thật là thiếu sót”.

Thực hư quanh chuyện phỏng dựng chùa Một Cột - Diên Hựu? -0
Bản phỏng dựng kết cấu một cột từ các tư liệu khảo cổ. Nguồn: Sen Heritage.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia?

Quan điểm của TS. Nguyễn Hồng Kiên cho rằng: không được dùng cột đá chùa Dạm để phỏng dựng lại chùa Một Cột thời Lý. Vì cột Dạm là một “hiện vật độc lập tự thân”, “đó là một tác phẩm điêu khắc”. Tôi đồng ý với ông rằng: trụ đá chùa Dạm (nặng gần 50 tấn) là một tác phẩm điêu khắc, nhưng nó không  phải là một hiện vật tự thân có tính độc lập. Nhiều người trước nay vì cho đó là hiện vật tự thân, nên gọi đó là “linga-yoni” (dương vật và âm vật, biểu tượng của văn hóa phồn thực Nam Á), đây là một trong những giải mã sai lầm đáng tiếc nhất, nhưng nhiều năm qua đã được phổ biến quá rộng rãi trong giáo trình và nhiều ấn phẩm khoa học.

Trước tiên cần phải khẳng định rằng, đây là một dạng cột phế tích kiến trúc trên đó có điêu khắc, chứ không phải là một tác phẩm nghệ thuật. Người xưa không có quan niệm làm nghệ thuật thuần túy mà các loại hình kinh biến đều phục vụ chức năng tín ngưỡng tôn giáo, ở đây cần nhận định rằng: cột đá chùa Dạm là một phế tích của kiến trúc Phật giáo, mà kiến trúc này thuộc loại hình kiến trúc một cột đặc trưng vào thời Lý.

Thời Lý có đến 4-5 kiến trúc một cột. Qua sử liệu của Toàn thư, và qua di tích hiện tồn, ta đã biết đến thức một cột tại chùa Diên Hựu. Qua sử liệu trong Việt sử lược, ta biết đến việc Kinh thành Thăng Long xưa có dựng hai tòa độc trụ lục giác liên hoa chung lâu (xem Phạm Lê Huy). Qua tư liệu văn bia Sùng Thiện Diên Linh, ta còn biết đến hai lầu chuông hoa sen (có khắc hình tăng nhân, với máy móc chuyển động) ở hai bên đài đèn Quảng Chiếu. Đó là một phong cách thời đại chứ không phải là một hiện tượng đơn lẻ, ngẫu hứng. Kiến trúc một cột là một thức đặc trưng của Lý trong bối cảnh văn hóa Đông Á.

Dựa trên khảo sát hệ thống lỗ ngàm, rãnh dầm chịu lực,… của cột đá chùa Dạm (nặng khoảng 50 tấn), cùng TS. Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ), NNC. Nguyễn Hùng Vĩ (VNU), KTS. Nguyễn Vĩnh Tiến,... và tôi cho rằng cột đá chùa Dạm là hiện vật duy nhất còn sót lại của phế tích kiến trúc một cột thời Lý- đồng dạng về loại hình kiến trúc với tháp một cột ở chùa Diên Hựu. Nếu ở Dạm, một cột chỉ là một công trình phụ nằm ở rìa tầng thứ hai (có thể là một lầu chuông, đối sang bên kia là nhà bia), thì ở Diên Hựu tháp Một Cột là trung tâm của bình đồ Mạn Đồ La – nơi đặt tượng Phật Tích Ca.

Sẽ có người nghĩ rằng, kiến trúc một cột ở Dạm sẽ nhỏ hơn, vì là đơn nguyên phụ, nên suy ra, kiến trúc một cột ở Diên Hựu sẽ to lớn hơn. Nhưng có một sự tương đồng ngẫu nhiên, cây cột đá chùa Dạm có kích cỡ gần như tháp Một Cột hiện còn. Nếu không sử dụng cột đá chùa Dạm làm nền tảng cho phỏng dựng thì chúng ta đã đóng sập cánh cửa để bước về quá khứ. Như GS.TS. Lâm Mĩ Dung, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nhân học (VNU) cho rằng: “đây là một cách để sinh động hóa, và làm giàu thêm cái vốn cổ truyền, vì giá trị của di tích không chỉ kế thừa từ lịch sử mà còn cần thêm những đóng góp mới của ngày nay”.

