Ngăn chặn ma túy từ xa

Thứ Hai, 09/01/2023, 10:20

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, Bộ Công an, do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.

Khu vực phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia được xem là “địa bàn nóng” về tội phạm ma túy của Việt Nam...

Chặn ma túy từ biên giới

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện đưa ra vấn đề trên tại Hội nghị lần thứ III giữa Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an Việt Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục chống ma túy, Tổng cục Công an quốc gia, Bộ Nội vụ, Vương quốc Campuchia được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 5/1/2023.

3.jpg -0
Ký kết hợp tác phối hợp phòng, chống ma túy giữa ba bên tại Hội nghị ngày 5/1/2023

Theo đó, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.137 km gồm 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia, có 12 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu chính, 26 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở qua lại hai bên biên giới. Trên tuyến có hệ thống giao thông liên kết giữa hai nước bằng đường biển, đường sông và đường bộ, là điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, thương mại, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội giữa hai nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn tiềm ẩn nguy cơ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội qua biên giới, đặc biệt là tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết thời gian gần đây, các đối tượng đã và đang gia tăng, đẩy mạnh các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan về Campuchia. Sau đó, chúng tìm cách vận chuyển với số lượng lớn qua biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nội địa, hoặc vận chuyển đi địa bàn thứ 3 như Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… 

Đề cập về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ở địa bàn biên giới này, Thượng tá Hoàng Tâm Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, cho biết, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động hết sức tinh vi, khép kín dựa trên cơ sở quan hệ sẵn có giữa các dân tộc, họ hàng, anh em trong gia đình, sử dụng mạng xã hội: Facebook, Wechat, Zalo... điện thoại di động, bộ đàm để liên lạc và tiến hành các hoạt động giao dịch ma túy.

Các đối tượng người Campuchia móc nối với các đối tượng người Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, buôn bán; đối tượng không nghề nghiệp, lao động tự do hoặc các đối tượng thường xuyên sang đánh bạc tại casino của Campuchia ở khu vực biên giới để vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ.

Các đối tượng còn thường xuyên móc nối với đối tượng đầu nậu tại Campuchia để thành lập đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Mỗi mắt xích trong đường dây phụ trách công đoạn vận chuyển trái phép chất ma túy một quãng đường nhất định, chúng không biết mặt nhau, chỉ nhận diện qua ám, tín hiệu đã thống nhất từ trước. Ma túy thường được giao tại nhà các đối tượng thứ cấp ở TP Hồ Chí Minh sau đó mang đi các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Thủ đoạn cất giấu ma túy cũng thường xuyên được các đối tượng phạm tội thay đổi nhằm che mắt các lực lượng chức năng. Theo Thượng tá Hoàng Tâm Hiếu, ma túy được các đối tượng cất giấu chủ yếu là trong người, khoảng trống tự nhiên hoặc tự tạo của các phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ, hoặc giấu lẫn trong các hàng hóa cồng kềnh như kiện hàng, máy móc khó kiểm tra qua các đường mòn, tiểu ngạch để vận chuyển vào Việt Nam.

Thực tế gần đây, lực lượng phòng chống ma túy Việt Nam đã triệt phá một số vụ án mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy với số lượng lớn được cất giấu trong các gói trà nhãn hiệu Trung Quốc để mang vào Việt Nam và chuyển tiếp đi các nước khác.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc) lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” để sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Chúng đã triệt để lợi dụng địa bàn rộng, đường biên giới dài, có nhiều đường tiểu ngạch, lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy còn mỏng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ còn thiếu... để hình thành nên các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Riêng trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, thông qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng Việt Nam - Campuchia xác định trên toàn tuyến biên giới hai nước tình hình tội phạm ma túy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Ma túy được mua bán, vận chuyển trái phép từ các tỉnh Kampong Cham, Prey Veng, Svay Rieng vào tỉnh Tây Ninh, Việt Nam; một số đường dây khác được vận chuyển trái phép qua tuyến đường mòn dọc biên giới khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum, cửa khẩu Hoàng Diệu, Hoa Lư, tỉnh Bình Phước, địa bàn các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đưa vào nội địa tiêu thụ.

Ngăn chặn ma túy từ xa -0
Đối tượng Vũ Hoàng Oanh bị di lý từ Campuchia về Việt Nam phục vụ điều tra

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, với sự hợp tác tích cực, thời gian qua Việt Nam và Campuchia đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống tội phạm ma túy. Trong đó, về cơ chế trao đổi thông tin, hiện nay, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an, tiếp tục duy trì trao đổi thông tin về tình hình tội phạm ma túy thường xuyên và định kỳ 3 tháng/ lần với Cục Chống ma túy Campuchia thông qua đường dây nóng được thiết lập từ năm 2019. Các tỉnh đối biên của hai nước tích cực triển khai trao đổi thông tin qua các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) của hai nước.

Triệt phá nhiều chuyên án vận chuyển hàng tấn ma túy vào Việt Nam

Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, năm 2022, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phối hợp với Cục Chống ma túy, Tổng cục Công an quốc gia, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, phá 4 chuyên án điển hình, trong đó đã bắt giữ 2 đối tượng truy nã nguy hiểm, cầm đầu nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào Việt Nam. Một trong hai đối tượng này là Vũ Hoàng Oanh (còn gọi là Oanh “Hà”, chị gái của “bà trùm” Vũ Hoàng Dung - Dung “Hà” trong vụ án Năm Cam) với 7 tiền án, tiền sự.

