Ai sẽ thay thế ông Yoshihide Suga?

Thứ Năm, 09/09/2021, 19:01

Ngày 3-9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố với báo giới về việc ông sẽ không tiếp tục ra tranh cử chức vụ lãnh đạo đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP), đồng nghĩa với việc ông sẽ không tiếp tục làm Thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử lãnh đạo đảng này vào ngày 29-9 tới.

Từ chức vì COVID-19?

“Cuộc chiến chống COVID-19 tốn rất nhiều năng lượng và tôi không cảm thấy có thể tiếp tục cuộc chiến đó đồng thời với việc tranh đấu cho chức vụ lãnh đạo đảng trong cuộc bầu cử sắp tới”, ông Suga nói với báo chí hôm 3-9.

Năm nay 73 tuổi, ông Suga được đánh giá là một chính khách điềm đạm, kín tiếng, am tường nội các trong suốt nhiều năm, là đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng tiền nhiệm Shinzo Abe. Khi đảng LDP lên nắm quyền năm 2012, ông Suga được bầu làm Chánh Văn phòng nội các và đảm nhiệm chức vụ này cho đến hết nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Abe, trở thành Chánh Văn phòng nội các tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản.

Ông tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 16-9-2020 sau khi ông Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Thế nhưng, chưa tròn một năm sau, chính ông lại tuyên bố từ chức vì lý do rất “thời sự”: do tác động của đợt dịch COVID-19 thứ 4 ở Nhật Bản.

Ai sẽ thay thế ông Yoshihide Suga? -0
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Một năm nắm giữ chức thủ tướng chưa đủ để ông làm được điều gì đó để lại dấu ấn sâu đậm cho đất nước Nhật Bản, do đó cũng chưa thể đánh giá ông thành bại như thế nào. Các chính sách của ông Suga chủ yếu là tiếp nối những gì người tiền nhiệm Abe còn làm dở dang và hoàn tất chúng. Trong đó, kỳ Thế vận hội Tokyo 2020 (chuyển sang 2021) vừa kết thúc là một chấm sáng đáng ghi nhận. Ông Suga hy vọng Thế vận hội Tokyo sẽ giúp nâng cao uy tín của ông. Tuy nhiên, bất chấp số huy chương kỷ lục cho Nhật Bản, sự ủng hộ dành cho ông thậm chí còn giảm xuống thấp hơn. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ ủng hộ đối với chính phủ của ông dao động quanh 25%.

Vấn đề khiến người dân Nhật Bản quan tâm nhất là kiềm chế và đẩy lùi đại dịch COVID-19 thì ông vẫn chưa làm được gì nhiều, thậm chí tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 liên tục gia tăng ngay cả khi chính phủ áp dụng biện pháp tình trạng khẩn cấp. Tokyo đang trong tình trạng khẩn cấp lần 4, đã được gia hạn nhiều lần và dự kiến sẽ tiếp tục gia hạn trước thời hạn chót dự kiến vào ngày 12-9.

Mặc dù gần một nửa dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ (2 mũi) nhưng số ca mắc đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong những tuần gần đây ở Nhật Bản do biến thể Delta dễ lây lan hơn. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận gần 1,6 triệu ca nhiễm và gần 16.000 trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cũng phát sinh từ đại dịch khiến ông Suga cảm thấy mệt mỏi. Cuối tháng 8, ông quyết định thay thế Tổng Thư ký đầy quyền lực của đảng LDP, ông Toshihiro Nikai và cải tổ nội các nhằm tìm cách xoay chuyển dư luận nhưng dường như không mang lại kết quả. Ông Suga cho rằng động thái này không đủ để cứu vãn tình thế nguy cấp của chính phủ và cần phải có một cuộc thay đổi lớn.

Ai sẽ thay thế ông Suga?

Hiện tại, đảng LDP và các đồng minh nắm thế đa số trong Hạ viện cho nên bất cứ ai giành được ghế lãnh đạo đảng này cũng đồng nghĩa trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản.

Tuy nhiên, lãnh đạo mới của LDP sẽ chỉ có vài tuần ngắn ngủi trước khi bước vào cuộc chiến mới giành lá phiếu của cử tri Nhật Bản trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra ngày 17-10. Mặc dù tỉ lệ ủng hộ ông Suga giảm khá sâu, LDP vẫn áp đảo chính trị Nhật Bản, vì vậy bất kỳ ai được chọn trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng này đều có khả năng cao giành được chiếc ghế trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo.

Ngay sau khi ông Suga tuyên bố không tiếp tục ứng cử, một số ứng cử viên đã cho biết họ quan tâm đến việc tranh cử vị trí lãnh đạo LDP. Các nhà quan sát nhận định, khi ông Suga ra đi, thêm nhiều ứng cử viên có thể sẽ xuất hiện và không rõ ai có khả năng trở thành người đứng đầu LDP.

Trong số những người được dư luận chú ý có cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, năm nay 64 tuổi. Ông được đánh giá là người có quan điểm chính trị “bồ câu”. Ông Kishida đã lên tiếng thách thức chiếc ghế thủ tướng của ông Suga và đưa ra lời hứa sẽ tung gói hỗ trợ kích thích kinh tế do đại dịch COVID-19. Hiện ông Kishida đang là ứng cử viên dẫn đầu cuộc đua vào chiếc ghế lãnh đạo LDP nhưng đều này có thể thay đổi khi có thêm nhiều ứng cử viên tham gia.

Người thứ hai là ông Taro Kono, năm nay 58 tuổi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, người chịu trách nhiệm triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho Nhật Bản, được mệnh danh là “ông hoàng vaccine” Nhật Bản. Taro Kono từng được đánh giá là một chính khách có tinh thần cải cách đầy tham vọng và có đầu óc độc lập nhưng gần đây ông đã thay đổi, giảm bớt tham vọng và quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề xã hội, tránh các vấn đề chiến tranh và xung đột, những vấn đề mâu thuẫn lịch sử giữa Nhật Bản với các nước láng giềng.

Theo sau ông Taro Kono là 2 cái tên “diều hâu” trong chính trị Nhật Bản. Đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 64 tuổi, xuất thân gia đình chính khách nhưng bản thân là một doanh nhân. Ông Ishiba có quan điểm diều hâu trong vấn đề an ninh quốc phòng, từng đòi tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và xem xét lại chính sách cấm vũ khí hạt nhân trên đất Nhật Bản. Ông Ishiba từng rời bỏ đảng LDP, vì thế người ta cho rằng ông sẽ khó thu được lá phiếu ủng hộ của các thành viên trong đảng.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi, năm nay 60 tuổi, là người phụ nữ duy nhất xuất hiện trong cuộc đua. Không hổ danh “người đàn bà thép” của Nhật Bản, bà Takaichi với quan đểm chích trị dân tộc chủ nghĩa cực đoan từng nhiều lần đến viếng đền Yasukuni, nơi thờ các chiến binh Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới II nhưng bị các nước láng giềng xem là tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, theo dự đoán không chính thức, cũng như ông Ishiba, bà Takaichi không có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc đua lần này.

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.