Sự thật về việc khám phá lăng mộ Tutankhamun

Thứ Năm, 10/11/2022, 21:02

Một trăm năm sau khi tìm thấy huyền thoại, các hồ sơ lưu trữ đã kể câu chuyện cuối cùng về cuộc khai quật đã làm thay đổi cả thế giới. Tác giả bài viết, Jo Marchant, một nhà báo khoa học đoạt giải thưởng báo chí kiêm cựu biên tập viên của các báo New Scientist và Nature. Bà Jo là tác giả các cuốn sách bán chạy nhất thế giới như “Vũ trụ loài người: Nền văn minh và các chòm sao”, và “Vị vua vô hình: Thế giới u minh kỳ lạ của xác ướp vua Tut”… 

Giấc mơ biến thành sự thật

Từ sảnh hành lang chính của thư viện Đại học Oxford là một con đường ngắn dẫn đến một cầu thang đưa người ta xuống dưới mặt đường. Đây là kho lưu trữ của Viện Griffith, có lẽ là thư viện Ai Cập học tốt nhất thế giới, cũng là nơi lưu giữ di sản của ông Howard Carter, nhà khảo cổ học người Anh đã tìm ra hầm mộ Hoàng đế Tutankhamun (gọi tắt Vua Tut) từ 100 năm trước tính đến tháng 11/2022 này.

1a.jpg -0
Nhà Ai Cập học, Howard Carter. Ảnh nguồn: Hulton Archive / Getty Images.

Howard Carter sinh năm 1874 tại kinh thành London, là con út trong số 8 anh chị em, và người cha làm nghề vẽ chân dung động vật (chủ yếu là chó và ngựa) cho các khách hàng địa phương giàu có. Vào năm 1891, Carter đã gặp gỡ một nhà Ai Cập học tên là Percy Newberry, khi đó Carter mới 17 tuổi, ông đã sắp xếp cho chàng trai trẻ cùng đến Ai Cập để ghi lại những tác phẩm đồ sộ được khai quật trong các hầm mộ và đền đài trên khắp Ai Cập khi đó.

Rất nhanh chóng, Carter đã học được các phương pháp nghiên cứu từ Flinder Petrie, là nhà Ai Cập có thể cạnh tranh danh tiếng với Carter. Đầu thập niên 1900, Carrter nhận nhiều việc để làm, bao gồm cả trưởng thanh tra cổ vật ở Hạ Ai Cập, chịu trách nhiệm với quần thể Đại kim tự tháp nằm gần Cairo. Sau đó Carter chuyển đến làm việc ở thành phố Luxor (Nam Ai Cập) và bán tranh màu nước do mình vẽ cho khách du lịch.

Giấc mơ của Carter là được khai quật một điểm duy nhất: Thung lũng các vị vua. Nằm giữa các vách đá vôi, khe núi hẻo lánh đó nằm không xa sông Nile. Ngay đầu thế kỷ 19, các nhà khai quật phương Tây đã đào lên những lăng mộ hoàng gia. Một trong những nhà khai quật thành công nhất là một luật sư Mỹ đã nghỉ hưu tên là Theodore Davis.

Ông Davis khám phá ra một số ngôi mộ còn nguyên vẹn từ phần sau của Vương triều thứ 18 vĩ đại của Ai Cập có niên đại cách đây 3.300 năm. Chúng bao gồm những căn phòng nguyên sơ của thân phụ của Hoàng hậu Tiye (người sống từ năm 1390 trước CN đến năm 1353 trước CN) và một ngôi mộ bí ẩn được ký hiệu KV55, có cất giữ châu báu và một xác ướp vô danh bị nghi là của con trai bà Tiye, vua Akhenaten, người đã loại bỏ tôn giáo truyền thống của Ai Cập và xây dựng kinh đô mới trong hoang mạc Amarna.

Qua nghiên cứu các dấu vết tại Thung lũng các vị vua, Carter quả quyết chắc chắn vẫn có những nơi chưa được khai quật, mà cụ thể là sàn giữa của thung lũng (nằm không xa nơi ông Davis khai quật), ông tin rằng khu vực đó có lăng mộ của vị vua ít tiếng Tutankhamun, người trị vì một thời gian ngắn sau pharaoh Akhenaten và phục hồi truyền thống cũ Ai Cập. Carter đặt ra giả thuyết rằng nếu Tutankhamun an táng tiên vương ở đó thì có lẽ ngài sẽ chọn một địa điểm tương tự cho mình.