Từ tháng 5/2018, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phá chuyên án do Vũ Hoàng Oanh cầm đầu, tuy nhiên “bà trùm” này đã bỏ trốn sang nước ngoài. Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã ra quyết định truy nã đặc biệt Vũ Hoàng Oanh về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và có lệnh truy nã quốc tế của Interpol.

Tuy nhiên, sau khi sang nước ngoài trốn, Vũ Hoàng Oanh vẫn tiếp tục thu nạp nhiều đàn em bị truy nã, các nghi phạm cộm cán hình thành đường dây mua bán ma túy từ khu vực Tam giác vàng về TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng tiêu thụ.

Thủ đoạn của các nghi phạm là giấu ma túy trong các lốc máy ô tô đã qua sử dụng, rồi thuê người vận chuyển từ nước ngoài về TP Hồ Chí Minh tập kết. Tại kho hàng, nhóm nghi phạm tháo các lốc máy lấy ma túy rồi giao cho các khách mua sỉ trên địa bàn. Ngoài ra, ma túy còn được vận chuyển về chi nhánh Công ty Vận tải Bắc Việt ở quận 12, TP Hồ Chí Minh, sau đó đưa ra trụ sở chính công ty ở Hà Nội giao cho Phạm Thế Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Sky House, để vận chuyển ra Hải Phòng tiêu thụ...

Ngăn chặn ma túy từ xa -0
Ma túy thu giữ trong đường dây của “bà trùm” Oanh “Hà”

Sau khi làm rõ đường dây mua bán ma túy cộm cán này và bắt giữ nhiều đối tượng, một thời gian sau, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phối hợp cùng cơ quan đại diện Bộ Công an tại nước ngoài và các lực lượng chức năng của nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng bắt giữ 4 người: Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Ngọc Sơn (là đối tượng truy nã đặc biệt về ma túy của Công an tỉnh Quảng Ninh) và Vũ Hoàng Oanh, đang bị truy nã quốc tế.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giữ 29 người, thu giữ 131 kg ma túy các loại, bước đầu làm rõ nhóm nghi phạm trong đường dây do Oanh “Hà” cầm đầu đã mua bán, tiêu thụ trái phép trên 1,6 tấn ma túy.

Quá trình đấu tranh khai thác 2 đối tượng truy nã nguy hiểm, cầm đầu nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào Việt Nam như kể trên, các đối tượng này khai nhận đã vận chuyển trót lọt vào Việt Nam hàng tấn ma túy. Bên cạnh đó, Công an 10 tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát hiện, bắt giữ trên 2.000 vụ, hơn 3.000 đối tượng. Vật chứng thu giữ gồm hơn 18 kg ma túy tổng hợp; hơn 20 kg heroin; 0,03 kg thuốc phiện; hơn 800 cây và 136 kg cần sa; hơn 238 triệu đồng; 6 khẩu súng cùng nhiều đồ vật, tài sản có liên quan...

Đây là những minh chứng điển hình cho sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng hai nước Việt Nam - Campuchia trong năm qua.  Ngoài ra, trong công tác bắt giữ các đối tượng truy nã về ma túy, lực lượng chức năng hai nước Việt Nam - Campuchia cũng đã phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi, xác minh thông tin, phối hợp bắt giữ các đối tượng truy nã phạm tội về ma túy tại nước này lẩn trốn sang nước kia, kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng địa bàn để hoạt động phạm tội về ma túy.

Trên toàn tuyến biên giới, Công an 10 tỉnh giáp Campuchia và TP Hồ Chí Minh đã vận động đầu thú, bắt giữ 21 đối tượng, hiện còn 105 đối tượng truy nã về ma túy, trong đó có 16 đối tượng truy nã về ma túy hiện nghi vấn lẩn trốn ở Campuchia...

Thượng tá Hoàng Tâm Hiếu cho biết thời gian tới, lực lượng chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng phòng, chống ma túy Vương quốc Campuchia xác minh, truy bắt các đối tượng này nhằm ngăn chặn các đường dây phạm tội ma túy xuyên quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại địa bàn phía Nam, đặc biệt trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng Vương quốc Campuchia sẽ tập trung triển khai hiệu quả các Hiệp định/ Biên bản hợp tác về kiểm soát ma túy, chất hướng thần và tiền chất giữa hai nước và Tuyên bố chung tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia (được tổ chức vào tháng 9/2019 tại Hà Nội).  Đồng thời, hai nước sẽ đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin thường xuyên, chính xác và kịp thời về tội phạm ma túy có liên quan đến hai nước thông qua đường dây nóng đã thiết lập giữa hai nước và các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) đặt tại các tỉnh đối biên.

Phối hợp trong việc xác lập chuyên án về ma túy để đấu tranh chung, phối hợp bắt giữ các đối tượng truy nã giữa lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Việt Nam và lực lượng Công an quốc gia Campuchia.

Tăng cường công tác phòng, chống ma túy tại địa bàn Campuchia theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về phòng ngừa ma túy từ sớm, từ xa, góp phần ngăn chặn nguồn cung ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua các nước để vào Việt Nam.

Phú Lữ
.
.
.