Điều ít biết về cơ quan tình báo Luxembourg

Thứ Ba, 17/01/2023, 08:15

Đại công quốc Luxembourg có vẻ như không mấy quan tâm đến lịch sử chính trị gần đây của mình trong khi vẫn duy trì sự tập trung cao độ vào những tranh cãi đã có từ thời Thế chiến II. Sự coi thường lịch sử đương đại và mối bận tâm không cân xứng đối với Thế chiến II đã dẫn đến sự thiếu hiểu biết về các yêu cầu tình báo quốc gia.

Từ lâu Luxembourg đã tin chắc vào tính trung lập của đất nước mình và điều này dẫn đến một niềm tin phổ biến rằng, việc sử dụng cơ quan tình báo sẽ được thành lập trong khuôn khổ các cam kết quốc tế của công quốc kể từ năm 1945.  Mặt khác trong suy nghĩ của công luận Luxembourg thì việc ra đời Cục tình báo nhà nước Luxembourg (SRE) lại cũng gần giống như Spitzeldienst (một cơ quan gián điệp) của thời kỳ bị Đức Quốc xã (ĐQX) chiếm đóng cũng như sự chia rẽ chính trị trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Những ngày tháng đầu tiên

Việc Luxembourg coi thường cơ quan tình báo của mình không phải là hậu quả của một bê bối chính trị như vụ Dreyfus ở Pháp, tuy nhiên nó đã xuất hiện sau 2 lần chiếm đóng quân sự của Đức trong cả 2 cuộc đại chiến thế giới. Những vụ bắt bớ hàng loạt bởi quân đội và cảnh sát chính trị của lực lượng chiếm đóng ở Luxembourg đã dẫn đến sự mất lòng tin rộng rãi từ các hiến binh - những người đã trút bỏ quân phục để mặc thường phục vào đêm trước năm 1914. Họ buộc phải làm như vậy nhằm hiện đại hóa cuộc chiến chống lại tỷ lệ tội phạm gia tăng đi kèm với đà bùng nổ dân số lao động được tuyển dụng bởi ngành công nghiệp thép nhà nước. Thay vì tăng số lượng cảnh sát địa phương và hiến binh (vốn có thể tăng chi phí hoạt động) thì Luxembourg đã tìm cách hợp lý hóa những nguồn lực cần thiết để chống tội phạm.

Điều ít biết về cơ quan tình báo Luxembourg -0
Cargolux, hãng vận tải hàng hóa Luxembourg bị SRE tình nghi là công ty bình phong của tình báo Iran Ảnh nguồn: Cargolux Italy.

Khác với xu hướng đang phát triển ở những quốc gia láng giềng Pháp, Bỉ và Đức, việc thu thập và điều phối thông tin cảnh sát được ưu tiên hàng đầu ở Luxembourg. Năm 1903, một ban chống tội phạm đầu tiên được thành lập gồm 3 người nhằm “tìm kiếm tội phạm và điều phối với cuộc điều tra của tòa án để chuẩn bị bằng chứng ban đầu trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên dự án do Cục công tố Luxembourg giới thiệu đã chết yểu sau một thời gian ngắn triển khai do các thẩm phán tỏ ra lạnh nhạt với nó. Bắt đầu từ năm 1910, chính phủ Luxembourg tìm cách cải thiện việc này bằng cách tổ chức dịch vụ cảnh sát tư pháp dựa trên thông lệ của Bỉ, trong khi đó đề nghị công sứ Luxembourg ở Paris cung cấp thông tin nhằm thành lập các lữ đoàn cảnh sát cơ động. Mô hình “Cục an ninh của Pháp” đã được chọn. Hai hiến binh và 1 sĩ quan được gửi tới Paris trong mùa thu năm 1911 và đầu mùa xuân năm 1914.

Ngày 27/12/1913, Cục an ninh công được thành lập dưới dạng một lữ đoàn cơ động và hoạt động trên toàn quốc, và kèm chỉ thị hoạt động hải ngoại nếu được yêu cầu. Cục này cũng được yêu cầu hỗ trợ các quan chức tư pháp trong việc điều tra án hình sự và những án nhẹ nhằm đảm chắc điều phối các hoạt động của hiến binh và cảnh sát địa phương. Điều này đồng nghĩa là cần thiết phải thiết lập cục nghiên cứu để tập trung vào tình báo nội địa. Với sự phát triển của ngành công nghiệp thép và dòng công nhân Ý nhập cư, cũng như những biến động địa chính trị Châu Âu sau Thế chiến I, cả Nga và Ý cũng như Đức, Bộ Công an Luxembourg đã bổ sung thêm “ban chính trị” vào tháng 11/1929, những nhiệm vụ mới liên quan đến gián điệp được mở rộng ra trong tháng 4/1936, và công tác tuyên truyền vào tháng 10 năm đó. Thế chiến II đã tháo dỡ cấu trúc này khi mà các đặc vụ bị lực lượng ĐQX tái triển khai thành cảnh sát hình sự (Kriminalpolizeiamt).

