Tại sao phải có “đản thức” khi đọc sách?

Chủ Nhật, 10/10/2021, 19:19

“Êm ái thay thú đọc sách! Vui vẻ thay thú đọc sách! Người xưa có câu rằng: đọc hết sách thiên hạ, thì biết hết việc thiên hạ. Coi câu đó, thì cái thú đọc sách cao thượng biết ngần nào!”. Một bậc ký giả đầu thế kỷ XX đã phải thốt lên như thế khi bàn về chuyện đọc sách.

Phòng đọc riêng cho phụ nữ, nhi đồng

Những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho triển khai kế hoạch xây dựng ở nước ta những cơ quan văn hóa, trong đó có thư viện, nhằm phục vụ tầng lớp trí thức - đội ngũ có vai trò quan trọng trong công cuộc khai thác thuộc địa. Thời kỳ này, bên cạnh hai thư viện công cộng tiêu biểu là Thư viện Trung ương Đông Dương Hà Nội và Thư viện Sài Gòn, còn có các thư viện thành lập ở một số tỉnh như Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh,...

sách1.jpg -0
Ảnh cụ già đang đọc sách, chụp đầu thế kỷ XX - Ảnh Tư liệu.

Theo thông tin mà ký giả của Hà Thành ngọ báo thu thập được thì vào năm 1925, thư viện Hà Nội có chừng 30.000 quyển sách, “đến năm 1928 đã có đến 40.000, vì cứ hằng năm thư viện ấy thêm lên đến 5.000 quyển. Còn phần cho mượn thì có sẵn đến 10.000 quyển sách; số độc giả có tên trong tổ mượn sách độ chừng 5.000 người và mỗi năm mượn đến 60.000 quyển, vậy đổ đồng mỗi người mượn trong một năm là 12 quyển.

Hồi năm 1925 số người đọc sách ở thư viện Sài Gòn mỗi năm là 14.000, nghĩa là 45 người mỗi ngày; từ đó đến giờ (năm 1928), cái số ấy chắc có thêm lên. Song đến khi nào nhà nước có đủ tiền mua thêm nhiều sách nữa thì số người đọc mới tăng lên nhiều hơn nữa. Thư viện Sài Gòn chỉ có 12.000 quyển sách và mỗi năm chỉ có thêm 1.000 quyển, cái số sách ấy làm sao đủ dùng cho một chốn đại đô hội như Sài Gòn. Còn phần cho mượn thì chỉ sẵn được có 6.000 quyển mà số người mượn thì đã gần lên đến 2.000. Bởi sách ít quá mà người đọc thì nhiều, thành ra sách mau cũ, mau hư lắm. Thư viện Huế chỉ có 1.500 quyển vì ít tiền quá không mua nhiều nổi”(Thư viện ở Đông Pháp, Hà Thành ngọ báo, Số 201, 5-1-1928).

Ngoài các thư viện ấy, Hà Nội còn có các thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ và thư viện của Institute seientifique de lIn-dochine. Thư viện trường Bác Cổ có đến 5.000 cuốn sách tây và nhiều sách chữ Tàu, chữ Nhật, chữ Khmer, chữ Quốc ngữ, chữ Lào, chữ Thái… Ký giả của Hà Thành ngọ báo ghi nhận tại phòng đọc sách của thư viện Hà Nội lúc bấy giờ: “càng ngày càng đông người thêm mãi; lắm lúc bàn nào cũng đầy người, không dư một chỗ ngồi, nên ít lâu đây chắc phải mở rộng thêm nữa mới được. Theo những số liệu thống kê mà chúng tôi đã trông thấy thì mỗi tháng số người đọc sách là 2.300, trong đó có 800 người Pháp và 1.500 người An Nam” (Thư viện ở Đông Pháp, Hà Thành ngọ báo, Số 201, 5-1-1928).

