“Thế giới ngầm” dưới Dải Gaza: Cơn ác mộng của quân đội Israel

Chủ Nhật, 05/11/2023, 18:30

Quân đội Israel đã bắt đầu hoạt động trên bộ và nhắm cụ thể vào mạng lưới đường hầm ngầm của Hamas - một thành phố thực sự bên dưới thành phố khác, một mê cung gồm những đường hầm đan xen, nhiều tầng gần như không thể xâm nhập. Đây là những mạng lưới di chuyển bổ sung mà các tay súng đã sử dụng từ lâu. Đấy là một mạng lưới làm “mù” nỗ lực thu thập thông tin của Israel, như theo nhận định bà Daphné Richemond-Barak - chuyên gia về xung đột đô thị kiêm giáo sư tại Viện Chống khủng bố Quốc tế của Đại học Reichman ở Tel Aviv.

Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của bà dành cho báo Le Monde của Pháp.

LE MONDE: Bà là tác giả cuốn “Cuộc chiến Dưới lòng đất” (Underground Warfare). Có phải bà đã đặt chân đến những đường hầm do Hamas xây dựng không?

Daphné Richemond-Barak: Tôi đã đi vào những đường hầm tại khu vực biên giới Gaza - Israel, bên phía Israel, những đường hầm bên dưới đường biên giới. Và tôi cũng đã đi vào những đường hầm do Hezbollah đào. Và một lần tại vùng biên giới lãnh thổ Israel. Các đường hầm của Hamas, họ đã xây dựng chúng trong 20 năm, nên đó cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với Israel và cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với cả thế giới, bởi vì Hamas đã thực hiện một công việc lâu dài nhằm xây dựng nên một mạng lưới ngầm cực kỳ phức tạp, cực kỳ tỉ mỉ, giúp Hamas gần như không thể bị xâm nhập.

Hơn nữa, chúng cho phép Hamas hoạt động ngoài tầm mắt công nghệ của Nhà nước Israel và quân đội Israel. Hiện nay, quân đội Israel là một trong những đội quân hiệu quả nhất trên thế giới. Mục tiêu chính của những đường hầm này là làm giảm lợi thế chiến lược mà Israel nắm được từ Hamas, và vô hiệu hóa hoàn toàn mọi lợi thế mà Israel có thể đang nắm nhằm làm nghiêng cán cân giữa một quốc gia có quân đội mạnh và một nhóm vũ trang.

“Thế giới ngầm” dưới Dải Gaza: Cơn ác mộng của quân đội Israel -0
Đường hầm của Hamas là cơn ác mộng với quân đội Israel.

LE MONDE: Những đường hầm này trông như thế nào?

Daphné Richemond-Barak: Khi đi vào đường hầm của Hamas, mọi thứ tối mịt. Bạn không thấy gì cả, cảm giác dường như vô tận. Bạn không biết có lối rẽ đi bên phải hay bên trái, có cầu thang, có thang đứng hay không. Chắc chắn là có. Nhưng bạn không nhìn thấy chúng. Cũng có thể có người trong những đường hầm này, nhưng bạn cũng không nhìn thấy họ. Ngay lập tức, khi đi vào đường hầm, bạn mất hết phương hướng, không ý thức được một chút nào về chuyện gì đang xảy ra. Bạn đang hướng tới Gaza? Bạn đang hướng tới Ai Cập? Bạn hoàn toàn mất đi điểm tham chiếu của mình. Bạn mất hết ý thức về phương hướng, bạn bị chao đảo. Đó là chứng sợ bị nhốt. Nó cực kỳ đáng sợ và cảm giác như một cơn ác mộng: Một khi đã đặt chân vào, bạn thực sự không biết mình sẽ thoát ra bằng cách nào.

LE MONDE: Bà có đề cập đến sự khác biệt giữa các đường hầm khác nhau. Hamas có xây dựng và phát triển những loại đường hầm nào không?

Daphné Richemond-Barak: Thông thường, có sự phân biệt giữa các đường hầm được sử dụng cho mục đích tấn công và cho mục đích phòng thủ. Tôi không đồng ý với kiểu “phân loại” này. Để làm gì vậy? Vì đối với tôi, đường hầm là đường hầm. Điều đó có nghĩa là, từ quan điểm chiến lược, đường hầm có thể được sử dụng vì nhiều lý do. Nó có thể được sử dụng để thực hiện một cuộc tấn công, phục kích, bắt cóc thường dân hoặc binh lính, dàn dựng hoạt động buôn lậu. Mặt khác, không phải tất cả các đường hầm đều có đặc điểm như nhau; và cách chống lại chúng, cách phát hiện, cách loại bỏ chúng cũng không nhất thiết phải giống nhau. Các đường hầm ở Gaza - mạng lưới ngầm do Hamas tạo ra, hiện là mục tiêu tấn công của Israel.

