Học sinh được học vượt lớp trong phạm vi cấp học:

Cần quy chế chặt chẽ, khoa học để tránh biến tướng

Thứ Bảy, 16/05/2020, 10:58
Một nội dung thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội trong Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT là cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Một nội dung thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội trong Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT  là  cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung nội dung này vào dự thảo là cần thiết và phù hợp. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được quy chế xét vượt lớp chặt chẽ để tránh tình trạng trẻ “bị chín ép” vì sự ảo tưởng, kỳ vọng quá mức của cha mẹ cũng như nguy cơ nảy sinh hiện tượng “xin-cho” học sinh vượt lớp.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng: Ngày nay, một số học sinh tiểu học có đủ điều kiện và khả năng để học vượt lớp được. Nguyên nhân là do cha mẹ thường giáo dục sớm từ trong thai nhi. Đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ em được học và được dạy hết sức tốt để định hình nên các năng lực. 

Cũng giai đoạn đó, trẻ em tiếp thu được khá tốt về ngôn ngữ, khả năng logic, toán học và các năng khiếu, có trẻ đã tiếp cận được 2 ngôn ngữ cùng một lúc. Do đó, trẻ có khả năng nổi trội, thông minh có thể được học vượt lớp để trẻ có môi trường sáng tạo, lôi cuốn và phát huy năng lực. 

Tuy vậy, PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng lưu ý, phụ huynh không nên chạy theo thành tích, chỉ vì quá kỳ vọng mà "ép quả chín sớm". Việc tạo cơ hội cho con phát triển đúng khả năng là cần thiết nhưng không phải cha mẹ đua nhau để dạy một số môn, cố luyện để con có thể trở thành thần đồng, thiên tài.

Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ sẽ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Ảnh minh họa.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Việc bổ sung nội dung này vào dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học là phù hợp. Trên thực tế, điều này các nước tiên tiến đã thực hiện từ lâu bởi với những học sinh có thể lực tốt, phát triển sớm về trí tuệ không nên bắt các em phải “xếp hàng” lên lớp mà cần tạo điều kiện để được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Tuy vậy, để tránh các biến tướng hay tiêu cực có thể xảy ra, quy chế xét vượt lớp cần được xây dựng chặt chẽ, khoa học, có sự tham gia của Hội đồng chuyên môn.

Còn theo PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vấn đề vượt lớp ở bậc tiểu học có thể thực hiện nhưng cần một quy trình đánh giá chặt chẽ và khách quan. Quy trình càng chính xác bao nhiêu thì càng hạn chế và ngăn chặn được những tiêu cực có thể biến vượt lớp thành phong trào do bệnh thành tích của một bộ phận phụ huynh và các nhà trường. 

“Nên chăng trước mắt có thể triển khai thí điểm vấn đề “vượt lớp” của học sinh tiểu học ở phạm vi nhỏ. Sau khi đã có những đánh giá, nhìn nhận, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp thì hãy triển khai rộng rãi”-PGS Nghiêm Đình Vỳ nêu ý kiến.  

PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: Từ thực tiễn trường chuyên, lớp chọn hiện nay, có thể dự đoán hiện tượng “lạm dụng” để xin-cho học sinh học vượt lớp cũng rất dễ xảy ra. Do vậy, hơn ai hết, phụ huynh cần hiểu rằng để con em mình học sai với năng lực là một điều tệ hại, nó sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của đứa trẻ để không ép trẻ phải “chín sớm”. 

Cũng theo PGS Chu Cẩm Thơ, điều kiện để thực hiện việc xem xét cho học sinh vượt lớp, nhà trường cần phải có bộ phận chuyên môn để đánh giá và tư vấn được “sự vượt trội” của các em. Cùng với đó, nhà trường cũng phải có cơ cấu lớp “trội”. Đội ngũ nhân lực phải có đủ chuyên môn để dạy học phát triển năng lực cho các em chứ không phải “trội theo kiến thức, vượt trước chương trình”…

Huyền Thanh
.
.
.