Ông Trump liệu có "thoát hiểm"?

Thứ Tư, 05/02/2020, 16:49
Việc Thượng viện Mỹ (ngày 31/1) bỏ phiếu bác đề nghị triệu tập các nhân chứng và tài liệu mới trong phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump được xem là động thái mở đường cho khả năng tha bổng ông chủ Nhà Trắng trong những ngày tới.

Tuy nhiên, trước cuộc bỏ phiếu để ra phán quyết cuối cùng (ngày 5/2), vẫn có nhiều điều có thể xảy ra và liệu đây đã phải là quyết định cuối cùng hay chưa.

Với tỉ lệ 51 phiếu chống và 49 phiến thuận, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã ngăn cản được nỗ lực của đảng Dân chủ trong việc mời ra tòa các nhân chứng như cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người được cho là nắm thông tin trực tiếp về vụ bê bối liên quan đến Ukraine của ông Trump.

Ông Trump nhiều khả năng được tha bổng trong phiên tòa luận tội.

Việc đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện với 53 ghế so với 47 ghế của đảng Dân chủ, khả năng đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để có thể kết tội và bãi nhiệm tổng thống là điều khó có thể xảy ra. Đồng nghĩa với việc phiên xét xử luận tội Tổng thống Donald Trump sẽ có một kết thúc quan trọng trong tuần này, theo đó tha bổng cho nhà lãnh đạo Mỹ, đang liên quan tới các cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội, sau khi yêu cầu triệu tập các nhân chứng của đảng Dân chủ bị bác bỏ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có thể vẫn còn nhiều diễn biến xảy ra trước cuộc bỏ phiếu để ra phán quyết cuối cùng (vào ngày 5/2), vốn được cho là sẽ kết thúc cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng qua.

Ngày 3-2, những người chịu trách nhiệm về việc luận tội tại Hạ viện và đội ngũ biện hộ cho Tổng thống Trump đã trở lại Thượng viện để đưa ra kết luận cuối cùng của mình trong phiên xét xử, và đây cũng là ngày cuộc bầu cử tổng thống 2020 bắt đầu khởi động với các cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên diễn ra ở bang Iowa (để tìm ra ứng cử viên chính thức cho đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống). Ngày 4/2, Tổng thống Trump đọc thông điệp liên bang.

Liệu một số thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ có cùng với các thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu tha bổng Tổng thống Trump, giúp ông tuyên bố rằng ông đã được cả hai đảng miễn tội? Liệu cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện ngày 5/2 có phải là quyết định cuối cùng về vấn đề này hay không?

Trong bối cảnh chắc chắn Tổng thống Trump sẽ được tha bổng, một trong những câu hỏi quan trọng nhất là liệu có nghị sĩ nào của đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu cùng với đảng Cộng hòa để tha bổng cho Tổng thống Trump hay không? Điều này sẽ có một ý nghĩa chính trị lớn.

Ba thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ tới từ các bang nơi vẫn ủng hộ Tổng thống Trump - Doug Jones của bang Alabama, Joe Manchin của bang Tây Virginia và Kyrsten Sinema của bang Arizona- trong suốt cuối tuần qua vẫn giữ im lặng về ý định của họ.

Họ là 3 trong số 47 thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ tự do đã từng bỏ phiếu ủng hộ việc kéo dài phiên xét xử Tổng thống Trump bằng cách triệp tập thêm các nhân chứng nhưng không thành công.

Nếu có thêm một hoặc nhiều hơn nữa các thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ bỏ phiếu tha bổng cho Tổng thống Trump - thậm chí là bỏ phiếu chống lại chỉ một điều khoản luận tội và ủng hộ điều khoản còn lại - thì ông Trump có thể tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử của mình rằng ông đã được cả hai đảng xác định là không có tội.

Thượng nghị sĩ Manchin đã tuyên bố rằng ông sẽ không quyết định lá phiếu của mình cho tới khi ông bước vào phòng họp ngày 5-2. Thượng nghị sĩ Jones cho biết ông sẽ công bố quyết định của mình trước cuộc bỏ phiếu, để chắc chắn rằng quyết định của ông là đúng. Còn bà Sinema vẫn chưa cho biết khi nào bà sẽ thông báo về quyết định của mình.

Tương tự như vậy, hiện cũng chưa rõ liệu Tổng thống Trump có bày tỏ hối tiếc hay chút ăn năn nào về các hành động của ông đối với Ukraine hay không.

Thượng nghị sĩ Lamar Alexander của bang Tennessee là một trong số nhiều thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa bỏ phiếu ngăn chặn việc triệu tập thêm các nhân chứng mới hôm 31/1 để phiên xét xử luận tội sớm kết thúc, cho dù ông và những người khác cho rằng hành động của ông Trump là "không phù hợp" và "sai lầm".

Trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" của NBC, ông nói: "Điều tôi hy vọng ông ấy sẽ làm khi đọc Thông điệp liên bang, đó là ông ấy hoàn toàn gác lại cuộc luận tội này, không đề cập tới nó, và nói về điều mà ông ấy sẽ làm cho đất nước và nước Mỹ đang đi tới đâu".

Theo Alexander và các thượng nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa, cho dù Tổng thống Trump bị Hạ viện đưa ra những cáo buộc, song không thể buộc tội ông từ những cáo buộc này. Họ nói rằng các cử tri cần đưa ra quyết định đó vào tháng 11 tới. Điều đó khiến "số phận" của Tổng thống Trump vẫn đang ở tình trạng bấp bênh.

Một cuộc thăm dò dư luận của NBC News và Wall Street Journal phối hợp thực hiện công bố ngày 2/2 cho thấy đa số cử tri Mỹ tin rằng Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất đồng lớn về việc liệu ông có cần bị cách chức hay không.

Việc tha bổng cho Tổng thống Trump vào ngày 5/2 không có nghĩa rằng những khía cạnh khác của vấn đề Ukraine cũng kết thúc. Cả Chủ tịch Hạ viện Pelosi và Hạ nghị sĩ Adam Schiff của đảng Dân chủ - người chịu trách nhiệm hàng đầu về cuộc luận tội Tổng thống ở Hạ viện - vẫn chưa loại bỏ khả năng thuyết phục cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ra làm chứng tại Hạ viện nếu ông Trump được tha bổng.

Trong một bản thảo chưa được công bố, ông Bolton đã viết rằng, trong một cuộc họp ở Phòng Bầu dục hồi đầu tháng 5/2019, Tổng thống Trump đã yêu cầu ông tăng cường những nỗ lực nhằm buộc Ukraine điều tra các thành viên của đảng Dân chủ; ông Trump đã phủ nhận điều đó.

Ông Bolton cũng viết rằng Tổng thống Trump nói rằng ông muốn tiếp tục đóng băng viện trợ quân sự cho Ukraine cho tới khi nước này hỗ trợ thực hiện các cuộc điều tra chính trị.

Cuốn sách của ông Bolton dự kiến được xuất bản vào tháng 3 tới. Các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu chống lại việc yêu cầu ông Bolton ra làm chứng.

Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói với các phóng viên: "Hiện nay vấn đề nằm ở Thượng viện. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra tiếp theo".

Nguyễn Quang
.
.
.