Sáng tác ngẫu hứng hay khoa học liên ngành?

Một số người khi góp ý rằng: nhóm Sen Heritgae không có chuyên gia khảo cổ hay kiến trúc, mắc những sai lầm cơ bản về kiến trúc cổ truyền, đó là một bản phỏng dựng không có nền tảng khoa học. Lý do họ phủ định là: bản phỏng dựng của Sen Heritage đã sử dụng đấu củng. TS. Nguyễn Hồng Kiên viết: việc sử dụng định đề "Kiến trúc thời Lý là kiến trúc Đấu Củng" chưa được BẤT KỲ AI trong giới nghiên cứu khảo cổ đồng thuận, khiến ý tưởng phỏng dựng không có NỀN TẢNG KHOA HỌC”. Thực sự thì không hẳn như vậy.

Các tư liệu tháp đất nung tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các cấu kiện đấu củng của tháp Phật Tích,... và nhiều tư liệu khảo cổ khác cho thấy kiến trúc thời Lý có sử dụng đấu củng. Các tư liệu văn bia thời Lý có ghi nhận việc sử dụng đấu củng cho việc xây dựng chùa tháp. Một số hiện vật đấu củng bằng gỗ cũng đã tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long. Các học giả trong nhiều chục năm qua cũng đã có nghiên cứu về vấn đề này như Nguyễn Đỗ Cung, Tomoda Masahiko, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Minh Trí,... TS. Phạm Lê Huy khẳng định rằng: “Với tất cả sự tôn trọng, kiến trúc thời Lý có đấu củng là một sự thật hiển nhiên”. Ở đây cần thảo luận thêm rằng, sử dụng đấu củng là một hiện tượng của kiến trúc cung đình, nó không loại trừ các khả năng dùng kẻ bảy hay các kĩ thuật khác trong các công trình kiến trúc dân gian.

Để dựng lên một kiến trúc lầu một cột theo phong cách thời Lý, nhóm Sen Heritage đã kế thừa và tổng hợp tất cả các nguồn tư liệu đồng đại (thời Lý) từ hiện vật khảo cổ, tư liệu bi ký,... để đưa ra các phương án về kỹ thuật và mỹ thuật. Việc nghiên cứu còn mở rộng đến cả các tư liệu của vũ trụ luận Phật giáo. Từ các ghi chép trong kinh Hoa nghiêm, Pháp hoa, Hoa tạng truyện, Pháp giới an lập đồ... đều cho thấy mô hình Mạn Đồ La (mandala, tiểu vũ trụ, cửu sơn bát hải, hoa tàng thế giới...) đã trở thành mô hình lý tưởng để người xưa dựng lại Phật giới bằng nghệ thuật kiến trúc.

Việc nghiên cứu so sánh các di tích thời Lý thời Trần, so sánh về loại hình và kỹ thuật với các kiến trúc ở Đông Á và Đông Nam Á cho thấy, kiến trúc Một cột thời Lý là một công trình vừa có tính độc đáo- sáng tạo lại vừa mang ý niệm chung của triết học Phật giáo. Việc nghiên cứu và phỏng dựng của Sen Heritage vì vậy không phải là một sáng tác nghệ thuật, không phải là một lối làm việc ngẫu hứng, mà đó là một quá trình nghiên cứu khoa học liên ngành, kế thừa và kết hợp các tư liệu và phương pháp của các ngành: Phật học, sử liệu học, văn bản học, bi ký học, khảo cổ học, mĩ thuật học, kiến trúc học,...

Dĩ nhiên, bản phỏng dựng đó còn có một số khuyết điểm cho thiếu thốn tư liệu khảo cổ trực tiếp tại chùa Diên Hựu. “Nhưng bảo việc phỏng dựng là vô giá trị thì sai, việc phỏng dựng là vô cùng cần thiết vì nó giúp phổ biến những kết quả nghiên cứu mới nhất về kiến trúc (bao gồm của cả nhóm phỏng dựng) đến cả người nghiên cứu và người dân, nó chuẩn mực về mặt kiến trúc hơn bất cứ các công trình tu bổ hay “phục dựng” nào mà các cơ quan đã và đang làm, nó gần gũi với người dân, có tính thẩm mỹ và góp phần nâng cao nhận thức về văn hoá Lý - Trần”. (lời của TS. Phạm Lê Huy).

Trần Trọng Dương
.
.
.