Chuyện về những thầy, cô không giáo án giữa đại ngàn Tây Nguyên

Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:48
Không đứng trên bục giảng, không bảng đen phấn trắng, không có một giáo trình chuẩn nào nhưng họ vẫn được kính trọng gọi bằng hai chữ thân thương “thầy cô”. Đó là những người đang gieo mầm thiện ở Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an) đóng trên địa bàn xã Ea Pil, huyện Mđrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Theo nguyên tắc trong các trại giam, phạm nhân phải gọi cán bộ là quản giáo, là “cán bộ” xưng “tôi”, nhưng ở Trại giam Đắk Tân, đa số các phạm nhân đều gọi những quản giáo này bằng “thầy cô”, xưng “em”, “cháu”. Theo Trung úy Trần Ngọc Sơn, cán bộ quản giáo phân trại số 1 - thuộc Trại giam Đắk Tân cho biết, cách gọi này là thể hiện tình cảm chân thành của những phạm nhân ở trại đối với người quản giáo, đồng thời cũng tạo sự gần gũi, xóa đi những mặc cảm.

Còn đối với Đại uý Nguyễn Thị Hiền, cán bộ giáo dục phân trại số 1, người từng có gần 10 năm tuổi nghề gắn bó với trại giam và hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với hàng nghìn phạm nhân, Đại uý Hiền là người đã cảm hóa được không ít phạm nhân. Không giống như những người thầy, người cô trên giảng đường đưa ra những bài học trong sách vở, những người làm công tác giáo dục phạm nhân ngoài việc phải tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo chế độ cho tù nhân, còn phải tiếp xúc, phải hiểu từng phạm nhân, động viên để họ yên tâm cải tạo, cảm hóa để họ nhận thức được sai lầm và hướng thiện.

Một buổi học xóa mù chữ của “thầy” và “trò” ở Trại giam Đắk Tân.

Từng được đào tạo để ra trường làm cô giáo dạy văn, hằng ngày Đại uý Hiền đem những kiến thức truyền dạy cho những phạm nhân đang được giam giữ cải tạo. Lớp học của Hiền không giáo án, không phấn trắng bảng đen, mà ở đó chỉ có những câu chuyện về tình người. Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Hiền cho biết, phạm nhân tại Trại giam Đắk Tân đa số là những người mang nhiều tiền án, tiền sự. Khi vào đến trại, họ đều có thái độ bất cần và “cùn” theo kiểu “đằng nào cũng bị kết án rồi, giam giữ một thời gian là ra tù” nên thường có biểu hiện không chấp hành, thậm chí chống đối cán bộ quản giáo. Nắm bắt được tâm lý đó, những người quản giáo phải có ứng xử thật khéo léo để họ thay đổi thái độ, hợp tác lao động, cải tạo.

Làm “cô”, làm “thầy” ở đây quan trọng là cái tâm, phải làm sao vừa tình cảm, gần gũi, mềm dẻo nhưng cũng vừa cứng rắn để phạm nhân tự ý thức được hành vi của mình mà thay đổi. Những người “thầy”, người “cô” trong trại giam không phải chỉ đứng trước những phạm nhân mà tuyên truyền lý thuyết được, mà phải giáo dục họ từ những cái nhỏ nhất, quan sát họ có biểu hiện sai sót, lệch lạc gì, nắm bắt tâm lý để tác động giúp họ thay đổi...”, Đại uý Hiền tâm sự.

Trong số hơn 1.600 phạm nhân đang thụ án tại trại, có không ít người không biết mặt con chữ như thế nào. Nhiệm vụ của những người thầy trong trại giam vô cùng gian nan bởi lẽ thường tình, nếu vẽ lên một trang giấy trắng thì dễ cảm nhận hơn vẽ lên một trang giấy đã chằng chịt những vết bẩn. “Với các phạm nhân, họ là những đối tượng đặc biệt, có đời sống tâm lý cũng như các đặc điểm nhân cách rất phức tạp, mỗi đối tượng vào trại là một số phận, một tính cách khác nhau. Có trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít đối tượng côn đồ, hung hãn; có người chưa biết chữ, có người không có nghề nghiệp, lại cũng có những cán bộ công chức, thậm chí từng giữ chức vụ quan trọng.

Do vậy, cán bộ quản giáo phải rất linh hoạt trong giáo dục cảm hóa phạm nhân, chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp. Không có một giáo án chung nào cho những “người thầy” đặc biệt như chúng tôi, mỗi phạm nhân phải có một “bài giảng” riêng. Tuy nhiên, có một điều chung là những gì xuất phát từ trái tim yêu thương, chia sẻ đúng cách thì đều đi đến được với trái tim của những người lầm lỗi”, Đại úy Hiền chia sẻ.

