Vì sao văn bằng của Việt Nam chưa được quốc tế công nhận?

Thứ Hai, 03/04/2017, 09:33
TS. Libing Wang, Giám đốc bộ phận đổi mới giáo dục và phát triển kỹ năng, Ủy ban Giáo dục UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Việt Nam chưa được quốc tế công nhận văn bằng là do chưa tham gia Công ước năm 1983 về công nhận học thuật và văn bằng giáo dục đại học ở Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, gọi tắt là Công ước Tokyo 2011.


Trong khi số lượng văn bằng do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Việt Nam công nhận ngày càng tăng thì ở chiều ngược lại, hầu hết văn bằng do các cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp vẫn chưa được quốc tế công nhận. Đây thực sự là thiệt thòi lớn cho người học khi mà việc chuyển dịch lao động quốc tế giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới đang trở thành một xu hướng chủ đạo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết tháng 10-2016, có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Từ năm 2000 tới tháng 10-2016, có 485 chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài (do nước ngoài cấp bằng) đã và đang thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. 

Con số này chưa bao gồm số lượng các chương trình của một số cơ sở giáo dục nước ngoài đặt chi nhánh tại Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới qua hình thức đào tạo trực tuyến. Điều này cho thấy, số lượng văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam đang tiếp tục tăng mạnh. 

Tổng cộng từ năm 2008-2016, có tới 95% số hồ sơ (trên tổng số khoảng 14.490 hồ sơ) được công nhận. Trong đó, số hồ sơ công nhận văn bằng chủ yếu là từ loại hình du học toàn phần chiếm 60% và liên kết đào tạo chiếm khoảng 34%. Trong liên kết đào tạo thì 63% là toàn phần tại Việt Nam, 37% là bán phần. Các trường có cơ sở, chi nhánh tại Việt Nam chiếm khoảng 4,36% số hồ sơ.

Việc văn bằng đại học của Việt Nam chưa được quốc tế công nhận sẽ là thiệt thòi lớn cho người học khi chuyển dịch lao động. Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân của sự gia tăng đột biến này, ông Vũ Ngọc Hà, chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Do vào năm 2013, các kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng như thông tin từ dư luận về hiện tượng bằng rởm của nước ngoài cấp đã khiến các cơ sở tuyển dụng và tuyển sinh yêu cầu các cá nhân có văn bằng nước ngoài cấp phải công nhận văn bằng theo quy định. 

Tuy vậy, việc công nhận văn bằng của các cá nhân chỉ thuần túy từ yêu cầu của cơ sở tuyển dụng hoặc nhu cầu cá nhân chứ quy định của Bộ GD&ĐT không bắt buộc những người có bằng của nước ngoài cấp phải công nhận văn bằng. 

“Mặc dù việc công nhận văn bằng tương đối dễ chiếm gần 95% song vẫn có khoảng 531 hồ sơ thiếu thông tin và 365 hồ sơ không được công nhận. Nguyên nhân khiến các hồ sơ không được công nhận chủ yếu là do các tổ chức kiểm định giả, trường đại học giả hoặc văn bằng, bảng điểm giả”, ông Hà chia sẻ.

Trong khi số lượng văn bằng của nước ngoài cấp được công nhận ngày càng tăng thì ở chiều ngược lại, hầu hết văn bằng do các cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp hiện vẫn chưa được các quốc gia trong khu vực và trên thế giới công nhận. 

Tại Hội thảo quốc gia về công nhận văn bằng giáo dục đại học do UNESSCO phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức, TS. Libing Wang, Giám đốc bộ phận đổi mới giáo dục và phát triển kỹ năng, Ủy ban Giáo dục UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Việt Nam chưa được quốc tế công nhận văn bằng là do chưa tham gia Công ước năm 1983 về công nhận học thuật và văn bằng giáo dục đại học ở Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, gọi tắt là Công ước Tokyo 2011. 

Theo ông Libing Wang, tham gia Công ước này rất thuận lợi cho các nước đang phát triển bởi họ sẽ có tiếng nói trọng lượng hơn khi văn bằng của họ có giá trị ngang với các nước phát triển. Với trường hợp của Việt Nam, nếu khung trình độ quốc gia được công nhận bởi các nước phát triển hơn thì đó là điều vô cùng thuận lợi. Sự lưu chuyển sinh viên hai chiều sẽ tốt hơn, giúp các quốc gia đang phát triển có khả năng ký kết các hiệp định song phương với các nước phát triển hơn về giáo dục. 

“Nếu tham gia Công ước, tôi nghĩ trước mắt các bạn có nhiều thách thức, nhưng chủ yếu là thách thức về mặt kỹ thuật. Để được công nhận văn bằng đòi hỏi rất nhiều về năng lực chuyên môn, chuẩn đầu ra… Làm thế nào để thực hiện được khung trình độ quốc gia của Việt Nam và làm thế nào khung trình độ quốc gia của Việt Nam tương thích với khung tham chiếu về trình độ của khu vực. Đó chính là thách thức của các bạn”- ông Libing Wang cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng: Nhằm tạo hành lang pháp lý để giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học hội nhập với khu vực và thế giới, trong đó có việc công nhận văn bằng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. 

Cho đến nay Việt Nam đã ban hành các qui định về công nhận văn bằng do các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam dựa trên một số tiêu chí đảm bảo chất lượng. 

Bộ GD&ĐT cũng đã ký kết nghị định thư công nhận tương đương văn bằng với một số nước và đang đàm phán để ký kết văn kiện tương tự với một số quốc gia khác. 

Điều lệ trường đại học cũng cho phép các trường đại học Việt Nam mở rộng hợp tác với các trường đại học thế giới để công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng và công nhận văn bằng lẫn nhau để tạo thuận lợi cho người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Đây chính là những hành lang pháp lý cần thiết để Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu xuất khẩu chương trình giáo dục ra nước ngoài và văn bằng của Việt Nam được quốc tế công nhận.

Huyền Thanh
.
.
.