Việc lạm dụng học thêm vẫn chưa thể chấm dứt nếu không thay đổi cách kiểm tra đánh giá
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trước khi ban hành chính thức. Nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm "mở" theo tinh thần mà dự thảo Thông tư đưa ra khi dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, chính đáng đối với cả giáo viên và học sinh; giáo viên cần được dạy thêm một cách đàng hoàng, phù hợp.
Tuy vậy, để việc dạy thêm và học thêm được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, minh bạch, hiệu quả, tránh bị lạm dụng, biến tướng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá. PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội về vấn đề này.
PV: Với tư cách cá nhân, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về dự thảo Thông tư quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến dư luận?
PGS.TS Trần Thành Nam: Chúng ta cần quay trở lại bản chất vấn đề rằng liệu trong bối cảnh hiện nay học sinh có cần học thêm không, giáo viên có nên dạy thêm không? Quan điểm cá nhân của tôi là học sinh cần học thêm. Dẫu chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã hướng đến những năng lực phẩm chất toàn diện của người học nhưng sống trong nền kinh tế tri thức, tinh thần học tập suốt đời, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 khi tri thức nhân loại tăng lên theo cấp số nhân và với tiếp cận đa trí thông minh, mỗi học sinh là một cá thể độc đáo thì một chương trình học chung không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa học tập của người học, một chương trình chung không thể giúp phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tài năng từ sớm. Những học sinh tài năng sẽ cần học thêm những chương trình làm giàu, chương trình tăng tốc hoặc nâng cao để phát triển tối ưu những tiềm năng. Bên cạnh đó, dù là chương trình GDPT mới cũng không thỏa mãn những định hướng nghề nghiệp khác nhau của một cá nhân yêu cầu lộ trình học tập và rèn luyện những năng lực và phẩm chất nghề nghiệp khác nhau. Chính vì vậy, để phát triển tối đa tiềm năng của cá nhân, nhu cầu học thêm là hoàn toàn có thật và chính đáng. Ngoài ra, quan điểm cá nhân tôi là ủng hộ việc người giáo viên được dạy thêm một cách phù hợp. Dạy thêm ở đây được hiểu là họ sử dụng những năng lực, kỹ năng chuyên môn sâu đã qua đào tạo để tạo ra giá trị mới và kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng. Điều này còn tốt hơn việc cấm giáo viên không được dạy thêm. Vì có một bộ phận không nhỏ giáo viên để mưu sinh nên sáng lên lớp, tối lên sóng bán hàng livestream, môi giới bất động sản hay đầu tư chứng khoán hoặc tiền số dẫn đến thiếu đầu tư cho nghề, nhạt nghề dẫn đến bỏ nghề. Vì vậy, tôi ủng hộ dự thảo thông tư về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến, đặc biệt khi nó nhấn mạnh đến những nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và công khai trong việc dạy thêm, học thêm. Vấn đề là làm thế nào để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả.
PV: Một trong những điểm tích cực của dự thảo Thông tư là việc nhấn mạnh nguyên tắc tự nguyện trong dạy thêm, học thêm; đưa ra các quy định chi tiết nhằm hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; yêu cầu về tính minh bạch, công khai trong hoạt động dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, việc giám sát và thực thi các quy định này liệu có là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý hiện nay không, thưa ông?
PGS.TS Trần Thành Nam: Mặc dù ủng hộ quyền được học để phát triển năng lực theo nhu cầu của người học trong bối cảnh học tập suốt đời, quyền được dạy thêm của người giáo viên nhưng cá nhân tôi cho rằng cũng cần phải bảo vệ được người học khỏi sự quá tải do kỳ vọng của xã hội và người lớn về khối lượng học tập, bảo vệ người học khỏi xung đột lợi ích có thể dẫn đến bị phân biệt đối xử trong lớp học chính khóa, đảm bảo người dạy không lơ là chương trình chính khóa để tập trung vào dạy thêm, đảm bảo những học sinh gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn nhận dược những sự hỗ trợ cần thiết trong khuôn khổ giờ học chính thức. Với cách tiếp cận đó, Thông tư cần phải đưa ra được những giải pháp khả thi thì mới có thể giải quyết được hết những vấn đề đặt ra nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của tất cả các đối tượng liên quan. Như thế, sẽ rất khó khăn nếu như Thông tư quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm không có những giải pháp đột phá, không đặt vào bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay để tận dụng sức mạnh của nó.
