Huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình: Xây dựng văn hóa giao thông từ “Ổ nhà”

Thứ Bảy, 06/08/2022, 08:57

“Ổ nhà” là hình thức tổ chức cộng đồng xã hội đặc trưng của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. “Ổ nhà” bao gồm nhiều nhà nhỏ, có quan hệ xóm giềng, dòng họ và sống quần tụ dưới các Mường. Từ xa xưa, người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã duy trì các “Ổ nhà” để giáo dục, quản lý con cháu trong dòng tộc.

Hiện nay, mô hình “Ổ nhà tự quản” đã được phát triển ở hầu khắp các địa phương trong huyện Lạc Sơn. Xây dựng văn hóa giao thông từ “Ổ nhà” đã góp phần giáo dục, nâng cao trách nhiệm của con cháu và cộng đồng khi tham gia giao thông, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Lạc Sơn những năm qua.

Huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình: Xây dựng văn hóa giao thông từ “Ổ nhà” -0
Công an huyện Lạc Sơn động viên các “Ổ nhà” chấp hành tốt quy định về an toàn giao thông.

Trước đây, do không chấp hành luật giao thông nên bản Mường có nhiều người chết do tai nạn giao thông. Theo phong tục của địa phương, người chết đường, chết chợ không được làm “ma” trong xóm mà phải mang đi chôn ngay, tránh điều tiếng. Những vụ việc như vậy không chỉ gây mất mát, đau thương với gia đình, dòng họ và ảnh hưởng đến uy tín với các “Ổ nhà” khác.

Không thể để những người ruột thịt bị thiệt mạng do tai nạn giao thông nữa, cụ Bùi Văn Chuôm, Trưởng “Ổ nhà” ở xóm Cháy, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn bằng uy tín của mình đã họp “Ổ nhà” lấy ý kiến các cụ cao niên, người uy tín trong “Ổ nhà” để bàn giải pháp. Mặc dù ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Bùi Văn Chuôm vẫn gương mẫu trong mọi công việc của ổ nhà, dòng họ. Bằng uy tín của mình, cụ Chuôm đã làm chuyển biến nhận thức của con cháu ngay từ ổ nhà.

“Ổ nhà” của cụ Bùi Văn Chuôm có khoảng 30 hộ sống quây quần ở xóm Cháy, thị trấn Vụ Bản. Mỗi năm “Ổ nhà” họp hai lần vào tháng 3 và tháng 9 để triển khai các công việc trong “Ổ nhà” và động viên, giáo dục con cháu. Năm 2009, trong một cuộc họp “Ổ nhà”, cụ Chuôm đề xuất bổ sung vào hương ước quy định về an toàn giao thông.

Ban đầu, một số người trong dòng họ không đồng tình vì quy ước mang tính định hướng, không cần quy định chi tiết sẽ gây chồng chéo, khó thực hiện. Cụ kiên nhẫn đến từng nhà để vận động, thuyết phục mọi người hiểu lợi ích của việc chấp hành an toàn giao thông. Bằng uy tín, trách nhiệm với “Ổ nhà” và cộng đồng, mọi người dần hiểu và ủng hộ việc làm của cụ.

Hằng ngày, cụ rời nhà với một quyển sổ nhỏ ghi tên từng gia đình trong “Ổ nhà”. Cụ Chuôm thường xuyên đến các gia đình nhắc nhở, kiểm tra giấy tờ xe máy, mũ bảo hiểm, bằng lái xe... Những hành vi không chấp hành luật giao thông, những lỗi vi phạm thường gặp hay gia đình có người bị tai nạn giao thông đều được cụ cẩn thận ghi chép lại để nhắc nhở, chấn chỉnh.

Cụ Chuôm kể: Năm 2009, cả “Ổ nhà” chỉ có 5 xe máy thì đến nay đã có 3 chiếc ôtô và trên 60 xe máy thường xuyên tham gia giao thông. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, “Ổ nhà” chưa có ai vi phạm bị CSGT xử lý, không có ai mắc các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, trong nhiều năm qua không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người. Điều này càng làm tăng uy tín và vai trò của “Ổ nhà” với xóm giềng. Quan trọng hơn đó là sự tin tưởng, ghi nhận của chính quyền, người dân địa phương và con cháu trong “Ổ nhà”.

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, chính quyền huyện Lạc Sơn xác định, một trong những giải pháp đột phá để giảm thiểu tai nạn giao thông là xây dựng văn hóa giao thông từ trong “Ổ nhà”. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng việc chấp hành luật giao thông, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình “Ổ nhà tự quản”.

Tính đến nay, toàn huyện Lạc Sơn đã nhân rộng 258 mô hình “Ổ nhà tự quản” ở hầu khắp các xóm, bản trong huyện. Ngoài ra, Lạc Sơn còn kết hợp với việc nhân rộng các mô hình tự quản khác, như mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT”, “Tuổi trẻ huyện Lạc Sơn xung kích chấp hành các quy định về giao thông”, “Hội viên phụ nữ gương mẫu chấp hành luật giao thông”... Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể quần chúng cùng tham gia giữ gìn an toàn giao thông.

Theo Thượng tá Bùi Văn Hà, Trưởng Công an huyện Lạc Sơn, xây dựng văn hóa giao thông từ “Ổ nhà” là cách làm riêng có của Lạc Sơn. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào, địa phương nào làm tốt việc xây dựng mô hình “Ổ nhà tự quản” thì nơi đó, địa phương đó an ninh, trật tự nói riêng và trật tự an toàn giao thông ổn định, không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Nhờ đó mà trong nhiều năm qua, Lạc Sơn là địa phương dẫn đầu tỉnh về tiêu chí giảm tai nạn giao thông, góp phần mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Như Hùng
.
.