Từ chuyên án phá sản của Dortmund: Làm giàu không khó…

Thứ Năm, 09/05/2013, 15:46

Champions League năm nay bỗng nhiên trở thành sân chơi của Bundesliga với sự thắng thế vượt trội của Bayern và Dortmund trước 2 gã khổng lồ Barcelona và Real Madrid. Bayern nghiền nát Barca (4-0), Dortmund hủy diệt Real (4-1). Nếu sức mạnh của Bayern có thể hiểu được, thì chiến tích phi thường của Dortmund là hồi kết của một câu chuyện dài đầy rẫy những chi tiết li kì…

Cả châu Âu đã đặt ra câu hỏi: Tại sao Dortmund lại trở nên kỳ vĩ đến thế ở mùa giải này? Một CLB đã đi qua thời kỳ đỉnh cao suốt 16 năm sau chức vô địch Champions League 1997, sao bỗng nhiên trở lại mạnh mẽ, ồn ào và láng coóng? Đó là một câu chuyện kéo dài 6 năm!!!

Dortmund và cạm bẫy chết

CLB Đức hoạt động theo mô hình các tổ chức sở hữu công, dựa theo nguyên tắc 50+1, nhằm ngăn cấm một cá nhân hay đơn vị kinh tế thâu tóm. Những nhà tài phiệt, những tập đoàn tài chính có nguồn tiền vô tận cũng chỉ có thể đứng mà ngó Bundesliga với con mắt thèm thuồng, với những hoạt động chỉ dừng lại ở mức tài trợ chứ không thể sở hữu như ở Anh. Đến một ngày, khi mấy giải đấu láng giềng hốt bạc như đổ nước vào nhà, khi Premiership ăn trắng mặc trơn, La Liga phất lên trông thấy, Serie A vỗ ngực là kẻ mạnh nhất... Bundesliga phải trải qua một cuộc phẫu thuật.

Tháng 10/1998, áp lực từ các CLB khiến Bundesliga buộc phải thay đổi điều luật, đưa ra cho các CLB một "con dao" để họ có thể tự cắt miếng bánh lợi nhuận: Chấp nhận cho các đội bóng làm ăn kiếm tiền, tham gia vào "kinh tế thị trường", tách bộ phận bóng đá riêng thành một doanh nghiệp, và niêm yết cổ phiếu (tại Đức các CLB luôn có nhiều bộ môn như bóng đá, bóng ném, bóng rổ, thậm chí có cả điền kinh...). Kẻ đầu tiên "cầm dao" lao vào thị trường cổ phiếu đầy hiểm nguy là Borussia Dortmund.

Phàm thì những kẻ "đầu têu" trong môi trường kinh doanh mới rất dễ phất, nhưng cũng dễ phá sản vì không có kinh nghiệm đối phó với bao nhiêu bộn bề của những trò mưu mẹo. Thế rồi rất nhanh, Dortmund dính đòn của cái gọi là "nền kinh tế thị trường mới của Bundesliga", bắt đầu cho một câu chuyện đầy chất kịch nghệ… Cổ phiếu của Dortmund luôn là ưu tiên hàng đầu cho những kẻ muốn giàu nhanh. Nhưng ngay trong tuyệt đỉnh danh vọng ấy, Dortmund tự kết liễu thời hoàng kim của mình khi một kế hoạch đầu tư điên rồ được thực hiện mang đậm tư duy của kẻ mới phất: bỏ hơn 100 triệu euro mua hàng loạt ngôi sao như Jan Koller, Thomas Rosicky, Ewerthon... Đào tạo trẻ ư? Chuyện thứ yếu, bởi bỏ tiền đi mua "hàng xịn" ắt phải sang trọng hơn chứ!

Đúng là Dortmund sang trọng thật. Họ thi đấu ở Bundesliga như đi chơi. Đấu ở châu Âu thì chẳng coi Real Madrid hay Man Utd ra gì. Nhưng mang tiền đi mua tham vọng thì "chơi" được chẳng bao lâu, chẳng khác gì mua hoa về cắm vài ngày mà ngắm thay vì cất công đi ra vườn làm anh nông dân...

Hệ quả từ cách "ăn chơi" này là cổ phiếu của Dortmund luôn đứng đầu thị trường, có lúc lên tới 100 euro/cổ phiếu. Thành công sinh ra chủ quan, Dortmund dĩnh bẫy kinh tế vào năm 2004 với một cú đấm thôi sơn. Chủ tịch của Dortmund là Niebaum, một tiến sĩ, luật sư thương mại ấy thế mà mắc lỡm mấy tay mafia, xã hội đen chuyên làm tiền từ chứng khoán cổ phiếu. Ngày 08/10/2004, với khuôn mặt phơi phới niềm tin, Niebaum và GĐ Giám đốc tài chính Michael Meier tuyên bố Dortmund đã nợ một khoản tiền "chỉ" 120 triệu euro. Với họ, trả nợ và thanh toán dễ như lấy tiền trong túi, với kế hoạch phát hành một loạt cổ phiếu mới, trong kinh doanh được gọi là tăng vốn.