Tôi cho rằng công nghệ có thể góp phần giải quyết được vấn đề này. Ví dụ, chúng ta cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương. Bất cứ một chương trình dạy thêm nào đều phải đăng ký trên hệ thống này, trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa, không trùng lắp về yêu cầu cần đạt đã được thỏa mãn trong chương trình GDPT. Các học phần dạy thêm sẽ có những hoạt động học trên hệ thống trực tuyến và có những phần học trực tiếp nhưng việc đánh giá phải được thực hiện trên hệ thống. Những hệ thống như vậy có thể phân tích dữ liệu học tập của học sinh, đưa ra đề xuất phù hợp về thời gian học, nội dung học thêm để không quá tải và theo thiên hướng nghề nghiệp, tiềm năng của từng cá nhân. Hệ thống này cũng sẽ giúp đánh giá chất lượng dạy của giáo viên trong từng lĩnh vực cụ thể, cung cấp phản hồi để giáo viên cải tiến chất lượng giảng dạy, chia sẻ với phụ huynh về sự tiến bộ của học sinh và chia sẻ với cơ quan quản lý để đảm bảo tính minh bạch về nội dung, thời gian dạy thêm. Cần nghĩ đến việc ứng dụng blockchain để lưu trữ và xác minh chứng chỉ mà người học nhận được từ các khóa học thêm để đảm bảo tính minh bạch, chống gian lận, đồng thời dễ dàng để nhà tuyển dụng và cơ quan quản lý có thể kiểm tra khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, để quản lý việc học thêm và dạy thêm trong bối cảnh có rất nhiều văn bản quản lý sẽ ra đời ví dụ như Luật Nhà giáo với đề xuất nhà giáo sẽ cần có chứng chỉ hành nghề thì tôi cho rằng nên có thêm quy định chỉ những người có chứng chỉ hành nghề nhà giáo mới được đăng ký dạy thêm trên hệ thống. Điều này giúp khẳng định rõ hơn vị thế nhà giáo, đồng thời có sự phân biệt rõ giữa những khóa học được kiểm chứng chất lượng với những khóa học kỹ năng tự phát đang lan tràn trên thực tế không được kiểm định chất lượng và nhiều khóa học có dấu hiệu lừa đảo. Ngoài ra, vì sẽ không thể có một thông tư khác hướng dẫn thực hiện Thông tư quản lý dạy thêm và học thêm nên tất cả những cơ chế, quy trình triển khai, giám sát, vai trò các bên cùng với những chiến lược đột phá phù hợp với bối cảnh rất nhiều các văn bản khác đã ra đời hoặc đang trong quá trình phê chuẩn cũng cần phải được tích hợp vào thông tư này nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.
PV: Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, hiện cũng có một số ý kiến cho rằng, chương trình GDPT năm 2018 thiết kế để các trường dạy học 2 buổi/ngày, giờ Bộ GD&ĐT còn "bật đèn xanh" cho dạy thêm, không chỉ ở ngoài mà cả trong trường học. Vậy phải chăng chương trình mới có vấn đề nên giáo viên vẫn phải dạy thêm, học sinh cần học thêm? Theo ông, những băn khoăn này liệu có cơ sở?
PGS.TS Trần Thành Nam: Nếu chúng ta tiếp cận dạy học đặt trọng tâm vào người học thì bên cạnh chương trình chung, học sinh vẫn có nhu cầu và có quyền được học thêm để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hóa, phù hợp với tiềm năng và thiên hướng nghề nghiệp. Và vì thế một chương trình chung, dẫu đã hướng đến giáo dục toàn diện cũng không thể thỏa mãn cho mọi trường hợp, giúp cho những học sinh khó khăn để không bị bỏ lại phía sau, hay giúp cho những học sinh năng khiếu và tài năng được tiếp cận với những chương trình nâng cao đủ tầm kích thích sự tò mò trí tuệ. Vấn đề là làm thế nào để bảo vệ được học sinh trước những kỳ vọng biến con mình thành thiên tài hoặc trở thành nạn nhân của chủ nghĩa thành tích. Làm thế nào để quản lý được chất lượng các khóa dạy thêm để không trùng lắp với mục tiêu và yêu cầu cần đạt mà chương trình giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm để giáo viên không lơ là dạy chính khóa mà chỉ đầu tư vào dạy thêm. Làm thế nào để đảm bảo người dạy có đủ năng lực, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng. Liệu rằng giáo viên trong trường và cơ sở vật chất trong trường có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng và đáng tin cậy hơn so với những chương trình được quảng cáo lang thang trên mạng xã hội hay không?
PV: Mặc dù học thêm trên thực tế xuất phát từ nhu cầu của nhiều học sinh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số nơi, việc dạy thêm, học thêm vẫn đang bị lạm dụng, bị biến tướng. Thậm chí, hiện nay, khi chương trình GDPT mới đang triển khai, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Theo ông nguyên nhân là do đâu và giải pháp cho vấn đề này là gì?