Những đường hầm ở đường biên giới Gaza - Israel đã được nhắc đến rất nhiều, bao gồm cả đường hầm gần khu định cư Ein Hashlosha được phát hiện vào năm 2013, cũng như một số đường hầm được phát hiện trong Chiến dịch “Protection Edge”, chẳng hạn như vào năm 2014. Có những đường hầm nằm bên dưới vùng miền nam Lebanon; chúng tôi gọi đó là khu bảo tồn thiên nhiên. Vì chúng đã tồn tại từ rất lâu. Do đó tôi nhắc lại, đây không phải là điều gì mới mẻ ở khu vực Trung Đông này, nhưng mỗi mạng lưới đều có những nét đặc trưng riêng. Cuối cùng, có những mạng lưới do Hamas tạo ra và chúng đi đến tận Ai Cập. Những đường hầm này nằm giữa Dải Gaza và Ai Cập. Chúng được sử dụng chủ yếu để buôn lậu vũ khí. Ai Cập đã cố gắng loại bỏ chúng nhưng không mấy thành công. Và ngày nay, có khả năng đã có những đường hầm khác, được sử dụng để cung cấp vũ khí cho Hamas trước cuộc tấn công ngày 7/10.

“Thế giới ngầm” dưới Dải Gaza: Cơn ác mộng của quân đội Israel -0
Các thành viên của Lữ đoàn Al-Quds, một cánh vũ trang của Phong trào Jihad Hồi giáo, canh gác tại một đường hầm ở biên giới Gaza-Israel .

LE MONDE: Mạng lưới này có quy mô như thế nào?

Daphné Richemond-Barak: Quy mô lớn vô cùng. Dải Gaza là một lãnh thổ khá nhỏ. Nhưng những đường hầm này không được xây dựng theo kiểu đường thẳng, mà theo dạng zigzag. Chúng có nhiều tầng. Hơn nữa, các con tin ở trong những đường hầm này nói rằng họ đã đi bộ hàng km, đó là hàng km đường hầm và những đường hầm này không chỉ mới có từ ngày hôm qua. Nếu bạn so sánh sự kiện đó với những gì đã xảy ra với Daesh (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng - IS) ở Syria và Iraq, có thể thấy họ đã ở trong đường hầm, trong những đường hầm đã được sử dụng từ nhiều tuần, nhiều tháng. Những gì đang xảy ra ở Gaza là một cấp độ hoàn toàn khác. Nó phức tạp hơn nhiều, nó mang tính hiện đại. Vâng, nó thực sự trông giống như những gì được chiếu trên những bộ phim do quân đội Israel xuất bản.

LE MONDE: Chúng được thiết kế như thế nào? Chúng có những cấu trúc nào?

Daphné Richemond-Barak: Có lối đi, có phòng, có sảnh, có cửa, có điện, có những nơi Hamas sinh sống - dưới lòng đất. Đó đích thực là một căn cứ quân sự. Đây là một căn cứ quân sự nằm bên dưới nơi ở của thường dân. Bản thân sự tồn tại của nó gây nguy hiểm cho người dân Gaza. Căn cứ quân sự ngay bên dưới chân họ khiến người dân phải đối mặt với nguy cơ phá nổ và sụp đất. Đường hầm cũng khiến họ phải đối mặt với những đợt tấn công quân sự từ quân đội Israel. Họ là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến dưới lòng đất này. Hầu hết các lối đi ngầm không rộng lắm.

Nhưng nếu họ lấy ảnh hưởng từ Iran, thì có lẽ thực tế đã thay đổi một chút, tức là đường hầm có lối đi rộng hơn, chúng ta có thể đi vào bằng xe máy, có thể bằng xe tải. Ta chưa thể xác nhận được, nhưng đây là một điều khả thi. Có thể có những nơi sản xuất và cất giữ vũ khí. Một hoạt động quân sự không thuộc nhà nước, nhưng có tầm xứng với một nhà nước.

LE MONDE: Vì sao Israel biết rất ít về hoạt động của Hamas?

Daphné Richemond-Barak: Chính vì những đường hầm này mà Israel bị che mắt; chúng khiến nước này không biết Hamas đang lên kế hoạch gì, như chúng ta đã thấy rõ. Một trong những lý do mà Israel không dự đoán được sự kiện xảy ra ngày 7/10, là vì mọi thứ được quy hoạch dưới lòng đất. Rất khó mà có được một mạng lưới thông tin liên lạc ở dưới đó. Thông tin trở nên rất hạn chế.