Trong thời gian lưu vong, chính phủ Luxembourg lần đầu tiên đã thành lập nên cái gọi là biện pháp khẩn cấp trong tháng 7/1940: một dịch vụ tình báo ở Vichy, liên lạc với Bộ Ngoại giao và đặt trụ sở đầu tiên ở Lisbon và kế đó là London. Cuộc xâm lược vùng tự do của Pháp trong tháng 11/1942 và tham vọng của Bộ trưởng Công tố Luxembourg lưu vong nhằm khôi phục toàn bộ quyền lực của hoạt động tình báo nội địa đã dẫn đến việc thiết lập nên Cục hàng không và tình báo đặc biệt (SIAS).  Được mô phỏng theo cơ quan điều hành các hoạt động đặc biệt của Anh (SOE) cũng như được thúc đẩy bởi Cơ quan an ninh nhà nước Bỉ (Anh và Bỉ cùng hợp tác với Luxembourg) đã tạo nên hình hài ban đầu của cái gọi là “dịch vụ tình báo sơ khai chưa được công nhận chính thức” với nhiệm vụ “trực tiếp thiết lập liên lạc với các tổ chức kháng chiến của đại công quốc”. SIAS được chính thức thành lập bởi Đại công tước Luxembourg vào ngày 31/4/1943.

Việc Bộ Tư pháp tiếp quản cơ quan tình báo SIAS đã nói lên bản chất của dịch vụ đặc biệt. Tại ngày giải phóng đại công quốc Luxembourg, 10/9/1944, các hiến binh được triển khai trong lực lượng cảnh sát hình sự đã trả lại chức vụ của họ. SIAS bị giải thể trong tháng 3/1945.

Điều ít biết về cơ quan tình báo Luxembourg -0
Một góc trụ sở của Cục tình báo nhà nước Luxembourg (SRE). Ảnh nguồn: Wikipedia.

Cơ quan đặc biệt cấp nhà nước

Được thành lập theo luật vào ngày 30/7/1960, Cục tình báo nhà nước Luxembourg (SRE) là sự tiếp nối hợp lý của quá trình phát triển này. Thoạt nhìn SRE có vẻ như hồi sinh đặc biệt từ những người lính dù. Các nhà lập pháp thực sự đã trao cho SRE “những nhiệm vụ nhằm đảm bảo canh phòng các bí mật và nghiên cứu thông tin để bảo vệ an ninh của đại công quốc Luxembourg cùng những quốc gia trong hiệp ước phòng thủ chung”. Khi từ bỏ tính trung lập lâu đời, Luxembourg đã trở thành thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949. Họ cũng có căn cứ hoạt động hậu phương trong cuộc chiến bí mật lần đầu tiên được dẫn đầu bởi các cơ quan tình báo Pháp và sau đó là tình báo Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ nhanh chóng nhận thấy lợi thế khi làm việc tại Đại công quốc, nơi mà cảnh sát và hiến binh không bao giờ quan tâm, do họ không được đào tạo về những hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài.

Căng thẳng gia tăng từ Chiến tranh Lạnh đã khiến Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) - hoạt động ở Luxembourg kể từ năm 1950 - đã vận động hành lang cho việc thành lập một cơ quan tình báo hậu phương, một thực thể không có quyền hạn của cảnh sát tư pháp. Tuy nhiên khả năng của Luxembourg khá giới hạn. Sau khi tái tổ chức vào mùa xuân 1946, Bộ Công an nước này có Ban chính trị phụ trách phản gián (Cục 1), giám sát công dân nước ngoài (Cục 2) và Tình báo ngoại giao (Cục 3), cũng như chia sẻ ban giám sát quân sự (IV) với Tham mưu trưởng lục quân. Cơ quan mới được thành lập thực tế là Cục 2 của tham mưu trưởng lục quân, được mô phỏng từ mật vụ Pháp, song trên thực tế nó lại chịu trách nhiệm về an ninh quân sự (bảo vệ chống lại những kẻ lật đổ và an ninh của các địa điểm quân sự) hơn là các lợi ích tình báo quân sự. Tác động của luật năm 1960 (bất chấp nguồn tiền cho của CIA) đã giới hạn việc rút các năng lực chính trị và quân đội từ Bộ Công an cũng như cách mà tham mưu trưởng rút Cục 2 để thành lập SRE.