Ngay sau khi phát hành cổ phiếu mới, xuất hiện ngay một nhân vật có tên Florian Homm, một chuyên gia tài chính ở Đức, đang làm việc đầu tư ngân hàng và là đồng sáng lập tập đoàn hỗ trợ tài chính Absolute Capital Management. Ông này đứng ra thu mua tất cả cổ phiếu mới, thu về 35% cổ phần Dortmund, nếu tính thành tiền vào khoảng 23 triệu euro. Homm là ai? Đây mới là vấn đề. Florian Homm từng 2 lần bị điều tra ở Đức vì những cáo buộc thao túng thị trường cổ phiếu. Homm vẫn đang mang một vết sẹo do một tên cướp tặng tại Caracas trong kỳ nghỉ vì chống cự, dứt khoát không chịu nộp chiếc đồng hồ Rolex trị giá 150.000 euro.

Cú lừa thế kỷ

Chỉ 3 ngày sau phát hành cổ phiếu và bị mua hết, báo chí cho rằng BLĐ Dortmund đã bị Homm lừa để thâu tóm toàn bộ quyền lực. Tiến sĩ Niebaum đã buộc phải ký một bản tài liệu dày hàng trăm trang được soạn bởi chính Homm, với điều khoản, Chủ tịch Dortmund phải từ chức chậm nhất vào năm 2006, đồng thời cái tên Florian Homm phải có trong danh sách Hội đồng quản trị của đội bóng. Rất nhiều tờ báo tại Đức đã đăng những bài viết về thỏa thuận kinh doanh mù mờ, đầy mánh khóe của Homm.

Có kinh tế yếu tố ngoại vi, những bước đi tiếp theo đương nhiên sẽ có mặt ngân hàng. BLĐ Dortmund bị lôi vào một cuộc đàm phán với công ty đầu tư tài chính Schechter (London) với một thương lượng đáng sợ: vay 100 triệu euro. Bù lại, Dortmund thế chấp toàn bộ thu nhập từ bán vé sân Westfallen trong 12 năm, điều mà chẳng có kẻ dại dột nào làm với thời gian dài đến thế. Mà hài hước ở chỗ, khoản tiền vay được sẽ đầu tư tái thiết SVĐ này phục vụ cho World Cup 2006, một phần để trả bớt khoản nợ 120 triệu euro và để mua ngôi sao mới. Cách vay này giống hệt Schalke đã từng làm, và hiện nay CLB vẫn đang nợ hơn 100 triệu euro. Khi đó, các nhà phân tích tài chính đã vào cuộc, họ tuyên bố Dortmund đang đứng trên bờ vực phá sản với khoản thậm hụt ngân sách khi đó lên đến 65 triệu euro so với doanh thu.

CĐV xăm hình HLV Klopp sau khi Dormund vô địch Bundesliga.

Sự việc lên đỉnh điểm vào năm 2005 khi Dortmund suýt phải tuyên bố phá sản và buộc phải xuống hạng do không đảm bảo tài chính. Giải pháp cuối cùng để Dortmund tự cứu mình là bán tên SVĐ đầy truyền thống Westfallen cho tập đoàn tài chính bản địa Signal Iduna.

Chưa hết, BLĐ cắt giảm 20% lương của tất cả cầu thủ. Khi đó, giá cổ phiếu của Dortmund giảm 80% chỉ còn 11 euro/cổ phiếu. Tình hình nghiêm trọng thế mà không hiểu bằng cách nào, họ có được thông tin đầy hoan hỉ từ Ngân hàng Deutsche với đánh giá rằng tình hình "không quá bi đát", với đội hình Dortmund trị giá 150 triệu euro. Nếu cần, họ chỉ bán vài cầu thủ như Rosicky, Koller, Ewerthon... là giàu trở lại. Nhưng thực tế, ai mua cầu thủ Dortmund với giá hàng chục triệu euro, khi hợp đồng đã sắp mãn hạn? Một câu chuyện nói lên đầy đủ hình ảnh bết bát của Dortmund là việc BLĐ Dortmund tuyên bố xóa bỏ hơn 200 nhân công, cắt toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở khi thi đấu và… họp.

Trong cuộc họp tháng 6/2005, trong hội trường không có một chai nước, không phông màn trang trí. Các quan chức ăn trưa, ăn tối bằng bánh mì kẹp dăm bông với giá 1,5 euro/chiếc, chẳng có cafe, không bia, chỉ có nước tinh khiết! Liên tục trong gần 1 năm sau đó, "cơ chế" cho những cuộc họp của Dortmund liên tiếp diễn ra như vậy, kể cả trong những cuộc thương lượng, đàm phán với đối tác để cứu đội bóng thoát cảnh xuống hạng. Ở thời điểm hấp hối, chính kình địch Bayern đã góp công giải cứu Dortmund, khi cho vay 2,6 triệu euro không thế chấp để Dortmund có đủ tiền đảm bảo tồn tại.