“Thế giới ngầm” dưới Dải Gaza: Cơn ác mộng của quân đội Israel -0
Bà Daphné Richemond-Barak đang xem xét hệ thống đường hầm của Hamas ở dải Gaza.

LE MONDE: Nếu Israel thực sự không biết mình sẽ phá hủy cái gì và sử dụng phương pháp nào, thì làm sao họ có thể phá hủy toàn bộ mạng lưới này?

Daphné Richemond-Barak: Về mặt vận hành, đây là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp. Vì sao? Vì ta có ba thách thức. Trước mắt, chúng nằm bên dưới một khu đô thị có dân cư đông đúc. Ngay cả khi chúng ta yêu cầu sơ tán, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc thăm dò lối vào trên mảnh đất đầy kiến trúc vùng đô thị, với nhà ở, với nhà thờ Hồi giáo, v.v... Tiếp theo, bản thân chiến tranh dưới lòng đất mang tính cực kỳ phức tạp. Chúng ta có thể thấy điều này vì các quốc gia luôn triển khai vũ khí mạnh nhất của họ nhằm chống phá các đường hầm, dù là ở Việt Nam trước đây hay trong Thế chiến I, và thậm chí là Thế chiến II.

Cuối cùng, chúng ta có thêm một thử thách nữa: Đó là những con tin đang ở trong đường hầm. Có những điều mà ta cần ưu tiên tính đến: Mạng sống của các con tin, mạng sống của những thường dân vô tội ở Dải Gaza, mối nguy hiểm mà những người lính phải gánh chịu trong những đường hầm đó. Ta phải tìm kiếm sự cân bằng giữa những ưu tiên đầy khác biệt này. Trên thực tế, những ưu tiên này hoàn toàn không bổ trợ cho nhau, và ta đang muốn sử dụng tiềm lực quân sự để đáp ứng những mối ưu tiên này. Đây là ba thách thức mà Israel phải chinh phục. Từ quan điểm quân sự, đó là những thách thức gần như không thể vượt qua.

LE MONDE: Liệu tất cả những điều này đã quyết định nên kết cục của cuộc chiến?

Daphné Richemond-Barak: Chúng ta đang nói về những người hàng xóm nằm cách biên giới chỉ vài mét. Chúng ta cần nói đến một thực tế là, những “người hàng xóm” này luôn hoạt động phối hợp - không phải hoạt động theo kiểu phối hợp đồng điệu, mà là theo kiểu đảm bảo nối tiếp với những gì đang xảy ra ở Bờ Tây, Lebanon và Iran. Vì vậy, đây là một nỗ lực mang tính khu vực và tôi nghĩ đối với Israel, đây là một cuộc chiến mang tính sống còn. Ở giai đoạn này, không có chuyện để bị thua trận, cũng không có chuyện ngừng bắn vì họ có quyền tự vệ. Thật là một cuộc chiến đáng xấu hổ, đầy chậm chạp. Sẽ có tổn thất, sẽ có tổn thất về dân thường và tổn thất về binh lính. Cuộc chiến sẽ đòi hỏi nhiều công sức và có diễn biến đầy bi thảm.

LE MONDE: Những đường hầm ở Gaza, ở biên giới, ở Lebanon, ở Ai Cập... Liệu chúng có thể bị xóa bỏ không?

Daphné Richemond-Barak: Để có thể diệt trừ tận gốc chúng, ta cần phải biết rõ về chúng. Ta phải phát hiện ra tất cả. Ta phải biết chính xác chúng dẫn đi đâu, từ đâu... Đó là một công việc lớn. Nhưng ta có những chiến lược có thể áp dụng, chẳng hạn như liên tục giám sát vùng biên giới nhằm dò tìm những xe tải vận chuyển đất, những kho chứa có thể đã được tạo ra nhằm che giấu hoạt động xây dựng phần nhỏ đường hầm. Các đường hầm sẽ ngày một đi sâu hơn. Hamas hưởng lợi từ tất cả những bí quyết thu được ở Syria và Iraq. Họ cũng có thể đã lấy cảm hứng từ Iran. Chúng ta sẽ có thể sẽ còn gặp thêm ngạc nhiên. Và ngay cả khi Israel đã cải thiện khả năng của họ về mặt này, ta nên biết rằng, ở phía bên kia, Hamas cũng đang học hỏi và đầu tư. Đây là thực tế của cuộc đua giữa hai bên.

Duy Hưng (Lược dịch)
.
.
.