Năm 1914, lúc cận kề cái chết, Davis tuyên bố từ bỏ quyền khai quật Thung lũng các vị vua. Ngay khi đó Carter cùng với nhà bảo trợ giàu có, quý tộc người Anh – George Herbert (Bá tước xứ Carnarvon) vội chớp lấy cơ hội. Nhưng Thế chiến I bùng nổ khiến việc khai quật bị đình lại. Bá tước Carnarvon biến lâu đài Highclere của mình ở Anh thành Quân y viện. Cuối cùng mãi đến tháng 11/1917, Carter mới có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình.

2a.jpg -0
Cách đây 100 năm, ông Howard Carter đã tìm thấy lăng mộ Vua Tut. Ảnh nguồn: Gareth Cattermole / Getty Images.

Khai quật thung lũng các vị vua

Trước khi điều tra mảnh đất hình tam giác của trung tâm thung lũng, Carter đã thuê những người Ai Cập địa phương dọn sạch đống chất thải cổ xưa ở khu vực đó. Họ lao động thủ công và hết sức nặng nhọc. Đầu năm 1918, các công nhân đã tìm thấy tàn tích của những túp lều của các công nhân cổ đại có niên đại từ Vương triều thứ 19 (chỉ sau thời trị vì của Tutankhamun), nằm ngay phía trước lăng mộ của Vua Ramses VI có cùng niên đại.

Trong suốt 5 năm khai quật ở Thung lũng các vị vua, Carter không tìm thấy được bất kỳ thứ gì đáng giá ngoài 13 chiếc lọ bằng thạch cao. Hè năm 1922, Carnarvon mời Carter đến lâu đài Highclere dự định là chấm dứt hợp tác. Nhưng Carter không bỏ cuộc, ông quả quyết với Carnarvon về một manh mối mới cho thấy Tutankhamun thực sự được an táng trong thung lũng.

Sự thực đến từ ông Herbert Winlock (một nhà Ai Cập học tại Bảo tàng Nghệ thuật đô thành ở New York, người chuyên nghiên cứu về các mảnh vỡ trong những cái lọ KV55 có khắc tên Tutankhamun) khi nhận ra rằng chúng (những mảnh vỡ” đã được dùng trong nghi thức ướp xác Tutankhamun. Người Ai Cập cổ đại không bỏ bất kỳ thứ gì đã đụng vào di hài nhà vua khi đang chuẩn bị an táng, vì lẽ đó họ cẩn thận nhặt nhạnh những thứ đó và chôn gần mộ vua.

Một số lọ chứa muối bột dùng để làm khô cơ thể, và những mảnh vải vụn dùng để lau xác. Những cái lọ khác chứa đồ gốm bể, xương thú và các vòng cổ bằng hoa (có khả năng là phần còn lại của bữa tiệc được tổ chức trong tang lễ Tutankhamun, bao gồm các vòng hoa đeo cho khách khứa). Đó là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy mộ vua Tut gần đó. Tháng 10/1922, với sự hỗ trợ của Bá tước Carnarvon, Carter quay lại thung lũng cho mùa cuối cùng.

3a.jpg -0
Pho tượng Hoàng hậu Tiye. Ảnh nguồn: Rama via Wikimedia Commons under CC BY-SA 2.0 fr .

Tìm thấy lăng mộ Tutankhamun

Carter bắt đầu công tác khai quật vào ngày 1/11/1922. Ngày thứ Bảy (4/11/1922), Carter đến điểm khai quật lúc 10 giờ sáng và thấy đội công nhân (thường huyên náo) im lặng một cách kỳ lạ. Lúc đầu Carter ngỡ đã xảy ra một vụ tai nạn; tiếp đó một trong các quản đốc người Ai Cập của ông là Ahmed Gerigar nói với Carter rằng các công nhân đã tìm thấy một bậc thang được cắt vào nền đá ngay bên dưới một trong những túp lều mà họ đã dọn dẹp.

Toán thợ hì hục đào sâu hơn và khoét sâu vào lớp đá dẫn vào lăng mộ Ramses VI. Carter cố gắng dằn nén sự phấn khích của mình. Vào buổi hoàng hôn ngày thứ Bảy, toán thợ đã nhìn thấy phần phía trên của một cánh cửa làm bằng đá thô và phủ thạch cao. Những con triện trên cánh cửa cho thấy hình thần chó rừng Anubis vẫn còn nguyên vẹn. Không rõ người được chôn bên trong là ai nhưng phong cách thì đúng là của Vương triều thứ 18.