Và màn thoát hiểm ngoạn mục

Ở tận cùng khốn khổ, Dortmund buộc phải thả nổi cổ phiếu, bán SVĐ, thả cầu thủ ra đi, giữa lúc cái tròng đã thắt vào cổ họ. Dortmund suy sụp, trở lại với hệ thống đào tạo trẻ đã vấy bụi thời gian, ẩm mốc và giăng đầy mạng nhện. Với chủ trương siêu tiết kiệm, tăng mượn, hỏi xin, tìm kiếm tài năng trẻ để tích lũy, Dortmund nhích dần. Và bước ngoặt lịch sử đến với họ khi HLV J.Klopp xuất hiện. Một người có tư tưởng cách mạng, dám làm, dám liều và dám thách thức đã thay đổi mục tiêu, phương thức đào tạo, huấn luyện và mô hình đội bóng.

SVĐ Dortmund luôn chất kín trên 80.000 khán giả.

Hàng loạt cầu thủ trẻ được mua về với giá rẻ như Matt Hummels (mua khi 21 tuổi) từ lò đào tạo Bayern, Subotic chỉ có giá 3 triệu euro. Barrios có giá 3,5 triệu euro. Sahin tự đào tạo. Kagawa, ngôi sao sáng nhất của Dortmund thời Klopp cũng có giá 350.000 euro (và nay đã đến Man Utd với giá 25 triệu euro). Grosskreutz, Goetze, Schmelzer... những trụ cột trưởng thành từ lò đào tạo Dortmund được ra mắt khi chưa đầy 23 tuổi, thậm chí Goetze, người sẽ khoác áo Bayern mùa tới (có giá 37 triệu euro) ra mắt và nổi bật khi mới 17 tuổi. Nếu so sánh với Chelsea, đội bóng mà cùng thời điểm năm 2010 đã cắt giảm 13 HLV đội trẻ, những người tìm kiếm tài năng, thì việc Dortmund thành công như vậy là điều đáng tự hào.

Chỉ sau 6 năm, câu chuyện về cuộc khủng hoảng tài chính của Dortmund đã khép lại với 2 chức vô địch Bundesliga liên tiếp (2011, 2012), và giờ là một suất tại bán kết Champions League năm nay nhờ lối chơi rực lửa, đầy cảm xúc và nhiệt huyết.

Dortmund đã tạo ra một bài học đắt giá cho Bundesliga. Họ cũng viết nên một câu chuyện đầy thi vị cho hành trình sống lại của một thực thể tưởng như đã chết, một thân xác kiệt quệ đã chấp nhận bầm dập để thực hiện khát vọng được sống và được tỏa sáng. Và dù Dortmund có vào chung kết, có vô địch hay không thì họ vẫn có thể tự hào với hành trình từ kẻ phá sản trở thành người giàu có, một đội bóng giàu có tình yêu, giàu có khát khao cống hiến và giàu có niềm đam mê…

Với "chuyên án phá sản" này, chính Dortmund cũng đã tự đưa ra một quy luật trong kinh tế bóng đá: tiền không phải lúc nào cũng mua được thành công. Nó càng giá trị hơn trong thời đại kim tiền, trong giai đoạn cả thế giới đang trở nên xộc xệch, lộn xộn vì khủng hoảng tài chính!

5 yếu tố khiến Bundesliga hấp dẫn

1. CĐV: Mọi trận đấu tại Bundesliga đều đông khán giả với tỷ lệ cháy vé lên tới 96%. Trong đó Dortmund là CLB có đông khán giả nhất với trung bình 81.000 người/trận.

2. Bia uống thoải mái: Bundesliga là giải đấu duy nhất ở châu Âu cho phép uống bia trên khán đài. Tuy nhiên cốc bia chỉ là cốc giấy.

3. Giá vé: Giá vé tại Bundesliga thuộc hàng rẻ nhất với trung bình 17,5 euro/vé, chỉ bằng non nửa so với giá vé trung bình tại Premiership.

4. Cầu thủ: Cầu thủ thi đấu tại Đức luôn đề cao ý thức gần gũi CĐV, tuyệt đối không được tạo scandal. Những ai có biểu hiện ngôi sao, gây sốc sẽ bị loại thẳng tay.

5. Số bàn thắng: Trong 10 năm qua Bundesliga luôn dẫn đầu châu Âu về tỷ lệ bàn thắng, với trung bình 2,8 bàn/trận (mùa này là 2,89 bàn/trận).

Lê Giang
.
.
.