Bên cạnh những thư viện dành cho tất cả mọi người, cách đây gần trăm năm, còn xuất hiện những phòng đọc sách tư nhân độc đáo của phụ nữ và nhi đồng. Có thể thấy quảng cáo về mô hình phòng đọc sách này tràn ngập trên các trang báo xưa: “Theo như lời tuyên bố của Nam Ký thư viện, bắt đầu từ 1-1-1934 đã bày 2.000 bộ sách quốc văn làm phòng đọc sách cho phụ nữ và nhi đồng. Mời các bà, các cô lại thư viện Nam Ký mua giấy mượn sách,… độc giả cần lưu tâm cổ động đông người đọc sách, thì giá tiền mua giấy mượn sách lại càng rẻ hơn (Phòng đọc sách của Phụ nữ và nhi đồng, Hà Thành ngọ báo, Số 1912, 17-1-1934). Hay như: “Cô Nguyễn Thị Trang ở phố Darrat vừa mở tại căn phố ấy một phòng đọc sách để làm chỗ cho các bạn trẻ gái, trai ham học đến tìm chọn những tài liệu có ích cho việc học của mình. Cách tổ chức phòng đọc sách của cô Trang rất đơn giản vì cô không lập thành hội cũng chẳng góp thu tiền của ai hết, chỉ tự đem tài lực riêng ra làm việc chung” (Phòng đọc sách của cô Nguyễn Thị Trang ở đường Darras, Hà Thành ngọ báo, Số 1778, 6-8-1933).

Ngoài những thông tin về thư viện, phòng đọc sách, trên các trang báo xưa còn có riêng một chuyên mục giới thiệu sách mới, sách hay. Một số tờ báo còn đứng ra nhận quảng cáo cho hẳn một nhà sách, như trường hợp của Tràng An báo và nhà sách Đắc Lập chẳng hạn. Hãy xem một thông báo của nhà sách Đắc Lập đăng trên Tràng An báo: “Cùng các nhà văn, nhà xuất bản, các đại lý sách báo: Nhà Đắc Lập xin thông cáo cùng các nhà văn, nhà xuất bản, các hãng sách và đại lý sách báo biết rằng từ nay nhà sách Đắc Lập đã tổ chức lại rất hoàn hảo và nhận làm đại lý tất cả các thứ sách báo, tạp chí. Việc cổ động và quảng cáo sách báo sẽ do hai tờ báo lớn La Gazette de Hue và Tràng An báo.” (Tràng An báo, Số 432, 30-6- 1939).

Bàn về sự đọc

“Cái miệng người ta với “vị” mỗi người mỗi khác, mình thèm cái gì đó không thể ép người ta cũng thèm như mình. Thầy và cha cũng vậy, không thể cứ ưa sách gì thì ép trò và con phải đọc sách ấy. Cho nên đọc sách không nên vì ép uổng mà đọc, đọc như thế đã không ích gì mà lại có hại… Cái khí chất mỗi người lại mỗi khác. Bên nước Anh có câu tục ngữ rằng: Có cái người này ăn thì bổ mà người kia ăn thì độc…” (Bàn về đọc sách, Phụ nữ tân văn, Số 241, 10-5-1934). Nói về việc lựa chọn sách, ký giả của báo Phụ nữ tân văn đã ví von như thế. Có thể nói trong buổi giao thời, khi mà tư duy “cha, thầy bảo-con, trò phải nghe” vẫn còn bám chặt, thì việc khuyến khích lựa chọn sách đọc một cách tự chủ là rất khoa học, tân tiến.

Cùng quan điểm trên, một ký giả khác cũng cho rằng: “những sách mình đọc, cần lựa chọn mà mua mà đọc, chớ không nên vớ lấy sách nào cũng đọc, chẳng những mất ngày giờ vô ích, mà có khi làm hại đến trí não của mình là khác. Nhất là những kẻ tuổi còn trẻ, óc còn non, sự đọc sách nếu không coi chừng, sẽ có ảnh hưởng không hay cho họ về sự học vấn tư tưởng nhiều lắm…”. Nhà báo này còn nhấn mạnh đến thực trạng thanh niên bây giờ “đọc lầm phải những sách xằng, truyện nhảm mà sinh ra chán đời, sinh ra mất nết”, và nhắc nhở “chắc độc giả không quên nhiều khi có cô tự tử, chỉ vì đọc tiểu thuyết ru ngủ quá” (Câu chuyện đọc sách, Phụ nữ tân văn, Số 229, 21-12-1933). Theo một cuộc điều tra của thư viện Hà Nội thì “thanh niên mình ham môn trinh thám hơn hết. Ưng những chuyện li kỳ, trí não chỉ mơ màng trong cõi hoang đường mộng mị. Đó là bọn tu mi, còn phụ nữ xứ ta thì lại thường mê tít những tiểu thuyết li kỳ, ngoài ra hình như không còn ham đọc gì nữa”. (Bạn thanh niên hay đọc những thứ sách báo gì?, Hà Thành ngọ báo, Số 693, 27-11-1929).