Trung úy Trần Trọng Sơn cho rằng, gắn bó với nghề quản giáo, áp lực cũng có, nhưng niềm vui cũng nhiều. “Vui nhất là khi những phạm nhân cải tạo tốt, ra khỏi tù làm ăn lương thiện. Đôi khi niềm vui của những người quản giáo chỉ là những điều nhỏ nhặt, có khi chỉ là ánh mắt thân thiện của phạm nhân, hoặc phạm nhân mình trực tiếp giáo dục đã thay đổi, tiến bộ, hay như đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, có phạm nhân bảo với tôi là sắp đến ngày của “thầy” rồi đấy. Mặc dù mình có làm nghề giáo đâu, nhưng khi thấy họ nói thế thì thấy cũng vui, cảm động và thấy công việc mình đang làm có nhiều ý nghĩa”, Trung úy Sơn cười nói.

Phạm nhân H.T.V. (trú tại TP Buôn Ma Thuột), đang thụ án 8 năm tù về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy” tại phân trại số 1 chia sẻ, trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên V không được đi học. Chính không biết chữ nên nhận thức về pháp luật của V cũng hạn chế. Trong một lần bị đám bạn xấu rủ rê, V đi theo và nhận lời bán ma túy chỉ để kiếm tiền tiêu xài rồi bị bắt, kết án.

Mới đầu khi bị bắt vào tù, em sốc, sợ lắm, nghĩ vào tù sẽ bị nhốt, bị đối xử tệ bạc. Nhưng vào đây mới thấy các “thầy”, các “cô” thực sự rất gần gũi, quan tâm đến em từng bữa ăn, từng cái áo rét, hay chiếc chăn ấm khi những ngày đông mới về. Em ở xa nhà nên hay nhớ nhà, thầy thường xuyên trò chuyện, động viên và dạy cho biết con chữ. Giờ mỗi khi nhớ nhà, em lại viết thư gửi về hỏi thăm, biết được thông tin của gia đình nên mình yên tâm cải tạo tốt”, phạm nhân V nói.

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Giám thị Trại giam Đắk Tân cho biết, mỗi người vào trại là một số phận, một tính cách khác nhau. Có trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít kẻ lưu manh chuyên nghiệp, hung hãn, tàn ác; có người chưa biết chữ nhưng cũng có người là cử nhân, là tiến sỹ, giáo sư; có người không công ăn việc làm, lại cũng có những cán bộ công chức, thậm chí từng giữ những chức vụ quan trọng.

Thái độ của họ cũng khác nhau, có người sợ hãi, có kẻ bất cần, có người tích cực cải tạo nhưng cũng có những kẻ chây ỳ, chống đối. Do vậy, cán bộ quản giáo phải rất linh hoạt trong giáo dục, cải tạo phạm phân, chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp. Người quản giáo phải thực sự tôn trọng phạm nhân, coi phạm nhân là những người thân của mình và quan trọng phải gương mẫu, giữ gìn tư cách đạo đức. Có như vậy công việc giáo dục, cải tạo phạm nhân mới có hiệu quả”, Đại tá Nguyễn Thanh Hải nói.

Cũng theo Giám thị Trại giam Đắk Tân, đối với những người làm công tác giáo dục trong trại giam, để phạm nhân nhận thức được hành vi phạm lỗi của mình, cảm hóa để họ ăn năn hối cải, không tiếp tục vi phạm pháp luật, điều cốt lõi là phải có cái tâm. Bản thân cái tâm của người cán bộ, chiến sỹ trong trại giam đã là bài học để khơi dậy phần thiện trong từng phạm nhân.

Vì vậy, người quản giáo không chỉ phải am hiểu về pháp luật, bản lĩnh, người thầy còn cần phải rèn luyện đạo đức, có lòng vị tha. Khi một phạm nhân ra khỏi trại giam tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, thì đấy chính là cái sản phẩm của người “thầy” trong trại giam”, Đại tá Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

“Hơn 3 năm qua, 100% phạm nhân không biết chữ khi vào Trại giam Đắk Tân đều được cán bộ, chiến sỹ của trại tổ chức dạy văn hóa, xóa mù chữ. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với một số trường học trên địa bàn tổ chức 5 lớp học cho 127 phạm nhân tham gia học tập và cấp chứng chỉ”, Đại tá Nguyễn Thanh Hải thông tin.
Văn Thành
.
.
.