Thủ lĩnh tối cáo bí ẩn của Taliban

Thứ Bảy, 06/11/2021, 21:50

Ngày 30-10, Hibatullah Akhundzada, lãnh tụ Tối cao của phong trào Taliban đang điều hành Afghanistan, đã có lần xuất hiện công khai đầu tiên. Sự xuất hiện này phá tan những đồn đoán trước đó về nhân vật bí ẩn trong hàng ngũ của Taliban.

 “Truyền thống bí mật” của Taliban

Kể từ sau khi Taliban tiếp quản Kabul, kiểm soát hầu hết đất nước Afghanistan, nhiều nhân vật cấp cao của lực lượng này đã tới thủ đô. Từ những lính biệt kích cứng rắn, những sinh viên Hồi giáo có vũ trang cho tới những thủ lĩnh già dặn trở về sau nhiều năm sống lưu vong đều lần lượt xuất hiện.

Theo thông tin Taliban công bố ngày 31-10, Akhundzada có cuộc gặp với những người ủng hộ tại thành phố Kandahar ở miền Nam đất nước. Akhundzada, người được biết tới với danh hiệu “lãnh tụ của sự trung thành” hay Amir ul Momineen đã có chuyến thăm Jamia Darul Aloom Hakimia, một trường tôn giáo ở Kandahar trong ngày 30-10.

Akhundzada được cho là vẫn ở nước ngoài cho tới khi Zabihullah Mujahid, người phát ngôn Taliban xác nhận: thủ lĩnh của Taliban đã có mặt tại Afghanistan, cụ thể là tại thành phố Kandahar. Akhundzada vẫn là một nhân vật bí ẩn nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của Taliban sau khi lực lượng này trở lại nắm quyền ở Afghanistan.

3.jpeg -0
Chính phủ Taliban chưa được công nhận trên thế giới.

Trong thời gian qua, thủ lĩnh tối cao của Taliban tránh các chủ đề chính trị mà chỉ đưa các phát ngôn liên quan tới tôn giáo. Không có bất cứ thông tin, hình ảnh chính thức nào trên báo chí về sự kiện mà Akhundzada vừa tham gia. Tuy nhiên, xuất hiện một đoạn băng ghi âm dài 10 phút trên các tài khoản mạng xã hội của Taliban về cuộc gặp này cho thấy Akhundzada lựa chọn đưa ra một thông điệp tôn giáo thay vì một thông điệp chính trị.

Thông báo về sự xuất hiện của thủ lĩnh tối cao Akhundzada được đưa ra trong bối cảnh những tin đồn về sức khỏe của ông ta đã lan truyền trong nhiều năm. Ở Pakistan và Afghanistan, nhiều người cho rằng ông này có thể đã mắc COVID-19 hoặc bị giết trong một vụ đánh bom.

Khi Taliban tiếp quản đất nước, việc xoa dịu tất cả các phe phái sẽ là yếu tố quan trọng để củng cố quyền lực. Bất kỳ khoảng trống nào ở cấp cao nhất cũng có thể gây mất ổn định một phong trào đã cố gắng tồn tại trong nhiều năm xung đột.

Taliban có lịch sử giữ bí mật về lãnh đạo tối cao của họ. Cái chết của người sáng lập phong trào Mullah Mohammad Omar năm 2013 chỉ được xác nhận sau đó hai năm bởi con trai của ông.

Ông Akhundzada cũng có phong cách “ẩn dật” tương tự Mullah Mohammad Omar. Bức ảnh duy nhất mà Reuters có được về ông là một bức ảnh không ghi ngày tháng, được đăng trên trang Twitter của Taliban vào tháng 5-2016. Nó đã được xác minh bởi một số quan chức Taliban, những người từ chối nêu tên.