PGS.TS Trần Thành Nam: Thực trạng lạm dụng và biến tướng dạy thêm học thêm không đồng nghĩa với việc chúng ta cản trở quyền được học của người học và quyền được dạy thêm của người dạy. Chúng ta đang hướng đến xây dựng một xã hội học tập, trang bị kỹ năng học tập suốt đời cho người học, khuyến khích từng cá nhân phải tự rà soát lại khoảng cách tri thức và kỹ năng của mình 2-3 năm một lần để cập nhật bản thân, không để cho bản thân bị lỗi thời, bị hết hạn sử dụng trước khi hết tuổi lao động. Vì thế vấn đề là cần nghĩ đến những giải pháp đột phá để giải quyết. Và như tôi đã nói, giải pháp đột phá cho vấn đề này cần phải dựa vào hệ thống công nghệ. Công nghệ sẽ giúp chúng ta phân tích năng lực, phẩm chất của người học, định hướng nghề nghiệp của người học để xác định rõ cần học thêm gì ngoài nội dung đã được dạy trong chương trình GDPT; học với khối lượng thời gian thế nào để không quá tải. Công nghệ sẽ giúp chúng ta đánh giá chất lượng các khóa học, đánh giá phong cách giảng dạy của giáo viên, khuyến nghị lựa chọn những khóa học cụ thể phân loại theo độ khó, những giáo viên cụ thể cho những học sinh với nhu cầu cụ thể để điều chỉnh lộ trình học tập cho phù hợp. Công nghệ cũng sẽ giúp giáo viên, phụ huynh đánh giá được năng lực mới hình thành sau khi tham gia các khóa học, sự tiến bộ của học sinh, tính hiệu quả của từng giáo viên, đảm bảo nội dung, thời gian dạy phù hợp và minh bạch khi chia sẻ với cơ quan quản lý, thậm chí, còn có thể giảm chi phí tối đa cho những người có nhu cầu học thêm.
PV: Hiện có một số ý kiến cho rằng, lạm dụng học thêm sẽ dẫn đến việc thủ tiêu tính sáng tạo và khả năng tự học của học sinh. Để việc học thêm thật sự phát huy hiệu quả, ông có lời khuyên nào đối với phụ huynh học sinh, nhất là trong bối cảnh giáo dục mở như hiện nay?
PGS.TS Trần Thành Nam: Việc học thêm chỉ thực sự có hiệu quả khi nó được thực hiện có mục tiêu cụ thể, vừa sức và không mang tính đe dọa. Làm cho con cái "ngập đầu ngập cổ" với học thêm sẽ làm suy giảm khả năng sáng tạo và tăng cao nỗi sợ hãi với sự học. Tuy nhiên học thêm cũng là cần thiết để phát triển tư duy phản biện và sự sáng tạo của người học nếu việc tổ chức dạy và học thêm xuất phát từ vấn đề thực tiễn (dạy học dựa trên vấn đề) khuyến khích người học tự tìm kiếm, tổng hợp thông tin và giải quyết; (dạy học hợp tác) giao cho học sinh cơ hội tranh biện, thảo luận về cùng một chủ đề trên cơ sở lắng nghe và tôn trọng; dạy học trải nghiệm (học thông qua tham gia vào các hoạt động thực tiễn, các thí nghiệm, các chuyến đi thực tế, kết nối lý thuyết với thực hành, giữa tri thức với cuộc sống).
PV: Ông có cho rằng để chấn chỉnh tình trạng học thêm tràn lan, lạm dụng quá mức việc dạy thêm, học thêm thì việc quy định lại chuyện dạy thêm, học thêm chưa đủ mà quan trọng hơn ngành giáo dục còn phải thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử, nhất là trong bối cảnh chương trình GDPT mới đã và đang được triển khai ở tất cả các khối lớp?
PGS.TS Trần Thành Nam: Phải nói rằng học thêm và dạy thêm bị ảnh hưởng nhiều bởi kết quả kiểm tra, đánh giá. Nếu chúng ta vẫn tiếp cận kiểm tra, đánh giá dựa chủ yếu vào nội dung, đánh giá việc ghi nhớ kiến thức thì nhu cầu học thêm và lạm dụng học thêm vẫn chưa thể dứt điểm vì vấn đề là học sinh học thêm không phải để phát triển tri thức và tư duy phản biện mà chỉ để đảm bảo đạt điểm cao trong các kỳ thi. Nếu vẫn tiếp cận đánh giá theo nội dung thì việc học sẽ ngày càng trở nên quá tải do tri thức của nhân loại đang sản sinh ra hàng ngày theo cấp số mũ và vượt quá khả năng tiếp thu của bất cứ ai. Để thành công trong thế giới tương lai, không chỉ cần tri thức mà còn cần cả những năng lực chuyển đổi, kỹ năng mềm nhưng việc đánh giá hiện nay chưa thể đo được năng lực tư duy phản biện, sự sáng tạo, đam mê học tập hoặc tận tâm cống hiến. Nhưng nếu đánh giá hiện không thể đo được các năng lực này ở người học thì chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy ngày càng có nhiều học sinh xuất sắc vẫn rơi vào thất nghiệp. Có lẽ chính vì điều đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đã nhiều lần khẳng định khâu đột phá của đổi mới giáo dục phải nằm ở chính yếu tố kiểm tra, đánh giá.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!