Dùng đèn pin chiếu vào bên trong, Carter nhìn thấy lối đi đầy đá và gạch vụn, dấu hiệu cho thấy người cuối cùng đã vào bên trong trước khi các thầy tư tế niêm phong cửa vào đề phòng bọn trộm mộ. Carter hiểu rằng công việc của mình sẽ không thể tiến xa hơn được nữa nếu không có Bá tước Carnarvon. Sáng ngày hôm sau, Carter đánh điện cho Carnarvon tại lâu đài Highclere, vui sướng báo tin: “Cuối cùng, một khám phá kỳ diệu đã có tại Thung lũng các vị vua, một lăng mộ hoành tráng còn nguyên vẹn chỉ chờ ngài đến. Xin chúc mừng ngài”.

4a.jpg -0
Tượng tang lễ tìm thấy trong mộ Vua Tut. Ảnh nguồn: Dave Nakayama via Wikimedia Commons under CC BY-SA 2.0 

Hơn một lần Carter vẫn nửa tin nửa ngờ về phát hiện của mình. Bá tước Carnarvon và con gái mình đến Luxor vào ngày 22/11/1922. Ngày 24/11, thợ đã đến cửa vào, phần dưới của cánh cửa mới được nhìn thấy trong lần đầu tiên. Đám thợ kéo cánh cửa thô ráp xuống, làm trống hành lang ở phía sau.

Vào buổi trưa ngày Chủ Nhật (26/11), sau khi dọn sạch một đoạn dốc dài độ 9m, tốp thợ đến một cánh cửa bị niêm phong thứ hai. Một lần nữa Carter lại dọn sạch đá để tạo ra một cái lỗ ở góc trên cùng. Ông đốt nến để kiểm tra xem không khí bên trong có an toàn không. Đoàn của bá tước Carnarvon và những người Ai Cập phía sau hồi hộp chờ đợi. Bên trong lăng mộ, thời gian len lỏi chuyển động. Sau hàng ngàn năm im ắng, lăng mộ đã có người đến thăm.

Lăng mộ thay đổi thế giới

Ngày 29/11/1922, Carter tổ chức buổi khai trương chính thức tiền sảnh của lăng mộ, thu hút rất nhiều giới tinh hoa Ai Cập và quý tộc nước ngoài cùng một phóng viên của tờ Thời báo London. Ngành khảo cổ học đã thay đổi vĩnh viễn, và Carter, người tưởng như đã nghỉ hưu sau mùa cuối cùng với bá tước Carnarvon, thì nay phải gánh một trọng trách to lớn hơn nhiều: ghi lại, truy xuất, và bảo tồn hàng ngàn hiện vật trong một không gian chật chội khi cả thế giới dõi theo.

Phải mất 3 tuần để lấy hết quần áo của nhà vua; riêng một chiếc áo choàng có đính 3.000 đĩa sequin bằng vàng và 12.000 viên hạt xanh. Cuối cùng tổng cộng 5.000 hiện vật đã được lấy ra khỏi lăng mộ vua Tut. Trong 8 năm sau đó, Carter đã cẩn thận làm việc miệt mài trong 4 căn phòng chất đầy đồ quý giá.

Ông viết nguệch ngoạc từng chi tiết trong số hơn 3.500 tờ giấy ghi chú cùng hàng trăm trang nhật ký khác. Cuối cùng Carter cũng đối mặt với bản thân vua Tut vào ngày 12/2/1924. Lúc đó, bá tước Carnarvon đã qua đời gần tròn năm do ảnh hưởng ngộ độc máu do nhiễm trùng sau khi ông cắt đầu vết muỗi đốt trong lúc cạo râu, đây chính là nguồn gốc gây nên truyền thuyết lời nguyền Tutankhamun.

6a.jpg -0
Quách an táng Vua Tut cùng những chiếc quan tài lồng vào nhau (trái) và mặt nạ vàng của nhà vua (phải). Ảnh nguồn: Wikimedia Commons under CC BY-SA 3.0 

Với hệ thống ròng rọc tinh vi, trước sự chứng kiến của các đại biểu và khách VIP, Carter đã chậm rãi nhấc cái nắp quan tài bằng đá nặng 1,1 tấn. Bên trong quách là những tấm vải liệm. Nhấc những tấm vải liệm lên là một pho tượng độc đáo: dài 2,1m, đẽo bằng gỗ và phủ vàng. Nó thực ra là 3 chiếc quan tài được lồng khít vào nhau, mỗi chiếc được trang trí rất công phu, chiếc trong cùng được làm bằng vàng nguyên khối.

Cái thực thể trước mắt đám đông rõ ràng là một hình người có 2 cánh tay khoanh trước ngực, 2 tay nắm chặt một cánh buồm và quyền trượng uốn cong làm bằng vàng cùng một loại men gốm được gọi là Faience (men sứ). Hai đầu rắn hổ mang và kền kền linh thiêng: những thế lực bảo hộ cho Thượng và Hạ Ai Cập, được gắn ở phần trán vàng.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.
.