Sự tồn tại mờ ám này đã dẫn đến những lời đồn đoán liên tục về nơi ở, sức khỏe cũng như vai trò của thủ lĩnh tối cao Taliban. Ban đầu, Akhundzada không phải là lựa chọn hàng đầu khi các thành viên cấp cao của Taliban họp vào năm 2016 để bổ nhiệm một thủ lĩnh kế vị. Ông được xem là một sự “thỏa hiệp”, thay vì đưa người con trai trẻ và thiếu kinh nghiệm của cố thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Omar lên lãnh đạo.

1.jpg -0
Thủ lĩnh tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada trong một bức ảnh không rõ thời gian chụp.

Sau khi Mỹ tiến vào Afghanistan và lật đổ Taliban, Reuters đưa tin Akhundzada đã trốn sang Pakistan, nơi ông thuyết giảng tại một nhà thờ Hồi giáo trong 15 năm. Những người làm việc tại nhà thờ Hồi giáo cùng một số sinh viên đã mô tả Akhundzada là một người kỷ luật và là một nhà hùng biện quyết liệt.

“Với giọng điệu đanh thép, ông ấy nói về Mỹ và các cuộc chiến, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ không bao giờ từ bỏ bổn phận ‘thánh chiến’ (jihad) của mình”, một người kể lại bài phát biểu của Akhundzada tại một cuộc mít tinh công khai ở Quetta, Pakistan năm 2014.

Sau khi lên lãnh đạo, Akhundzada đã thiết lập các cải cách nhằm củng cố ảnh hưởng của mình trong một tổ chức từng bị suy yếu do chia rẽ nội bộ và đào tẩu. Không chỉ có tầm ảnh hưởng bên trong Taliban, ông Akhundzada còn có sự trung thành của nhiều tổ chức khác.

“Al-Qaeda và tất cả chi nhánh của tổ chức này thề trung thành với ông. Với mối quan hệ này, Akhundzada vẫn giữ thái độ lảng tránh, không vồ vập nhưng cũng không bác bỏ. Taliban đang muốn chơi lá bài hai mặt với lực lượng phiến quân nước ngoài”, giáo sư Tricia Bacon của Đại học American nói.

Tên thủ lĩnh tàn bạo trong bóng tối

Mullah Haibatullah Akhundzada có tên đầy đủ theo tiếng Pastun là Mawlawi Hibatullah Akhundzada. Có thông tin cho rằng ông ta sinh năm 1961 ở huyện Panjwayi, tỉnh Kandahar, Afghanistan, Akhundzada là một trong những nhà lãnh đạo của tổ chức Taliban theo khuynh hướng chính trị chính thống Hồi giáo và đồng thời ông ta cũng là một trong những người sáng lập ra Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Được mô tả như một “học giả tôn giáo”, Akhundzada viết ra bộ luật Hồi giáo hà khắc “Fatawa”. Khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul vào năm 1996, Akhundzada được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Shariah của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Những năm 1980, Akhunzada tham gia các chiến dịch chống Liên Xô bên cạnh các sinh viên tôn giáo và giáo sĩ trẻ - những người sau này trở thành lực lượng nòng cốt của Taliban. Ông ta từng theo học tại các trường tôn giáo ở Afghanistan và nước láng giềng Pakistan, là “cố vấn” tôn giáo chính của thủ lĩnh Mullah Omar. Rất ít người biết đến vai trò hàng ngày của Hibatullah. Các thông tin được công khai chỉ giới hạn ở việc ban hành các thông điệp hàng năm trong các ngày lễ Hồi giáo. Taliban cũng chỉ công bố một bức ảnh duy nhất về Akhundzada.

2.jpg -0
Taliban có “truyền thống” giữ bí mật hình ảnh các thủ lĩnh cấp cao của mình. Trong ảnh là bản mô tả quyền bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Taliban Sirajuddin Haqqani trong thông báo truy nã của FBI.

Akhundzada trở thành lãnh đạo của Taliban năm 2016, sau khi người tiền nhiệm Mohammad Mansour thiệt mạng. Dù từng tham gia chiến sự nhưng Akhundzada được xem là nhà lãnh đạo tôn giáo hơn là quân sự. “Với tư cách người đứng đầu Taliban, Akhundzada được biết đến như là “lãnh đạo của những người ngoan đạo”, giống như những người tiền nhiệm”, giáo sư Tricia Bacon nhận xét.