Về nhận thức khi đọc sách, các ký giả đương thời cũng khuyên phải có đản thức, có nhãn quang và nghị lực: “Hai chữ đản thức, rời nhau ra không được. Muốn có thức, tất phải có đản, nghĩa là có gan giữ ý kiến mình, dù có lúc trái người xưa cũng không kể. Người xưa nói sao mình phục, ấy là người xưa phải, người xưa không làm cho mình phục được, ấy là người xưa trái. Lòng con người khác nhau cũng như cái mặt, cái người, mình phải đạp chân vào chỗ đất chắc, không nên thấy người rằng… mình cũng rằng… theo” (Bàn về đọc sách, Phụ nữ  tân văn, Số 241 năm 1934).

Về cách thức đọc sách cũng có những chú ý: “Những sách văn học, nhất là những sách thi ca, nên đọc cho thuộc. Còn sách triết học, khoa học, thì nên đọc cho tới thấu suốt, hiểu rõ đại ý là đủ, và như vậy mới thiệt là hữu ích cho sự học vấn tư tưởng của mình, chứ không cần phải ráng nhớ lấy từng câu làm gì. Phàm những sách có hệ thống, nghĩa là có đầu có cuối thì mình phải đọc bắt đầu từ chương thứ nhất cho tới chương chót, hàng chót. Chớ có đọc nhảy chặng, cũng đừng đọc nửa chừng trở đi. Còn sách không có hệ thống thì bất tất phải đọc như thế; muốn đọc nửa chừng, nửa đoạn cũng không sao. Ví dụ như một tập thơ, hay một cuốn bút ký, một cuốn chép từng truyện ngắn,… Những sách xưa, mình nên lấy con mắt của mình là người đời nay mà đọc, chứ đừng nên để cho sách nó sai khiến, cám dỗ mình quá. Không thế thì óc mình sinh ra sự câu nệ và mất cái tính tự do tư tưởng của mình đi” (Câu chuyện đọc sách, Phụ nữ tân văn, Số 229, 21-12-1933).

Có ký giả cho rằng: “Đọc sách là cách học một mình, đọc sách để mở mang trí hóa, để kiếm điều hay mà bắt chước, để thấy điều dở mà sửa đổi hoặc lánh xa. Người ở đời thấy xa hiểu rộng, chẳng phải chỉ nhờ một mình ông thầy dạy học chỉ vẽ mà thôi, thầy ta chỉ dạy ta là dạy những điều buộc lòng ta phải làm theo, đại khái là sửa trí ta, chứ còn ngoài ra thì ta chỉ nhờ có đọc sách…” (Các em ráng đọc sách, Phụ nữ tân văn, số 113, 17-12-1931). Có người lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sách để làm rõ hơn ý nghĩa của việc đọc: “Đọc sách là một sự cần, phàm người muốn cho tinh thần bao giờ cũng được khoáng đãng, thì không thể một ngày bỏ qua không đọc sách được. Sách là gì? Là những lời hay, lẽ phải của các bậc thông thái thấy biết nhiều, kinh nghiệm rộng, suy nghĩ lắm, viết ra kỹ lưỡng để cho ta học hỏi” (Ta không nên xao lãng sự đọc sách, Công luận báo, số 489, 11-4-1922).

Còn có người lại quy cho đọc sách như một thú tiêu khiển thanh cao: “Suy nghĩ kỹ, từ xưa đến nay, duy có một cái thú, vừa thanh cao, vừa bổ ích, là cái thú đọc sách mà thôi. Bởi vì quyển sách là một vật liệu góp cả việc đông tây, ghi truyền lời kim cổ, cái màu nhiệm của tạo hóa cũng thâu vào trong sách, cái cảnh tượng của thảo mộc giang san cũng phô bày trong sách. Tay cầm quyển sách mở xem, khác nào như mình được đối mặt với thánh hiền, đạo đức ấy là ngọc vàng, văn chương là gấm vóc,… thật không thú nào sánh bằng được (Thú đọc sách, Đông Pháp thời báo, Số 124, 26-3-1924).

Suy cho cùng, đều đúng cả!

Trần Đức Anh
.
.
.