Chậm trễ ban hành Khung trình độ quốc gia:

Cử nhân sẽ chỉ được nhận lương như lao động phổ thông

Thứ Năm, 24/12/2015, 08:51
Khung trình độ quốc gia - một trong những chìa khóa quan trọng để nguồn nhân lực Việt Nam có thể hội nhập với thế giới nói chung, cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng - vẫn đang trong quá trình “thai nghén”. Sự chậm trễ này khiến nhiều chuyên gia lo ngại, sinh viên Việt Nam ra trường sẽ chịu nhiều thiệt thòi.


Để hội nhập ASEAN và thế giới, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nguồn nhân lực như đổi mới chương trình đào tạo, triển khai đề án Ngoại ngữ đến năm 2020, ban hành Luật Giáo dục đại học... 

Tuy nhiên, khung trình độ quốc gia - một trong những chìa khóa quan trọng để nguồn nhân lực Việt Nam có thể hội nhập với thế giới nói chung, cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng - lại vẫn đang trong quá trình “thai nghén”. Sự chậm trễ này khiến nhiều chuyên gia lo ngại, sinh viên Việt Nam ra trường sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên thế giới đã có gần 130 quốc gia áp dụng Khung trình độ quốc gia. Khung trình độ quốc gia được dựa trên khung tham chiếu các trình độ của các nước trong khu vực và tham khảo các chuẩn chất lượng của quốc tế. 

Ban hành Khung trình độ quốc gia sẽ giúp quyền lợi của người lao động Việt Nam được đảm bảo khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành.

Theo đó, tất cả các ngành nghề sẽ được thể hiện bằng các bậc trình độ từ thấp đến cao nhằm hỗ trợ hợp tác và liên kết giữa các hình thức đào tạo, trao đổi sinh viên giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, hệ thống văn bằng, chứng chỉ nghề nghiệp sẽ được các quốc gia trong khu vực và quốc tế công nhận. Các nước trong khu vực sẽ dễ dàng tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc và Việt Nam cũng có điều kiện đào tạo nhân lực tương thích với trình độ các nước. 

Trong chiến lược phát triển giáo dục và chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020, Chính phủ đã có chủ trương giao Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cùng với Bộ GD&ĐT xây dựng Khung trình độ quốc gia. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự thảo về Khung trình độ quốc gia vẫn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, ở khu vực ASEAN hiện chỉ còn 4 nước chưa ban hành Khung trình độ quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Điều này cho thấy, Việt Nam đang chậm một bước so với các quốc gia trong khu vực, nhất là khi thời điểm hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đang đến rất gần.

Theo dự thảo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Khung trình độ sẽ được xây dựng với 4 nội dung cơ bản: Bậc đào tạo, chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm), khối lượng học tập (tích lũy theo tín chỉ), văn bằng tương ứng. 

Trong đó, hệ thống đào tạo của nước ta sẽ có 8 bậc: Bậc I (10 tín chỉ), bậc II (20 tín chỉ), bậc III (30 tín chỉ), trung cấp (40 tín chỉ), cao đẳng (60 tín chỉ), đại học (120-180 tín chỉ), thạc sĩ (từ 30-60 tín chỉ) và tiến sĩ (90 tín chỉ). Phạm vi xác định chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia gồm 7 tiêu chí: kiến thức lý thuyết, kiến thức thực tế, kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, năng lực tự chủ, trách nhiệm cá nhân... 

TS Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động cho biết: Thực tiễn xây dựng Khung trình độ quốc gia tại các quốc gia trong khu vực ASEAN cho thấy, quá trình này mất rất nhiều thời gian. Đơn cử như Indonesia mất 15 năm, Thái Lan mất 10 năm. Trong khi đó, Việt Nam mới bắt đầu xây dựng từ năm 2012. 

“Chúng ta đã trễ hơn các nước trong khu vực một bước nên cần phải tăng tốc, nhất là khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành”, ông Tuấn đưa ra khuyến cáo.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, việc xây dựng Khung trình độ quốc gia là vấn đề sống còn đối với giáo dục - đào tạo. Do đó, cần phải rõ ràng và có sự cam kết của các thủ lĩnh đầu ngành gồm Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Tài chính. 

Thực tế cho thấy, người sử dụng lao động luôn muốn biết người tốt nghiệp có năng lực nào về kiến thức, kỹ năng, thái độ sắp xếp vị trí phù hợp. Trong khi đó, hệ thống đào tạo của Việt Nam được chia theo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ... nhưng trong thực tế lại không rõ ràng. 

Vì thế, việc có một Khung trình độ quốc gia từ thấp đến cao thể hiện các bậc trình độ là hết sức cần thiết, nhất là khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, các quốc gia sẽ công nhận trình độ của nhau. 

Khi đó, không còn 10 thị trường lao động riêng lẻ mà sẽ là một thị trường lao động lớn. Lao động Việt Nam có thể làm việc tại các quốc gia ASEAN và lao động các nước ASEAN cũng có thể làm việc tại Việt Nam. 

Do đó, nếu được công nhận về trình độ, sinh viên ra trường sẽ không phải chịu thiệt thòi, còn ngược lại, nếu không được công nhận thì lao động có bằng cao đẳng, đại học cũng chỉ được trả lương bằng lao động phổ thông.

Huyền Thanh
.
.
.