“Có rất ít thông tin về ông ta. Người ta chưa từng nhìn thấy ông ta phát biểu trực tiếp bất cứ điều gì ở nơi công cộng. Cùng với hoàn cảnh khi ông ấy kế nhiệm, nó đã dẫn đến tranh luận”, Rajeshwari Krishnamurthy, chuyên gia an ninh Nam Á tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, Ấn Độ, đề cập.

Laurel Miller, người đứng đầu chương trình châu Á tại International Crisis Group, cho rằng Akhundzada có phong cách “ẩn dật” tương tự như người sáng lập Mullah Omar. Điều này có thể là do những lo ngại về an ninh. Thủ lĩnh tiền nhiệm đã bị ám sát trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. “Có thể sau khi xuất hiện, ông ta sẽ lại ở ẩn và thực thi quyền lực từ xa, như cách Mullah Omar đã làm”, nhà phân tích Miller nói.

Sau khi trở thành thủ lĩnh phong trào nổi dậy, giáo sĩ Akhundzada đối mặt với thách thức lớn là thống nhất một phong trào thánh chiến đã rạn vỡ trong một thời gian ngắn vì cuộc tranh giành quyền lực gay gắt.  

Là một giáo sĩ theo đường lối cứng rắn và có con trai là kẻ đánh bom liều chết, hầu hết thời gian, Akhundzada núp trong bóng tối lãnh đạo Taliban. Trong cuộc đàm phán cuối cùng đánh dấu cột mốc Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan sau hai thập niên chiến tranh, ông ta cũng không lộ diện mà để người khác dẫn đầu.

4.jpg -0
Taliban có nguồn thu riêng để đảm bảo tài chính dù cho bị cấm vận và phong tỏa nhiều tài sản ở nước ngoài.

Theo South China Morning Post, sau khi trở thành thủ lĩnh phong trào nổi dậy, Akhundzada đối mặt với thách thức lớn là thống nhất một phong trào thánh chiến đã rạn vỡ trong một thời gian ngắn vì cuộc tranh giành quyền lực gay gắt.

Cuộc chiến nội bộ diễn ra khi Taliban liên tiếp bị giáng đòn, từ vụ ám sát người tiền nhiệm của ông Akhundzada cho tới những thông tin cho rằng các thủ lĩnh của Taliban đã che giấu cái chết của người sáng lập Taliban Mullah Omar. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu Taliban cho biết, Akhundzada đã đóng vai trò quan trọng, là một tay chỉ đạo, hàn gắn những chia rẽ trong phong trào và quản lý việc đối phó với kẻ thù quốc tế.

Nổi tiếng là tàn bạo, cực đoan đối với những tội danh và hình phạt áp dụng cho phụ nữ Hồi giáo - chủ yếu là thiêu sống hoặc ném đá cho đến chết, Tòa án Hồi giáo dưới quyền Akhundzada không chỉ là nỗi kinh hoàng cho người dân Afghanistan, mà còn ngay cả với những chiến binh Mujahedeen trong hàng ngũ Taliban. Rahmatullah Nabil, cựu giám đốc một đơn vị tình báo tác chiến Afghanistan mô tả Akhundzada là “một gã đàn ông nhỏ mọn, chuyên sử dụng bạo lực để che giấu sự yếu đuối của mình”.

“Thông qua mưu kế, lừa lọc, thao túng cùng với sự kiên nhẫn, ông ta đã đưa Taliban trở lại nắm quyền”, Rohan Gunaratna, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết.

Khi Taliban công bố chính phủ mới hôm 6-9, Akhunzada không giữ chức vụ chính thức nào. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Taliban cho hay Akhunzada sẽ là thủ lĩnh tinh thần của chính quyền mới và có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề.

Đỗ Tiến
.
.
.