Theo cách này theo nhận xét của Đại sứ Pháp tại Luxembourg thì đại công quốc đã tự thành lập “Cục phản gián”. Cho đến thời điểm đó, thái độ đề phòng của giới chức cao cấp cũng như người đứng đầu cơ quan hành chính của Đại công quốc đều xem việc thành lập cơ quan gián điệp là thứ thường xuyên bị báo giới công kích, bao gồm cả những tờ báo bảo thủ, vì thế họ đành miễn cưỡng đưa những nhân tố giỏi nhất tới SRE.

Điều ít biết về cơ quan tình báo Luxembourg -0
Chuyên gia phân tích tình báo bên trong SRE. Ảnh nguồn: Le Quotidien.

 Từ chiến tranh lạnh tới chiến tranh chống khủng bố

Bản chất ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh được bắt đầu với sự từ chức của chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 1/3/1947 đã làm biến đổi tình hình. SRE tiếp tục theo dõi phong trào cực tả trong nước cũng như giám sát các phe phái cực hữu còn sót lại. Trong cả hai trường hợp, SRE đều hợp tác với Cục 2 và Văn phòng liên bang về bảo vệ hiến pháp (FOPC) bởi vì trọng tâm để cho 2 cơ quan này giám sát là CHLB Đức khi đó. Hợp tác với CIA cũng có từ trước khi thành lập SRE. Liên hệ ban đầu được thực hiện là vào năm 1950 với Văn phòng điều tra đặc biệt đặt tại Căn cứ không quân Bitburg, khi cục trưởng Cục 2 tiếp quản nơi này vào tháng 7/1958 tại tổng hành dinh CIA. Một quan hệ đối tác mật được tập trung vào việc giám sát các hoạt động Liên Xô ở Luxembourg. Một đại sứ quán đã được mở gồm từ 40 đến 60 nhân viên mặc dù chỉ có từ 3 đến 6 nhà ngoại giao được công nhận, ngoài ngài đại sứ.

Stefan Staszczak, một thành viên của phái đoàn thương mại Ba Lan nằm gần đại sứ quán Ba Lan ở The Hague đã bị bắt vào năm 1967 ngay sau khi anh ta nhận được một thông tin cực kỳ bí mật từ một trong những người liên lạc của mình về việc Tổ chức cung ứng và bảo trì của NATO đang lên kế hoạch chuyển đến Capellen (thị trấn Mamer, phía Tây Nam Luxembourg). Trước đó vào năm 1957, Cục 2 đã chỉ định một sĩ quan tham gia vào mạng lưới nằm vùng, một mạng lưới có sự điều phối của các cơ quan tình báo Pháp, Anh và Mỹ kể từ năm 1949 và đặt văn phòng ngay bên trong Bộ tư lệnh các lực lượng đồng minh tối cao của NATO. Tới năm 1960, mạng lưới này rơi vào tay SRE khiến cơ quan này hoạt động tách biệt, chuyên trách chuẩn bị mọi kế hoạch liên quan đến những nhiệm vụ đặc biệt. Đến tháng 11/1990, cấu trúc này mới bị giải thể.

Năm 1972, tại Thế vận hội Munich, một mối đe dọa mới đã nổi lên: chủ nghĩa khủng bố. SRE đã tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở cả bình diện quốc tế và các phe phái cực tả ở Châu Âu. Ngay cả sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh, SRE vẫn hợp tác chặt chẽ với CHLB Đức để chống khủng bố. Kể từ sự kiện 11/9/2001, SRE đã thay đổi quan điểm, tập trung đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Vào năm 2008, SRE tiết lộ một trong những người Iran làm trung gian của công ty vận tải hàng hóa Luxembourg, Cargolux, có dính líu tới buôn lậu thuốc lá; chưa kể nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, và điệp viên này còn đóng vai trò bình phong cho tình báo Iran. Sau khi sự tồn tại của các mạng lưới nằm vùng bị phanh phui ngay mùa thu năm 1990, một phiên tòa đã bắt đầu đưa ra xét xử vụ này ngay mùa xuân 2013.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.
.