Israel: Nội các mới không có lợi cho hòa bình Trung Đông

Thứ Tư, 13/05/2015, 15:00
Vậy là sau hơn một tháng trầy trật xây dựng liên minh cầm quyền sau khi thắng cử, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rốt cuộc cũng đã tập hợp được một liên minh chính phủ bao gồm những người hữu khuynh, với tỉ lệ đa số mỏng manh. Với thành phần chính phủ mới này, giới bình luận đánh giá sẽ không có lợi cho tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel với người Palestine và khối Arập nói chung.

Việc hình thành liên minh cầm quyền của ông Netanyahu đã gặp trở ngại ngoài dự kiến sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Avigdor Lieberman và đảng hữu khuynh Yisrael Beiteinu của ông này đột ngột rút khỏi liên minh vào ngày 4/5, đẩy tiến trình đàm phán thành lập chính phủ vào thế bế tắc, và ông Netanyahu buộc phải vật lộn để cứu vãn quyền thành lập nội các trước hạn chót ngày 7/5.

Trong tình thế khó khăn đó, ông Netanyahu buộc phải quay sang đàm phán liên minh với đảng Jewish Home. Chính phủ liên minh mới chỉ được hình thành vào “phút 89”, ngay trước hạn chót, nhờ sự nhượng bộ của Thủ tướng Netanyahu trước các đòi hỏi của đảng Jewish Home do Naftali Bennett lãnh đạo và hai bên đã đi đến việc ký kết thỏa thuận. Liên minh này hiện chiếm 61/120 ghế tại quốc hội, bao gồm đảng Likud của ông Netanyahu, đảng trung tả Kulanu của Moshe Kahlon, đảng Chính thống giáo cực đoan Shas, United Torah Judaism, và Jewish Home.

Moshe Kahlon, thủ lĩnh đảng Kulanu.

Theo đánh giá của giới quan sát, việc chọn lựa Jewish Home vào liên minh cầm quyền sẽ khiến cho Chính phủ mới tại Israel thiếu ổn định hơn, đồng thời Israel sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trên bình diện quốc tế. Bennett là một người có quan điểm hữu khuynh cứng rắn, với thành phần ủng hộ chủ yếu là tôn giáo dân tộc, do đó ảnh hưởng của ông này sẽ tạo ra tình hình mới là Israel sẽ khó quay trở lại bàn đàm phán hòa bình với người Palestine. Isaac Herzog, lãnh đạo đảng Zionist Union vừa thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, đánh giá chính phủ liên minh mới này là một “chính phủ quốc gia thất bại”, và đưa ra dự báo chính phủ này sẽ trở nên “vô trách nhiệm, bất ổn và không thể điều hành” đất nước.

Israel đang chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế. Cụ thể là, nước Pháp đang soạn thảo một dự thảo Nghị quyết mới dự kiến trình lên Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi thành lập một nhà nước của người Palestine.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Chủ tịch đảng Ngôi nhà Do Thái Naftali Bennett họp báo sau khi ký kết thỏa thuận liên minh.

Động thái của Pháp là một biểu hiện cho thái độ bất bình đang ngày càng gia tăng trong khối Liên minh châu Âu (EU). Song song đó, quan hệ bất hòa giữa Israel và chính quyền Mỹ xoay quanh vấn đề Palestine chưa có dấu hiệu hòa giải sau những động thái xé rào các giao ước trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Israel vừa qua (trước thềm bầu cử) của Thủ tướng Netanyahu.

Mấu chốt bất hòa giữa Israel với chính quyền Mỹ và gây bất bình trong EU chính là việc Israel không nhượng bộ và cương quyết theo đuổi chính sách xây dựng các khu định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestine sau cuộc chiến năm 1967. Yêu cầu tiên quyết đặt ra cho đàm phán hòa bình là Israel phải ngưng chương trình xây dựng nhà ở tại các khu định cư, ngưng các dự án lấn chiếm đất của người Palestine. Việc Israel không thực hiện yêu cầu này đồng nghĩa đàm phán sẽ không thể được tái khởi động.

Trong khi đó, đảng Ngôi nhà Do Thái của ông Bennett chắc chắn sẽ thúc đẩy việc mở rộng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Chưa dừng lại đó, ông Bennett còn kêu gọi thâu tóm thêm một phần lãnh thổ khu Bờ Tây nằm ngoài phạm vi các khu đất mà ông Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng nhà ở định cư nhằm chiếm giữ đất để tạo cơ sở thực tế cho thỏa thuận hòa bình trong tương lai với người Palestine.

Lãnh đạo đối lập Isaac Herzog.

Nhìn vào thành phần các đảng phái trong liên minh chính phủ mới, giới quan sát cho rằng, do tham vọng phải nắm quyền sau khi để mất một đồng minh quan trọng là ông Lieberman mà ông Netanyahu đã chấp nhận nhượng bộ các yêu cầu của những đảng hữu khuynh, nhất là các đảng cực đoan, cứng rắn.

Trong các yêu cầu đó, có thể ông Netanyahu sẽ đẩy mạnh việc thay đổi những quy định pháp luật nghiêm ngặt đối với Chính thống giáo cực đoan, đồng thời sẽ trao cho các đảng cứng rắn như Ngôi nhà Do Thái các vị trí quan trọng trong chính phủ mới, từ đó có thể dẫn đến những chính sách mới của Chính phủ Israel gây thêm nhiều bất ổn, khó khăn không chỉ trong vấn đề đàm phán với người Palestine mà còn trong quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arập trong khu vực. Trong chiều hướng này, người ta còn lo ngại rằng ông Netanyahu sẽ phụ thuộc và bị ràng buộc bởi các lợi ích cá nhân tham gia liên minh cầm quyền.

Giới phân tích cũng đưa ra một giải pháp an toàn hơn và khả quan hơn cho ông Netanyahu là việc bổ sung lãnh đạo đối lập Herzog vào liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, mọi việc còn tùy vào khả năng ông Netanyahu có thuyết phục được ông Herzo tham gia liên minh hay không, bởi vì như trên đã nêu, Herzog là một trong những người chỉ trích cách ông Netanyahu thành lập liên minh cầm quyền và thành phần đảng phái tham gia liên minh, cho nên chưa chắc Herzog sẽ chịu tham gia liên minh này.

Vậy là sau hơn một tháng trầy trật xây dựng liên minh cầm quyền sau khi thắng cử, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rốt cuộc cũng đã tập hợp được một liên minh chính phủ bao gồm những người hữu khuynh, với tỉ lệ đa số mỏng manh. Với thành phần chính phủ mới này, giới bình luận đánh giá sẽ không có lợi cho tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel với người Palestine và khối Arập nói chung.

An Châu (tổng hợp)
.
.
.